Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Gốc Việt Quanh Ta/Nhân Vật và Sự Kiện

Tưởng Nhớ Danh Họa Vũ Hối – một nhân tài vừa giả từ thế giới đầy nụ cười & màu sắc để về Miền Vĩnh Cửu

HS Vũ Hối đang phát biểu tại buổi ra mắt Thi Tập “Chiêm Bao Trở Giấc” của ông tại TP Pomona, Nam Cali. năm 1997. Ảnh T.Đ. News)

(BT/T.Đ. News) – Chiều ngày 20 tháng 8 vừa qua, sau khi được tin Thư Họa Sĩ Vũ Hối vừa ra đi, chúng tôi đã liên lạc ngay với Họa Sĩ (HS) Vũ Quốc là con trai của nhà danh họa và rất tiếc được biết rằng tin ấy hoàn toàn chính xác! HS Quốc cho biết thân phụ anh vừa qua đời lúc 5 giờ 15 phút chiều hôm trước, tức 19 tháng 8, 2022 tại tiểu bang Maryland, ở tuổi được xem như thượng thọ, 91…!

  Khi nói đến tiểu sử của nhà Thư Họa nầy thì có khá nhiều chi tiết, nhưng tựu trung một cách sơ lược thì những thời điểm đáng ghi nhớ nhất là: *Ông sinh năm Nhâm Thân 1932 tại  tỉnh Quảng Nam. *Tốt nghiệp Trường Cao Ðẳng Mỹ Thuật Gia Ðịnh. *Từng đoạt giải Khôi Nguyên Hội Họa Quốc Tế năm 1963 tại Hoa Kỳ. *Là hội viên của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam. *Có tên trong Tự Điển Văn Học VNCH 1974. *Sáng lập Trường phái Hội Họa “Paintings in Motion” và Thư Họa “Handwriting Painting”. *Man of The Year 1994 – Học Viện Cambridge, London. *Tổng Thống Tiệp Khắc Vaclav Havel tiếp kiến và nhận tranh “The Dream of Peace” của ông tại dinh tổng thống ở Praha ngày 4 Tháng Chín, 1995.

   Ngoài ra, trong nhiều thập niên từ 1958 đến 2002, ông đã xuất bản hàng chục tác phẩm Thơ và Thư Họa, trong đó tác phẩm đầu tiên là tập thơ Mùa Giao Cảm in tại Sài Gòn năm 1958 và tác phẩm sau cùng là cuốn Thư Họa Truyện Kiều Nguyễn Du in tại Mỹ năm 2002.

***Chân dung HS Vũ Hối do HS Vũ Quốc vẽ cho thân phụ năm 2017. HS Quốc nói “Ba rất đắc ý với tác phẩm nầy” (Courtesy Photo)
***Món quà Thư Họa của HS Vũ Hối tặng Báo Trống Đồng năm 1997
Bức tranh sơn dầu HS Vũ Hối vẽ tặng chúng tôi nhân dịp sinh nhật 1990 lúc còn ở quê nhà. Qua tựa đề “Ước Vọng” của bức tranh, ông mô tả tâm trạng người trong tranh lúc đó, 1 cô gái tựa mình trong khung cửa hẹp, nhờ cánh chim câu bé nhỏ nhắn gửi đôi lời “ước vọng” tới gia đình đã ly cách nghìn dặm bên kia bờ đại dương từ sau biến cố 75. Tranh được vẽ theo một tấm hình chụp năm 1969. (Ảnh T.Đ. News)

  Đối với người Việt, hầu hết không lạ gì với tên tuổi của nhân tài hiếm có nầy, bỡi vì ông không chỉ có tài về hội họa với những thành tích trên lãnh vực quốc tế, mà ông còn là một nhà Thư Họa với thủ pháp bay bổng hài hòa điêu luyện. Ngoài ra, những khi có nguồn cảm hứng, ông còn là nhà thơ nữa. Thơ của ông tuy không nhiều nhưng khá độc đáo về cả ý lẫn từ ngữ.

