Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Ăn Tết đâu buồn, đâu vui?!

  Mỗi Kỳ Một Chuyện

Lại một mùa Xuân nữa đến với người Việt tha hương!!! Dù có bao nhiêu dấu chấm than đi nữa cũng không đủ làm vơi hết nỗi buồn của những người phải bỏ nước ra đi năm 75 và trong suốt vài thập niên sau đó. Chỉ có chừng mươi năm trở lại đây thì người đi định cư ở Mỹ không còn cái tâm trạng đó và cũng có khi nếu phân tích cho kỹ thì mọi khía cạnh đều ngược lại giữa “người thời nay” đi Mỹ và “người thời xưa” đi Mỹ. Người xưa đi trong tâm trạng kinh hoàng, bỏ cửa bỏ nhà, bỏ công ăn việc làm, có khi đang hái ra tiền rừng bạc biển, cũng nhất quyết liều chết không ở lại – dù biết rằng cá mập hay hùm beo chờ phía trước; và, chẳng biết nước Mỹ đầu cua tai nheo ra sao, đến đó chân ướt chân ráo rồi lấy chi ăn hay nuôi gia đình, cũng thây kệ – miễn sao chạy thoát cộng sản là được! Và từ đó đến nay, lập trường của đa số họ là dứt khoát không sống với chế độ đó, dù cho có cơ hội trở về cố quốc làm ăn kiếm bạc tỉ dễ dàng vẫn không đoái hoài. “Người thời nay” đi Mỹ thì ngược lại, không kinh hoàng mà mừng rỡ vì chờ đợi từng ngày, tìm mọi phương cách đút lót chỗ nầy, chạy chọt chỗ nọ, làm gian làm giả đủ thứ miễn sao qua được đến bên nầy thì thôi. Và rồi thì họ sẽ cho con cháu đi học trường Mỹ thỏa thích với thiên hạ, còn cha mẹ thì đi qua đi lại như đi chợ, khai thác mọi cơ hội để tẩu tán tài sản vơ vét được bên nhà, hoặc buôn bán, đổi chác kiếm thêm lợi lạc, vv… Tâm trạng và tình huống của người xưa đi Mỹ và người nay đi Mỹ đúng là khác biệt như trắng với đen, và cũng đúng như tên gọi của hai diện bỏ xứ ra đi: ngày xưa là ‘tỵ nạn”; ngày nay là ‘định cư” thì làm sao không khác nhau được!

  Tuy nhiên, có một điểm chung mà mọi người dân Âu lạc cùng một dòng máu Việt dù người xưa hay người nay không thể khác nhau được. Đó là ai cũng có bà con thân tộc, cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, cô dì, chú bác, bên nội bên ngoại còn sót lại bên nhà. Làm sao bỏ ngơ cho được. Đã đi qua xứ nầy, nghĩ thương bà con còn ở lại nghèo khó; ai cũng cắm đầu ra sức lao động trần ai, tom góp từng đồng gửi về cố quốc trợ giúp bà con, hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Ai cũng vậy. Anh có thể cấm tôi ăn sang mặc đẹp, hạn chế tôi di chuyển, giao dịch; có thể tẩy não, tuyên truyền, vv… nhưng không ai có thể buộc tôi phải dứt tình ruột thịt máu mủ, cấm cảm tôi nuôi cha, nuôi mẹ, nuôi con cháu… trong cảnh đói nghèo cơ cực; giúp anh, giúp chị trong cảnh bệnh tật không thuốc thang, vv…

  Và, ta rất dễ thấy chẳng bao lâu sau ngày chia cắt 1975, nhà cầm quyền “vô sản” nhận ra ngay được mối lợi “kếch sù” đó và đã phong ngay cho dân di tản một biệt danh cảm động đến chảy nước mắt: “Khúc ruột ngàn dặm” của đất nước, và nhanh chóng lập ra những “hội” chăm lo, đặc trách vấn đề Việt Kiều để thực hiện chiến lược, chiến thuật “Việt Kiều vận” dưới đủ mọi hình thức. Và, chính những người xưa đã ra đi, nay cũng phải công nhận là quốc sách “Việt Kiều vận” từ trong nước đang ngày càng đắc lợi rất… “khủng” (???!!!). “Dân ta” từ mươi năm gần đây muốn đi Mỹ đã không còn cần phải trốn chui trốn nhủi trong bụi rậm chờ đêm tối, hay bị bộ đội biên phòng rình rập bắt nhốt làm mồi cho muỗi đốt nữa – mà ngày nay muốn đi Mỹ đều được xét rộng rãi dưới muôn hình vạn trạng kiểu cách, đủ loại “diện”; chỉ cốt sao cho phía Mỹ chấp thuận là chính quyền “vô sản” lại có thêm một cái máy in tiền cộng vào cái hệ thống gửi tiền hàng tháng từ hàng triệu “con dân” Việt khắp thế giới nộp về cho họ nữa!

