Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Ký Sự Du Lịch - Ẩm Thực Muôn Màu

Cảnh Hay – Vật Lạ Quanh Ta: Thăm Viện Bảo Tàng Vật Lý & Thiên Văn “Griffith Observatory” ở Los Angeles

Lựa chọn một địa điểm hấp dẫn để đến xem nếu địa điểm ấy vừa có cảnh trí lạ, đẹp, đáng xem  – mà lại còn giúp cho ta thêm tiếp cận và hiểu biết về một lãnh vực nào đó, như thiên văn chẳng hạn – thì lại càng xứng đáng bỏ thì giờ và công sức hơn. Chúng tôi muốn giới thiệu với quí vị kỳ nầy một địa chỉ mà hàng triệu người đã ghé qua rồi, và ai cũng không chỉ hài lòng mà còn khen ngợi và còn muốn trở lại hoặc giới thiệu nhiều người khác đến thăm viếng nữa. Đó là Viện Bảo Tàng Thiên Văn Vật Lý có tên The Griffith Observatory trong vùng Los Angeles.

Drs. Chi-Bảo và An Phong L. Nguyễn cùng phụ thân thăm Griffith Observatory hôm 17 tháng 10 vừa qua. Hậu cảnh là Downtown Los Angeles rực ánh đèn màu về đêm. (Ảnh TĐ News)

The Griffith Observatory là một cơ sở ở không xa chúng ta, ngay quận Los Angeles, Nam California – tọa lạc tại 2800 East Observatory Road,Los Angeles, trên sườn dốc hướng về phía nam của ngọn núi Hollywood trong khu vực công viên Los Angeles’ Griffith (Park). Tầm nhìn của nó bao gồm cả thung lủng Los Angeles, kể cả các vùng Downtown Los Angeles ở phía đông nam, Hollywood về phía nam, và vùng biển Thái Bình Dương về phía tây nam. Đài Thiên Văn và Bảo Tàng nầy là một nơi hấp dẫn du khách rất nổi tiếng với nhiều lý do và là một vị trí gần nhất để có thể nhìn thấy dấu hiệu HOLLYWOOD SIGN- một công trình có tính cách lịch sử của địa phương nầy đã từng được lập nên gần trăm năm qua; cùng với một khoảng không gian rộng lớn mà trong đó có sự tái lập cách vận hành của vũ trụ qua sự trưng bày những hình ảnh và biểu tượng liên quan đến khoa học và không gian.

  Công trình vĩ đại là thế, nhưng rất đặc biệt là đài thiên văn viễn vọng nầy không hề thu vé vào cửa kể từ khi mở ra cho công chúng trong năm 1935 theo đúng nguyện vọng của ông Griffith J. Griffith – người đã cống hiến vùng đất nầy, và cũng là người mà đài thiên văn và viện bảo tàng nầy đã được mang tên.

 Từ năm đầu mở cửa Griffith đến nay đã có hơn 7 triệu người đặt mắt vào ống nhòm có tên Zeiss nổi tiếng của thế giới vì nó đã phục vụ công chúng đến thăm nơi đây nhiều hơn bất cứ ống nhòm nào khác. Nó đã tạo điều kiện cho con người nhìn rõ được mặt trăng và các hành tinh khác về đêm, một trong những ý nguyện của người góp công sáng lập đài thiên văn nầy là ông Griffith.

Vào ngày 16 tháng 12 năm 1896 ông Griffith J. Griffith đã hiến tặng khu đất rộng 3.015 acres tức 12,29 cây số vuông nầy cho Thành phố Los Angeles. Trong tờ di chúc, ông Griffth cũng hiến tặng tiền để xây dựng một đài thiên văn viễn vọng, khu triển lãm trưng bày, và một tòa nhà (planetarium) mà bên trong nóc vòm chứa đựng một bộ ống nhòm để công chúng có thể quan sát các vật thể vũ trụ về đêm và cả các hành tinh định tinh, dãy ngân hà và các ngôi sao mô tả sự vận hành của vũ trụ cho công chúng thưởng lãm và nhận thức, tìm hiểu với tính cách giáo dục về khoa học thiên văn, mở rộng tầm nhìn của công chúng – Tất cả vì mục đích của ông Griffith là nhằm đưa khoa học thiên văn đến với mọi người, tiếp cận công chúng; chống lại với việc chỉ xây những đài thiên văn trên các vùng đỉnh núi cao và hạn chế, chỉ cho các nhà khoa học được tiếp cận mà thôi!

