Bắc Kinh – Truyền hình Trung Quốc đã kêu gọi tẩy chay hàng của công ty H & M hôm Thứ Năm 25 tháng 3, 2021 khi Bắc Kinh đánh vào các công ty quần áo giày dép ngoại quốc sau vụ phương Tây cấm vận đối với các viên chức Trung Quốc (TQ) vì vi phạm nhân quyền ở vùng Tân Cương.
Đảng CS Trung quốc cầm quyền đã chỉ trích H&M vì công ty nầy đã từng nói hồi tháng 3, 2020 rằng họ sẽ ngưng việc mua bông vải từ vùng tây bắc của TQ. Công ty Thụy Điển H&M đã tham gia với nhiều công ty nổi tiếng khác trong việc bày tỏ sự quan tâm về những báo cáo cho biết có sự lạm dụng, cưỡng bức lao động ở đó.
Tờ báo đảng là Global Times (Thời sự Toàn cầu) cũng đã chỉ trích những văn bản từ các công ty hàng hiệu nổi tiếng thế giới như Burberry, Adidas, Nike, New Balance và Zara về vụ Tân Cương (Xinjiang) rất sớm ngay từ 2 năm trước đây.
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc đã nói trên trương mục mạng xã hội của họ rằng: “Đối với những công ty đụng chạm đến uy tín quốc gia chúng ta, câu trả lời sẽ rất rõ ràng: không mua hàng của họ nữa!”. Đài nầy cũng nói rằng chữ H và chữ M của công ty Thụy Điển nầy có nghĩa trong chữ TQ là “nói dối” và “lừa đảo” (lie và falsehood).
Sự trả đũa nói trên xảy ra sau khi có quyết định đưa ra hôm Thứ Hai (22 tháng 3) của 27 quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ, Anh quốc, và Canada đồng loạt cấm vận du lịch và tài chánh đối với 4 viên chức TQ bị cho là chịu trách nhiệm về những sự đàn áp, hành hạ người dân ở vùng Tân Cương.
Hơn 1 triệu người ở Tân Cương, hầu hết trong số đó là những nhóm Hồi giáo, đã bị nhốt trong những trại lao động tập trung, theo các chính quyền và những nhà nghiên cứu ngoại quốc. Chính quyền Bắc Kinh đã chối bỏ sự kiện ngược đãi người dân vùng nầy và nói rằng họ đang cố gắng để nâng cao sự phát triển kinh tế và dẹp bỏ chủ nghĩa kỳ thị ở đó.
Phát ngôn viên Bộ Thương Mại TQ là Gao Feng, nói: “Cái- gọi- là sự tồn tại của trại cưỡng bức lao động trong vùng Tân Cương là hoàn toàn bịa đặt”.
Những người nổi tiếng của TQ kể cả Wang Yibo, một nam tài tử và ca sĩ nổi tiếng, cũng đã thông báo họ sẽ cắt hợp đồng thương mại với H&M và Nike.
Những sản phẩm của H&M cũng biến mất từ những diễn đàn thương mại điện tử nổi tiếng nhất của TQ như Alibaba Group’s TMall và JD.com.
Theo tin báo chí cho biết thì những mặt hàng nầy bị lấy đi vì những sự chỉ trích của công chúng sau khi có văn bản đưa ra về vụ Tân Cương. Các công ty nói trên vẫn chưa đưa ra ý kiến gì về vụ nầy.
Chính quyền Bắc Kinh thường tấn công những công ty hàng hiệu ngoại quốc nổi tiếng như quần áo, xe hơi, du lịch và nhiều loại khác vì những hành động của chính quyền xứ họ hoặc áp lực cho các công ty đó phải thực thi theo chính sách chính trị của TQ đối với các chính quyền Đài Loan, Tây Tạng và các vấn đề tế nhị khác.
Các công ty thương mại thường xin lỗi và thay đổi websites hoặc quảng cáo để duy trì được sự tiếp cận với TQ, một trong những thị trường lớn nhất thế giới. Nhưng vụ Tân Cương là một vấn đề gai góc bất thường. Các công ty nổi tiếng phương Tây đã và đang đương đầu với áp lực tại quê nhà rằng phải tỏ thái độ chống lại với sự đàn áp nhân quyền nầy.
