Trong thời buổi mọi người dân Mỹ đang hoang mang, bối rối, chưa biết ngày mai sẽ ra sao! Chúng tôi gặp một phụ nữ gốc Việt trong khu chợ Việt quen thuộc trong vùng giữa lúc khách hàng đang hối hả chất những mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, nước mắm lên xe để tích trữ đề phòng khi khan hiếm. Người phụ nữ nầy tuy đứng ngay dãy hàng bày các loại nước mắm, nước tương nhưng chị chẳng có vẻ gì là gấp rút, hối hả cả. Chị đứng yên, dường như đang cân nhắc, suy nghĩ xem nên mua hay không? Mua nhãn hiệu nào? Như một người nội trợ đi chợ trong lúc bình thường, không có chi là khẩn cấp, rất là không giống dáng điệu của đa số khách hàng đi chợ hôm này! Chúng tôi lại gần hơn thì nhận ra đây là một vị khách quen thỉnh thoảng vẫn thường ghé đến Nhà Sách duy nhất trong khu vực nầy trước đây để mua sách, mua phim về đọc và giải trí. Vâng, người phụ nữ đó đúng là chị Hằng- chị có một cái tên đầy đủ rất đẹp là Lý Tuyết Hằng, cư dân vùng Phillips Ranch thuộc thành phố Pomona. Theo lời tự sự của chị thì hiếm có ai hội nhập cái đất nước nầy một cách đầy nỗ lực, nhanh lẹ mà phải trải qua đầy biến động trong cuộc đời nầy như vậy. Thế mà chị vẫn còn đầy đủ sự trầm tĩnh và nghị lực để có thể nhìn đời một cách “bình chân như vại” và cười hề hà thoải mái ở cái thời điểm dịch tể đang hoành hành vào một ngày giữa tháng 3 như thế nầy, nghĩ cũng lạ?!. Hỏi: “Hôm nay đi chợ mua gì đây?” Hằng cười thoải mái: “Hôm nay mua vịt nấu bún vịt xáo măng. Ngày mai mua gà nấu phở gà”. Hỏi: “Wow, bà mẹ nầy giỏi ghê há! Có tinh thần để lo nấu đủ thứ ngon, lúc người ta đang lo sốt vó?!” “Có lo cũng không được gì đâu. Lo quá thành ra coronavirus đâu chưa thấy mà mình đã chết vì “panic” (hoảng hốt) trước rồi! Thường những lúc như vậy mình phải tìm cái gì vui để nói, để làm. Với lại mình cũng vui thật, vì có cô con gái đi làm ở Disneyland. Những chỗ tập trung dân tứ xứ đó dễ là một trung tâm lây lan bệnh. Hôm nay nghe tin Disneyland đóng cửa cho đến cuối tháng, nhân viên nghỉ mà được ăn lương. Má mừng quá nên đi mua đồ ăn về nấu cả nhà ăn cho vui đó mà!”
Hằng kể, cả nhà ai nấy đã thay nhau bị cúm kéo dài cả một hai tháng nay. Ai nấy vừa khỏe lại xong thì cơn dịch con virus mới nầy lại kéo đến. Rõ ràng là ơn phước từ trên đưa xuống, hay người đời thường gọi là Phước Đức Ông Bà chứ không ai có thể biết mà tránh được! May chứ nếu cả hai thứ đến cùng lúc thì khó mà đỡ nổi. Cả một cuộc đời lên bổng xuống trầm nếu kể lại khó ai có thể tưởng được có người đã nếm đủ những “cay đắng mùi đời” như chị. Từ lúc nhập cư vào xứ sở nầy, kể một thôi, một hồi cũng chưa hết những nghề chị đã làm qua. Từ lao động tay chân đến lao động trí óc. Như, đã từng làm công với một văn phòng bảo hiểm, từng làm nhân viên trong văn phòng báo Người Việt, làm kỹ thuật viên phòng lab, rồi làm thợ cắt tóc, kể cả có lần trong năm 1989 đã tự mua và làm chủ business nhưng thất bại phải bán tháo! Nói chung, có thể thấy rằng Hằng là một trong số rất ít những phụ nữ di dân nào có thể xông xáo hội nhập vào xã hội Mỹ nầy trong đủ mọi ngóc nghách như vậy! Chưa hết, một người năng động vậy mà còn chịu những thử thách to lớn về sức khỏe và tinh thần, như: từng bị ung thư nhiều năm, may vẫn được chữa khỏi; và có lúc tuyệt vọng đến mức tự tử, vẫn sống sót!
Cuối cùng, chính những thử thách sống còn trong cuộc đời đó đã đưa chị đến chỗ tin tuyệt đối vào đạo pháp. Hàng ngày Hằng nghe pháp thoại và tin rằng: Mọi việc có Ơn Trên an bài: “Hãy chấp nhận những gì mình có. Buông cái không thuộc mình. Số mình mất là mất rồi. Mất tức là mình nợ, mình phải trả. Nhân quả nhãn tiền. Hạnh phúc ở ngay trong cuộc sống, vv...” Từ những niềm tin ấy, hàng ngày Hằng tìm thấy sự an tâm, bình thản trong tâm hồn. Chị nói đơn giản: “Buổi sáng ngủ dậy thấy còn xỏ chân vô dép bước đi được, tức là hạnh phúc rồi đó, may mắn, OK rồi đó. Không còn mong muốn gì nữa.” Nhất là, hiện tại vợ chồng còn đủ, lại có ba cô con gái hiếu thảo và một cậu cháu ngoại bụ bẩm mới mấy tháng tuổi rất dễ thương, Hằng thấy như không còn mong muốn gì hơn nữa. Nhất là trong mùa dịch tể nầy, các con gái luôn để ý lo cho mẹ. Chị kể: “Đứa thì nhắc: Mom, không được ra đường nhiều, nguy hiểm; đứa thì đòi mua một TV mới cho mẹ ở nhà coi phim bộ, khỏi cần phải đi đâu lúc nầy.” Con cái thời buổi nầy mà như vậy thì còn gì bằng!
Tóm lại, chị Hằng là một trong những người gốc Việt chung quanh ta, có “a lot of” kinh nghiệm thực tế trong cuộc nhân sinh ngắn ngủi nầy, và sẵn sàng đóng góp, chia xẻ với những người khác. Quan trọng hơn nữa, chị còn có cái tâm thiện. Chị kể, lúc làm nghề cắt tóc, tiền típ chị thường bỏ vào bên cánh cửa xe, cùng với những chai nước lọc. Mỗi khi xe dừng đèn đỏ hay xuống freeway, chị thường cho những người homeless để họ bớt được phần nào đói, khát. Mong rằng cả đại gia đình chị Hằng sẽ luôn hạnh phúc và bằng an vô sự chẳng những qua hết mùa dịch tể nầy mà còn suốt trong những năm tháng nhiều xao động của cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới.
Bài và ảnh: Trùng Dương/Trống Đồng News