Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
TRỐNG ĐỒNG NEWS - THỜI SỰ/KIẾN THỨC CẬP NHẬT/SINH HOẠT GỐC VIỆT KHẮP NƠI

Một Chiều Cuối Năm – Khúc Phim Thời Niên Thiếu Bỗng Dưng Hiện Về… (*)

Hồi Ký BS Võ Đình Hữu

LGT: Chúng tôi vừa nhận được một khúc phim dĩ vãng được viết lên thành chữ, thành lời một cách hết sức là “tượng hình” và chứa đựng đầy tình cảm. Khi tìm hiểu tác giả của đoản văn hồi ký nầy là ai, chắc quý vị cũng như chúng tôi đều không khỏi ngạc nhiên. Đúng vậy, đoạn hồi ký nầy của một người không xa lạ gì với địa phương nầy cũng như đối với cộng đồng Việt California và nước Mỹ: Bs Võ Đình Hữu – một nhân vật dành hầu hết thời gian của đời người để hoạt động chính trị xã hội với một lập trường QG duy nhất cứng rắn không thay đổi; nhưng vẫn có những khoảnh khắc nào đó tận đáy tâm hồn đã sống lại dạt dào những tình cảm, kỹ niệm sâu lắng khó thể nào phai nhạt như muôn ngàn người khác. Mời bạn đọc cùng chia xẻ với ông đoạn hồi ức sau đây. BBT/TĐ

Chiều nay trời mưa cuối năm làm tôi bỗng nhớ lại một thời xứ Huế…

Còn mấy ngày nữa là Tết! Lại một năm trôi qua! Những ngày mới đây trời trở lạnh. Chiều nay đi làm về sớm, ngồi nhìn ra vườn bỗng dưng tôi nhớ lại những ngày còn niên thiếu và hình ảnh của xóm cũ Gia Hội ngày nào hiện lên trong tâm trí…

Cầu Gia Hội: Ảnh: FB Dnga
 

Sau khi đi hết phố đường Trần Hưng Đạo là chợ Đông Ba, đi tiếp qua cầu Gia Hội là ngả rẻ hai con đường: bên phải đường Chi Lăng (Gia Hội) chạy xuống Ngự Viên… và bên trái chạy dọc theo sông Gia Hội là đường Bạch Đằng (Bờ sông Gia Hội) chạy xuống chùa Diệu Đế…

Ngay đầu cầu Gia Hội có một xóm nhỏ đó là Xóm Gia Hội nơi tôi đã sinh trưởng.
Xóm Gia Hội có những gia đình sống từ thế hệ này qua thế hệ khác và xem nhau như bà con.
Đầu xóm từ đường Bạch Đằng lần lượt là tiệm đồ đồng của cậu mợ Bốn – ba mẹ của tôi – sau đổi tên là Đồng Quý: có các anh Võ Đình Hải, Giai, Đắc và các chị Sâm, chị Thu Trâm, chị Lạc và tôi; Nhà chú Tĩnh- chú tôi; Nhà bác Tư Khuê – ông là dượng của vua Bảo Đại là Tứ Đẳng Thị Vệ: có anh Đặng văn Châu, anh Đặng văn Lưu v.v.; Nhà bác Nghè Tương- cũng bán đố đồng: có anh Hồ Bá Lăng v.v.; Nhà bác Cửu Đệ: có anh Hòang văn Liệu, Hòang Đống v.v.; Nhà bác Thị Quy: các anh Nguyễn Đình Quế, Nguyễn Đình Mô v.v.; Nhà bà Chánh : ông Ngự; Nhà bà Tường; Nhà anh Thức: con bà bác của tôi cũng bán đồ đồng; Nhà ông Ngọan: thợ kim hòan; Nhà ông Tham Dự với chị Lan Khuê, Cẩm Cát …; Nhà chú Huyện Diệu: có các anh Trần đình Lộc, chị Ngọc Diệp là má của Thanh Xuân Seafood World.; Nhà bà Ba Mủ: có anh Lê văn Hưng, đạo diễn Lê hòang Hoa; Nhà ông Nghĩa: gốc Chàm – và kế là con hẻm Gia Hội chạy thông qua đường Chi Lăng, phía cuối hẻm là một hãng làm càrem và nước ngọt An Nhơn hình như của gia đình chị Tâm Thường vợ Bs Tùng. Phía bên Chi Lăng thì ít tham dự sinh họat với xóm Gia Hội cùng tôi. Kế nhà là hàng đồ đồng Chú Quan, Phúc Xuân có anh Năm và nhà hàng Quốc Tế ở Phan bội Châu có anh Vấn, Hon, Thương và Phụng Dzìn và Thúy Anh; bên kia Đường Chi Lăng có ông Tỵ bán gạo, ông Ba Chỉnh tiệm xăng và các anh chị, Cang, Thường, Luân, Lý .

