Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Gốc Việt Quanh Ta/Nhân Vật và Sự Kiện

Mỹ Lee: 1 Phụ nữ không chỉ giỏi kinh doanh, bộc trực, nói ào ào – mà còn …?

Vùng Pomona và phụ cận, hầu hết đều biết đến “chị” Mỹ Lee; nhất là những di dân gốc Việt bỡi vì đa số sống bằng nghề may, nghề nails, mà nếu ai làm nghề may là thường không xa lạ với nhân vật nầy, bỡi vì chị là chủ nhân của tiệm bán và sửa máy may đồng thời bán vải vóc tơ lụa đủ loại trong vùng nầy.

Tuy nhiên, có một điều là khi nói đến Mỹ Lee thì người ta đều mường tượng một phụ nữ nhỏ gọn, đôi mắt tinh anh, nhanh nhẹn, đối đáp ào ào, thẳng thắn bộc trực, một mình đảm đang coi sóc cả tiệm mua bán, sửa chữa máy may lẫn vườn bán cây ăn trái, hoa kiểng gồm 2 units rộng cả 21.000 sqf kể cả phần trên mặt tiền đường Holt, thành phố Pomona từ suốt hai, ba thập niên qua! Một khối lượng công việc mà có thể dăm, bảy người đàn ông lực lưỡng cũng chưa chắc duy trì được và điều hành để sống còn qua một giai đoạn cả phần ba đời người như thế.

Đó là chuyện bề ngoài, mặt nổi, mà ai cũng nhìn thấy và biết được về “bà” hay “chị” Mỹ Lee ở địa phương chúng ta. Còn nói về “bên trong” hay “nội tâm” của nhân vật nầy: ít ai được nghe chính chị thổ lộ.

Cũng bỡi có chỗ tương đồng: bên nào cũng tha thiết với cuốn sách và cái chữ Việt của dân mình – nên chúng tôi có nhiều cơ hội gặp chị Mỹ Lee. Còn nhớ cách đây cũng đến vài chục năm, khi nhà sách mới mở cửa không bao lâu, Mỹ Lee đã đến để tìm mua tiểu thuyết Quỳnh Dao. Dạo ấy chúng tôi cũng hơi ngạc nhiên vì nghĩ Mỹ Lee là gốc Hoa, hẵn chỉ biết Hoa và Anh ngữ, sao biết đọc sách dịch Quỳnh Dao được?! Thắc mắc vậy thôi chứ ai cũng bận lo trăm ngàn thứ, chẳng ai có thì giờ ngồi lại để tâm sự với nhau.

Mỹ Lee (thứ 2 từ trái) hạnh phúc cùng con gái trong ngày ra trường. (Ảnh album GĐ)

 Thời gian thắm thoát thoi đưa, cũng may Nhà sách Trống Đồng cũng còn mở cửa theo kịp tiệm Mylee Sewing and Fabrics của Mỹ Lee, để giờ nầy khi cơ sở kinh doanh đã vững vàng, việc con cái đã rảnh rang: đứa ra trường lập gia đình, đứa tự nguyện thỉnh thoảng coi tiệm dùm Mẹ để Mẹ có thì giờ rổi rãi sống theo ý thích –“nàng” lại tìm đến tiệm sách báo – và thế là chúng tôi lại có dịp “tái ngộ” để thăm hỏi thêm đôi chút về người phụ nữ mà – thương trường thì có thể nói là đã thành công; nhưng tình trường thì có được phần nào như vậy hay không?! Mời bạn đọc theo dõi những lời tâm tình thật cởi mở, đôi khi “ào ào”như chị tự mô tả mình – dưới đây.

  “Mình tên thật là Quế Hương, quê ở Tây Ninh, ông Ngoại họ Võ, cha họ Nùng, thích đọc tiểu thuyết tình cảm lãng mạn, các truyện Viết về Nước Mỹ, thích du lịch khắp nơi và vòng quanh nước Mỹ, thích tân nhạc, cổ nhạc, và 6 câu vọng cổ, thích tất cả các món ăn Việt Nam…” và…

  Lời đầu tiên Mỹ Lee phát biểu về người đàn bà VN là: Mình thấy phụ nữ Việt mình suốt đời chịu đựng hy sinh vì chồng vì con quá mức. Đôi khi chịu đựng bất công nhục nhã cũng không dám phản kháng vì sợ búa rìu dư luận… Thật quá tội nghiệp!!! Đừng nói gì ai, chính mình hồi trẻ lấy ông chồng là do mai mối chứ có thương yêu gì đâu, thế mà sống với nhau đến 34 năm có 6 mặt con cũng chẳng biết tình yêu thật sự là cái gì. Thế rồi ổng qua đời. Bây giờ Mỹ Lee rất thoải mái. Sống cho mình. Cứ làm chuyện đúng đắn, hợp lý, không sai quấy là không sợ ai chê trách gì mình được, ngẫng đầu lên cao mà đi, không sợ ai cả!.

