Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Kinh Nghiệm Sống Khắp Nơi

Mỗi Kỳ Một Chuyện – Bí quyết để vợ chồng chung sống trăm năm: “Cười thật nhiều, bỏ qua thật nhiều!”😂😍

Bài: Phó Thường Dân/Trống Đồng News

Hình minh họa

Cuối tháng vừa qua, chúng tôi tình cờ đọc được một mẩu tin vừa hay vừa ích lợi.

Đó là tin và ảnh về một cặp vợ chồng thuộc hàng … cụ – ở mức tuổi tiên chỉ, lão làng. Câu chuyện về cụ bà Gloria: 95 và cụ ông Frederick Williams: 97.

Và cái tựa mà chúng tôi vừa chọn để giới thiệu bài nầy là được dịch thoát nghĩa từ cái tựa nguyên gốc rất đơn giản nhẹ nhàng như sau: “Secret to 71 years marriage: ‘Laugh a lot, ignore a lot’” do ký giả Peter Weinberger của Claremont Courier – một tờ báo vô vụ lợi ở thành phố Claremont, vừa viết về một sự kiện đặc biệt của một gia đình cư dân tại địa phương nầy.

Sự kiện đặc biệt vui vẻ vừa nói đó đã xảy vào ngày 25 tháng 8 vừa qua, ngày mà cách đây 71 năm, hai người đã cột nhau bằng sợi đây hôn phối, cho nên giờ đây cả hai đã làm lễ kỷ niệm 71 năm ngày cưới cùng với cả đại gia đình con cháu dâu rễ.

  Tuy nhiên, điều đặc biệt hơn nữa là như thế nầy. Đây không phải là buổi lễ kỷ niệm ngày cưới bình thường như bao lễ kỷ niệm khác. Bỡi vì, hai cụ cho biết suốt bao nhiêu thập niên qua đã ăn bánh cake hoài chán quá rồi, cho nên, đã bàn với con cháu tìm cách gì đổi mới một chút, làm kiểu “public” luôn. Tức là, nhắc hết ghế trong nhà ra cùng ngồi trước garage. Con cháu vẽ một tấm bảng thật to rõ, viết mấy chữ đủ màu: “Happy Anniversary Fred & Gloria: 1951 – 2022 – 71 years”, rồi vẽ thêm 2 trái tim một xanh một đỏ kề bên nhau😍😂

  Hàng xóm nhiều người phát giác ra được đã  báo nhau đem hoa tươi và thiệp đến chúc mừng; còn những chiếc xe chạy ngang qua khúc đường Williams Avenue gần nhà nầy, đọc được mấy chữ trên và nhìn thấy hai cụ tóc bạc phơ, miệng cười thật tươi ngồi cùng đám con cháu bao quanh – đều bày tỏ sự hưởng ứng bằng cách bóp kèn tin tin hoặc gào to lời chúc mừng để tỏ ý chung vui cùng đại gia đình hai cụ.

Laugh a lot, ignore a lot” có thể hiểu một cách đơn giản và nhanh nhất là: “Cười thật nhiều và làm ngơ, bỏ qua những bất đồng, buồn phiền lặt vặt cũng thật nhiều” thì mới sống lâu dài với nhau đến như vậy nổi.

 Nếu nói về những lời khuyên của các cặp vợ chồng già, ông bà lớn tuổi để lại cho con cháu để hướng dẫn chúng làm sao sống đời với nhau được,  thì có lẽ có rất nhiều, và cũng rất hay… nhưng công nhận, câu nói trên của hai cụ Williams là ngắn gọn nhưng cô đọng và bao quát nhất!

Ảnh trên: Đây là những ý kiến đóng góp, sưu tập trên Internet về chủ đề “làm thế nào để cuộc hôn nhân được bền vững lâu dài. *Ý kiến thứ nhất, tạm dịch: Tháng 7 vừa qua, ông bà tôi làm kỷ niệm 58 năm cưới nhau, tôi hỏi ông tôi bí quyết nào để sống chung lâu như vậy. Ông nói: “Gần như hầu hết thời gian Ông đã phải cỡi bỏ cái máy trợ thính (ống nghe ở tai”😁 *Ý kiến thứ hai: Lời khuyên của ông nội 93 tuổi và cưới vợ 70 năm của tôi, là: “Yêu nhau và luôn luôn tha thứ mọi lỗi lầm cho nhau.”*Ý kiến thứ ba: Hôm nay kỷ niệm 62 năm ngày cưới của ông bà, tôi hỏi bí quyết sống chung. Bà tôi trả lời: Hãy quên mọi lỗi lầm của họ.” *Ý kiến thứ tư: Tôi hỏi ông bà tôi làm sao sống chung được 55 năm và họ trả lời: Chỉ phải thỉnh thoảng cần phải coi như không có họ😂