Gia Hội – Khu phố cổ tuyệt vời. Ảnh : Tạp Chí Sông Hương
 

Chạy xuống dưới một tí là rạp cine Châu Tinh mà ai ở Huế cũng có lần đi xem.
   Lứa các anh của tôi chơi với bạn bè rất vui và có thời bị đặt tên là Ba De Gia Hội vì đùa nghịch nhưng các anh chị lứa nầy rất thành công. Người thì lên đến Đại Tá sắp Tướng, người thì đi du học và làm việc ở ngọai quốc, người thì công chức cao cấp… Tóm lại: có đủ sĩ, nông, công, thương.
   Sau này các anh chị đi bốn phương nhưng gặp nhau tay bắt mặt mừng từ Saigon cho đến khi qua đến Hoa Kỳ.
  Ở đây nhóm Gia Hội lại tụ họp có anh Võ đình Hải, Võ đình Đắc , Nguyễn đình Quế Nguyễn đình Mô, Hòang văn Liêu, Hòang Đống, chị Ngọc Diệp, chị Lê văn Hưng.
   Khi tôi lớn lên thì các anh chị lớn đã ra đi lập nghiệp khắp mọi nơi, tôi lại vui chơi với các em cháu của các anh chị lớn.
  Xóm ở ngay đầu cầu Gia Hội, phía dưới là Vạn An Hội có những sinh họat về đêm rất nhộn. Có bữa tôi đi chơi khuya về xuống chân cầu có người hỏi: Cậu có đi không? Và khi nhận ra tôi, Ô xin lổi cậu Út nghe…
  Mỗi tối trước hiên nhà tôi là cuộc thảo luận thời sự rất hào hứng gồm có chú Tĩnh, anh Chất, ông Ngự và anh Thức. Họ bàn luận rất hăng say bên tách trà bốc khói.
  Cậu tôi thì không tham dự ông chỉ lo tu hành…
  Xóm Gia Hội là chứng nhân của nhiều biến dộng từ Mùa Hè 1963, xóm bị lựu đạn cay khá nhiều vì gần chùa Diệu Đế. Đến biến động Miền Trung năm 1966 cũng bị rất nhiều lựu đạn cay. Đến Mậu Thân Khu Gia Hội, trường Gia Hội và Đồ Cồn biết bao nhiêu tang thương.
  Khi tôi lớn lên học Quốc Học. Mỗi khi về đến nhà, tôi lên balcony nhìn các cô Đồng Khánh đi học về từ cầu Gia Hội, các cô đi bộ hoặc đạp xe về Bạch Đằng và Gia Hội. Phía bên kia sông các cô hay về đường Hùynh Thúc Kháng hay Hàng Bè.
  Trải qua khắp đó đây trên thế giới không có cảnh đẹp nào bằng khi ngắm các cô Đồng Khánh…

Hình minh họa/Int.

