Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Mỗi Kỳ Một Chuyện: Chuyện Hậu Sự – Thiêu hay Chôn?!

Từ bao đời nay, ông bà ta xưa thường nói: “Sống cái Nhà, Già cái Mồ” ngụ ý ai cũng  hiểu rằng khi sống thì cái nhà đàng hoàng là quan trọng; đồng thời khi chết thì cái mồ là tất cả dấu tích để để đời lại cho thế gian! Nên nhà hay mồ gì cũng là để đầu tư cho cả kiếp nầy và kiếp sau vào đó. Nhà cao cửa rộng, mồ yên mả đẹp, với tường thành bao bọc kiên cố thì ai ai cũng khen ngợi rằng người đó, nhà đó có phúc.

Theo phong tục truyền thống thì vậy, nhưng ngày nay thì sao? Một số  vị khách hàng trung niên, cao niên hay ghé Nhà sách Trống Đồng thường băn khoăn về vấn đề nầy, không biết khi mình ra đi rồi nên dặn lại con cháu ra sao đây, thiêu hay chôn đây?! Một số khác thì có thái độ dứt khoát không cần bàn cãi. Những người này đã lo chuyện hậu sự cho mình từ nhiều năm trước, chọn nghĩa trang nào thuận tiện nhất, mua đất và mua nguyên cả gói (packages) thủ tục từ nhà quàn đến nghi thức tang lễ của các dịch vụ tổ chức tang ma luôn. Số này chủ trương theo truyền thống, chôn cất đàng hoàng chứ không chịu thiêu đốt thể xác còn lại của mình thành tro bụi.

Còn lại thì đa số, không hiểu họ tin vào lý luận khoa học hay vì lý do nào đó mà chủ ý muốn được thiêu hơn, xong rải xuống biển hay gửi chùa hoặc cho con cháu đem về nhà thắp nhang thờ tự. Tiêu biểu cho nhóm nầy là ông Trần Bình An. Ông hay nói thẳng thừng: “Tui thường dặn các con rằng ba mà nhắm mắt rồi, không cần tổ chức tang ma gì cho rườm rà tốn kém, chỉ cần thiêu xác rồi rải biển, thế là xong. Vừa ít tốn kém, sạch sẻ môi trường mà cũng tiện cho con cháu khỏi phải thăm viếng mộ phần cho phiền phức. Tiện cả đôi ba bề…” ông A nói xong còn cười dòn: “Mỗi lần tui thấy những đám ma kèn trống rầm rộ, vòng hoa đối liễn, phúng điếu um sùm, là trong tâm tôi lại nghĩ thầm rằng thật không hiểu sao đến lúc chết mà ông bà gia chủ nầy còn làm phiền cho con cháu, thân nhân, bạn bè như vậy không biết!” Ông A còn nói thêm: “Tiếc nhất là những vòng hoa thật đẹp đủ loại mà thân nhân bằng hữu đã chung góp bạc trăm bạc ngàn để mua đem lại; chỉ mấy ngày sau là nhân công nghĩa trang gom quẳng thùng rác hết, rõ thật là phí của biết bao nhiêu!

Những người chủ trương duy linh, tin có linh hồn, có thế giới bên kia – đã chau mày không chịu nổi khi nghe ông A phê bình như vậy. Họ cho rằng “ông nầy thuộc phái chủ trương duy vật đây chắc?! Không kiêng phong tục, không nễ thần linh, không yêu kính ông bà cha mẹ, không tin có kiếp sau kiếp trước gì cả, thế nào chết xuống âm phủ cũng bị đọa đày cho biết!”Những người nầy vẫn còn trung thành với phong cách truyền thống. Như là ở trong nước thời gian gần đây và hiện nay, có nhiều nghĩa trang dòng tộc xây cất kiên cố và dựng bảng to lớn đầy sự phô trương, hãnh diện.

Tuy nhiên trên khắp thế giới giờ đây, cứ thêm mỗi năm đi qua thì số người chủ trương “thiêu” xác như ông An lại tăng nhiều hơn. Ngay cả những người có đạo, tin thần linh, hậu kiếp … cũng mỗi ngày một theo khuynh hướng nầy nhiều hơn.

Đó là những sự thay đổi quan điểm về hậu sự cho mình ở trong cộng đồng gốc Việt của mình. Ở đây, người viết bài nầy thử cùng quí vị đi thêm vào chi tiết thời sự xem hiện nay dân nước Mỹ và các xứ khác suy nghĩ và quyết định hậu sự của mình như thế nào đây?

