Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Lại Nghĩ về Chữ Ngờ với Bài “Tin vui. Một tờ báo cho trẻ gốc Việt, sau hơn 40 năm!”

Lời Người Viết: Bài nầy chúng tôi viết đã lâu, cách đây mấy năm, từ lúc Tạp Chí PM mới tung ra thị trường để marketing tìm thị trường và độc giả. Với cảm giác ngạc nhiên, bất ngờ và đầy xúc cảm khi thấy có một tạp chí song ngữ do những người trẻ thực hiện với một nội dung thực tế và đầy ý nghĩa trên đất người như vậy – nên tinh thần bài viết đầy ý tưởng khích lệ, lạc quan và tràn trề hy vọng. Chẳng ngờ (lại thêm một chữ ngờ) chuyện đời không dễ như ý muốn. Sau mấy năm bận rộn với công việc và thời sự, nay duyệt lại bài để đưa lên Web mới nhớ đến PM. Lục tìm trên mạng khắp nơi không thấy đâu! Hỏi đủ chỗ không có câu trả lời ???!!! Dù sao, cũng xin đọc lại bài viết dưới đây như một tấm lòng, một nguyện vọng gửi giới trẻ, một ước mơ chưa thành hiện thực cho nghề làm báo ở xứ người…

Đã lâu lắm rồi, có lẽ từ hơn 40 năm qua, cộng đồng gốc Việt tỵ nạn ở Mỹ chỉ chú ý đầu tư khai thác các phương tiện truyền thông truyền hình, nói nôm na là làm báo, mở đài… tiếng Việt để phục vụ thế hệ thứ nhất, chứ chưa có thì giờ (!) để nghĩ đến chuyện cần phải cung cấp món ăn tinh thần đúng hướng và bổ ích trong sứ mạng đào tạo các thế hệ tiếp nối; nói cách khác, chúng ta có phần giao khoán, bán cái 100% chuyện giáo dục định hướng sự suy nghĩ, kiến thức về giữ gìn truyền thống dân tộc, quan điểm, lập trường, sự phân tích về lịch sử xã hội, chính trị, … của con em chúng ta cho nhà trường Mỹ ?!

Tuy cách đây vài năm đổ lại, thị trường báo chí Việt ngữ thấy xuất hiện vài tờ báo do giới trẻ thực hiện như các tạp chí hàng tuần có tên Việt Mỹ, Trẻ Cali., … hình thức gọn nhẹ, có website, e-mail đầy đủ, lại còn đặt văn phòng nối kết với các tiểu bang xa, làm thành mạng lưới để dễ phát triển hơn.

Các báo nầy cũng đã nỗ lực biên tập bài vở, viết, dịch thuật, sưu tầm trên “net” những tin hay, lạ, bổ ích cho sinh hoạt hàng ngày về tinh thần và thể chất của đồng hương gốc Việt nói chung, nhưng tập trung đa phần vẫn cho các độc giả cao niên và một phần nhỏ trung niên (nhiều người trung niên hoặc thế hệ thứ 2 hiện nay cũng rất ít đọc báo, cho rằng mắc bận đủ thứ chuyện, không có thì giờ!) – chứ chưa thấy tầm nhắm của các tạp chí trẻ nầy động chạm gì đến lãnh vực sinh hoạt của giới trẻ gốc Việt lớn lên ở Mỹ hết!

Ngoài chuyện khai thác thị hiếu của số đông độc giả lớn tuổi và trung niên thích những mảng chuyện lạ, chuyện động trời, kinh dị, chuyện ma, chuyện sex, tin y học, thể thao, điện ảnh Hàn quốc, Đài loan, tử vi bói toán, vv… để tiện bề làm quảng cáo cho các cơ sở thương mại, thế thôi!

Tuy nhiên, cũng đáng mừng là mới đầu tuần nầy, tôi nhận được một xấp tạp chí mới toanh, của người chuyên phân phối báo chí vùng quận Cam nhờ cho miễn phí để giới thiệu dùm tờ tạp chí mới ra lò nầy. Thoạt đầu, tôi cũng nhìn lướt qua xấp báo với cái nhìn thờ ơ, vì nghĩ không biết đây là lần thứ mấy đã có những tờ báo mới như thế nầy xuất hiện rồi chỉ vài con trăng qua là âm thầm biến mất – nhất là trong thời buổi điện thư, điện toán, youtubes, websites, facebooks nầy!

