Chúng tôi, bắt đầu từ 2 người, từng mắc nợ “con chữ” cả sáu, bảy chục năm qua! Từ nhỏ đi học, đến khi ra trường đi làm, công việc nào mình chọn cũng cột chặt với những con chữ. Năm 75 đổi đời, xóa bài làm lại, cũng chưa đổi “nghiệp” được. Bỏ dạy ở trường vì lý do xin xuất cảnh qua Mỹ thì trong khi chờ đợi, 1980 lại ra vĩa hè tìm mọi cách tân trang lại những kiosques chủ cũ bỏ hoang để mà viết, mà bán từng tờ báo, cuốn sách, từng con chữ… trong lúc không ai thèm ngó ngàng đến nó.
Thế rồi, đúng là “que sera sera, whatever will be, will be…” – mấy ông chủ mới của đất nước thấy cứ đóng cửa kín mít, khư khư cô lập tối ngày, cứ tụng bác và đảng rồi karl max với mao riết – không chán cũng đói cũng chết – nên bèn… mở cửa. Lúc đầu hi hí rồi dần dần mở toang ra, cho nào là tiểu thuyết Quỳnh Dao, chuyện tàu kiếm hiệp Tam Quốc đủ thứ… được tự do in lại, bán ra thị trường.
Ối chao, sau mấy năm khô hạn món ăn giải trí tinh thần, nay bỗng nhà nước mở lòng bao dung quảng đại cho con dân được đọc tiểu thuyết lãng mạn đồi trụy và chuyện lưu bị tào tháo quá sức là hấp dẫn. Thật là “ơn đảng, tình dân” khó kể sao cho xiết (!). Người ta đổ xô đi mua về đọc. Thế là mấy cái quầy sách báo ế ẩm ruồi bu nay bỗng dưng nhộn nhịp hẵn lên. Nhờ đó, những người còn cố bám “con chữ” để sống qua ngày, giờ cũng được ăn theo.
Lợi dụng cái sự mở một con mắt nhìn đời của các ông bà cán bộ làm chủ các nhà xuất bản, chúng tôi bắt đầu thăm dò thị trường đói sách bằng những hợp đồng công-tư hợp-doanh để có thể in và phát những cuốn chuyện tranh thiếu nhi chuyển dịch từ chuyện nhi đồng lành mạnh nổi tiếng Âu Mỹ, những tạp chí định kỳ ích lợi thiết thực cho gia đình, nâng cao dân trí cho đàn ông, phụ nữ – như: kiến thức trẻ, tuổi ngọc, sổ tay nội trợ, vv… Kết quả thật đáng vui mừng, thứ nào cũng được hưởng ứng mạnh từ thành đến tỉnh.
Cuộc đời không đơn giản. Lại đến thời điểm “xóa bài làm lại” lần thứ hai. Bỏ lại tất cả, hai chúng tôi ra đi lưu vong qua xứ nầy dựng lại cuộc đời vì tương lai con em chúng ta!
Một trong chúng tôi là dân Sử Địa Đại học Sư phạm Sài Gòn thời thầy Tiếu còn dạy địa, cụ Cư còn dạy sử, nên khi nói đến biểu tượng quí báu nhất của cái gốc Việt thì không gì bằng hình ảnh cái Trống Đồng – nhất là trong tình huống lưu lạc tha phương.
Với sự ủng hộ 100% của người số 2 còn lại, Tờ Báo Trống Đồng ra đời ở khu vực Inland Empire, thuộc miền Nam Cali. từ năm 1994; Nhà Sách Trống Đồng ra đời ở một trung tâm quần tụ hàng chục ngàn gia đình người Mỹ gốc Việt thuộc thành phố Pomona vùng Los Angeles năm 1995.
