Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Kinh Nghiệm Sống Khắp Nơi

“Cao Niên Thời Đại Mới” & Những Lời Khuyên Bằng Vàng của Vị Bác Sĩ Sống Lâu Nhất Thế Giới!

Lời Người Viết: Đây là một bài viết đã đăng tải trên Trống Đồng News và đưa lên Website của tờ báo từ Ngày 30 Tháng 11 Năm 2017. Sau nhiều năm trôi qua, nhận thấy những lời khuyên bằng vàng nầy vẫn không những còn nguyên giá trị mà ngày càng có tính chất thực dụng, thực tiển hơn trước tình trạng cuộc sống con người ngày càng đối diện với những sự đổi thay môi trường sống và những căng thẳng tâm thần chưa từng có trước đây, như sau trận dịch Covid-19 vừa rồi. Và nhất là trong điều kiện y học tiến không ngừng cho phép tuổi thọ con người có thể kéo đến cả 100 năm, họ sẽ phải làm gì cho thiết thực nhất với sự trường thọ đó. Cũng có những chi tiết đã mất tính thời sự ở đầu bài, nhưng trọng tâm của bài viết là những lời khuyên bằng vàng và những nét chấm phá đáng ghi nhận trong cuộc đời và sự nghiệp của BS Hinohara, đã được tóm tắt dưới đây. PTD/TĐ

                

Thoạt đầu, đề tài kỳ nầy dự tính là một phát “bình loạn” về chính trị Mỹ một cách cay cú, bức xúc giữa tình hình đất nước nầy đang bị phân hóa cực kỳ sâu sắc; phe tả phe hữu hậm hực với nhau từ trong nhà ra xã hội như sẵn sàng “nội chiến” với nhau; mới đây, đảng Dân Chủ cũng vạch áo cho người xem lưng một cách không tốt lành gì khi bà chủ tịch DNC tố bà Hillary đã gian lận trong thời tiền-tranh cử với ông Sanders ; phe Cộng Hòa nắm Quốc Hội thì sợ mất phiếu nên không dám phản đối thẳng mặc dù “con gà” của họ trong chức tổng thống lần nầy không có cái “cốt cách” gì là truyền thống của đảng họ cả! Tưởng dùng con gà cứng cựa nầy để thắng đối thủ hòng lấy chức tổng thống về cho đảng xong rồi sẽ giật dây để “control” nhưng nào ngờ con gà đá nầy quá “xung” quá “chứng”, muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói; cuối cùng, chính “Gậy ông đã đập lưng ông” vô số lần, họ cũng đành phải chịu trận mà thôi, chưa biết phải gỡ ra bằng cách nào để khỏi mất mặt thêm nữa! Đề tài nầy mà vạch ra thì… hấp dẫn đối với kẻ thù nhưng cũng rất đau lòng cho dân Mỹ!!…

  Nên giờ chót người viết lại đổi ý muốn tặng bạn đọc yêu mến của mình một đề tài “relaxable” hơn, có tính thiết thực và lợi ích hơn, nhất là đối với những đối tượng độc giả hơi “luống” tuổi của mình và cộng đồng mình; còn chuyện “chính chị, chính anh” thì tạm thời gác lại vài kỳ nữa để xem cái chủ thuyết, chủ nghĩa “Trumpism” nầy nó chuyển hóa như thế nào, “hot” đến đâu, xoay chiều như thế nào, tiếp tục hoặc chấm dứt một cách cứng rắn, dứt khoát, quyết liệt, “hủy diệt” được đối phương hay thảm hại ra sao, vv… nếu mình còn sống sót thì rồi hãy bàn tiếp…

 Nào, bây giờ mời bạn đọc cùng chúng tôi nói chuyện về một công dân của xứ Mặt Trời Mọc – nước Nhật – nước có tuổi thọ dài nhất thế giới, để mong “copy” được những kinh nghiệm nầy được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Chúng tôi muốn viết về Bác Sĩ Shigeaki Hinohara – người từng được vinh danh là “Báu Vật Quốc Gia” của Nước Nhật ngay khi ông còn sinh thời (Japan’s Living National Treasure) và nhờ có ông mà tuổi thọ của dân Nhật được dài thêm ra. Vậy, ông là ai và công trạng như thế nào, và nhất là về những lời khuyên quý báu của ông!