Xấp báo mới với trang bìa được trình bày thật hấp dẫn vẫn cứ nằm dài trên bàn làm việc của tôi thêm vài ngày sau đó, mặc dù có vài ba khách hàng của nhà sách đã được tặng để đem về coi thử. Tình cờ một hôm nhân lúc nhàn rỗi không bận khách sự, tôi cầm lên một cuốn thử xem anh chị nào bạo gan muốn thử thời vận trong thời buổi khó khăn nầy vậy! Bất ngờ, sau khi lật từng trang từ trang đầu đến trang cuối, mới thấy rằng những người trẻ tuổi nào đầu tư vào việc ra báo nầy rất là khá, có vẻ vững vàng và kinh nghiệm từ hình thức đến nội dung – và nhất là rõ ràng: tầm nhắm của tờ tạp chí là 100% nhắm vào giới trẻ gốc Việt lớn lên trên đất Mỹ, những người chưa từng có một tạp chí bilingual (song ngữ) nào vừa đẹp vừa hay để đáp ứng nhu cầu của họ. Trong khi nhu cầu báo chí truyền thông cho giới trẻ Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ càng ngày càng gia tăng, họ cần biết về văn hóa lịch sử Việt, họ cần biết về phong tục truyền thống dân tộc Việt, họ cần biết về tâm tư nguyện vọng của ông bà, cha mẹ họ – những người Việt cô độc, hoài hương, hoài cổ… trên quê hương thứ hai nầy. Những thông tin, những kiến thức đó rất, rất là cần thiết. Không tạo điều kiện hấp dẫn để giới trẻ đọc biết thì làm sao chúng cảm thông với người lớn và làm sao chúng có cái nhìn đúng đắn về cội nguồn dân tộc như chúng ta mong muốn. “Cầu” thì nhiều mà “cung” thì không có! Trên thị trường truyền thông báo chí Việt ngữ hải ngoại đa phần nội dung là cho người lớn tuổi, lại cũng không có phần Anh ngữ cho giới trẻ. (Trước đây tờ báo Việt ngữ lớn nhất hải ngoại là tờ Người Việt thỉnh thoảng có vài trang Anh ngữ, nay cũng không còn thấy!). Hơn nữa, sau khi lướt qua nội dung dù rất là đơn sơ của cuốn báo trình làng đầu tiên chỉ có 38 trang nầy, tôi vẫn đánh giá được khá tốt về tương lai của nó. Tên của nó là Tạp chí PM. Theo tôi, PM có thể chẳng những sống lâu mà còn có cơ hội phát triển nhiều hơn nữa. Trên thị trường báo Việt song ngữ cho giới trẻ gốc Việt hiện nay, như trên đã nói, PM không có đối thủ, múa gậy vườn hoang, đó là lợi điểm số 1 của người kinh doanh. Nội dung cuốn PM số 1 nầy không có mấy bài nhưng có vẻ như đánh đúng thị hiếu của giới trẻ hiện nay, đó là: thời trang y phục, thời trang cả về chuyện ăn chuyện nhậu, chuyện phiếm, văn nghệ, ăn uống làm sao cho cân bằng dinh dưỡng, thể thao, những tính chất đặc thù của người gốc Việt, và nhất là cái ý tinh tế trong một bài có tựa đề như sau: “Tôi là người VIỆT, chứ không phải VIỆT NAM” – một tiêu đề đáng đem ra để bàn thảo và suy ngẫm, nó đúng hay sai, tùy theo cái cách mình suy nghĩ, nhận thức như thế nào, nhất là đối với giới trẻ! Những người biên tập còn nắm được tâm lý giới trẻ và phong trào, cung cách ăn uống theo thời trang hiện nay của họ nữa. Đúng như ta hay nói: “Có thực mới vực được đạo”, ngay trang đầu khi lật vô là thấy ngay bài “Câu chuyện ly chè” với hình ảnh rất đẹp của những loại chè ba màu, thạch lựu, hạt sen, trái cây đầy màu sắc thật hấp dẫn, thế là anh chị nhỏ tuổi nào thờ ơ lắm cũng muốn đọc ngay để tìm thêm có gì mới lạ của một trong những món snacks hàng ngày của họ. Sắp tới đây, tôi đoán tờ báo sẽ có những bài đặc biệt về các loại Bobas, cà phê Starbucks, Crawfishes, hot pots, hấp dẫn chẳng những trẻ gốc Việt mà cả trẻ gốc Á như Đại Hàn, Nhật, Trung Hoa, vv…