 Mỹ Lee kể lại “tập 2” của cuốn phim về cuộc đời nàng sau khi ông chồng mất cũng giống như nàng vừa tìm lại được chính bản thân mình và thực sự sống cho nó. Nàng bắt đầu tìm kiếm người bạn thật sự để chia xẻ vui buồn những ngày còn lại trong cuộc đời. Qua mạng Internet có khá nhiều ông muốn làm bạn với nàng. Người thế nầy, người thế khác, mỗi người một hoàn cảnh, một tình huống, – Mỹ Lee nói: Nhiều người được lắm, khiến nàng phải gạn lọc bớt – cuối cùng chọn được một người. Ông nầy da trắng cao to đẹp trai, hai đời vợ và một con nhưng đều đã ly dị và giờ nầy độc thân, công việc làm ăn, lương bổng vững vàng. Thế là hai người làm bạn rất tốt, ngày càng hiểu nhau và khắng khít hơn. Hai người sống hoàn toàn theo kiểu Mỹ: tiền ai nầy giử, dù ai có có bạc triệu cũng không thèm hỏi đến. Mỗi lần đi ăn với nhau cũng vậy. Hôm nay anh trả, ngày mai tôi trả; nên ông ta rất nễ nang mình – không phải như mấy cô bạn gái khác cứ mè nheo đòi dẫn đi Mall muốn mua thứ nầy thứ nọ…

 Phải nói, ít có phụ nữ gốc Việt nào có bản chất phát biểu thẳng thừng, nghĩ đâu nói đó mà lại có óc khôi hài như Mỹ Lee – khiến mỗi khi đối thoại với nhau thế nào cũng phải có những tràng cười vui vẻ vì những ý ẩn nghĩa đen nghĩa bóng trong đó.

Tuy nhiên, cũng có lúc những giọt nước mắt trào ra trên khuôn mặt vẫn trẻ trung nhưng từng trải không ít chông gai cuộc đời. Đó là lúc Mỹ Lee nói về quê hương, thời tuổi thơ, thời còn đi học; nói về cái thời còn sống bên mẹ trong khung cảnh đất nước Việt thật an bình dưới chế độ Tổng thống Diệm, thời vàng son của dân mình, mẹ kể thời ông Diệm đi ngủ không cần đóng cửa vẫn không lo trộm cướp. Mỹ Lee nói:

Có lúc mình nói thẳng với ông bạn Mỹ của mình là ‘anh biết không, tui rất ghét nước Mỹ của anh, vì họ nhúng tay vào mà ông TT Diệm của tôi bị giết’!

Chị nói tiếp:

-Cho nên dù cho ở Mỹ đây mình làm có thành công gì đi nữa, nhưng ai yêu quê hương vẫn muốn sống ở trên chính quê hương của mình hơn.”

Ngạc nhiên trước những biểu lộ tình cảm thật sâu lắng trong tâm hồn của một phụ nữ nhìn bề ngoài ngỡ như chỉ đơn thuần là một người lo kinh doanh không để ý đến chuyện gì khác, chúng tôi không ngại khen ngợi chị:

Mỹ Lee giỏi thật. Thật không ngờ trong cô lại có ‘dân tộc tính’ đậm nét như vậy.

Cùng Dì ruột ở VN. (Ảnh Album GĐ)

 Nhất là khi nói về bên ngoại thân thương nhất của mình, Mỹ Lee kể:

Ông ngoại họ Võ, bà Ngoại họ Nguyễn. Ngoại sanh được 12 người con, thì 5 người con trai đều đi lính, chết trận hết. Còn lại những người con gái thì hiện nay chỉ có 3 bà dì còn sống với độ tuổi xấp xỉ gần 60 như Mỹ Lee. Mỗi lần về thăm quê, dì cháu gặp nhau mừng vui lắm. Nói thật, chỉ cần ăn trái chuối sứ của quê mình cũng còn ngon hơn ăn cao lương mỹ vị gì ở bất cứ nơi nào khác. Nhất là được ăn món canh mướp của dì Mỹ Lee nấu!

  Vừa nói những câu trên, Mỹ Lee vừa lấy tay quệt những giọt nước mắt ứa ra trên má.

 Thấy câu chuyện gợi nhiều xúc cảm, nên để tránh chuyện buồn, chúng tôi đổi đề tài:

Ngoài Mylee Sewing and Fabrics và Vườn Cây Nursery, Mỹ Lee còn kinh doanh thêm gì khác không?

 Mỹ Lee liền cười vui, pha trò ngay:

Ai cũng không phải chuyện gì cũng khôn, người nào cũng có cái dại. Mỹ Lee cũng dại nhiều lần lắm lắm!

Chuyện gì vậy?

Đem tiền đi đầu tư đất. Mỹ Lee mua đất nhiều nơi như ở Elsinore, Lake Perris, Palmdale… mất hết tiền luôn!!!

Vừa nói chị vừa cười ha ha vui vẻ. Chúng tôi hỏi:

Nhưng bây giờ nhà đất gì cũng có giá mà Mỹ Lee còn đến 2 units kéo dài ngoài đường Holt làm gì cho hết?

-Dà, nhưng Mỹ Lee vẫn muốn để có việc gì mình làm chừng chừng cho vui. Chứ bán hết rồi ôm tiền làm gì?

   Dĩ nhiên, ai cũng đồng ý với chị. Bỡi vì bây giờ Mỹ Lee đang có đủ hết. Con cái xong rồi, tiền bạc, niềm vui và hạnh phúc với người bạn trai tâm đầu ý hiệp – người mà theo lời Mỹ Lee, nhiều lần đề nghị xin cưới để được sống thêm 34 năm nữa với chị, nhưng chị còn đang cân nhắc – Thì, chỉ cần có một công việc làm cho vui, đâu cần giữ thêm tiền làm gì nữa.

   Thành thật chúc mừng Mỹ Lee Nùng Quế Hương – người con gái VN da vàng, trọn đời yêu chỉ một quê hương đất Việt.

                                                      Bài và Ảnh: Trùng Dương/Trống Đồng News

Banner