  Bác sĩ Shigeaki Hinohara sanh ngày 4 tháng 10 năm 1911 và mới vừa qua đời ngày 18 tháng 7 năm nay (2017) tại Tokyo, thọ 105 tuổi. Sanh ra tại Yamaguchi, ông đã quyết định trở thành một bác sĩ sau khi một bác sĩ gia đình đã cứu sống mẹ của ông. Năm 1941 ông bắt đầu hành trình cộng tác với bệnh viện quốc tế St. Luke’s International Hospital tại trung tâm Tokyo với vai trò một bác sĩ y khoa suốt trong thời chiến tranh bom đạn ở tại thành phố nầy. Từ 1990 trở đi, ông đã phục vụ như một giám đốc danh dự của bệnh viện nói trên. Ông cũng đã cộng tác với các đại học đào tạo y khoa như Sophia University, làm chủ tịch danh dự cho các cơ sở chăm lo về sức khỏe và có công trạng chính trong việc thiết lập và quảng bá cho qui định “kiểm tra sức khỏe hàng năm” của dân Nhật. Ông cũng là thành viên danh dự của Hội Tim Mạch Nhật; là tiến sĩ danh dự của các trường đại học nổi tiếng như Kyoto Imperial University, Thomas Jefferson University và McMaster University.

  Một trong những biến cố đáng kể trong cuộc đời bác sĩ Hinohara khiến cho ông đã hiến trọn đời phục vụ xả thân cho người khác, nhất là tình thương và sự lưu ý đến các bệnh nhân tuổi già và gần chết của ông -, đó là một sự kiện xảy ra năm 1970, khi đang bay tới dự một cuộc hội thảo y khoa, chiếc máy bay trong đó có Bác sĩ Hinohara đã bị đánh cướp. Trong suốt 4 ngày, ông và 130 hành khách khác đã sống dưới sự đe dọa có thể bị giết chết bất cứ lúc nào. Mặc dù bọn cướp máy bay cuối cùng cũng đã đồng ý tha mạng cho mọi người, như đối với bác sĩ Hinohara thì đó là một sự nếm trải làm thay đổi cả cuộc đời ông. “Tôi tin rằng tôi được đặc ân cho còn mạng sống; vì thế, đời tôi phải được hiến dâng để cứu vớt những người khác.”

  Người đàn ông đặc biệt nầy đã là ngọn đuốc dẫn đường cho rất nhiều người trong cuộc đời ông. Gặp lại ông vào những năm đầu của thế kỷ 21, những bác sĩ đã về hưu, những người từng là sinh viên y khoa khi bác sĩ Hinohara đã là một bác sĩ tim mạch nổi tiếng, – đều nói rằng họ nhớ ông rất rõ và thấy rằng ông vẫn như xưa, không thay đổi gì nhiều qua thời gian. Khoảng năm 2012, tức những năm bước vào tuổi 100, ông vẫn còn làm việc rất bận rộn hơn hầu hết những ai chịu khó làm việc nhất. Trong năm 2004, ông nói với một tờ báo Nhật rằng mình không cần thiết phải theo một nguyên tắc ăn ngủ nào để giữ sức khỏe như một người thông thường làm. Không có gì là lạ với ông khi thức đến 5 giờ sáng để viết sách, rồi ngủ chừng 1 giờ đồng hồ, lại thức dậy uống một ly sữa và một cốc cà phê trước khi bắt đầu lịch hẹn khám bệnh cho bệnh nhân trong ngày. Cho đến tuổi hơn 100, Ông vẫn thường sắp đặt lịch làm việc cho đến 5 năm sau.

  Trong suốt 70 năm qua, Dr. Hinohara đã viết hơn 3.200 tài liệu y học và hơn 300 cuốn sách về lãnh vực nầy. Một cuốn sách liệt vào hàng “Best Seller” (sách bán chạy nhất) đã bán được hơn 1 triệu bản, có tựa “How to Live Well” (Làm sao để Sống Khỏe) đã đưa ông đạt danh tiếng và cấp bậc Tôn Sư hàng đầu trong lãnh vực hướng dẫn người dân Nhật làm phương pháp nào để sống khỏe và sống thọ! Từ năm 2000, ông đã bắt đầu loạt bài viết về đề tài “Cao Niên Thời Mới” cho những người trên 75 tuổi. Lời khuyên của ông là: nếu bạn vẫn làm việc, nếu bạn vẫn học thêm cái mới mỗi ngày, bạn sẽ không bao giờ già thêm. Mới đây, ông đã quyết định chơi golf vì đã có chút thì giờ rảnh. Tuy nhiên, một đam mê khác của ông là âm nhạc, và năm 2000 ông đã đạt thêm một thành tựu khác là viết vở nhạc kịch thành công cho trẻ em dựa theo cuốn “The Fall of Freddie the Leaf”.