  Theo báo cáo chính thức vừa công bố từ Ngân Hàng Thế Giới (World Bank: WB) thì năm 2015 đã thấy con số kiều hối gửi về là $12.25 tỉ đô (tăng thêm $250 triệu so với năm 2014), đứng thứ 11 thế giới và đứng thứ 3 ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương sau Trung Quốc – (nước có hàng tỉ dân /63,9 tỉ) và Philippines (30 tỉ) về lượng kiều hối nhận được từ con dân lưu vong ở nước ngoài gửi về. Theo số liệu của Bộ Ngoại Giao trong nước thì từ 1993-2014, nhà nước nhận tổng cộng cả trăm tỉ (96,66 tỉ đô la) kiều hối do nước ngoài gửi về, chiếm 6,8% tổng sản lượng (GDP) trong giai đoạn nầy. Còn năm 2017 thì mắc chứng gì không biết mà cho đến tháng giêng năm 2018 vẫn chưa thấy công bố số lượng kiều hối gửi về khiến có nhiều dư luận đồn đoán có sự tăng giảm bất thường như thế nào đó?!

 Tuy nhiên, những số liệu kể trên chỉ là con số đồng đô-la gửi về qua con đường chính thức, chưa kể trăm ngàn cách khác, và số tiền mặt và quà cáp do “Việt kiều về thăm quê hương” mang về ồ ạt mỗi ngày qua các chuyến bay đổ xuống phi trường Tân Sơn Nhất và các phi trường quốc tế mới như Đà Nẵng, Nội Bài… mỗi nơi nầy đều đón hàng chục triệu hành khách mỗi năm. Mỗi “Khúc ruột ngàn dặm” nầy khi đặt chân về quê nhà ai cũng mang theo trong người: ít cũng năm ba ngàn đô la, nhiều có đến chục ngàn trở lên. Khi về ai cũng vui mừng tái ngộ bà con với những món quà trao tay nào thuốc tây thuốc ta, quần áo, quà bánh, ngay cả tiền mặt năm chục, một trăm… mỗi người tùy theo túi tiền mang theo có dồi dào không và số bà con nhiều hay ít. Còn dư bao nhiêu Việt kiều ta lại tiếp tục rải tiếp để “kích thích kinh tế” quốc nội theo chương trình du lịch nơi nầy nơi nọ để vừa rửa mắt vừa chiêu đải thân nhân bà con một chuyến cho bỏ công bay về từ ngàn dặm. Thế là khi lên máy bay trở về thì những “Khúc ruột ngàn dặm” nầy không ai còn đồng xu nào dính túi! Không sao, còn người còn của. Ta về tiếp tục làm thân trâu cày để sáu tháng, một năm, hay vài năm sau lại tom góp chắt chiu dăm ba ngàn về thăm chuyến nữa; quê hương là chùm khế ngọt mà!

