Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Chẳng còn gì là riêng tư?!

Mọi chuyện dù lớn nhỏ đều có mặt lợi mặt hại của nó. Từ ngày có thông tin viễn thông, rồi kỹ thuật điện tử, hệ thống internet, văn minh mạng online toàn cầu, rồi người người đua nhau mở accounts với Facebook (thường được phiên âm rõ là “Phây -Búc”), thế là thiên hạ…. từ tờ mờ sáng là biết hết chuyện gì đã xảy ra trong đêm qua trên toàn thế giới – nhưng ngược lại, đời sống con người ta không còn gì là riêng tư nữa!!!

Thật thế, chính truyền thông và ngành lập pháp Mỹ cũng đã báo động nhiều lần về cái gọi là “Internet Privacy” tức sự riêng tư và an ninh của dữ kiện cá nhân được truyền đi qua hệ thống mạng (Internet). “Internet privacy” được hiểu như một cụm từ thật rộng rãi liên quan đến nhiều yếu tố khác nhau, những kỹ thuật và những phương tiện kỹ thuật dùng để bảo vệ những dữ kiện, những cuộc đối thoại, những sự chọn lựa, sở thích, … có tính cách riêng tư của từng cá nhân biểu lộ qua sự giao dịch trên phương tiện online (Internet).

Hình minh họa

Những nỗi lo sợ về Online Privacy là những gì có thật chứ không hề là ảo tưởng! Trên thực tế, có nhiều người đang theo dõi bạn nhiều hơn là bạn nghĩ. Một câu chuyện thương tâm xảy ra ở New Hampshire cách đây gần 2 thập niên đã đánh thức mọi người phải cảnh giác với vấn đề nầy. Đó là câu chuyện về một phụ nữ 20 tuổi là cô Amy Boyer  bị theo dõi qua Internet và cuối cùng bị giết chết. Kẻ giết người phải nhận tội ngay sau đó, khai rằng hắn đã mua được số social security (số thẻ an sinh xã hội) của cô nầy từ một hãng dữ kiện online với giá $45 và từ đó theo dõi được mọi hành tung của cô. Vụ nầy xảy ra từ năm 1999, khiến sau đó các nhà lập pháp đã cứu xét việc lập ra đạo luật cấm mua bán số social security và đặt tên luật nầy là “Amy Boyer Law”.

Ngoài vụ nầy còn hàng khối những câu chuyện dễ sợ về những dữ kiện cá nhân bị tiết lậu qua mạng online. Hàng ngàn người mua hàng qua hệ thống online đã bị ăn cắp số thẻ tín dụng để rồi được bán qua online với giá $1 mỗi thẻ. Những ai trong phòng “chat” (trò chuyện, tán gẫu) qua Internet thì những dữ kiện về nhân dạng cá tính của những người đó như tên tuổi, địa chỉ, số phone, số credit cards, vv…bị đem ra mua, bán, và đổi chác, lựa chọn công khai luôn. Những câu chuyện kinh khủng về sự xâm phạm riêng tư nầy được đưa ra bởi những nhà hoạt động bảo vệ sự riêng tư bất khả xâm phạm của mỗi cá nhân trong xã hội, và họ đã đòi hỏi giới hữu trách không nên coi thường nguy cơ nầy. Họ còn cho rằng những biểu hiện nầy chỉ mới là dấu hiệu sơ khởi thôi, nếu không kịp thời có biện pháp ngăn chận thì tai họa sẽ khôn lường. 

Theo một nghiên cứu thăm dò mới đây cho thấy, đại đa số người thường “lên” mạng cũng biết về những nguy cơ nầy chứ không phải không, và cho biết họ rất lo âu về sự riêng tư của họ sẽ bị khai thác khi giao dịch qua Internet –  nhưng mặc dù vậy, họ vẫn rất là… vô tư (như người Hà Nội) khi chẳng tỏ ra dè dặt thận trọng chút nào trong việc phô bày thả cửa những chi tiết về cá nhân mình mỗi khi đưa thông tin và hình ảnh của mình và gia đình, bè bạn, lên hệ thống mạng online!