Một thành tích đầy nhân đạo của vị bác sĩ nầy là: ông luôn mơ thành lập một tổ chức bảo trợ cho mạng lưới công nhân lo chăm sóc cho người bệnh ở giai đoạn cuối (hospice) trong khu vực châu Á. Nên khi ông làm chủ tịch của trung tâm hoạch địch đời sống: Life’s Planning Centre ở Tokyo, ông đã mời nhiều phái đoàn đến Nhật để bàn thảo việc lập một hệ thống chăm sóc người bệnh ở giai đoạn cuối của vùng châu Á Thái Bình Dương, từ đó hình thành và phát triển một mạng lưới có tên gọi là The Asia Pacific Hospice Palliative Care Network, gọi tắt là APHN – mà bác sĩ Hinohara chính là người góp phần sáng lập và bảo trợ (Patron) cho tổ chức nầy. Năm 1990 khi ông viếng thăm tòa nhà Cottage Hospice ở Perth, vùng Tây nước Úc, những gì ông quan sát thấy ở đây đã gây ấn tượng mạnh cho ông đến nổi ông đã mời ngay vị kiến trúc sư ở đó về Nhật để xây tòa nhà Peace House Hospice, chính là cơ sở Hospice độc lập đầu tiên của Nhật nằm trên một ngọn đồi xinh đẹp nhìn về núi Phú Sĩ trong vùng Kanagawa.

  Bác sĩ Hinohara ngoài chức vụ đứng đầu 5 cơ sở y tế, ông còn là Chủ tịch của bệnh viện quốc tế St Luke ở Tokyo, nơi ông vẫn đến thăm các bệnh nhân của mình mỗi ngày. Bác sĩ Hinohara tin rằng cuộc đời phải được sống một cách trọn vẹn và phải nỗ lực phát triển hết mọi tiềm năng thật sự của mình. Cha ông là một mục sư Tin lành đã trao cho ông một lời khuyên quí báu: “Có những tầm nhìn thật rộng và đặt những tầm nhìn ấy vào thực tế với sự can đảm. Những tầm nhìn đó có thể không đạt được trong khi còn sống, nhưng đừng quên phải mạo hiểm thăm dò. Rồi bạn sẽ chiến thắng.” Tâm huyết, và sứ mạng cuộc sống của vị bác sĩ nầy là chia sẻ với loài người những bí quyết nào làm cho cuộc sống vui hơn và ý nghĩa hơn, chủ yếu là sự khỏe mạnh nói chung của thân thể và trí tuệ. Vậy chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem những lời khuyên bằng vàng của Bác sĩ Shigeaki Hinohara là gì!

Bác sĩ Hinohara không phải là một bác sĩ bình thường mà là một bác sĩ và cũng là một nhà giáo dục sống lâu nhất và hành nghề lâu nhất thế giới, vậy thì còn ai đáng cho chúng ta nghe theo lời khuyên về làm cách nào để sống lâu và hạnh phúc hơn nữa?

 Những ý tưởng của ông có nhiều phần rất mới lạ so với những lời khuyên bảo về cách thức để sống khỏe theo truyền thống xưa nay người ta thường nghe.

**Thứ nhất, “năng lượng (sức khỏe) đến từ cảm giác khoan khoái, vui vẻ trong lòng – chứ không phải từ sự ăn khỏe hay ngủ nhiều”. Ông thường nói: “Trẻ con thường ham chơi đến nổi quên ăn quên ngủ mà cũng không thấy mệt nhọc gì. Chúng ta cần phải bắt chước hoặc khai thác đặc tính đó của trẻ và làm tốt hơn thế nữa, tức là phải có nhiều nguồn vui và bớt những nguyên tắc cứng rắn về bữa ăn và giờ ngủ lại.

 Thực ra, ăn uống đủ chất bổ dưỡng và ngủ đủ giấc cũng quan trọng như nhau, nhưng ông chỉ muốn nhấn mạnh yếu tố tinh thần của con người. Trong lòng thấy vui thì duy trì được thái độ tích cực và cảm giác hạnh phúc, và thấy đủ năng lượng để có thể làm bất cứ việc gì không quản khó khăn, nặng nhọc. Khi chúng ta cảm thấy bị áp lực, lo âu, căng thẳng; thì toàn thân như mềm nhũn, mọi năng lực tan biến hết. Bác sĩ Hinohara kết luận rằng năng lực đến từ cảm giác lạc quan yêu đời (feeling good) chứ không đến từ sự ăn hay ngủ nhiều.