Em tan trường về, trong nắng chiều tà áo trắng tinh khiết, nón lá nghiêng vành, nụ cười e lệ khi bị chiếu tướng … Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung
    Xóm Gia Hội có rất nhiều gánh hàng rong ghé ngang từ buổi sáng đến chiều có bún bò O Diệu, cơm hến, cháo bò Mụ Nghếch, v.v. Họ thường ghé nhà tôi nhờ má tôi mở hàng vì bà vui vẻ dễ tính và họ tin rằng buôn may bán đắt…
   Tuy nhiên cũng có ngày họ bán ế họ lại trở lại. “Hôm nay O Diệu bán không hết bún bò”!, tụi tôi reo mừng vì biết má tôi sẽ mua giúp và tụi tôi được ăn thêm bún bò…
    Ôi người dân Huế sao tôi thương quá, O Diệu rất đẹp đi bán bún bò vẫn mặc áo dài nhưng đi chân đất, chỉ vì sinh trong gia đình nghèo O phải bán bún bò. Ngày nào bán không hết O rất lo, nhưng khi má tôi mua thì O rất mừng… Trời nắng hay mưa O đều đi bán…

Sau 1968 tôi vào Sài Gòn học Y khoa. Khi trở về thăm nhà thì không thấy O nữa! Nghe đâu O lấy chồng là một quân nhân… tôi đã cầu mong cho O được hạnh phúc.
    Kể về Huế thì phải kể về trời mưa bão. Mỗi năm đều có mưa và bão. Và mưa kéo dài ngày này qua ngày nọ đến thúi đất thúi đai. Mưa nhiều quá đưa đến lụt. Nhà tôi ở đầu cầu Gia Hội nên khá cao ít khi nước lụt vô nhà. Đứng trên lan can tôi nhìn thấy rất nhiều nhà bị trôi ngay cả trâu bò.

Hình minh họa/Int.

Nhìn những mái nhà tranh trôi với những người vẫy tay cầu cứu tôi không cầm được nước mắt. Không như ở Mỹ với phương tiện tối tân họ có thể giăng dây hay dùng trực thăng để cứu vớt…
    Mỗi khi trời mưa lụt lội, nhà tôi thường mở cửa để các hàng xóm ở Vạn An Hội lên trú ẩn. Họ rất lo âu vì tuy bản thân an tòan nhưng những thuyền bè có thể bị trôi dạt…
     Ôi quê hương xứ dân gầy…
Trời hành cơn lụt mỗi năm
Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn…
    Xa Huế từ năm 1968 vào Sài Gòn học Y Khoa; lần chót về thăm là tháng 9-1974 Đại Hội Gíao Dục Y Khoa, sau đó tháng 11 với GSYK Hoa Kỳ.
   Qua Hoa Kỳ năm 1975 tôi chưa có dịp về thăm lại Huế, về thăm xóm cũ Gia Hội.

  Trải qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống và đã đi thăm biết bao danh lam thắng cảnh trên thế giới nhưng không nơi nào đẹp và làm lòng tôi rung động cho bằng khi nhớ về xóm cũ Gia Hội và Huế xưa.
   Tôi cầu mong sớm có ngày trở về thăm quê hương một khi đất nước thanh bình và tự do.

                               BS Võ Đình Hữu

(*) Tựa bài của BBT Trống Đồng News

Báo Trống Đồng ấn hành trên Giấy khổ rộng trong gần 3 thập niên qua ở vùng IE, Nam California; chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com
Trống Đồng Books Online @trongdonglife.com – nơi có hàng ngàn tựa sách đủ loại, với nhiều cuốn giá trị, đã không còn trên thị trường sách trong và ngoài nước. Click vào www.trongdonglife.com để tiếp cận hàng ngàn tựa sách đủ loại và hàng trăm loại dược thảo nổi tiếng và thông dụng nhất trên thị trường hiện nay.
trongdonglife garden’s images
trongdonglife garden’s images



Banner