Cuộc thống kê thăm dò của hãng tin Blue Fountain Media mới đây cho thấy rằng có đến 90% người trả lời cho biết rất quan tâm về sự riêng tư của họ qua Internet và có 48% trong đó mong ước giới chức hữu trách sẽ có biện pháp gì để giúp bảo vệ sự riêng tư đó.

Tuy nhiên, 60% trong số người được thăm dò vẫn cứ vui thích thoải mái “download”, dung nạp những cái apps mới mà không cần đọc qua những điều lệ trong đó nói gì, và gần 20% vẫn download apps mới ngay cả khi họ có đọc qua những điều lệ đó và đã không thấy thích hợp. Một phần ba những người được thăm dò cho rằng họ sẽ delete (xóa bỏ) những cái apps nào muốn theo dõi (tracks) những hành tung của họ, nhưng có đến 50% cho biết họ có “delete” nó hay không là tùy theo họ thích nhiều hay ít. Đặc biệt, có khoảng 10% tin rằng một cái app muốn “theo dõi” họ thì thật ra đó là một điều ích lợi cho họ !!!.

Nói gì thì nói, việc giao dịch trên mạng hiện nay gần như là một phong trào trên cả thế giới. Không chỉ giới trẻ và trung niên – mà còn cả đối với giới lớn tuổi và cao niên. Giới trẻ và trung niên thì dĩ nhiên phải chạy theo trào lưu online của cao trào phát triển kinh tế và xã hội nếu không muốn tụt lại phía sau, mặc dù họ khó tìm ra thì giờ nhàn rỗi vì hầu hết tuổi nầy vẫn còn bận rộn với gia đình và công việc. Trong khi đó, giới hưu trí và cao niên thì lại quá nhàn rỗi, những ai giao dịch được trên online thì như “cá gặp nước” bỡi vì nhu cầu trò chuyện, chia xẻ tâm tư tình cảm của người già, cô đơn như được dịp giải tỏa; những bầu tâm sự, những sở trường sở đoản ngày xưa tha hồ phóng lên cho đại chúng toàn cầu “thưởng lãm”, biết đâu tình cờ lại gặp người yêu cũ giờ thành góa bụa, hoặc tái ngộ dăm đứa bạn thân thời còn mặc quần xà lỏn tắm sông, hoặc đôi khi lại may mắn vớt được dăm con bò lạc đi lang thang trên mạng để làm tri âm tri kỷ lúc cuối đời, cũng là chuyện đáng làm?!.

Trong khi những giao dịch online nầy đối với nhiều người ở Mỹ được coi như một loại xa xí phẩm về thì giờ. Ít ai có thể ngồi hàng giờ, hàng ngày trước màn ảnh của những dụng cụ điện tử để chít chat hoặc thì thầm trò chuyện hoặc trao đổi hình ảnh cho nhau… thì ngược lại, với hầu hết người Việt trong nước – như chúng ta đã biết, thì giờ đối với họ không phải bị tính từng phút như ở đây. Dù là dân chuyên chạy chợ trời hay chạy áp phe, dù là thường dân hay cán bộ viên chức  – thì giờ đối với họ hầu như rất là… “thư giãn”, họ có thể uống cà phê tán dóc hàng giờ vẫn không bị ai than phiền và hiếm khi phải hối hả vì công việc bức bách. Nay trước phong trào “lên” mạng để tán dốc và còn để khoa trương, khoe giàu khoe giỏi khoe đẹp, vv… nói theo chữ ở đây là “show off” – thì hiện nay, rõ là người trong nước coi bộ tiếp thu rất nhanh, họ còn “sính” và”sành” giao dịch online và “phây-búc” hơn cả những người Việt cần cù làm ăn, không tìm thấy thì giờ rổi rãnh nào ở cái xứ Mỹ nầy!!!.

