Phải nói rằng tình hình thế giới những ngày vừa qua thật là nhiều chuyện rối rắm như tơ vò không giải quyết được. Người phụ trách mục nầy đáng ra Mỗi Kỳ chỉ Một Chuyện thôi, nhưng kỳ nào cũng thấy có cả hàng đống tin tức thời sự đáng chú ý; chuyện nầy chưa dứt đã bồi thêm chuyện khác.
Ai cũng dư biết rằng mỗi quốc gia đều có những vấn đề nan giải tồn đọng riêng của mình chẳng khác gì mỗi gia đình mỗi cá nhân trong xã hội đều có nỗi niềm riêng khó ai giải tỏa được. Nhất là, sau hơn hai năm dịch tể, nhà nhà từ con cháu đến ông bà cha mẹ đều phải tập làm quen với nếp sống và lối học hành làm việc theo kiểu mới. Thôi thì đủ kiểu phải tập làm quen: vệ sinh, cách ly, học tập, họp hành qua Zoom hay online, remote qua mạng; người thương nhớ thì phải cách ly; người không muốn nhìn mặt thì nhốt chung một nhà ngày nầy qua tháng nọ…!?
Đã thế, gần đây cuộc chiến Nga khởi động ở Ukraine ngày càng căng thẳng, mức độ thương vong hủy diệt và gánh nặng di dân đổ ập lên phần còn lại của thế giới ngày càng tăng, khiến cho nơi nào cũng cảm nhận được những áp lực về nghĩa vụ quốc tế và nhân đạo đối với nước nầy và dân chúng ở đó. Đến Đức Giáo Hoàng còn phải kêu gọi đình chiến mấy lần mà cũng không được phía khởi động chiến tranh ngừng lại. Rồi Liên Hiệp Quốc cũng phải đầu hàng vì những cuộc nói chuyện hòa giải đi vào bế tắt.
Thế là, những áp lực vốn sẵn có do trận đại dịch Covid-19 đè lên các nước toàn thế giới hãy còn đầy những hệ quả tinh thần vật chất lên mọi người; giờ đây lại cộng thêm với áp lực của trận chiến Nga – Ukraine đang diễn ra mỗi ngày – Tổng hợp của những tầng áp lực vừa kể, khiến cho chính quyền và dân cư của mỗi nước cảm nhận được hết tất cả sự lo âu, căng thẳng lên cả hai mặt tâm thần lẫn vật chất.
Mỗi sáng, nhà nhà đều theo dõi truyền thông báo chí, truyền thanh, truyền hình để xem tình hình dịch tể nay ra sao rồi?! Bao nhiêu vụ nhiễm mới, bao nhiêu cái chết mới ngày hôm nay?! Gì nữa? Kế đến, mọi người nghe và xem cuộc chiến diễn ra ở Ukraine ra sao rồi? Hôm nay Nga chiếm đến đâu, Ukraine đẩy lùi giặc khỏi thành phố nào rồi? Bao nhiêu dân cư đã di tản, bao nhiêu chết, bao nhiêu thương vong? Thế giới đã can thiệp đến đâu rồi? Thế rồi trước mắt mọi người là đầy những cảnh bi thương đổ nát!!!
Và cuối cùng một câu hỏi chung của mọi người trên toàn thế giới là: Có phải chiến tranh nguyên tử hay Thế chiến 3 sắp xảy ra hay chăng?! Và dĩ nhiên sống trong tình trạng lo âu hồi hộp như vậy thì không tốt cho tâm lý con người chút nào.
Đó là nói chung. Còn nói riêng trên đất Mỹ mà chúng ta đang sống hiện nay thì dân chúng vốn đã quen kiểu “làm cũng dữ, chơi cũng dữ” mà đụng thời buổi nầy, việc làm cũng dễ ách tắc mà ăn chơi cũng bị hạn chế tối đa, thì chẳng còn gì là thoải mái nữa!
Có thể nói một cách nghịch lý nhưng đúng thực những gì đang xảy ra, là “bởi vì xứ nầy là thiên đường của tự do dân chủ hạng nhất thế giới cho nên cái áp lực đó nó cũng đang đe dọa nặng nề nhất thế giới”.
Quyền tự do cá nhân không nơi nào bằng nơi đây, ngay cả đến chuyện bắn chết người khác để bảo vệ mình cũng được pháp luật bảo vệ nếu có bằng chứng đúng thực là cần thiết để phải tự vệ như thế. Hầu hết mọi người đều có quyền mua và sở hữu súng hợp pháp ở đây. Tuy nhiên, không ít hung thủ đã dùng súng bất hợp pháp như chiếm dụng của người khác hoặc “súng ma” (ghost gun) để nổ hàng loạt vào đám đông mà nhà chức trách rất khó tìm ra thủ phạm.
