Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Gốc Việt Quanh Ta/Nhân Vật và Sự Kiện

Địa Phương: Người & Việc Ông Lê Đình Phúc và Những việc làm nhỏ, ý nghĩa lớn

Ông Lê Đình Phúc – một cư dân rất bình thường của thành phố Ontario, nhưng rất đáng mến phục đối với những người bạn trẻ cùng sở làm mà ông hàng ngày gặp gỡ, cũng như những người chung quanh khu xóm mà ông đang cư ngụ.

Ông Phúc – cựu sĩ quan Võ Bị Quốc Gia khóa 24 – đến Mỹ năm 1996, rất trân trọng cuộc sống bình thường, những con người bình thường, cũng như những công việc bình thường chung quanh mình. Một câu mà ông tâm đắc và thường nói, là: “Nước Mỹ vĩ đại trong trái tim mọi người, đó là nhờ những việc rất nhỏ, chứ không phải những chuyện kinh thiên động địa, chinh đông phạt tây! Nhỏ nhưng là cả một tấm lòng, một sự quan tâm đến người khác, đến cộng đồng xã hội, không sống ích kỷ, chỉ biết có lợi ích riêng mình…” Ông lấy ví dụ rất đơn giản như một cặp vợ chồng già về hưu buổi sáng đi bộ mang theo chiếc túi nylon thỉnh thoảng nhặt rác để làm sạch đường phố; một cậu bé dắt chó đi dạo trong công viên thủ sẵn cái bọc để đề phòng cần dọn dẹp nếu chú chó con của mình có thể làm ô uế công viên. Ngoài đường hiếm khi nghe tiếng còi, ngã tư stop 4 chiều nhường nhau đi thật lịch sự. Những nơi đông đúc dù người xếp hàng dài bao nhiêu cũng không có cảnh chen lấn, giành chỗ. Chỗ công cộng, người già yếu, tàn tật được mọi điều ưu tiên, chưa kể là những kẻ không may nầy được chính quyền nuôi nấng và cung cấp mọi tiện nghi, thuê mướn người giúp việc cho họ đến trọn đời…vv… và vv…

  Chúng tôi thường có cơ hội gặp ông Phúc ở cửa hàng sách báo và băng nhạc mỗi vài tuần, và thường nghe những người đồng sự ở sở làm với ông nói nhiều điều tốt đẹp về ông. Nên vừa rồi nhân dịp 30 tháng 4, ông đến cửa hàng để mua một cuốn DVD “Những đứa con vong quốc” do TT Asia phát hành, chúng tôi có dịp trò chuyện vài phút với ông.

TĐ: Anh sống sao mà lớp trẻ mến phục lắm đó nhe!

LĐP: Mình được may mắn làm công dân ở đây, cũng nên học ở họ ít nhiều. Đối với tôi, rất đơn giản, toàn những chuyện nhỏ. Chẳng hạn, với hàng xóm, ngoài việc chào hỏi thông thường, khi thấy thùng rác họ ngã đổ vương vãi, mình sẵn tay dọn dẹp dùm; có khi hộp thư của mình lâu năm trầy tróc, của họ cũng vậy; mình đã ra tay sơn lại của mình thì cũng chẳng khó nhọc gì mà không làm luôn cho họ. Những ngày quốc lễ, không đợi ai nhắc, không chờ hàng xóm làm trước, tôi luôn trang trọng giương lá quốc kỳ trước nhà. Những chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Hàng xóm coi vậy chứ họ sẽ để ý xem anh láng giềng ăn ở đàng hoàng dễ mến của mình gốc dân nước nào đây! Nơi sở làm có những anh bạn trẻ thường vô ý không ngăn nắp hoặc làm rơi vải rác rến, tôi nhắc nhở họ ngay, để những người khác kiêng nễ dân gốc Việt mình. Chuyện nhỏ nhưng nếu không để ý, người ta coi thường cả tộc Việt luôn! Còn mấy anh em, mấy cháu trẻ nào mới vào nghề, tay nghề còn yếu, chưa rành việc, tôi thường hướng dẫn giúp, hoặc gởi gắm một tiếng với văn phòng hoặc cấp trên để họ quan tâm giúp đỡ, vv… tôi xem đó là những việc rất nhỏ, rất bình thường nhưng đổi lại là một giá trị rất lớn; đó là niềm vui, sự an tâm tin tưởng, thân thiên quý mến giữa bạn cùng sở với nhau; đồng thời, quan trọng hơn nữa là sự tin tưởng của xếp, của chủ hãng… đối với những công nhân gốc Việt.

TĐ: Đúng, chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa lớn, tôi đồng ý. Nhưng anh không phải hoàn toàn thích làm chuyện nhỏ. Trước đây, là một sĩ quan chuyên nghiệp trong quân đội VNCH, anh gánh vận nước trên vai, chuyện không nhỏ chút nào?!