Báo Trống Đồng (Monthly News) ấn hành trên Giấy hàng tháng, chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com

  Khoảng chục năm trở lại đây, theo chiều hướng ngày càng gia tăng những đoàn người du lịch từ trong nước qua Mỹ, ngày càng có nhiều gia đình người Mỹ gốc Việt tiếp đón những nhóm thân nhân từ trong nước qua thăm hay du lịch với nhiều mục đích khác nhau. Đa số những người nầy thấy cái gì ở Mỹ cũng hay, cũng lạ, và cũng muốn quay phim, chụp ảnh đem về trong nước cho gia đình bà con bạn bè xem với. Chỉ chừng vài năm gần đây thì đã khác nhiều. Họ không cần phải đem về nước cho từng nhà, từng người xem; mà họ đưa ngay lên “Phây” cho cả làng nước xem luôn! Bất kể những người “bị” chộp ảnh hay là “bị” có mặt trong những “video clips” đó có đồng ý hay không! Chính người viết đã từng thấy những người từ trong nước qua thăm bà con ở đây, thoạt nhìn thấy cái cửa cổng nhà làm đẹp và lạ quá, liền quay phim chụp ảnh ngay; vừa vào nhà bếp, nhìn thấy cách thiết kế nhà bếp sáng đẹp quá, liền sẵn chiếc smart phone đưa lên chộp ảnh ngay; ra vườn sau, thấy cách designs cây cảnh đẹp quá, liền đưa máy lên quay ngay. Khách vừa xem nhà, vừa trầm trồ ngạc nhiên về những chi tiết thiết kế nhà đất rất tân thời ở hải ngoại. Chủ nhà vô tư cũng dẫn khách (thường là bà con thân thuộc) đi “quan sát” khắp nhà, chỉ trỏ đủ thứ, nào gác lững, tầng hầm, từ garage đến sân thượng, … ngay cả đến những cameras canh phòng an ninh gắn ở đâu, vv… cũng trình bày cho khách biết. Những tưởng việc làm có tính cách “mời khách đến thăm nhà” như thế là hoàn toàn không phải vì ý đồ muốn “show off” mà vì chỗ thân tình, tiếp đãi khách một cách cởi mở vui vẻ vậy thôi.

Nào ngờ, việc xảy ra buổi sáng, đến tối hôm đó là đã thấy những chi tiết thiết kế nội thất hoàn toàn riêng tư, những bức tranh sơn mài đắp nổi của Thành Lễ bây giờ hiếm có, kể cả đường ra, lối vào của căn nhà người khổ chủ hiếu khách nói trên đều đã được đưa lên “phây-búc” cho “toàn thế giới” biết hết cả rồi! Thật là quá nguy hiểm!!! Đó là chưa nói đến có những trường hợp trong khi đón các đợt khách (đến từ trong nước, cứ hở một chút là đưa lên “phây”) kiểu nầy, nhiều “khổ chủ” đâu hề biết chuyện gì sẽ xảy đến cho mình, cứ vô tư để cái mặt mộc, đầu chẳng chải, quần bò áo thụng, mang tạp dề dọn thức ăn đãi khách – đến sáng hôm sau bỗng bạn bè gọi nói thấy hình ảnh mình trên “phây-búc” sao mặt mũi bơ phờ quá – mới biết rằng mình đã “bị” ai đó đưa đi trình diễn với khán giả “global/toàn thế giới” mà chẳng hề được biết trước dù chỉ một câu để mà chuẩn bị! Tiếp đến là dồn dập những “comments” của bạn bè thời trẻ, nay rải rác khắp năm châu bốn biển, tình cờ nhận ra “khổ chủ” đó vốn là bạn cũ, và đã tỏ lòng thương hại một cách không cần thiết chút nào?!

  Thật, không còn gì là riêng tư  và quá nguy hiểm cho sự an toàn cá nhân – trong thời đại “online, toàn cầu In-tờ-nét, và phây-búc” nầy!!!                                           

  Phó Thường Dân/trongdonglife.com

Trọn bộ sử liệu quí hiếm trên thị trường sách trong và ngoài nước, đang còn bán@trongdonglife.com
Banner