Mấy tháng gần đây, xã hội Mỹ lại bị bồi thêm một nỗi lo mới. Đó là nạn lạm phát gia tăng, khiến vật giá gia tăng. Nhất là giá xăng, giá thực phẩm, giá nhà, tiền thuê nhà,… tăng kỷ lục khiến mọi người càng cảm thấy thêm bất ổn. Mọi sự lo âu, bất mãn dồn nén lại thành tâm thần bạo động. Đó là công thức bất biến trong mọi xã hội lòai người từ xưa nay. Chắc trong mấy ngày gần đây, chúng ta đều thấy rằng những vụ nổ súng vào đám đông gây thương vong hàng loạt sinh mạng đã và đang xảy ra liên tục.
Theo tài liệu của cơ quan lưu trữ dữ kiện về nổ súng bạo động The Gun Violence Archive (GVA), báo chí, và cảnh sát địa phương thì trong năm 2021 nước Mỹ đã có tất cả 145 vụ nỗ súng hàng loạt. Nhất là chỉ kể từ ngày 16 tháng 3 cho đến nay tức khoảng 1 tháng nay, nước Mỹ đã có ít nhất 45 vụ nổ súng giết người hàng loạt (mass shootings) như vậy. Thông thường một vụ nổ súng được xếp vào hạng “mass shootings” thì phải có số người bị bắn, bị thương, hoặc chết, chưa kể hung thủ – ít nhất phải từ 4 người trở lên. Ấy là, tài liệu nầy vẫn chưa kịp cập nhật một số vụ mới vừa xảy ra trong ngày 16 và 17 tháng 4 – như vụ nổ súng làm 14 người bị thương ở South Carolina Mall; rồi một vụ nổ súng vào 9 người khác tại một thành phố nhỏ cũng ở tiểu bang nói trên; đồng thời cũng trong ngày Chủ Nhật vừa nói, một vụ nổ súng hàng loạt tại một party qui tụ hàng trăm người trong một nhà thuê Airbnb ở Pittsburgh khiến 2 người chết và ít nhất 8 người bị thương!!! Chưa hết? Sẽ còn dài dài?!
Vấn nạn nầy vẫn còn, không biết cho đến lúc nào. Mặc dù vừa mới đây, TT Biden đã nhắm thẳng vào mục tiêu cải cách luật súng mà từ lâu nay đã vô cùng khó khăn để thực hiện vì thế lực quá mạnh của những cá nhân và hội đoàn bảo vệ quyền sở hữu súng ở nước Mỹ; một trong những sự cải cách đó là đưa ra những biện pháp để chận đứng nạn tự lắp ráp súng “ma” (ghost guns) – loại súng có hiệu năng giết người y như súng thật nhưng không có mã số (serial numbers) nên nhà chức trách không thể theo dõi và kiểm soát được. Thống kê của Bộ Tư Pháp cho thấy gần 24.000 khẩu súng ma đã được tịch thu ngay tại hiện trường tội phạm bởi cơ quan cưỡng bách pháp luật và báo cáo lên chính quyền chỉ trong vòng 4 năm từ 2016 đến 2020.
Khó mà nói được còn bao nhiêu cây súng ma như thế nữa đang lưu hành trên khắp các đường phố, một phần bởi vì trong nhiều trường hợp các phòng cảnh sát không báo cáo với chính quyền về loại súng nầy, bởi vì họ không thể theo dõi được. Nói chuyện tại tòa Bạch Ốc, TT Biden cho biết Bộ Tư Pháp đang làm việc ráo riết để đúc kết lại những nguyên tắc mới nhằm trấn áp, truy diệt loại súng ma nầy, đồng thời thông báo đề cử ông Steve Dettelbach nguyên là Luật sư Chính quyền Liên bang tại Ohio từ 2009 đến 2016 – vào chức vụ Giám đốc cơ quan ATF, tức bộ phận chuyên trách về Rượu, Thuốc Lá, Vũ Khí, và Chất Nổ (Bureau of Alcohol, Tobacco, Firearms and Explosives) để theo dõi và thực hiện mục tiêu cải cách nầy.