Và, khi viết câu nhận xét: “Thơ của ông tuy không nhiều nhưng khá độc đáo về cả ý lẫn từ ngữ” , chúng tôi bổng chợt nhớ có một lần gặp ông, nhà Thư Thi Họa đã đọc một hơi liền mấy câu trong một bài thơ mà ông vừa sáng tác và rất đắc ý, với cái tựa chỉ có một chữ thôi, mà gói trọn cả cái tâm trạng bồng bềnh ngao ngán tiến thoái lưỡng nan của những kẻ sĩ bất phùng thời trong cuộc đời tha hương đất khách!

Đó là bài thơ có tựa đề: “Nửa” – với những câu thoạt xem qua nghe chừng thật là đơn giản, nhưng càng ngẫm nghĩ càng thấy chiều sâu của ý thơ là vô hạn và… không có lối thoát. Bài thơ như sau: Đời ta nửa tỉnh, nửa say – Nửa đen nửa trắng, nửa ngày nửa đêm – Nửa vui với nửa ưu phiền – Nửa sông cồn cát, nửa triền núi cao – Nửa thương, nửa nhớ nghẹn ngào – Nửa cười tha thiết, nửa ngao ngán tình – Nửa hồn đau kiếp phù sinh – Chênh vênh nửa cuộc hành trình bể dâu- Chập chờn nửa giấc canh thâu – Cười say bên ngọn đèn dầu nửa khuya! (Vũ Hối/1999). Thơ ông còn rất nhiều bài, hầu hết là yêu con người, yêu gia đình và non sông, đất nước- cũng với những từ và ý độc đáo như vậy.

Nói về tài Thư, Thi, Họa tức viết thư pháp, làm thơ và vẽ tranh của Ông Vũ Hối – chỉ mình chúng tôi ca ngợi thì có thể là chưa đủ sức thuyết phục người đọc bằng mượn thêm lời của một số những học giả, nhà thơ, nhà báo rất nổi tiếng đương thời trên thi văn đàn đã từng ca ngợi ông.

Đơn cử một vài thí dụ. *Chẳng hạn những lời nhà thơ Hà Thượng Nhân đã tặng ông năm 1996 như sau: Cuộc đời bạc đãi người – Trời Phật lại hậu hĩ – Người vừa là họa sĩ – Vừa làm thơ yêu đời – Sức mạnh nào thế nhỉ? Duy tấm lòng mà thôi – Đôi ta cùng lận đận – Đầu bạc nhìn nhau cười (Hà Thượng Nhân 1996/Trích NTDM) *Nhà thơ Hà Huyền Chi đã viết về HS Vũ Hối như sau: Bút tựa kiếm, tung hoành kiếm ý – Thơ mà gươm, hạo khí nghiêng trời – Thơ bay bút múa tuyệt vời – Bút thần minh họa tải đời vào thơ… *Ngay đến cả nhà thơ Chí Sĩ Nguyễn Chí Thiện cũng đã đề tặng Nhà Thư Họa nầy mấy câu đầy hào khí như sau: Tâm hỏa bập bùng trong bóng chữ! – Rồng thiêng mây gió chín tầng bay – Hồn nước, hồn dân, hồn bút tỏa! – Ngàn thu lấp lánh, Vũ quân ơi! Còn nhiều lời, nhiều người ca ngợi không kể hết được! Đúng là “Ngàn thu lấp lánh, Vũ quân ơi!” như lời khen tặng của Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Các Tác phẩm Thư họa, Thư pháp của Nhà Họa Sĩ đặc biệt là thường được dùng để khen tặng con người và thiên nhiên nổi bật chung quanh; khuyến khích/cổ vũ các thế hệ trẻ gốc Việt có tài, đức, ái quốc; hô hào, ca ngợi lối sống tốt đẹp – nói chung là dùng tài năng để tích cực xây dựng một cộng đồng Việt vẫn luôn luôn duy trì được truyền thống Việt trên xứ người. Một nghệ sĩ như vậy chẳng khác gì một chiến sĩ bảo vệ cái “gốc Việt” trên lãnh vực văn hóa.