Mới hồi hạ tuần tháng 4 vừa qua, một bài viết về vấn đề nầy của hãng tin Washington Post đã cho thấy rất rõ quan điểm của người Mỹ ngày nay cũng đã thay đổi rất nhiều so với truyền thống. Bài báo đó có cái tựa là: “The stunning rise of cremation reveals America’s changing idea of death” (tạm dịch: Sự gia tăng choáng ngộp của dịch vụ thiêu xác cho thấy sự thay đổi của nước Mỹ trong ý niệm về sự chết)

Chỉ cần đọc cái tựa không, cũng đủ cho thấy đại ý của bài nầy. Tác giả đã kể lại câu chuyện làm ăn của một ông chủ Nghĩa trang Green-Wood ở thành phố Brooklyn tiểu bang New York. Ông Richard Moylan cho biết, trong suốt gần nửa thế kỷ kinh doanh trong nghề dịch vụ ma chay chôn cất nầy, ông chưa bao giờ trải qua những năm giống như những năm vừa qua gần đây. Là chủ tịch của nghĩa trang Green-Wood, ông phải mỗi ngày quản lý công ty lo tang ma có tính cách lịch sử nầy vì nó đã tồn tại gần 50 năm qua ở Brooklyn – nơi mà những gia đình trong khu vực có thân nhân mất mát vì dịch tể trong vài ba năm qua đều phải đến đây để lo việc hỏa thiêu tống táng. Nhưng sự thay đổi lớn hơn trong thời kỳ hậu – dịch – tể vừa nêu trên đã được cho là từng xác lập từ trước đó nữa. Đó là: sự lựa chọn để được hỏa thiêu đã xảy ra thường xuyên hơn là sự lựa chọn được chôn cất trong quan tài theo cung cách của những năm trước đây trong quá khứ.

 Vào lúc cao điểm của dịch tể, lò thiêu của nghĩa trang Green-Wood đã làm việc không ngơi nghỉ từ 16 đến 18 giờ mỗi ngày. Khiến một bức tường mới vừa đổ sập. Phí tổn bảo trì tăng cao. Năm ngoái, 4.500 thi thể đã được đưa vào 5 lò thiêu, một tỉ lệ gia tăng là 35% so với năm 2019.

Hỏa thiêu ngày nay là hình thức được lựa chọn hàng đầu của việc hậu sự – và kỹ nghệ tang ma đã gọi nó là một sự lựa chọn cho thấy không có dấu hiệu gì sẽ giảm xuống.

Trong năm 2020, 56% người Mỹ qua đời đã được hỏa thiêu, hơn gấp đôi con số 27% của 2 thập niên trước đây. Theo hội hỏa thiêu Bắc Mỹ (Cremation Association of North Ameria: CANA)

Khoảng năm 2030, sẽ có đến 4 trong số 5 người Mỹ dự tính sẽ chọn cách hỏa thiêu hơn là chôn trong quan tài, theo cả Hội CANA lẫn Hội Giám Đốc Tang Sự Toàn Quốc (National Funeral Directors Association: NFDA).

Sự thay đổi quan trọng nầy cho thấy tiềm năng thất thoát doanh thu của kỹ nghệ tang ma. Nó đang dẫn đầu những nhà hoạt động môi trường để đạt đến một con số gia tăng đáng kể cho số người chọn sự bảo vệ môi trường hoặc những lựa chọn khác thay vì nghi lễ chôn cất trong quan tài theo truyền thống. Và sự thay đổi nhanh chóng trong quan điểm về hậu sự cho người chết nầy cũng cho thấy sự thay đổi trong cung cách con người tưởng niệm thân nhân của họ như thế nào – đồng thời phản ảnh một sự gia tăng trong quan điểm chuộng cách giải quyết thực tiễn hơn tâm linh, cho cuộc sống là hữu hạn, và không còn tâm lý sợ sự chết – trên toàn quốc.

Bài báo dẫn ông Moylan nói về sự hỏa thiêu như sau: “Một số người muốn sự đau buồn nầy chấm dứt ngay và không còn bận tâm gì nữa. Không biết họ có sẽ hối tiếc gì về sau không. Riêng với những gia đình muốn hỏa thiêu, hầu hết họ không muốn biết những gì chúng tôi sẽ làm và làm như thế nào hoặc họ không cần chú ý nữa đối với những gì xảy ra sau đó. Thế hệ nầy chỉ không muốn để cái chuyện chủ trì một cuộc tang ma đầy lo lắng phiền não nầy kéo dài suốt 3 ngày đêm cho gia đình họ.”

