Từ khu vực quanh University of Michigan – một trường đại học công lập thành lập từ hơn 204 năm trước, thuộc thành phố Ann Arbor của TB Michigan – chúng tôi lái xe hơn 4 giờ đồng hồ để đến Mackinac City, rồi từ đó dùng phà để thăm viếng Mackinac Island – một hòn đảo nhỏ độc đáo cũng nằm trong tiểu bang Michigan của nước Mỹ.
Độc đáo bỡi vì thành phố nầy có những đặc điểm không giống với nơi nào khác trên nước Mỹ: như khi vận chuyển trên đường phố, không được phép lái xe, chỉ có thể đi lại bằng xe đạp, đi bộ, hoặc dùng xe ngựa kéo mà thôi (trừ những trường hợp như xe cứu thương của bệnh viện, xe cảnh sát, vv…). Chưa nói đến những chi tiết về cảnh trí thổ nhưỡng, lịch sử, quân sự, sinh hoạt truyền thống… thật đặc biệt và gắn liền với sự thành hình quá trình lập quốc của nước Mỹ buổi sơ khai.
Mời bạn đọc cùng có một cái nhìn sơ lược và tổng quan về thành phố du lịch Mackinac nói trên.
Mackinac Island là một thành phố thuộc (quận) Mackinac County của tiểu bang Michigan nước Mỹ. Theo thống kê dân số mới nhất có được từ năm 2010 thì thành phố nầy có một số dân thường xuyên là 492 người. Nhưng con số dân trong mùa hè trở thành hàng ngàn người là bởi vì lượng du nhập vào của du khách và nhân công lao động theo mùa để phục vụ khách du lịch.
Một đạo luật đặc biệt tại địa phương được thông qua năm 1898 cấm sự sử dụng bất cứ xe hơi nào trên đảo nầy. Cho đến ngày nay, những phương tiện đi lại vận chuyển thông thường nhất của du khách là đi bộ, xe đạp, hoặc cưỡi ngựa hay xe ngựa kéo. Chỉ một sự miễn trừ duy nhất cho luật nầy là những xe có phận sự cấp cứu (như xe cứu thương ambulances, xe cảnh sát, và xe cứu hỏa – mà thôi), cùng với những xe trượt tuyết trong mùa đông.
Mackinac Island là bản địa của Đại Khách Sạn (Grand Hotel) nổi tiếng, được xây dựng suốt trong thế kỷ thứ 19 khi hòn đảo nầy là điểm đến tấp nập của du khách trong mùa hè. Khi cuốn phim có tựa đề “Somewhere in Time” được quay ở đây trong thập niên 80 của thế kỷ trước, thì thành phố nầy đã đưa ra một luật trừ nữa là cho phép công ty sản xuất phim được dùng xe hơi vận chuyển nhân sự và thiết bị trên đảo nầy.
*Grand Hotel, Michigan
Khánh thành ngày 10 tháng 7 năm 1887, Grand Hotel được xây dựng bởi ba, bốn đại công ty chuyên làm cầu đường của nước Mỹ cùng với sự vận động của TNS Francis B. Stockbridge. Vật liệu được dùng hầu hết là loại gỗ thông trắng của Michigan, đặc biệt với hành lang có mái che đẹp lộng lẫy và dài nhất thế giới. Đó là một mẫu hình của cuộc sống văn minh quý tộc cổ điển rất hiếm thấy còn sót lại trên thế giới ngày nay. Kiến trúc nầy là một trong những di tích đáng kể của vùng Ngũ Đại Hồ (Great Lakes) và cũng là một khách sạn mùa Hè lớn nhất thế giới hiện nay.
*Fudge và Mackinac Island
Mackinac Island còn được biết đến nhờ nhiều cửa hàng bán một loại kẹo ngọt làm bằng đường, bơ và sữa rất hấp dẫn du khách.
Loại bánh hay kẹo nầy được gọi là “fudge”, thường được chế biến với nhiều thành phần hoặc phụ liệu và tạo ra nhiều hình thức khác nhau. Người ta pha trộn đường, bơ và sữa rồi đun nóng đến 240 độ F tức 115 độ C, và rồi quậy hổn hợp nầy cho đến khi nó nguội lại và tan nhuyễn ở mức độ kết tinh thành những hạt đá (icing) nhỏ có thể tan trong miệng hoặc thành kẹo cứng ở dạng “hard caramel”.