  Từ thuở nào, người Mỹ gốc Á đã có những điểm chung và dễ gần nhau hơn các gốc khác. Có lẽ ai trong chúng ta, những người Việt từng sống lâu năm ở Mỹ đều thấy rằng con cháu chúng ta thường đi chung và kết bạn với gốc Á hơn là các gốc khác, trừ trường hợp ở những trường học ít có dân Á châu. Hiện nay, hơn bao giờ hết trong mấy chục năm qua, các nhà kinh doanh thực phẩm, nhà hàng đã nhận thấy và đang khai thác cái “gu” chung về ẩm thực của giới trẻ gốc Á nầy; bởi thế, các trung tâm ăn uống gốc Á ở quận Cam, ở Rowland Heights, về đêm đã tập trung đông nghẹt giới trẻ, và mỗi khi có các nhà hàng hay các tiệm bánh ngọt (như 85 Degree Bakery Café chẳng hạn) mới khai trương thì giới trẻ có vẻ rất quan tâm, họ thông tin cho nhau và rủ nhau đến chẳng kể gần xa, còn hơn tham gia những sự kiện chính trị động trời nữa!!!

   Những người trẻ chủ trương tờ báo nầy còn có một tầm ngắm chẳng những rộng, mà còn có thể nói là mênh mông vô tận, khi công bố mục đích của mình trong trang 6 của số đầu tiên như thế nầy: “Tạp chí PM là một ấn phẩm Việt Mỹ, tập trung vào văn hóa Việt Mỹ và Á châu ở Hoa Kỳ, Canada và Việt Nam. Với ảnh hưởng ngày càng tăng của Châu Á đến văn hóa phương Tây, sứ mệnh của chúng tôi là thu hẹp khoảng cách và tôn vinh di sản cũng như văn hóa truyền thống của chúng ta… “ Để thực hiện được sứ mệnh nặng nề muốn gánh vác như thế, tạp chí PM cũng xác định cho mình hai trách nhiệm hàng đầu là: phục vụ cộng đồng; và phấn đấu để trở thành diễn đàn chung cho tiếng nói của người Mỹ gốc Á và những cộng đồng gốc Á tại hải ngoại!

  Hay!!! Chưa có “idea” nào mới lạ, rộng rãi, phong phú, hợp thời và trẻ trung như thế trong làng báo hải ngoại từ trước đến nay!!!

  Từ trang 28 trở đi là phần chuyển dịch những bài viết ở các trang phía trước qua Anh ngữ cho các bạn trẻ -những người có nhiều chất Mỹ hơn, có thể vừa đọc vừa học và hiểu thêm chữ Việt; những ai còn đậm chất Việt hơn, có thể vừa đọc và học hiểu thêm chữ Mỹ, hoặc đối chiếu với nhau.

  Làm báo không dễ chút nào! Làm báo theo đúng nghĩa nghề nghiệp của nó, nếu ngay trên chính quê hương bản địa của mình, cũng đã đòi hỏi khả năng và can đảm không khác chi so với chiến binh ngoài trận mạc – dù đó là xứ dân chủ chứ đừng nói chi đến xứ độc tài đảng trị!