Đôi uyên ương hiếm có nầy gặp nhau lần đầu tiên ở thành phố Claveland tại một bữa tiệc Tân Niên năm 1951. Ông Frederick đã không ngần ngại nói ngay rằng hôm đó ông đã bị “tiếng sét ái tình”và yêu bà ngay trong lần gặp đầu tiên ấy. Nếu biết thêm rằng hai người đã cưới nhau chỉ 8 tháng sau đó thì chắc là bà Gloria cũng đã cảm thấy lụy tình ngay từ phút đầu giống y như ông vậy.

Lúc ấy ông thì làm tài xế xe truck, bà thì vừa tề gia nội trợ vừa làm đầu bếp chính cho một trường tiểu học gần nhà. Hai ông bà có được một trai một gái là David và Lorelei Pimpau. Thế nhưng hai cụ thuộc nhóm chủ trương “không có gì quý hơn độc lập tự do” nên cho mãi đến cách đây 5 năm, tức là khi cả hai người đã ngoại cửu tuần tức 90 trở lên, mới chịu dọn về ở chung nhà với con gái và con rể ở thành phố Claremont nầy.

  Khi được hỏi: “Ông bà có lời khuyên nào tốt cho những cặp vợ chồng trẻ hay không?” Ông Frederick cho biết, đó là: “Không cần tranh cãi về mọi chuyện nhỏ nhặt”. Bà Gloria thì nói ngay: “Cười thật nhiều, làm ngơ cũng thật nhiều.”

  Bà con gái Lorelei và cụ Gloria đều đồng ý rằng họ đã có một sự phân công sắp đặt trước chứng tỏ rất hiệu quả trong nhiều năm qua. Sự phân công đó là, người con gái nói: “Bố là người quyết định mọi vấn đề lớn, còn Mẹ thì là người quyết định những chuyện nhỏ thôi. Rất may mắn là ông ấy không bao giờ phải quyết định một chuyện lớn nào cả!” Cả nhà vừa nghe xong câu nầy, đều đổ cười ầm, thật vui vẻ.

  Câu chuyện vừa kể thật là thú vị. Không phải chỉ ứng dụng với một gia đình ông Frederick mà có vẻ nghe như quen thuộc, giông giống với chuyện của gia đình ông A, bà B, … nào quanh đây; và không chỉ trong cộng đồng Mỹ mà cả trong cộng đồng Việt và có lẽ cũng còn trong nhiều cộng đồng khác nữa…

Đó là nói về chuyện phân công; còn về lời khuyên để có thể sống đời với nhau thì “cố tránh mọi thứ tranh cãi vụn vặt, cố cười nhiều, làm ngơ càng nhiều càng tốt…” nghe rất hữu lý, bởi vì không chỉ hai cụ khuyên như thế mà rất nhiều cặp vợ chồng bách niên giai lão khác cũng đã để lại những lời khuyên na ná như thế.

Photo Credits: Ann and Ken Hetzel have been married for 71 years.

  Ví dụ như hai cụ Ann và Ken Hetzel trên đây đã từng cưới nhau 71 năm. Họ nay 96 và 90, nay vẫn còn đi chơi chung với nhau mỗi weekend và cùng cho rằng bí quyết để họ chung sống lâu dài với nhau chẳng phải là bí quyết gì cả, chỉ là cùng vui hưởng thì giờ bên nhau và cùng nhớ là phải nói chuyện vui và làm sao để cùng cười với nhau càng nhiều càng tốt. Cả hai cùng nuôi dạy 3 người con trai và hiện cùng đang tham gia sinh hoạt công việc cộng đồng. Hai cụ Hetzels sẽ ăn mừng 72 năm ngày cưới của họ vào Lễ Tạ Ơn năm 2022 sắp tới đây.