Các loại trái cây, hạt đậu, chocolate, caramel, kẹo, chất ngọt và nhiều mùi vị khác đôi khi được thêm vào bên trong hoặc ngoài bề mặt của các loại fudges nầy làm tăng phần hấp dẫn khách hàng.
Mackinac Island còn tập trung chú ý đến sự sản xuất fudges một cách đặc biệt không phải bằng kỹ nghệ máy móc mà bằng nghệ thuật thủ công theo một phương cách truyền thống. Nhiều công đoạn trong tiến trình chế biến “fudge” được dùng trên những mặt bàn bằng đá hoa cương phẳng lạnh, ngày nay thường mở cửa cho khách hàng chứng kiến tại chỗ luôn. Rất nhiều loại bánh kẹo “fudges” khác nhau về hình thức lẫn chất liệu vừa ngon vừa đẹp đã là nguồn thu hút du khách đến đây và thường mua “fudges” từ những “gift shops” về làm quà cho bạn bè và người thân như một sản phẩm đặc biệt từ một địa phương của Michigan.
*Công viên và Pháo đài Mackinac, được nâng lên cấp Quốc Gia
Từ 1875 đến 1895 Công viên Quốc gia Mackinac, là công viên quốc gia thứ hai sau Yellow National Park, đã bao gồm Pháo đài Mackinac (Fort Mackinac) và nhiều phần đất của Mackinac Island. Suốt trong những năm trở thành đẳng cấp công viên quốc gia, quân lính đồn trú tại Mackinac được coi như nhân viên kiểm lâm với nhiệm vụ bảo vệ công viên, mở đường xe, đường bộ xuyên qua công viên nầy.
Để cải thiện điều kiện sống về vật chất lẫn tinh thần, Quân đội đã xây dựng một nhà tắm tại pháo đài (theo đó, mỗi người tại đây bị đòi hỏi phải tắm ít nhất một lần mỗi tuần lễ), một nhà vệ sinh, và một câu lạc bộ, nơi mà mọi người có thể đọc sách báo, chơi bóng bàn, và mua bia hay rượu nho để uống. Chính quyền đã muốn tạo Fort Mackinac thành một “trạm lính mẫu” cho những nơi khác. Binh lính cũng đã tập luyện quân sự thường xuyên ở đây, như tập bắn, tập trận ít nhất mỗi tuàn một lần và học những kỹ năng quân sự cần thiết khác, cho thấy nhu cầu phòng vệ là rất quan trọng đối với những đồn quân đóng tại những địa điểm thuộc vùng Tây nước Mỹ, là nơi hãy còn trong tình trạng rất nguy hiểm lúc bấy giờ.
*Công viên và Pháo đài Mackinac chuyển xuống cấp Tiểu bang
Đến năm 1895, Quốc hội Mỹ đóng cửa Fort Mackinac và Mackinac National Park, và chuyển pháo đài và công viên nầy trở lại cấp tiểu bang, giao cho chính quyền tiểu bang Michigan lo việc quản trị.
Tiểu bang Michigan thành lập Công viên Tiểu bang Mackinac Island, đó là công viên tiểu bang đầu tiên ở Michigan. Một ủy ban điều hành Công Viên nầy dưới hình thức bán-tự-trị (semi-autonomous) ra đời năm 1895 trông coi luôn pháo đài Fort Mackinac và cả những di tích lịch sử chung quanh trong phạm vi hoặc lân cận Mackinac Island.
Thống đốc tiểu bang Michigan bấy giờ đã bổ nhiệm các thành viên của ủy ban nầy và họ đã họp nhiều lần suốt trong năm 1895 để vạch ra kế hoạch quản trị các công viên lịch sử của tiểu bang thuộc địa phận Mackinac nầy (Mackinac State Historic Parks). Ủy ban nầy và những công viên lịch sử nói trên đã gìn giữ, bảo vệ, và thể hiện sự phong phú và tính cách lịch sử thiên nhiên của Mackinac Island và vùng Eo Hồ (Straits Area) nầy.
Trong những năm 1950s, Ủy ban Mackinac Island State park đã phát triển một phương thức mới để tài trợ cho công viên của họ, dựa trên hệ thống đã tài trợ cho chiếc cầu tại địa phương có tên Mackinac Bridge. Tiểu bang Michigan đã tài trợ việc xây cất chiếc cầu nầy qua công trái phiếu rồi sau đó số tiền nầy sẽ được hoàn lại qua việc thu lệ phí xe cộ qua cầu sau khi nó được khánh thành và sử dụng từ năm 1957. Nhờ sáng kiến nầy, hiện ¾ ngân sách bảo trì và điều hành phát triển của Mackinac Island State Park đến từ lệ phí thu khi vào cửa và những nguồn thu nhập phát sinh từ chính những hoạt động thu hút du khách của công viên nầy.