LĐP (cười, nói vui): Lớp tuổi của tôi, tú tài đôi hạng Bình Thứ không phải là dễ đối với thời ấy. Ai từng đi học lúc ấy đều biết, nhưng tôi đã không chọn tiếp tục con đường khoa cử, mà chọn binh nghiệp. Đúng là chọn việc lớn, làm nghĩa vụ công dân ! Tôi kể lại vài chi tiết mà tôi còn nhớ rất rõ về tình cảnh đất nước lúc đó cho chị hình dung được thế nào là quá trình rèn luyện tâm trạng và ý chí của sinh viên võ bị chúng tôi hồi đó. Nguyên khóa 24 VB Đà Lạt thì số sinh viên được tuyển vào đến hai trăm mấy chục người, nhưng khi kết quả thi cuối năm thứ nhất, có đến 60, 70 người rớt điểm văn hóa phải chuyển qua học Thủ Đức, thì lúc đó số còn lại mới giật mình thấy phải cẩn trọng hơn với trọng tâm “văn võ song toàn” của nhà trường. Tôi còn nhớ trước bữa cơm, ngày nào cũng đứng yên nghe báo cáo, ‘hôm nay trung đoàn sinh viên sĩ quan nhận được tin buồn, sinh viên sĩ quan khóa 21, 22, … gì đó, đã tử trận tại chiến trường nào đó, trung đoàn sinh viên hãy dành 1 phút để tưởng niệm người quá cố”!!!.  Ngày nào nơi chiến trường sôi động cũng có tin về, nhằm gợi nhớ cho mình những khóa đàn anh đã hy sinh anh dũng như vậy, để chuẩn bị sẵn tinh thần về những gian nan nguy hiểm, và cả những sự hy sinh cho tổ quốc khi cần thiết, như đó là những hành trang nhất định của họ khi mãn khóa ra trường, không cần phải cân nhắc, lưỡng lự gì nữa! Nhất là những sinh viên thủ khoa rất thường dễ chết sớm, vì thủ khoa thường chọn những binh chủng thiện chiến nhất như nhảy dù, vv …

  Ngừng một phút, anh Phúc thở dài nói tiếp (giọng trầm buồn):

-“Nhưng một quân đội dũng cảm đã không quyết định được số phận của đất nước họ. Thân phận của một nước nhược tiểu như một con cờ trong một ván cờ, mà những thế lực chi phối bàn cờ quốc tế mới chính là nơi đã quyết định giữ lại hay thí bỏ một khu vực nào đó. Mình không thể thoát khỏi sự định đoạt đó. Chuyện lớn như giấc mộng không thành. Tuổi trẻ cũng qua rồi, đại nghĩa đành trao lại cho thế hệ tiếp nối. Rồi lịch sử sẽ lặp lại. Giờ đây mình tìm vui với hạnh phúc mới của những chuyện nhỏ mà giá trị lớn. Đó là bài học mà tôi học được từ đất nước đã cưu mang hàng triệu đồng bào mình đi tỵ nạn CS. Đó là những việc làm thật bình thường mà tôi đã chứng kiến những người công dân xứ nầy đã làm và chỉ mong mình học được một phần của họ! Ngoài những chuyện lặt vặt thông thường kể trên, còn vô số chuyện nhỏ mà họ đã làm hàng ngày như cơm bữa không cần ai phải vinh danh, như… dừng lại giữa đêm khuya trên xa lộ để cứu giúp một chiếc xe lâm nạn, gọi 911 để chở một ai đó già yếu, đột quỵ… đi cấp cứu, đuổi theo ghi số xe của một vụ “hit and run”, làm nhân chứng (witness) cho một vụ tai nạn trước quan tòa hay cảnh sát, vv… những chuyện rất nhỏ nhưng làm nên sự vĩ đại của nước Mỹ trong trái tim của người toàn thế giới khiến ai cũng muốn làm công dân xứ nầy.”

TĐ: Cám ơn sự chia xẻ rất chân tình của anh và cũng cám ơn một sự gợi ý rất hay về một chủ đề cần chú ý và suy nghĩ cho hầu hết chúng ta là, có những “việc tuy nhỏ nhưng giá trị không nhỏ”!

     Viết về quan điểm của anh Phúc, tự nhiên chúng tôi liên tưởng đến hiện trạng xã hội VN hiện nay. Những người mới thăm lại quê nhà trong thời gian gần đây thường mô tả ở những thành phố có đông người Trung Quốc sang du hí như Đà Nẵng, Vũng Tàu, Phú Quốc, vv… ở đâu có những toán người Hoa đến từ lục địa là ở đó có ồn ào, náo nhiệt, xã rác bất cứ đâu, ăn to nói lớn và chen lấn, cãi nhau, giành chỗ… giữa đám đông; không ra thể thống gì hết, và những người Việt thấp cổ bé họng của mình thường “né” đi chỗ khác! Thật ra, văn hóa nghìn năm của Đông phương lịch sự, khiêm nhường nào kém chi Tây phương, chưa nói – còn sâu sắc, tế nhị hơn nữa là khác. Thế mà chỉ qua mấy chục năm “văn hóa xã hội chủ nghĩa” đã sản xuất ra những phong cách lạ lẫm đến vậy. Phải chăng cùng một con người nhưng chịu tác động bởi hai ý thức hệ xung khắc, phong thái hành xử cùng với cách suy nghĩ của họ sẽ khác biệt như hai thái cực! 

                              Trùng Dương/Trống Đồng News

Banner