Bên cạnh đó, chính quyền Biden đã tìm mọi cách để giảm nhẹ cho dân chúng nạn lo âu căng thẳng do những tầng áp lực nói trên, như cấp liên tục những gói kích thích kinh tế và những đợt checks phụ cấp khó khăn dịch tể, $600, $1200, $1400,… và những loại trợ giúp khác cho gia đình khó khăn, thất nghiệp có con nhỏ vv… Thêm nữa, từ liên bang đến tiểu bang đều có kế hoạch đưa những ngân khoản bạc tỉ để giúp xây nhà bán rẻ cho người lợi tức thấp. Đồng thời, tỉ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống từ 6,4% còn 3,6% nên ai cũng đã có việc làm khiến xã hội hiện nay khó mà tìm người giúp việc đến mức đi đến đâu cũng thấy treo bảng “Hiring” nhan nhãn cần người. Một điều thấy rõ nhất là trong các lãnh vực nhân viên bệnh viện, thầy cô giáo trường học, tài xế xe trucks giao hàng, vv… là những khu vực thiếu nhân viên nặng nề nhất. Khiến khu vực giáo dục phải nghĩ đến chuyện tăng lương thầy cô giáo để hấp dẫn người nộp đơn; và bộ nầy cần phải dùng đến biện pháp kêu mời các thầy cô giáo về hưu rồi, trở ra làm việc lại – để giải quyết bớt nạn thiếu thầy cô.
Mặt khác, chính quyền Biden còn đang cứu xét mở rộng việc xóa nợ học (student-loan debts) cho hàng triệu người, như một bản tin từ Yahoo! Finance sáng nay vừa đưa ra cho biết: Chính quyền Biden đã tiếp tục nỗ lực xóa nợ học hôm Thứ Ba (19 tháng 4) qua một thông báo rằng 40.000 sinh viên mắc nợ sẽ thấy nợ học của họ hội đủ điều kiện được xóa bỏ dưới chương trình “Public Service Loan Forgiveness” và 3.6 triệu hồ sơ khác đang trong thủ tục tiến gần đến chỗ được xóa bỏ nợ nầy. (The Biden administration continued its student loan cancellation effort on Tuesday by announcing that 40,000 borrowers would see their student loans become eligible for discharge under the Public Service Loan Forgiveness program and 3.6 million more will move closer towards forgiveness). Đồng thời, có đến 30 tiểu bang hiện nay cùng đua nhau áp dụng chính sách cho học đại học miễn phí để giúp cư dân dễ dàng lấy bằng đại học – nhằm nâng cao trình độ, mức sống, và giúp cư dân có điều kiện phục vụ xã hội tốt hơn, vv…
Mặc cho những nỗ lực phụ giúp tích cực nói trên, dân chúng Mỹ hiện vẫn trong tình trạng phập phồng lo sợ: Không biết ra sao ngày mai?!
Nhìn bề ngoài xã hội thì vẫn hoạt động ồn ào náo nhiệt như vậy nhưng người dân vẫn đang lo thủ thế sẵn sàng cho mọi biến cố có thể xảy ra, như chiến tranh, dịch tể hoặc ngay cả bom nguyên tử! Người có tiền dư giả cũng phân vân khó biết phải nên giữ lại bằng cách nào cho tốt nhất. Tiền thật (cash), tiền ảo (bitcoins), vàng, công trái phiếu (bonds) hoặc cổ phiếu (stocks)? Để có thể khỏi sợ mất giá trong trường hợp một trong những biến cố nói trên thật sự xảy ra!
Nhất là những bản tin thời sự mới nhất cho thấy phía Nga vừa tuyên bố cuộc chiến ở Ukraine sẽ tiếp tục chuyển qua một giai đoạn mới; phía Ukraine tuyên bố sẽ không đầu hàng hay giao nộp bất cứ thứ gì của nhân dân Ukraine; còn phía Mỹ và đồng minh thì càng cam kết tiếp tục tăng cường cấm vận, cô lập với Nga, và hỗ trợ thêm vũ khí chiến lược thứ dữ cho Ukraine… Tất cả cho thấy cuộc chiến nầy không phải đã đến hồi chấm dứt mà còn trái lại còn đang mở rộng lên tầm cỡ sẽ là một cuộc chiến toàn diện giữa Nga và Mỹ cùng phe Đồng Minh trên toàn thế giới…
***Dân Mỹ sẽ còn tiếp tục mệt nhoài với những lo âu và căng thẳng mỗi ngày chưa biết cho đến bao giờ?!
Phó Thường Dân/Trống Đồng News