Trong khi hầu hết các cơ quan giải trí và công viên của Mỹ đều dựa trên nguồn trợ cấp công cộng thì Ủy ban Mackinac Island State Park đã điều hành một trong những công viên lớn nhất nước Mỹ là Mackinac Island State Park với phần lớn tài lực từ chính ngân sách riêng của họ.
*Pháo đài (Fort) Mackinac, Michigan
Fort Mackinac (/ˈmækɪnɔː/ MAK-in-aw) là một pháo đài quân sự cũ của quân đội Mỹ và Anh từ cuối thế kỷ thứ 18 đến cuối thế kỷ thừ 19 trong thành phố Mackinac Island của Michigan. Người Anh xây dựng pháo đài nầy suốt cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ (American Revolutionary War) để kiểm soát vùng eo thủy lộ chiến lược Straits of Mackinac giữa hai Hồ Michigan và Huron, và để kéo dài mở rộng việc mua bán lông thú trên vùng Ngũ Đại Hồ (Ngũ Đại Hồ). Người Anh đã không giao lại công sự Pháo đài nầy cho mãi đến 15 năm sau khi người Mỹ đã giành lại độc lập.
Pháo đài Fort Mackinac về sau đó đã trở thành hiện trường của hai cuộc đấu tranh chiến lược để kiểm soát vùng Great Lakes suốt cuộc chiến tranh năm 1812. Trong hầu hết thế kỷ 19, nó phục vụ như một tiền đồn của Quân Đội Mỹ. Đóng cửa trong năm 1895, pháo đài nầy đã được hình thành và phục vụ như một viện bảo tàng trong phạm vi của Công viên Tiểu bang Mackinac Island.
Ngày nay, Fort Mackinac là một địa điểm du lịch di sản nổi tiếng. Tọa lạc trên mõm núi cao đến 150 feet ngay bên trên eo hồ Straits of Mackinac, đây là một trong rất ít pháo đài thời cuộc Chiến tranh giành Độc Lập của Mỹ còn tồn tại đến nay và là một trong số những pháo đài được hoàn tất nhiều nhất trong thời ấy của quốc gia nầy. Mới đây, trong năm 2015, Fort Mackinac đã ăn mừng 235 năm đứng bảo vệ trên Thành Phố Đảo Mackinac Island.
Suốt trong những tháng du lịch chính trong mùa Hè (thường từ tháng 6 đến hết tháng 8), du khách sẽ du nhập vào để chứng kiến một hoạt động đầy hào hứng bên trong những bức tường xây bằng đá kiểu thời thuộc Anh của Pháo đài Mackinac sau khi bước vào những chiếc cổng trang hoàng đủ kiểu giống như cổng vào thành phố Cổ Jerusalem.
Những nhân viên ăn mặc theo thời cổ của thập niên 80s thế kỷ 19 (1880s) sẽ đón tiếp du khách, trả lời mọi thắc mắc của họ, chụp hình chung với họ, và hướng dẫn nhiều tours thăm viếng nơi đây suốt ngày hôm đó. Một số “binh lính” thực hiện vài màn biểu diễn bắn súng trường kiểu Springfield Model 1873, loại thường dùng tại Fort Mackinac trong những năm 1880s. Những người khác chơi nhạc hoặc chào đón và hòa mình chung với những đám đông du khách.
*****
Để kết luận, phải nói Mackinac Island là một trong những thành phố đặc biệt không chỉ của nước Mỹ mà còn là của thế giới về cả địa hình lẫn kiến trúc và những di tích còn sót lại của một thời thuộc Anh và cách mạng giành độc lập của Mỹ.
Chúc quí vị yêu thích du lịch có những cảm giác thật ngọt ngào lạ miệng khi nếm thử các loại Fudges của các cửa hàng tại đây, cũng như có những ngày đầy ngạc nhiên thú vị khi viếng thăm Thành Phố Đảo Mackinac Island nầy.
Bài & Ảnh: Thùy Dương & Thiên Kim Lê Nguyễn – Trống Đồng News/Wiki.