Trang web TODAYshow.com mới đây cũng đã cho đọc giả đóng góp ý kiến về bí quyết làm sao để chung sống hạnh phúc lâu dài, cuối cùng cũng cho rằng “laughing a lot” (cười thật nhiều) là quan trọng – và độc giả của TODAYshow còn nhấn nhá thêm một bí quyết quan trọng nữa là, dù cho đã thành vợ chồng bao nhiêu lâu, nên nhớ cỡi bỏ chiếc nhẫn đính hôn để “Cứ xem nhau là Tình Nhân” trong những cuộc hò hẹn (dating) mỗi cuối tuần” để cuộc tình được hâm nóng mãi với thời gian.

  Hay! Các ông các bà, các Cụ gốc Việt chúng ta chắc khá nhiều quý vị cũng từng trải nhiều và cũng đã có rất nhiều cặp sống vui sống khỏe cùng nhau cả 50 năm trở lên, cũng không phải là chuyện hiếm!.

Hy vọng có một ngày nào đó, chúng tôi sẽ có duyên may được tham khảo ý kiến với các Cụ về vấn đề nầy, để các thế hệ trẻ hơn có thể lấy đó làm kinh nghiệm giúp nuôi dưỡng cuộc sống hôn nhân lâu dài hơn, giữa lúc tuổi thọ của chúng ngày một ngắn lại trong bối cảnh xã hội tân kỳ, hiện thực, yêu cuồng sống vội như hiện nay.

                                                             Phó Thường Dân/Trống Đồng News

Báo Trống Đồng (Monthly News) ấn hành trên Giấy hàng tháng, chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com
Nhân Văn Giai Phẩm và Vấn Đề Nguyễn Ái Quốc, là một công trình biên khảo của Nhà văn Thụy Khuê đã được mô tả bởi chính tác giả như sau:
“Cuốn sách này tổng kết công việc tìm kiếm và thu thập các dữ kiện xung quanh phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trong hơn 20 năm, từ năm 1988 đến ngày nay (2011).
  Trong quá trình làm việc có những ngã rẽ bất ngờ: khảo sát về Phan Khôi, tôi thấy sau khi đi Pháp về, Phan Châu Trinh giao cho Phan Khôi nhiệm vụ viết lại lịch sử đời mình, từ đó, phải tìm hiểu về những ngày Phan Châu Trinh ở Pháp, dẫn đến mối tương quan giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh, người tự nhận là lãnh tụ đầu tiên của phong trào Việt kiều Yêu Nước.  Tôi tìm đọc nguyên văn tiếng Pháp các bài viết ký tên Nguyễn Ái Quốc, mới thấy tác giả những bài viết nầy phải là người biết tiếng Pháp rất sâu và có văn tài, không thể là người mà Trần Dân Tiên mô tả trong cuốn hồi ký: “Những Mẫu Chuyện Về Đời Hoạt Động của Hồ Chủ Tịch”.   Vậy có một sự giả mạo lịch sử quan trọng cần phải tìm hiểu đến nguồn cội. Đó là lý do tại sao có phần biên khảo về Vấn đề Nguyễn Ái Quốc trong cuốn sách nầy. (Thụy Khuê/Paris 2/2005-8/2011).
Dự định tìm lại dấu vết phong trào Nhân Văn Giai Phẩm đã đến với tôi từ cuối năm 1984, khi trở lại lần đầu sau 30 năm xa Hà Nội. Năm 1984, lúc ấy tôi chưa cầm bút, và 1954, khi rời Hà Nội, tôi mới lên mười. Như phần lớn học sinh miền Nam, tôi đã thuộc lòng không chỉ những câu thơ nổi tiếng của Trần Dần:   Tôi bước đi không thấy phố không thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ … mà còn cả những câu thơ ít nổi tiếng hơn, nhưng không kém phần đau xót: Trời vẫn quật muôn vàn tảng gió, Bắc Nam ơi đứt ruột chia đôi. Tôi cúi xuống quỳ xin mưa bão. Chớ đổ thêm lên đầu họ, khổ nhiều rồi!
NXB Tiếng Quê Hương – Virginia 2012 ấn hành. Sách dày 976 trang, bìa cứng, khổ 5.5×8′”, nặng 2,5lbs. Giá $40 –  Đang còn bán tại trongdonglife.com
trongdonglife garden’s images
trongdonglife garden’s images
trongdonglife garden’s images
trongdonglife garden’s images
Banner