 Thế mà, không biết là vì may mắn hay bất hạnh hay nghiệp dĩ, bản thân người viết cũng đã từng mấy chục năm sống chết với nghề làm báo nầy, mà lại còn làm báo trên xứ người trong giai đoạn mà “cơm áo gạo tiền” được chú ý chứ mấy ai nghĩ đến “bảo tồn ngôn ngữ”- chẳng phải lại còn khó hơn biết bao!!! Thỉnh thoảng có người từng trải, có thể đánh giá đúng cái khó của nghề làm báo, cũng lấy làm an ủi. Nhớ có lần đến thăm nhà một người bạn. Ông nầy trước đây là kỹ sư học ở Pháp về làm cho hãng xăng Shell ở Sài Gòn. Sau nầy qua Mỹ ông mở văn phòng làm thuế ở địa phương nầy chắc cũng đến vài chục năm. Nhà ông có bốn người: hai vợ chồng và 2 ông con trai, thì hết 3 người là bác sĩ. Thế nhưng khi nói chuyện với người làm báo, ông lặp đi lặp lại: “Tui phục mấy người nghề nầy. Làm bác sĩ tuy khó nhưng cũng không thiếu chi người làm được; làm báo không phải ai cũng làm được!” Thực tế, dĩ nhiên làm bác sĩ hái ra tiền thì mọi người nỗ lực học để làm; còn làm báo mười người hết chín người nghèo xác xơ thì ai chạy theo làm gì?! Nhưng dầu sao cứ suy ngẫm một cách tự hào thì ông bạn vàng nầy cũng phát biểu với nhiều ý đúng, ý tốt ở trong đó, phải không anh Tr. Phan?

  Liên hệ trở lại câu chuyện chúng ta đang nói ở đây về tạp chí PM. Một điều ngạc nhiên cuối cùng tôi và có lẽ quí vị cũng cùng chung ý nghĩ, đó là: chủ báo PM lại là cô ca sĩ Dạ Nhật Yến thường thấy của TT Asia. Cô vừa đẹp người, vừa hát hay, nhảy đẹp – không ngờ nay lại còn có sáng kiến rất đẹp nữa, đó là ra báo phục vụ giới trẻ gốc Việt. Quí vị thử vào Youtube gõ tên cô và nghe qua một bài của Nguyễn Hiền, “Anh Cho Em Mùa Xuân” sẽ thấy cô đẹp và hát dễ thương như thế nào! Tuy nhiên dù cô đẹp, cô hát hay, vv… vẫn có người đẹp và hát hay như cô hoặc hơn nữa; chỉ có điều cô lại kiêm luôn làm “chủ báo” nữa thì khó ai bì kịp. Và tất nhiên, làm báo bây giờ còn khó hơn xưa, phải đầu tư đủ thứ vừa tiền bạc vừa thì giờ để kỹ thuật và nội dung sao cho đủ đạt tiêu chuẩn báo Mỹ và đúng thị hiếu phong trào của giới trẻ – là đối tượng chính của tờ báo. Hy vọng cô Dạ Nhật Yến sau một thời gian vắng sân khấu, đã có thì giờ “trải nghiệm” (nói theo kiểu văn chương mới ở trong nước bây giờ) và nắm bắt được những nguyên tắc căn bản về nhu cầu và thị hiếu cập nhật nhất để có thể thành công trên thương trường hiện nay. Đúng là “hậu sinh khả úy”!. Các tờ báo già từng không thu hút được sự chú ý và do đó cũng không tạo ảnh hưởng tích cực gì đến giới trẻ được, tất phải là rất, rất là “appreciate” sự hiện diện của PM, nhưng nhớ dùm một điều là bên cạnh những bài vở hấp dẫn về ẩm thực, thời trang, và mọi món ăn tinh thần và hưởng thụ linh tinh khác nhằm lôi cuốn giới trẻ… Xin quí vị đừng quên mỗi kỳ báo “cho quá giang” một vài đề tài nhắc nhớ về phong tục tập quán truyền thống, nguồn gốc lịch sử con cháu bà Trưng, bà Triệu, Hưng Đạo Vương … từng đuổi giặc xâm lăng; hay nguồn gốc, tâm tư, nguyện vọng… của thế hệ thứ nhất tị nạn là như thế nào, vv… thì chúng tôi lại càng cám ơn nhiều hơn!

 Rất mừng cho làng báo gốc Việt nói chung và chúc cô Dạ Nhật Yến có được Partner và những cộng tác viên đắc lực để PM sớm trở thành phổ biến rộng rãi trong cộng đồng chúng ta.

Nào ngờ…

           Phó Thường Dân/Trống Đồng News

Báo Trống Đồng (Monthly News) ấn hành trên Giấy hàng tháng, chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com
Cùng hàng trăm cuốn sách đủ loại: Biên khảo lịch sử, khoa học, tâm lý giáo dục, vv… đang có bán tại trongdonglife.com
Banner