Tác giả bài viết và HS Vũ Hối bên cạnh Họa Phẩm sơn dầu của ông đã vẽ cho chúng tôi được treo phía sauMùa Giáng Sinh 1990. (Ảnh T.Đ. News)

  ****

  Cũng là một duyên may cho chúng tôi là đã được quen biết với HS Vũ Hối từ nhiều năm tháng trước 1975. Nguyên những ngày còn học các năm chót của bậc trung học vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước – cũng là thời mà bầu không khí chiến tranh Quốc – Cộng còn ảnh hưởng sâu rộng đến mọi sinh hoạt của cuộc sống –  với bản chất yêu thích văn nghệ, chúng tôi vẫn thường hay đi hát hò trong lễ lạc nhà trường hoặc trong những dịp đi thăm các tiền đồn để ủy lạo chiến sĩ.

   Biết được năng khiếu và những hoạt động nầy của chúng tôi, trong khi lúc ấy, hầu hết các ca nhạc sĩ, văn nghệ sĩ nổi tiếng trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật đương thời đều quen biết và mến phục HS Vũ Hối – nên ông đã tìm cách giới thiệu chúng tôi với họ. Kết quả, một thời gian dài lúc đó chúng tôi cũng đã từng trải qua những bước đầu đi vào lãnh vực sinh hoạt âm nhạc trình diễn từ truyền thanh đến sân khấu, truyền hình… đủ loại.

   Nhưng có lẽ nghiệp “cầm ca” không có nặng duyên nợ với mình bằng nghiệp “cầm bút” cho nên cuối cùng nghề làm báo đã là cái “nghiệp” đồng hành với chúng tôi suốt mấy chục năm tiếp theo sau đó, và … cho đến tận bây giờ!

   Ân tình giữa chúng tôi với Nhà Họa Sĩ vẫn chưa dứt, nên sau khi định cư tại Mỹ và bắt đầu công việc phổ biến sách báo qua cơ sở Trống Đồng thì HS Vũ Hối cũng vừa định cư tại vùng thủ đô Washington và tiếp tục theo đuổi những hoạt động phổ biến và thực hiện các công trình nghệ thuật để đời của ông.

  Đã nhiều lần ông bay từ vùng Thủ Đô Washington qua California để ra mắt các tác phẩm của mình đồng thời sinh hoạt cùng Hội Ái Hữu Đồng Hương Quảng Nam yêu quý của ông ở khu vực quận Cam.

 

.

Đặc biệt cũng đã có một lần qua sự tổ chức của Báo Trống Đồng cùng với sự hưởng ứng của các nhân sĩ địa phương, ông đã có dịp ghé thăm vùng Pomona để ra mắt cộng đồng gốc Việt hiền hòa và yêu chuộng văn hóa nghệ thuật ở đây một tác phẩm đầu tiên mà ông vừa xuất bản ở hải ngoại.

 Tác phẩm đó là tập thơ có tên Chiêm Bao Trở Giấc và thời điểm đó là vào một buổi tối đầu tháng 4 năm 1997.

Điều thuận tiện cho Tác giả và Nhà tổ chức nhất là khi nghe tin nầy, ông bà Bùi Văn Thưởng, một cặp cao niên hoạt động cộng đồng tích cực tại địa phương và cũng là chủ nhân Nhà Hàng Phở Hà lúc bấy giờ đã vui vẻ cho mượn địa điểm để xúc tiến việc thực hiện sự kiện nầy. Nhờ vậy buổi ra mắt sách của HS Vũ Hối hôm ấy đã đánh dấu một sự kiện văn hóa đặc biệt hiếm thấy tại địa phương, đồng thời để lại những kỷ niệm đẹp khó quên trong lòng người tham dự, qua cơ hội được diện kiến trực tiếp với người họa sĩ tài năng và thật dễ mến mà mọi người chỉ thường nghe hoặc nhìn gián tiếp qua các phương tiện truyền thông mà thôi.