  Nói chung, chẳng có con số thống kê nào cho thấy được trọn vẹn cái số tiền mà nhà nước tự nhận là “vô sản” nầy được hưởng không cần hoàn lại và từ “trên trời rơi xuống” như vậy là bao nhiêu tỉ tỉ hết! Quan chức ăn ngập đầu cũng tràn ra đến dân đen. Bởi thế, nhiều người nhanh chân lẹ tay hay giỏi tính toán, tháo vát hơn người một chút là cũng đã có nhiều cơ hội ăn theo, làm giàu theo quá sức!. Bởi thế, người ta không lạ gì khi nghe nói về VN ngày nay thì có hàng trăm câu chuyện kể rằng VN bây giờ giàu có không thể tưởng tượng, chẳng hạn, quan giàu thì theo như báo Trẻ Magazine của Ông Kỳ Phát kể: đám ca sĩ như Quang Lê, Lệ Quyên, Thanh Hà, … hát giúp vui 1 đám cưới nhận thù lao từ 300.000 đến 400.000 đô la! Hỏi, ai mà có tiền trả nổi? Đáp, thì mấy tay đại gia chơi nổi chứ ai!?Hoặc, như một bà ở vùng Ontario kể: “Tôi có người bà con chỉ là làm nước tương chay thôi thế mà bây giờ xây nhà bốn năm tầng cho Bank of America thuê!” Hoặc, một cậu chạy bàn cho tiệm phở trong vùng khoe: “Cháu có ông chú mới bán căn nhà xoàng xoàng ở Sài Gòn đến 12 tỉ, tính ra hơn nửa triệu đô!” Hoặc, một người khác nói: “Tui có ông anh mới gửi tiền mặt qua Mỹ mua căn nhà cả triệu đô!”, vv… và vv… Nghe thế, dĩ nhiên khi bạn gặp những người hay ki cóp gửi tiền về VN, bạn sẽ khuyên: “Nầy, tôi nghe nói VN bây giờ giàu lắm. Mình ở đây làm cực thí mồ không lo giữ để phòng hao, gửi hoài mà làm chi?” Tuy nhiên, bảo đảm bạn sẽ nghe được một câu trả lời đại để như sau: “No, người ta nói dzậy chứ ai giàu đâu không thấy, riêng bà con tui vẫn túng thiếu, tội nghiệp lắm, không gửi sao được!

Quả là dân thì trăm người ngàn cảnh, và khó ai nhìn thấy được cái toàn cảnh. Chẳng khác gì chuyện người mù sờ voi. Con voi quá to lớn, người mù mò trúng cái đuôi bèn tả con voi giống cái chổi; người khác sờ được cái lỗ tai, tả con voi giống cái quạt! Hỏi hơn 90 triệu dân có mấy người nhìn thấy được cái chế độ vẫn còn tự nhận “vô sản”nầy từ đầu đến đuôi?!

  Nhất là mấy hôm nay, vũ trụ vào Xuân, lũ lượt từng đoàn “Khúc ruột ngàn dặm” tom góp thuốc men, quần áo, quà cáp, tiền mặt… vừa gửi trước cho các cửa hàng chuyển tiền về VN vừa mang theo lên phi trường để… về quê ăn tết! Họ nói: Tết ở đây buồn chết, có gì vui đâu?! Có người ở đây không đồng ý, trả lời ngay: “Wow, xuống quận Cam thử! Mùng 1, mùng 2, mùng 3, đều có đủ sinh hoạt vui Xuân như Hội Chợ Xuân, Chợ Hoa Xuân, Diễn Hành Tết, Thi áo dài, Nấu bánh chưng, Triển lãm tranh, ảnh, bonsai, vv… đủ thứ hết. Chưa nói là từ các tiểu bang, người Việt mình kéo về đây, đông vui lắm! Tui có ông bạn quen, về VN nhằm mấy ngày tết, ổng nói buồn hết biết, bởi vì đường phố vắng tanh, ai nấy ở trong nhà, lại bị cấm đốt pháo nữa chứ! Còn ở Little Sài Gòn, ngày tết bà con đổ ra đường đi chơi, cờ Việt phất phới trên những con đường có tên Việt… đặc biệt lại có thành phố cho phép đốt pháo vào một số giờ giấc nhất định để thêm ra vẻ Tết cho dân mình, vui ơi là vui!”

   Nói tóm, tùy tâm trạng, tùy nhận thức, tùy hoàn cảnh, chẳng thể tranh cãi chuyện ăn Tết đâu buồn, đâu vui được. Thảo nào ông Nguyễn Du, đại thi hào sinh thời cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19 từng thấu rõ mối quan hệ mật thiết giữa sự nhận thức và tâm trạng, nên thi sĩ đã viết nên một câu thơ biểu hiện tâm lý chính xác đến muôn đời sau: Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?!

                                                                 Phó Thường Dân/Trống Đồng

Banner