Thế giới nầy biến động từng ngày. Ở mỗi quốc gia là một đơn vị trong cái vũ trụ hổn mang nầy cũng vận hành dời đổi với tốc độ chóng mặt từng ngày, từng giờ. Nhất là trong thời đại truyền thông Internet ngày nay, chỉ “bập” một cái, từ đông qua tây đều bị đánh động!
Lịch sử loài người từ Đông Tây Kim Cổ, ở đâu và bao giờ cũng giống nhau, gộp chung lại là hai dạng người: ngay hoặc gian, chánh hoặc tà, thiện hoặc ác. Hai dạng nầy không thể nào chung sống hòa bình được, và rồi dĩ nhiên là “choảng” nhau tận mạng, không đội trời chung, một mất một còn… Chỉ bấy nhiêu mà tạo thành “lịch sử”! Rồi tùy vào bình diện lớn nhỏ mà ta gọi đó là lịch sử của một đất nước, một châu lục hay toàn thế giới!
Để miêu tả lại từng chi tiết cái thế giới loài người biến động với đầy tranh chấp nầy, người ta viết lại những câu chuyện tiểu thuyết lâm li bi đát, người ta xây dựng những chuyện phim đầy tình tiết hấp dẫn, người ta viết lại những cuốn lịch sử bi hùng của một dân tộc, vv…
Thời đại chúng ta đang sống đây, không ra ngoài cái công thức tổng quát đó. Có thể thấy rõ trong lúc con người đang ở một tình trạng phát minh và cưỡng chế được khoa học kỹ thuật để phục vụ mọi nhu cầu của mình, và đang tìm cách để trường sinh bất tử trên Trái Đất nầy hoặc chinh phục thêm nhiều hành tinh khác để tìm đất sống – thì, cũng chính ngay lúc nầy và ngay trên Trái Đất nầy đã hình thành một lực lượng khủng bố thường được gọi là ISIS vô cùng nguy hiểm, như một quái vật vô hình, không có quốc gia cũng không lãnh thổ nhất định, thoắt biến thoắt hiện ở nơi nầy nơi khác, đôi khi ở ngay giữa lòng những đất nước tiến bộ nhất thế giới – chỉ để làm sao giết hại được nhiều sinh mạng nhất, là thỏa mãn cuồng vọng của họ mà thôi!
Nhiều người cho rằng nếu ngày nay mà không có ISIS thì thế giới an bình và đỡ phải nơm nớp lo sợ biết bao. Cứ mỗi dịp lễ tết, hoặc hội họp, đám đông là phải lo sợ khủng bố; bất cứ là ở nhà ga bên châu Âu hay ở cuộc hòa nhạc tụ tập hàng ngàn người bên châu Mỹ,… ta đều nghĩ có thể là mục tiêu của những sát thủ khủng bố. Tuy nhiên, cũng không ít người nghĩ rằng, nếu không có tà phái giết người vô tội IS đó, thì quy luật tạo hóa cũng sẽ đẻ ra sự mâu thuẫn khác – theo những người nầy, thì lúc đó mâu thuẫn “quốc, cộng” sẽ trở thành đối đầu khốc liệt hơn để con người cũng sẽ chỉ đi mãi mãi mà không bắt gặp được thiên đàng ở đâu!?
Chuyện đời, phân tách cho cùng cũng chỉ để nhận ra được cái quy luật và mẫu số chung muôn đời không thay đổi của nó là Thiện và Ác, Chánh và Tà, cùng với sự Biến Động, Sinh Tồn và Hủy Diệt – và quan trọng nhất là để cảm nhận được cái ân sủng của Tạo Hóa đã cho ta còn được sống thêm một ngày Bình An trên Trái Đất nầy. Để đáp trả lại cái ân sủng đó, chắc chắn ông Tạo sẽ không buộc mình phải làm gì nhiều hơn là “Yêu Đời và yêu Người” trong từng ngày còn lại. Thật đơn giản thế thôi nhưng hiệu quả của cái sự đơn giản ấy đem lại cho ta là cả một ích lợi mênh mông vô tận. Bởi, “yêu đời yêu người” đồng nghĩa với “feelings good” mà bạn đọc từng nhớ trong bài kỳ trước, chúng tôi đã đề cập đến những lời khuyên của BS Hinohara, trong đó có nói rằng feelings good sẽ cho ta năng lượng cần thiết để đói không thấy đói, đau quên đau, mệt quên mệt, và chỉ còn lại năng lượng (energy) để vui sống và vui hưởng cuộc đời tươi đẹp trên mặt đất.
Tuy nhiên, lý thuyết và thực tế quá ư là khác biệt! Nhận biết thì dễ thế nhưng từ nhận biết đến thực hành không đơn giản chút nào! Có thế mới dẫn đến chuyện “gia vị cuộc đời” càng nếm càng đắng cay! Từ tuổi teen 17 đến ông già 71 cũng khó ai tránh cái sự đau buồn được!
Chuyện đời, ai cũng biết “nghèo” và “khổ” khi đứng chung làm từ ghép thì cùng một nghĩa, nhưng đứng riêng làm từ đơn thì lại là hai sự kiện khác nhau và không phải lúc nào cũng xảy ra cùng lúc! Nhất là ở nước Mỹ nầy ai cũng biết người nghèo rớt mồng tơi đã có cái lưới bọc của phúc lợi xã hội nên không sợ đói, sợ rét, sợ thất học, không nhà, vv… vậy thì đâu có gì là khổ?! Nếu nghèo ít hơn một bậc mà biết “liệu cơm gắp mắm”, không đua đòi cùng thiên hạ thì cũng cứ bình chân như vại, gia đình an vui hạnh phúc, cũng chẳng cảm thấy “khổ” là gì! Còn nếu income kha khá thuộc loại middle class thì lại quá yên tâm, ta cùng thiên hạ đều trời, ai sao tui dzậy, cứ ăn tiêu chừng mực, đừng “cà” credit cards bừa bãi thì chẳng giàu có gì nhưng mà gia đạo an vui; và cũng chẳng có khổ!