Khách tham dự buổi ra mắt sách của HS Vũ Hối tại Nhà Hàng Phở Hà Pomona vào tháng 4, năm 1997. Dưới cùng bên phải là ÔB Lê Hồng Đa trong số khách tham dự buổi ra mắt sách của HS VH năm 1997 tại Pomona. Như bài viết nầy chúng tôi có đề cập đến cá tính đặc biệt của HS Vũ Hối. Khi biết được ông Đa có 3 bằng sáng chế về thiết bị cơ khí y khoa, HS Vũ Hối đã gọi ngay Nhà Báo Trọng Minh để đưa tên ông Đa vào Tác phẩm “Vẻ Vang Dân Việt” của Tác Giả nầy. Cũng chính nhà in Inland Empire của Ông Đa, lúc đó là Người Đưa Tin – đã in hai trong số những Tác Phẩm của nhà Họa Sĩ, đó là Thi Tập Nghìn Thương Đất MẹThư Họa Truyện Kiều Nguyễn Du (ảnh trên).
HS Vũ Hối ký tặng trong Thi Tập Chiêm Bao Trở Giấc tại Nhà Hàng Phở Hà Pomona 1997 và bức tranh sơn dầu Ước Vọng của Ông vẽ tặng chúng tôi năm 1990. (Ảnh T.Đ. News)
Ảnh: Đại diện BTC giới thiệu Tác Giả và HS Vũ Hối đang nói về Tác Phẩm của ông với khách tham dự.
Bức chân dung HS Vũ Quốc vẽ (trên lụa) cho chúng tôi năm 1991hình ảnh mới nhất của HS Vũ Quốc trong năm 2022, chụp qua FT. (Photos: Trống Đồng News)

   Những năm đầu thế kỷ 21 tiếp theo sau sự kiện ra mắt sách nói trên, ông cùng với những văn nghệ sĩ vùng thủ đô và phụ cận như Hoàng Trùng Dương, Hà Trung Yên, Tuyết Mai, …vẫn thường xuyên trao đổi thông tin, tác phẩm cho chúng tôi. Đặc biệt, khi lật lại chồng báo Xuân vào những năm 1999, 2000, 01,02,03…. tức cách đây trên vài chục năm, trên những trang giấy đã bạc màu vẫn còn ghi rõ từng nét thủ bút của ông, cho thấy năm nào ông Họa  Sĩ cũng có mấy dòng Thư Họa đề tặng Đọc Giả Trống Đồng. Đáng quý nhất là với chủ đích tốt đẹp, luôn đề cao biểu tượng dân tộc làm đầu; ông đã mượn những thủ thuật bay lượn của những nét “vân tự, điểu tự, hỏa tự,…” trong nghệ thuật Thư Pháp để làm nổi bật ý nghĩa đặc biệt của hai chữ Trống Đồng (cũng là danh xưng của tờ báo)  – chính những tình cảm và sự trân quý đặc biệt đó là những kỷ niệm khó quên nhất giữa chúng tôi, bạn đọc của tờ báo mang tên Trống Đồng, và nhà họa sĩ đáng yêu của chúng ta – người mới vừa giả từ thế giới tràn ngập nụ cười và màu sắc của ông để đi vào giấc ngủ ngàn năm tĩnh lặng!!!.

Thư Họa của HS Vũ Hối thảo tặng Bạn Đọc Trống Đồng suốt trong những năm đầu thiên niên kỷ mới, từ 2000 đến 2003…

  Phải công nhận HS Vũ Hối đích thực là một nghệ sĩ, chẳng những bởi bản chất sáng tạo và giàu tưởng tượng một cách siêu phàm của một nhà hội họa tài năng mà lại còn bởi cái cá tính rất bình dân vui vẻ xuề xòa với tất cả mọi người. Nhất là cái tính chất khiến ai gặp ông cũng đều yêu mến, đó là ông luôn chú ý đến khả năng riêng nếu có của từng người, để tìm mọi cách giúp đỡ như trường hợp ông đối với chúng tôi vừa kể trên. Bởi thế trên thực tế ông đã giúp đỡ được rất nhiều người có tài nhưng ít người biết đến hoặc không có phương tiện để vươn lên được; trong khi ông Vũ Hối lại là một người nổi tiếng, giao thiệp rộng, quen biết mọi người, mọi giới. Nhờ bản tính đáng yêu đó, gần hết cuộc đời nghệ sĩ tang bồng của mình, ông đã luôn đem gieo rắc niềm vui và hạt giống tốt ở khắp nơi nơi từ trong đến ngoài nước.