 Sự gia tăng đáng chú ý trong vấn đề chết thiêu nầy là “sự thay đổi to lớn duy nhất trong dịch vụ tang ma ở thế hệ chúng ta, hoặc tôi dám nói rằng ở trong cả vài thế kỷ trước nữa,” theo Thomas Lynch, một nhà thơ của Michigan và cũng là giám đốc dịch vụ tang chế trong suốt 50 năm qua. “Người ta muốn cái thi thể đó biến mất đi – gần như vậy. Tôi nghĩ chắc bởi nó nhắc nhở chúng ta những gì đã mất.” Trong nước Mỹ, Lynch viết thêm rằng “Đây là thế hệ đầu tiên của loài người đã cố gắng giải quyết sự chết bằng cách khỏi lo lắng bận tâm lâu dài với nó.”

Những quốc gia khác lại còn từng áp dụng cách thức đó nhanh và sớm hơn nữa, giống như Nhật Bản, với một tỉ lệ gần như 100% hỏa thiêu, một phần bởi vì dân số cao mà lại không có đất chôn. Trong Ấn giáo (Hindu) và đạo Phật, hình thức nầy cũng thịnh hành vì coi như linh hồn được siêu thăng khỏi thể xác đó, khi tái sanh sẽ có xác khác. Nhưng Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo (Muslim) thì chống lại thuyết đó vì những quan điểm khác nhau về sự chết, ngày phán quyết, và kiếp sau… – của họ.

 Trong khi tại Mỹ, dù lò thiêu đầu tiên đã được mở ra từ năm 1876 ở Washington, Pennsylvania – nhưng người Mỹ vẫn chưa chấp nhận nhiều, đa số vẫn thực hiện theo truyền thống. Cũng phải mất cả thế kỷ hơn, quan điểm nầy mới bắt đầu lan tỏa rộng dần.

 Từ 6 thập niên trước đây, tỉ lệ thiêu xác ở Mỹ chỉ chưa đến 5%. Nhưng phương thức nầy đã vọt lên như hỏa tiển khi khối dân Mỹ trở thành thực tiễn, không tin thần linh và hậu kiếp – trên đà gia tăng. Năm ngoái, con số người thường đi nhà nguyện đã giảm xuống dưới 50% lần đầu tiên kể từ khi viện thống kê Gallup bắt đầu thăm dò về vấn đề nầy trong năm 1937.

 Dân Mỹ cũng bắt đầu nhận thấy sự thuận tiện của việc hỏa thiêu và phí tổn thấp hơn của nó. Chẳng hạn giá trung bình của một đám tang và nghi lễ thăm viếng, chôn cất tốn cỡ $7.848 (theo hội NFDA), trong khi giá trung bình của sự hỏa thiêu trực tiếp (không nghi lễ tang chế và thăm viếng) chỉ bằng 1/3 con số đó, tức khoảng $2.550 mà thôi.

Đối với nhiều gia đình trên khắp nhiều tiểu bang, thường cho là “vô lý” trong sự đầu tư thì giờ, công sức và tiền bạc để chôn cất một người thân trong một nghĩa trang mà ít ai có thì giờ thăm viếng. Giờ đây, dịch vụ thiêu xác hiện có sẵn trực tiếp từ chủ nhân đến khách hàng, được quảng cáo trên những trang Webs chẳng hạn như Solace hay Tulip.

Sự lựa chọn hỏa thiêu thường phổ biến rộng ở những tiểu bang bầu cho dân chủ hoặc nơi có những mùa đông băng giá làm mặt đất đóng băng (như ở Canada, tỉ lệ nầy còn cao hơn ở Mỹ). Tỉ lệ thiêu xác đã lên đến gần hoặc 80% ở Nevada, Washington, Oregon và Maine. Nhưng ở Utah và các tiểu bang phía Nam, tỉ lệ thiêu xác chỉ bằng phân nửa con số trên vì đa số dân chúng vẫn còn nặng về tâm linh, tôn giáo.

Trận dịch tể đã gây nên sự chết chóc đáng kể. Trong năm 2021, gần như ¾ các quận của Mỹ đã báo cáo số chết nhiều hơn số sinh ra, theo cơ quan CDC. Người Mỹ giờ đây không có chỗ nào không gia tăng con số chết. Con số cư dân trên 65 tuổi sẽ gần gấp đôi trong 3 thập niên tới, theo cơ quan SSA. Và tử xuất nầy dự đoán sẽ lên cao nhất trong năm 2055, theo Văn Phòng thống kê dân số U.S. Census Bureau.

