Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Ly hôn ở tuổi tóc bạc tăng gấp 3 lần?!

Sau nhiều thập niên tăng thêm liên tục, những tỉ lệ ly dị nói chung trong nước Mỹ của năm 2019 đạt một con số thấp nhất trong 50 năm. Trong khi các nhà ủng hộ cuộc sống hôn nhân cưới hỏi đàng hoàng đang mừng như mở cờ trong bụng và đang tổ chức ăn mừng sự sụt giảm các vụ gia đình đổ vở nầy – thì các chuyên viên trong vấn đề nầy cho rằng: sự vui mừng của họ sẽ không kéo dài được bao lâu đâu??!!

Những tỉ lệ ly dị nói trên đã được tiên đoán sẽ tăng vọt trở lại trong hậu cảnh của trận đại dịch nầy.

Sau một thời gian dài ở nhà với nhau suốt 24 giờ mỗi ngày 7 ngày mỗi tuần như vậy kéo dài liên tục suốt một, hai năm qua – với rất ít sự giao tiếp xã hội bên ngoài cộng với những căng thẳng về tâm sinh lý như tim đập nhanh, khó ngủ, buồn bả, nhức đầu, lo âu về tài chánh do trận đại dịch đem lại – một số cặp vợ chồng đang duyệt lại một cách cẩn thận đời sống hôn nhân của họ.

Nhất là đối với một số cặp vợ chồng mà con cái họ đã lớn khôn, lập gia đình ra riêng, chỉ còn lại hai ông bà già với nhau thôi (empty-nestlers) – thì trận dịch tể nầy là một dịp để họ nhìn lại đoạn đời về hưu với người bạn đường luống tuổi của mình nó giống như thế nào – và họ đã không thích những gì mà họ đã nhìn thấy đó.

 Một công ty chuyên cố vấn về tài chánh và những vụ chia tài sản khi ly dị đã  cho biết rằng vừa mới đây, nhiều cố vấn tài chánh của họ đã báo cáo một sự tăng vọt đáng chú ý trong những cú gọi đòi hỏi giải đáp thắc mắc về những vấn đề phức tạp tài chánh trong chuyện ly dị với nhau. Mà rất nhiều trong những cú gọi đó là từ các khách hàng ở lứa tuổi từ 50 trở lên. Những vấn nạn lúc cuối đời nầy, giống như sự đổ vỡ được đưa ra công chúng một cách gây chấn động mới đây của cặp vợ chồng tỉ phú Bill và Melinda French Gates, được biết đến như là “những vụ ly dị ở tuổi cao niên đầu bạc” (gray divorces) và chúng đang trên đà gia tăng!

Kể từ những năm của thập niên 90s ở thế kỷ trước (1990s), tỉ lệ ly dị của lứa tuổi 50 trở lên ở Mỹ cho đến nay đã tăng gấp đôi, theo Market Watch thì đây là những con số được tìm thấy bởi Trung tâm Thống kê nổi tiếng Pew Research Center. Trong thực tế, đối với những người lớn tuổi từ 65 trở lên, tỉ lệ ly dị đã tăng gấp ba trong cùng một thời gian đó và ngay cả còn tệ hại hơn đối với những vụ lập gia đình thêm lần nữa!

 Những sự thay đổi trong các vấn đề dân số học, xã hội học, và trận đại dịch nầy… tất cả các yếu tố đó đã đóng góp vào sự hình thành khuynh hướng trên.

  Chẳng hạn, người ta hiện đang sống lâu hơn, sống thọ hơn; phụ nữ đang tăng thêm khả năng chủ động, thêm quyền lực trong vấn đề tài chánh, tiền bạc chi tiêu trong gia đình; và thêm vào đó, những thành kiến không tốt trong xã hội đối với vấn đề ly dị; đối với người phụ nữ ly dị chồng hay người đàn ông ly dị vợ… đã giảm bớt đi.

  Do đó, một con người khỏe mạnh dù 65 tuổi vẫn dự đoán sẽ sống được thêm hơn 20 năm nữa, và đối với các bà (giới nữ) lại còn thường thường được cộng thêm 5 năm tuổi thọ nữa so với đàn ông. Nên nhiều người đã nhìn trước và thấy đây quả là còn một thời gian quá dài để phải sống trong một cuộc hôn nhân không có hạnh phúc, nên họ phải quyết định nhanh chóng thôi!

  Tuy nhiên, đối với những cặp vợ chồng đầu bạc cả đời cùng nhau xây dựng một cơ nghiệp vững vàng, mà cuối đời sanh tật đổi tánh lăng nhăng dối trá; hoặc vì sức khỏe suy giảm, chậm chạp, sơ suất, lãng trước quên sau mà không tự nhìn nhận, khiến đưa đến cãi vả, bất đồng không thể giải tỏa, cuối cùng phải ly dị – thì việc giải quyết tài sản chung cũng không đơn giản chút nào. Đa số đòi hỏi phải mướn những luật sư kinh nghiệm để đại diện và bảo vệ quyền lợi mỗi bên một cách khôn ngoan, đặc biệt bởi vì những luật ly dị và luật bảo hiểm tài sản thay đổi từ tiểu bang nầy qua tiểu bang khác.