Vậy thì ai khổ?! Nực cười cái nghèo không đi kèm cái khổ, mà giàu sang phú quý tột cùng thì lại vẫn khổ quá chừng là khổ mới là chuyện lạ. Suốt hai ba tháng vừa qua, dân chúng cả nước Mỹ nầy ai mà không biết chuyện các “quý ông” vô cùng giàu sang phú quý tăm (tai) tiếng nổi như cồn khắp các phương diện từ nghệ thuật đến truyền thông đến chính trị, vv… vậy mà khổ sở muôn trùng không gì sánh nổi, mất cả chức sắc, danh dự, sự nghiệp … mà kể cả gia đình vợ con cũng chưa chắc giữ lại được. Đến đây chắc bạn đọc thân mến đã đoán biết được bài viết nầy muốn đề cập đến những ai rồi? Vâng đó chính là những “ông trùm”, như bắt đầu với nhà sản xuất phim ảnh và đồng sáng lập hãng phim Weinstein Company quyền lực bao trùm Hollywood: Ông Harvey Weinstein, hiếp 3 bà và sờ mó hàng tá bà khác, kết quả tiêu tán hết sự nghiệp! Rồi tiếp sau đó là gần 50 quý ông giàu sang trí thức tài giỏi nổi tiếng như: chủ nhà hàng kiêm bếp chánh kiêm chủ show nấu ăn nổi tiếng trên đài truyền hình ABC: ông Mario Batali, sờ mó 4 bà, kết quả bị mất show, mất nhà hàng; Chánh án tòa liên bang Alex Kozinski, sờ mó 6 bà, kết quả phải về hưu sớm; ông Trent Franks Dân biểu Arizona, yêu cầu 2 bà đẻ con dùm ông, kết quả buộc phải từ chức; ông John Conyers Jr., Dân biểu Michigan, sờ mó nhân viên, kết quả từ chức; ông Israel Horovitz, kịch tác gia và giám đốc sáng lập rạp hát Gloucester Stage, sờ 9 bà, kết quả mất việc, các vở kịch của ông đã lên lịch trình diễn đã bị canceled; rùm beng hơn cả là hai ông Matt Lauer có show “Today” trên đài NBC, sờ ít nhất là 1 bà, kết quả bị NBC cho nghỉ việc; và ông Al Franken – TNS tiểu bang Minnesota, sờ rất nhiều bà, kết quả bị hơn 40 đồng viện buộc từ chức!
Còn nhiều, nhiều lắm, không bút mực nào kể cho đủ những ông nhà giàu tiền rừng bạc biển mà cuối cùng phải trở thành “những kẻ khốn cùng” nầy!
Rõ ràng, chuyện đời chỉ là một chuỗi đấu tranh giữa Thiện và Ác. Ngoài xã hội, thiện và ác choảng nhau gây ra bi kịch chết chóc thảm thương. Trong từng cá nhân con người đều có hai yếu tố đó, chỉ khác nhau giữa tỉ lệ yếu tố nào nhiều hơn. Trong từng bản ngã, theo các nhà triết học – luôn có sự đấu tranh của thiện và ác, chánh và tà. Nếu một con người mà yếu tố “ác” hay “tà” lấn lướt được “thiện” và “chánh” – chẳng chóng thì chầy sẽ rất nguy hiểm cho đồng loại.
Chẳng dám kết luận một cách hồ đồ, nhưng người viết bài nầy thật sự đã chú tâm theo dõi thời sự chính trị từng ngày từng giờ trong những tháng gần đây, và đã có một cách nhìn thật bi quan về những khái niệm từng được đánh giá là đúng đắn, văn minh bậc nhất thế giới của chính trị, xã hội Mỹ, về sự công bằng giữa sắc tộc, sự tôn trọng nam nữ, về đạo đức công dân. Tất cả những giá trị đó dường như đã sập đổ khi người ta đã bằng cách nào đó đưa một con người đã và đang thách thức mọi giá trị truyền thống lên chức vụ hàng đầu quốc gia nầy; rồi tiếp đó, hàng loạt những nhân vật cầm cân nẫy mực trong lãnh vực lập pháp và tư pháp (dân biểu, quan tòa) bị liên tục lột mặt nạ đạo đức giả bởi đa số là… các công ty truyền thông dòng chính (mainstream media) mà đã từng bị ông tổng thống nước nầy thóa mạ không tiếc lời!
Nước Mỹ hiện đang trong giai đoạn đấu tranh từng ngày từng giờ giữa thiện và ác, chánh và tà, một cách trực diện và gay gắt nhất chưa bao giờ có trong lịch sử nước nầy. Một khúc quanh lịch sử vô cùng cần thiết bởi vì không thể nào để những chiếc mặt nạ đạo đức giả đó lừa dối cả nước từ những em bé lớp một đến những cụ già cao niên. Hy vọng rằng sau trận bị khủng bố bằng chính những “đứa con yêu” của đất nước nầy, Quốc Hội sẽ xem xét và tu chính những sơ hở của Hiến Pháp, luật pháp, hòng bảo vệ hữu hiệu đất nước từ sự can dự và chi phối của các lực lượng ngọai bang, cũng như tránh lập lại những sai lầm dẫn đến tình trạng tập quyền, dành cho vị tổng thống quyền hành quá lớn, dễ biến thành một ông vua độc tài thời phong kiến!
Phó Thường Dân/Trống Đồng News/trongdonglife.com