Từ những ngày đó, chúng tôi có một số chị nội trợ bình dân gốc Việt mỗi khi đến nhà sách tìm mua vài tờ báo sale đọc cho đỡ ghiền, cứ vô tư gọi chúng tôi là anh Trống và chị Đồng. Thoạt đầu chúng tôi nghĩ các chị có óc khôi hài; nhưng sau đôi ba lần cùng với những nụ cười vui vẻ không phản đối của chúng tôi, các chị cho là mình đã đoán đúng lý do có cái tên “lạ” nầy!!! Một thực tế nghĩ cũng đáng buồn nhưng càng buồn chúng tôi càng xác định phải nỗ lực và kiên trì làm sao để tờ báo cùng với ý nghĩa của hai chữ Trống Đồng nầy được chú ý tìm hiểu và trở thành quen thuộc với từng gia đình gốc Việt ở quê hương thứ hai nầy. Cùng thời gian đó, chúng tôi cũng phát hành những cuốn Báo Xuân; Đặc san Hè và Kỷ yếu Điện thoại hàng năm tại địa phương; đồng thời cũng xuất bản và phát hành rộng rãi từ Cali. cho đến Texas bộ Kiến Thức Thực Dụng gồm 9 cuốn với nội dung như cẩm nang đời sống thực tế cho người gốc Việt mới định cư trong thời kỳ báo chí Việt loại nầy còn rất hiếm.
Gần đây, theo trào lưu xã hội, thì giờ ngày càng quí hiếm, người ta không di chuyển nhiều nữa, ngồi nhà theo dõi và mua bán mọi thứ online – Trống Đồng News và Bookstore lại một lần nữa phải cập nhật với hình thức kỹ thuật mới: online. Lại một lần nữa, đối với chúng tôi, : Không có gì đơn giản mà chứa đựng nội dung phong phú, sâu sắc, và đầy đủ nói lên giá trị của người gốc Việt hơn hai chữ Trống Đồng. Cũng như một tác giả chuyên nghiên cứu về những vấn đề thuộc khoa học xã hội, ông NDH, cách đây gần 20 năm có viết cuốn sách tựa đề là “Trống Đồng Quốc Bảo VN” – Trống Đồng xứng đáng được xem như là một tên gọi khác của người con dân gốc Việt – Những “anh Trống”, những “chị Đồng” không chỉ ở đây- trên nước Mỹ nầy; mà còn ở khắp nơi trên thế giới – đang nỗ lực để sinh tồn, cố gắng để bắt kịp và thi đua với tinh hoa của các dân tộc khác để làm vẻ vang dân Việt, và thực tế đến nay đã chứng minh rằng họ đang thành công đáng nễ trong cuộc chiến đó.
Những anh trống chị đồng theo chúng tôi, chẳng khác chi những nguyễn văn, lê thị … là những tên gọi điển hình nhất và phổ biến nhất của đại đa số các thanh niên thiếu nữ nam phụ lão ấu gốc Việt tha phương (bên cạnh những dòng tộc rạng danh khác như Phan, Huỳnh, Trương, Đào, Lương, Lý, Trần, Đỗ, Võ, vv…)– tự lúc nào, đã giúp cho đồng bào đồng hương lưu vong khắp thế giới dễ dàng nhận ra, khám phá ra, phát giác ra với tất cả mọi sự ngạc nhiên, vui mừng rằng đó là người đồng hương bản xứ của mình, là một thành viên trong đại bộ phận con cháu bà Âu Cơ, con dân nước Việt – một khi đọc thấy trên on line hay nghe phát âm lên trong bất cứ cơ hội nào!
Do đó, bạn sẽ thấy lại ở đây, tên của trang web chúng ta là Trongdonglife.com – và tất đoán ngay nội dung chứa đựng trong ấy sẽ là tất cả những gì đáng quan tâm, đang xảy ra và ảnh hưởng đến mọi phạm vi trong đời sống của người con dân gốc Việt khắp nơi trên toàn thế giới.
Trân Trọng/trongdonglife.com