  Trường hợp vừa nêu, phải công nhận là hiện nay dù ngay trong cộng đồng gốc Việt bảo thủ với truyền thống thủy chung một vợ một chồng từ nhiều thế hệ – vẫn cứ xảy ra, chứ đừng nói chi đến các cộng đồng khác hoặc người da trắng bản xứ vẫn sống theo chủ nghĩa tự do cá nhân, không ai thúc thủ chịu đựng ai, lại gặp những yếu tố thời đại xã hội thay đổi như trên, biểu sao không tăng gấp đôi, gấp ba lần cho được.

  Ngay trong vòng bà con, bạn bè, khách hàng quen thân của người viết cũng không thiếu gì những lời tâm sự rất chân tình cho thấy sự xuống dốc không phanh của những mối tình mà cách đây ba, bốn, năm chục năm đã êm đềm tha thiết không ai bằng. Chồng yêu chiều vợ, luôn muốn làm vừa lòng người vợ cũng là người yêu mỗi ngày của mình; vợ bỏ mọi thú vui bên ngoài xã hội để chăm chỉ làm việc, lo cho đàn con và ông chồng của mình không một ngày lơ đảng; họ không lúc nào phải giận hờn gây gỗ mặc dầu trải qua bao nhiêu cảnh dâu biển đổi thay, xóa bài làm lại vẫn một lòng đồng cam cộng khổ. Cứ tưởng những cuộc tình như thế chắc sẽ có “happy ending”, hai người sẽ đi bên nhau đến cuối cuộc đời, răng long đầu bạc.

Thế nhưng, “răng long đầu bạc” thì thấy có đấy, nhưng “happy ending” thì không. Một cặp đưa ra tòa ly dị lúc ông 75 bà 73. Một cặp khác, ly thân cả mấy năm nay nhưng vẫn giữ quan hệ gia đình vì không nỡ làm buồn lòng con cái. Vài cặp còn lại cũng ở lớp tuổi “thất thập cổ lai hy” đáng ra phải “an hưởng tuổi vàng” nhưng cứ lục đục hoài vì đủ thứ bất đồng và bà vợ thì cứ luôn nói “Hồi xưa ổng đâu có vậy!

Thật là, những tưởng “nước chảy đá mòn nhưng tình không mòn”, nào ngờ trong thời điểm con người sống trong một xã hội thay đổi đến chóng mặt nầy: nào là bay lên cung trăng, nào là sẽ có tiền ảo, rồi giao lưu xã hội mới với mọi ông, bà từ tỉnh đến tận trong quê đều có accounts trên “Phây” (FB) hết, chuyện từ trong nhà ra ngoài ngỏ đều bày hết trên phây cho toàn thế giới biết; con người thì sống thọ thêm vài chục năm, xã hội thì coi chuyện vợ chồng không còn “seriously” như trước mà cứ vui thì ở buồn thì đi, không ai cười chê gì cả! Cộng thêm chuyện xuất hiện con Covid nầy nguy hiểm như hung thần: nó đi đến nước nào, xứ nào con người phải đóng cửa ở miết trong nhà hàng tháng hàng năm đến đó,… biểu làm sao các ông, các bà không thay đổi khác xưa được!!!

Tuy nhiên, để kết luận một đề tài không mấy vui nầy, làm theo người xưa là dù trong hoàn cảnh xấu đến đâu cũng cứ hy vọng có một lối thoát – xin quý vị cho phép chúng tôi làm một sự so sánh như sau. Thường chỉ những căn bệnh chưa tìm ra nguyên do mới là không có thuốc chữa. Nay chuyên viên thống kê đã chỉ ra rằng do những yếu tố chẳng hạn như sự thay đổi về nhân sinh quan, dân số học, xã hội học, rồi dịch tể, vv…  là nguyên do khiến tỉ lệ ly dị trong lứa tuổi cao niên tăng gấp đôi, gấp ba lần như vậy. Mà những nguyên do đó là phát xuất từ sự chủ quan của những người trong cuộc. Cho nên từ sự chỉ ra các nguyên do nầy, tức đã có thuốc chữa căn bệnh về vấn nạn ly dị ở giới đầu bạc gia tăng rồi vậy. Chỉ là do quí vị có muốn chữa trị hay không, chỉ là do quí vị có muốn thay lòng đổi dạ hay không mà thôi! Nếu cho dù bất cứ hoàn cảnh vật đổi sao dời như thế nào, thiên tai dịch tể đến đâu đi nữa nhưng vẫn cứ lấy kinh nghiệm sống chín muồi của mình và kiến thức đối với sự biến thiên của thời cuộc mà đối xử trọn đạo với người bạn đời của mình, và vẫn cứ một lòng thủy chung như nhất với nhau thì cuộc đời nầy tốt đẹp biết dường nào!.

Được như vậy, không những ta đã tự cứu lấy những cuộc tình giá trị ngàn vàng của mình mà còn giúp cho tỉ lệ ly hôn đầu bạc đáng buồn nầy giảm xuống, và gián tiếp giúp cho hạnh phúc của giới cao niên tăng theo cùng với tuổi thọ của họ, – đó mới là điều đáng mừng thật sự.

                                              Phó Thường Dân/Trống Đồng News

Banner