Bích Chi Trần và Tượng điêu khắc 6 Phi hành gia nổi tiếng nhất thế giới ngay phía trước Griffith Observatory. (Ảnh TĐ)  

Một trong những cộng tác viên của chúng tôi là cô Bích Chi Trần – trong những năm đại học đã từng có cơ hội đi quan sát đài thiên văn nói trên theo sự yêu cầu của một giáo sư môn khoa học, để viết một bài tường trình chi tiết về những công năng và sự ích lợi của công trình nầy. Rất may là thời điểm ấy, đài thiên viên Griffith còn mở cửa cho công chúng vào quan sát và thưởng lãm bên trong, cũng như còn bán vé để xem các shows nổi tiếng có chủ đề như: Centered in the Universe nhằm cho thấy  vị trí của chúng ta trong vũ trụ: Chúng ta là ai? Đến từ đâu? Đi về đâu? Tại sao thế giới vận hành như thế?, vv… hoặc show “Water is Life” cho thấy sự quan hệ của nước và sự sống, sự quan hệ giữa nước và các hành tinh, đưa đến sự đi tìm hành tinh nào có nước tức ở đó có sự sống và có thể sống được, vv….Chú thích ảnh: Dr. Chi-Bảo Lê Nguyễn cùng phụ thân thăm Griffith Observatory hôm 17 tháng 10 vừa qua. Hậu cảnh là Los Angeles về đêm. (Ảnh TĐ News)

Nhưng kể từ sau ngày 13 Tháng Ba năm 2020 thì vì tình trạng dịch Covid-19 lan tràn vẫn chưa lắng dịu,  nên Đài Griffith đã có thông báo đóng cửa bên trong. Các Shows hấp dẫn nói trên cũng đã không còn trình chiếu nữa cho đến khi có lệnh mới. Tuy nhiên, Công viên Griffith tức Griffith Park thì vẫn mở cửa và đầy những người chạy bộ, leo núi (hiking), cũng như đường mòn quanh co cho người cưỡi ngựa, chạy xe đạp (biking), hay lái xe đến gần Griffith Observatory, rồi đậu xe trong những parking lots gần đó và đi bộ lên tận nơi,nếu muốn xem tòa nhà Griffith. Công chúng vẫn được cho vào cổng khu vực nầy để đi xem vòng vòng bên ngoài, quan sát toàn bộ vòng ngoài của tòa nhà Griffith, lấy địa thế cao ngất đó để ngắm nhìn quang cảnh bầu trời và mặt đất như thế nào vào ban ngày; và qua kính viễn vọng (telescopes) ngắm nhìn trăng, sao sáng rực trong bầu trời đêm và nhất là thưởng ngoạn downtown Los Angeles về đêm với hàng vạn ánh đèn li ti đủ màu, đẹp bao la hùng vĩ như thế nào, ngay cả trong khi Observatory đóng cửa.

Cảnh Los Angeles về đêm nhìn từ Griffith Observatory (TĐ)

Những người từng đến đây nhiều lần thường khuyên nên đi vào buổi sáng hoặc sau buổi trưa, vào những ngày thường trong tuần là tốt nhất, vì lúc đó ít du khách hơn.

Tóm lại, những ai có dịp du lịch ngang qua Los Angeles không nên bỏ sót công trình nầy, nó rất đáng để bỏ công sức và thì giờ ghé qua; huống gì những cư dân ở quanh đây mà chưa có dịp ghé qua Griffith Observatory là một điều đáng tiếc! Nhất là đến khi cơn dịch đã qua và Griffith mở cửa trở lại với những chương trình bình thường của cơ sở nầy. Griffith Observatory có nào là phong cảnh núi đồi hoành tráng, hùng vĩ vui tươi, vừa có một chương trình phục vụ mang tính cách giáo dục, mở rộng tầm nhìn cho tất cả mọi con người bình thường, đúng như mục đích và nguyện vọng của người sáng lập: Griffith J. Griffith.

  Một câu trong phần kết luận của bài viết về chuyến đi thăm Griffith Observatory đầy ấn tượng trong những ngày đầu tháng 3 vừa qua, Bích Chi đã viết: “Rất nhiều người từ các tiểu bang khác hoặc quốc gia khác đã đến thăm viếng Griffith Observatory và chụp rất nhiều những tấm hình đẹp với người yêu của họ, gia đình và bạn bè của họ. Chuyến đi nầy là một dịp để học hỏi và giải trí vô cùng ích lợi cho chúng tôi. Tôi thích chỗ nầy vô cùng, và chắc chắn tôi sẽ trở lại lần nữa để bỏ ra cả ngày ở đây để đọc sách và xem shows….”  (A lot of people from other states or different countries come to visit the Griffith Observatory and take a lot of good pictures with their lover, their family and friends. This trip is very educational and enjoyable for me and my friend. I really like this place so much, and for sure I will be back next time to spend the whole day reading and watch all the shows). Và, trong một câu khác, B. Chi viết: “Thăm Griffith Observatory là một chuyến đi đầy hào hứng đã mở một cánh cửa để hiểu biết thêm về vũ trụ và thế giới chung quanh ta cho chúng tôi.” (Griffith Observatory visit is an exciting trip that is very educational and eye-opening about the world and the universe for me and my best friend).

  Hy vọng quí vị nào chưa thăm Griffith sẽ đến thăm nơi đây để sẽ có cùng một kết luận giống như Bích Chi Trần và vô số người đã thăm viếng công trình nầy trong suốt gần một trăm năm từ ngày thành lập đến nay.

                                Bài & Ảnh: T.Dương & Bích Chi Trần/T.Đ. News

Banner