  Cũng có lẽ nhờ gieo nhân lành như vậy cho nên như HS Vũ Quốc đã nói về cha của mình trong những giờ phút cuối với nhiều phần tự hãnh diện: “Ba được cái, cả cuộc đời từ lúc sinh thời cho đến lúc ra đi vẫn an nhiên bình thản, đúng như người xưa hay nói: ‘sống sao thác vậy’. Từ sau khi bị mỗ động mạch cách đây 2 năm, tuy ngày càng yếu dần nhưng ông vẫn rất vui và luôn chuyện trò rôm rả những khi có ai gọi thăm hỏi. Cho đến những ngày cuối cùng vừa qua, ba cũng không bị đau đớn hành hạ gì nhiều cả. Ít phút trước khi ra đi, mặc dù hơi thở rất mong manh, ông vẫn còn bình thản vẫy tay chào như chúc các con ở lại an vui rồi mới hơi gồng mình một chút để trút hơi thở cuối cùng…”

    Khi được nghe chính HS Vũ Quốc – người con trai từng gần gũi với ông nhiều nhất không những trong lãnh vực hoạt động nghệ thuật hội họa mà còn trong công việc chăm sóc cha già bệnh tật – kể lại những giờ phút cuối của ông thật thanh thản, chúng tôi thành thật mừng cho ông. Hiếm có trong xã hội loài người nầy: một Nghệ Sĩ đích thực – nhưng lại đã có thể sống một cuộc đời thật trọn vẹn với gia đình và ra đi một cách an nhiên tự toại như vậy.

Ảnh ÔB Vũ Hối họp mặt cùng một nhóm gia đình thân hữu chúng tôi vào một ngày cuối thập niên 90 của thế kỷ 20 – cách nay hơn 30 năm. Trong ảnh, HS Vũ Hối hàng đứng, thứ 2 từ phải – Và Vũ Hối Phu Nhân cũng hiện diện trong dịp nầy, hàng ngồi, bìa phải.
Hai ảnh còn lại là hình chụp 2 trang trong cuốn Thư họa Truyện Kiều Nguyễn Du; và hình Thư Họa 2 câu 7 chữ: Việt Nam bốn ngàn năm văn hiến – Trống Đồng vang vọng đến ngàn sau – của Nhà Thư Họa riêng tặng Độc Giả Báo Trống Đồng, trong tập Kỷ Yếu T.Đ. Hè 2003. (Ảnh T.Đ. News)

   Được biết, ông bà Vũ Hối có tất cả 6 người con, đều đã được ông lo liệu bảo lãnh qua Mỹ an cư lạc nghiệp. Chắc chắn đó là một trong những niềm hạnh phúc và giá trị đáng kể nhất của một nghệ sĩ luôn hòa mình, sống và hít thở cùng thi, thư, hội họa như ông; bỡi vì đa phần những nghệ sĩ dâng hiến trọn đời cho nghệ thuật thường không còn chút tâm tư thì giờ nào còn sót lại để lo lắng cho gia đình trọn vẹn như vậy được cả! Ông đã làm được rất nhiều điều hiếm có – vừa tài năng, vừa quảng giao khiến mọi người mến phục, cũng vừa trọn tình với gia đình, bà con, bằng hữu!

   Vô cùng thương tiếc và cầu mong cho hương linh Ông sớm siêu thăng Miền Cực Lạc. !!! 🙂

                               Bạch Tuyết/Trống Đồng News

Báo Trống Đồng (Monthly News) ấn hành trên Giấy hàng tháng, chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com
trongdonglife gardens’ images
trongdonglife gardens’ images
Trống Đồng Books Online @trongdonglife.com – nơi có hàng ngàn tựa sách đủ loại, với nhiều cuốn giá trị, đã không còn trên thị trường sách trong và ngoài nước. Click vào www.trongdonglife.com để mua sách.
trongdonglife gardens’ images
trongdonglife gardens’ images

Banner