Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Pháp luật và đời sống

Tìm hiểu về Nạn Bắt Cóc Trẻ Em ở Mỹ và Hệ thống Báo động AMBER

*Bắt cóc Trẻ em (Child ABDUCTION)

Child Abduction hay Child Theft (bắt cóc trẻ em) là sự bắt đi một đứa trẻ dưới tuổi thành niên (18) mà không được sự đồng ý của cha mẹ hay người bảo hộ của đứa bé.

Trong khi những chữ “bắt cóc trẻ em” gây sợ hãi trong nhiều gia đình, bạn bè, trường học, cộng đồng – vì nhiều người nghĩ chỉ có những kẻ lạ mới làm chuyện bắt cóc con nít mà thôi. Nhưng trên thực tế thường xảy ra và ít người hiểu nỗi là sự bắt cóc trẻ em đó thường xảy ra do bởi người cha hay mẹ hay thành viên trong gia đình đó. Và hiện tượng nầy xảy ra rất thông thường ở tiểu bang California.

  Theo số liệu của Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, mỗi năm có hơn 200.000 trẻ em trở thành nạn nhân của sự bắt cóc bởi người trong gia đình. Trong nỗ lực gia tăng sự hiểu biết và giáo dục công chúng về sự xảy ra thường xuyên của tệ nạn nầy và sự quan trọng phải giúp giải quyết và không được làm ngơ tội phạm nầy như thế nào, một dự án thuộc Bộ Tư Pháp có tên gọi hơi dài dòng là “The Public Service Announcement (PSA) Child Abduction by a Parent or Family Member is a Crime” (tạm hiểu là Thông báo của Dịch vụ Công cộng về Sự Bắt cóc Trẻ em bởi Cha Mẹ hay Thành viên Gia đình là một Tội Phạm) – đã được phát động. Qua sự phát động chương trình PSA nầy, Bộ Tư Pháp nhằm tạo sự hiểu biết trong công chúng rằng đây là một tội phạm và gia tăng sự báo cáo và điều tra về những vụ bắt cóc trẻ em do người trong gia đình là thủ phạm.

*Hệ thống Báo động AMBER (Alert):

  AMBER Alert là những lời nhắn gọi khẩn cấp được công bố khi một cơ quan thi hành pháp luật xác nhận rằng một đứa trẻ đã bị bắt cóc và đang trong tình trạng cận kề nguy hiểm.

 AMBER Alert gây chú ý một cách ngay lập tức các cộng đồng cư dân để phụ giúp trong cuộc truy lùng và tìm lại được đứa bé đã bị bắt cóc một cách an toàn. Sự báo động nầy sẽ được truyền đi qua mọi loại  phương tiện thông tin như truyền thanh, truyền hình, bảng hiệu trên đường phố, cell phones, và các loại thiết bị điện tử có kết nối với kho dữ kiện.

  Hiện nay, hệ thống báo động AMBER đã được sử dụng trong tất cả 50 tiểu bang, khu vực D.C., các khu tự trị bộ tộc Da Đỏ bản địa, Puerto Rico, the US Virgin Islands, và 30 quốc gia khác.

  Cho đến tháng Năm 2020, đã có 988 trẻ em bị bắt cóc đã được phát giác và cứu giúp an toàn qua hệ thống báo động AMBER.

 Hệ thống AMBER được bắt đầu có trong năm 1996 khi một nhóm các nhà truyền thông Dallas-Fort orth phối hợp với cảnh sát địa phương để phát triển một hệ thống báo động khẩn cấp để giúp tìm trẻ em bị bắt cóc. Tên AMBER là những chữ viết tắt của America’s Missing: Broadcast Emergency Response và được thiết lập như một sự tưởng niệm dành cho cô bé 9 tuổi có tên Amber Hagerman, đã từng bị bắt cóc trong khi đang đạp chiếc xe đạp của bé ở Arlington, Texas – và sau đó đã bị sát hại một cách tàn nhẫn.  Lần lượt chẳng lâu sau đó, các tiểu bang và cộng đồng khác ở khắp nước Mỹ cũng đã thiết lập hệ thống AMBER riêng ở khu vực của họ.

 Một khi cơ quan thi hành pháp luật đã xác định một đứa bé đã bị bắt cóc và hội đủ điều kiện để phát động hệ thống báo động AMBER thì cơ quan đó sẽ thông tin cho các cơ quan truyền thông và giao thông vận tải biết. Ngay sau đó, hệ thống này sẽ cắt ngang các chương trình thường lệ trên radio và truyền hình cũng như những bảng hiệu điện tử trên các xa lộ,kể cả các chương trình xổ số, quảng cáo trên Internet cũng như các thiết bị điện tử như cell phones.

Như thế nào mới hội đủ điều kiện phát động hệ thống AMBER? Đó là sự trình bày và nêu rõ những chứng lý cho cơ quan pháp luật đủ tin rằng một vụ bắt cóc trẻ em đã xảy ra. Kế tiếp, là cơ quan pháp luật phải tin rằng đứa trẻ đang trong tình trạng có thể sẽ bị nguy cơ thương tích hay tử vong. Đứa trẻ đó phải từ 17 tuổi trở xuống. Tên và những yếu tố đặc biệt của đứa trẻ sẽ được tải nhập vào hệ thống Trung tâm Dữ liệu Tội phạm Quốc gia (the National Crime Information Center – NCIC – System), và hệ thống AMBER sẽ được phát động sau đó.  

                                                           Thùy Dương (Theo US DOJ/OJP)

Banner