 Mặc cho những sự leo thang đó, nhiều gia đình đã trở thành chuyên viên, quen thuộc, rành rẻ trong sự chuẩn bị cho cái không thể tránh được. “Đó là chủ nghĩa lạc quan tuyệt đối của nước Mỹ. Bạn cần nhìn vào khía cạnh tươi sáng của cuộc sống, điều đó làm giảm bớt sự buồn phiền đeo đuổi. Tang ma không phải luôn luôn phải làm theo đúng một sự đòi hỏi, chờ đợi nào. Sự đau buồn sẽ để lại dấu ấn dài ngày”, một tác giả cổ động cho phương thức mới phát biểu như vậy, và khuyên thêm “những gia đình nào không cảm thấy thoải mái với các nghi lễ rườm rà phức tạp của tang lễ theo truyền thống, hãy thay thế sự kiện đó bằng một sự kiện vui mừng giống kiểu mừng sinh nhật”.

Tuy nhiên, hiện có nhiều sự lựa chọn khác nhau trong cùng cung cách tống táng đơn giản đó. Nhiều người không muốn chôn trong hòm, nhưng quan tâm đến sự bảo vệ môi trường hơn cả sự hỏa thiêu. Một trong những sự lựa chọn đó là “chôn xanh” (green burials), thi thể được tẩm liệm rồi đưa vào một bịch chứa gọi là biodegradable container; hoặc “chôn cùng thực vật” (natural organic reduction), thi thể được đặt nằm trong một hòm chứa đặt trên một chiếc giường đầy gỗ vụn, hoa khô, cỏ khô – những cách chôn nầy giúp thi thể tan hòa vào trong đất nhanh chóng chỉ trong vòng từ 30 đến 60 ngày (thay vì được ướp xác để tồn tại cả trăm năm, ngàn năm như thời cổ).

Công ty đầu tiên của nước Mỹ cung cấp dịch vụ chôn cất theo kiểu “natural organic reduction” vừa được thành lập trong mùa xuân năm 2019 ở Seattle có tên là Recompose (tạm hiểu: Tái tạo hoặc Phối hợp trở lại theo cách khác). Cách tống táng nầy sẽ giúp thi thể chuyển dạng thành đất trong vòng hơn 30 ngày và lượng đất đó đủ chứa đầy một xe truck nhỏ. Phí tổn có giá đồng hạng là $7.000. Một số gia đình muốn nhận một ít đất có âm hưởng của người thân trong đó cho mục đích cá nhân; khoảng phân nửa những gia đình nầy chọn sự hiến tặng đất đó cho một khu rừng hoặc một nông trại nào đó.

Số người muốn mua những thông tin của Recompose về “The death care journey” (cuộc hành trình chăm sóc sự chết) đã tăng lên đến 25.000. Cô Anna Swenson – là quản lý ngoại vụ của Recompose cho rằng “người ta đang tìm kiếm những sự lựa chọn khác nhau. Có nhiều yếu tố để lựa chọn, nhưng trong đó mục đích muốn bảo vệ môi trường là vượt trội hơn cả.” Công ty Recompose nầy dự định sẽ phát triển thành 10 chi nhánh trong suốt 10 năm tới.

 Thêm một yếu tố khác liên hệ đến chuyện hậu sự nữa. Đó là hiện nay có nhiều người Mỹ đang chọn lựa được chết tại nhà hoặc trong “hospice” (tức cơ sở chuyên chăm sóc các bệnh nhân nan y chỉ còn nhiều nhất là 6 tháng để sống) và với người thân bên cạnh, thay vì chết trong những bệnh viện.

  Tóm lại, tang ma nghi thức rườm rà và kéo dài nhiều ngày theo truyền thống xưa cổ, ngày nay đã thay đổi rất nhiều, không chỉ trong cộng đồng gốc Việt của chúng ta mà ở cả các nước từ Đông sang Tây, và nhất là trong nước Mỹ nầy. Đồng thời chuyện hậu sự của con người không chỉ chuyển từ chôn sang thiêu,  mà còn có rất nhiều loại khác để lựa chọn. Ăn khách nhất hiện nay và trong thời gian vài ba thập niên sắp tới là chủ trương muốn thi thể hòa tan nhanh chóng vào lòng đất để giúp thanh lọc môi trường, dinh dưỡng thực vật, mở rộng không gian xanh tươi cho người sống.

   Quả thật nếu khuynh hướng vừa nói đó phát triển rộng, chúng ta phải công nhận là con người đúng là sinh vật chẳng những thông minh nhất mà còn cao thượng nhất so với muôn loài, bởi vì cho đến chết, ngay cả cái xác vô tri vô giác còn lại của mình cũng không muốn bỏ phí chút nào trong lý tưởng phục vụ tha nhân và mọi sự sống trên Trái Đất nầy.

                                                    Phó Thường Dân/Trống Đồng News

Báo Trống Đồng (Monthly News) ấn hành trên Giấy hàng tháng, chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com
trongdonglife garden’s images
trongdonglife garden’s images
Banner