Sự tổn thất số bán tại TQ – một nên kinh tế duy nhất nơi mà sự tiêu thụ đang quay đầu trở lên với những mức độ trên cả thời tiền-dịch tể, có thể là một sự thất thoát đau điếng vào thời buổi mà nhu cầu tiêu thụ ở Mỹ và châu Âu đang còn yếu kém, chưa vực dậy được.
Hãng H&M Group “không đại diện bất cứ lập trường chính trị nào” và “luôn tôn trọng khách hàng TQ,” công ty nầy cho biết trong trang mạng của họ như trên.
H&M cũng cho biết họ đã thương lượng với 350 hãng xưởng TQ từng gia công sản xuất hàng cho họ rằng “sẽ thực hiện những nguyên tắc nhằm đầu tư và phát triển lâu dài ở China.”
H&M đã có 520 cửa hàng và tổng số bán trị giá đến $1,4 tỉ ở TQ trong năm 2019; và nước nầy là thị trường lớn thứ ba của H&M sau Đức và Mỹ.
Sự phê bình nầy đã bắt đầu khi Hội Thanh Niên (Youth League) của đảng cầm quyền hôm Thứ Tư đã kêu gọi chú ý đến văn bản của H&M hồi tháng Ba năm ngoái trên trang mạng xã hội của họ. Hội nầy không giải thích tại sao chỉ tập trung kêu gọi tẩy chay chỉ một hiệu nầy thôi vì một văn bản đưa ra cả năm trước đây.
“Tuyên truyền dối trá để tẩy chay Tân Cương trong khi muốn kiếm lợi nhuận tiền bạc tại China? Đó chỉ là ảo tưởng!”
Tờ Thời sự Toàn cầu cho biết Burberry, Adidas, Nike và New Balance cũng đã đưa ra các văn bản không mua bông vải Tân Cương nữa vì “không thể dung thứ sự cưỡng bức lao động ở đó.”
Hồi tháng 9, H&M đã thông báo họ sẽ ngừng làm ăn với một nhà sản xuất TQ đã bị tố cáo sử dụng lao động cưỡng bức tại một cơ xưởng không liên hệ tới thương hiệu của công ty Thụy Điển nói trên.
Trong tháng Giêng, chính quyền Washington đã áp đặt một lệnh cấm nhập bông vải từ vùng Tân Cương, một nguồn cung cấp chính cho những nhà sản xuất vải vóc của các thị trường phương Tây.
Sự tức giận của giới chức TQ đã tập trung vào châu Âu, có thể bởi vì những mối quan hệ với Liên hiệp châu Âu đã từng thân thiện giữa lúc quan hệ với Washington rất căng thẳng qua những sự tranh chấp mậu dịch và cáo buộc xứ nầy (TQ) do thám và đánh cắp kỹ thuật.
Sự chỉ trích H&M của quan chức TQ đã phản ảnh giọng điệu đau buồn khi bị tổn thương bởi một người bạn. Truyền hình trung ương TQ cho biết trong một bản tin rằng: “Làm thế nào H&M có thể ăn cơm TQ và rồi đập bể chiếc nồi TQ được?” ngụ ý như “Ăn cháo đá bát” trong tục ngữ VN.
Sau khi xảy ra sự kiện TQ tẩy chay hàng của H&M vì vụ Tân Cương, công ty nổi tiếng nầy lại là đối tượng của một vụ tẩy chay khác, sau khi họ cố gắng làm vừa lòng TQ bằng cách điều chỉnh sự nhìn nhận chủ quyền của TQ trong bản đồ hình lưỡi bò bao gộp các hòn đảo trong vùng biển phía Nam China – nơi đã có sự tranh chấp chủ quyền dai dẳng của một số nước vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
H&M đã mở cửa hàng đầu tiên của họ ở thành phố HCM trong năm 2017 và nay có 12 cửa hàng trên cả nước VN, theo tờ Sài Gòn GP.
Trên mạng Internet, người tiêu thụ VN chỉ trích H&M đã đứng về phía TQ và nhiều người kêu gọi tẩy chay hàng hóa của H&M, đòi hỏi công ty nầy phải xin lỗi, chỉnh lại những sự nhìn nhận bản đồ Biển Đông của họ. Nếu không, nhà cầm quyền phải đóng cửa hết các cửa hàng của họ ở Việt Nam, theo tin tờ báo nói trên. (trongdonglife.comTH)