** Thứ hai, ông khuyên “không nên để mập quá cân lượng tiêu chuẩn”. Dr. Hinohara đã tìm thấy rằng những người sống lâu không ai cân nặng quá chuẩn mực. Ông đã rất cẩn trọng về những gì ông chọn để ăn. Bữa điểm tâm ông uống cà phê, sữa, và nước cam với một muỗng canh dầu olive. Ông tin rằng dầu olive là rất tốt cho những động mạch và làm cho làn da tươi trẻ, khỏe mạnh. Bữa trưa, ông chỉ uống sữa với một vài chiếc bánh cookies, hoặc có nhiều khi ông không ăn gì cả vì quá bận rộn. Bữa tối, ông ăn rau cải, cá, và cơm (gạo). Hai lần mỗi tuần, ông tự thưởng cho mình 100 gram thịt nạc. Thường người ta hay ăn nhiều thịt, cũng như nhiều đường, nhiều dầu mỡ. Thực đơn tốt là phải giảm thịt, nhất là thịt đỏ; tăng nhiều rau cỏ, trái cây giàu chất xơ, và ăn nhiều cá, nhất là loại cá ở biển sâu.

**Thứ ba theo ông là “luôn luôn lên lịch trước” những gì mình sẽ làm (plan ahead). Dr. Hinohara luôn có một lịch làm việc đầy đủ, ít nhất trước cả năm trời về những gì ông dự định sẽ làm trong năm tới … Lịch làm việc của ông dày đặc những bài giảng ở đại học, những tours thăm bệnh ở bệnh viện, và những ngày giờ hẹn gặp bệnh nhân. Ông cũng thích vui chơi và đã đang chờ để tham dự Thế Vận Hội thể thao Tokyo Olympic trong năm 2020!!! Mình cũng chưa hiểu hết ý từ đâu mà sự “plan” trước mọi việc sẽ giúp sống lâu, nhưng có lẽ ý ông muốn nói là một cuộc đời mà mọi thứ đều lo xếp đặt trước cả rồi thì sẽ giảm bớt bị căng thẳng (stress) và còn để thì giờ rổi rảnh cho những hoạt động vui chơi, giải trí…

 **Thứ tư là “không cần phải về hưu”. Nếu thật sự muốn về hưu thì phải về hưu ở một độ tuổi cao hơn nhiều so với những độ tuổi ấn định hiện nay. Về hưu ở tuổi 65 là quá sớm, theo Dr. Hinohara! Nhiều người tin rằng ngày họ về hưu là lúc họ được tự do làm những gì họ thích, nhưng theo nhiều nghiên cứu khoa học thì lúc về hưu thực sự đã là lúc bắt đầu đi vào giai đoạn thoái hóa của trí nhớ và dần có cảm giác mất đi ý nghĩa cuộc sống. Theo ông Hinohara, cần phải giữ sao cho tiếp tục bận rộn trong cuộc sống của bạn, vẫn tiếp tục làm những gì bạn thích và đóng góp với xã hội, cộng đồng quanh ta. Ông bác sĩ thì hàng năm phải giảng 150 bài cho hàng ngàn sinh viên học sinh. Khi giảng bài ông thích đứng suốt cả vài tiếng đồng hồ, và còn nói: đứng lâu như thế giúp ông khỏe mạnh hơn. Hầu hết chúng ta sẽ không đủ điều kiện để giảng bài như ông, nhưng điều quan trọng theo ý của ông là chia xẻ kiến thức hoặc sự hiểu biết với người khác. Không nên ích kỷ. Nên rộng lượng, và giúp người bất cứ lúc nào có thể giúp.

** Thứ đến, điều nầy cũng hơi kỳ lạ, đó là lời khuyên: “không nên tin mọi thứ mà bác sĩ của bạn nói hay đề nghị”???!!! Dr. Hinohara tin rằng các bác sĩ không thể chữa lành mọi người hoặc mọi bệnh. Ông đề nghị rằng các bệnh nhân hỏi bác sĩ của họ xem ông có muốn thân nhân của mình phải theo đúng mọi tiến trình chữa trị được đề nghị hay không. Nếu không cần thiết, tại sao gây thêm nhiều đớn đau chịu đựng cho bệnh nhân? Ông cũng cho rằng “âm nhạc và động vật (chó, mèo,..) liệu pháp” có thể giúp chữa lành nhiều hơn y học, và giới y khoa chưa nhận ra điều đó. Chắc có lẽ ông muốn nói đến những bệnh nan y như ung thư, với tỉ lệ thành công rất ít nhưng vẫn cứ đề nghị những tiến trình chữa trị đau đớn, độc hại, và tốn kém đối với bệnh nhân – khi nói rằng “không nên tin vào mọi thứ các bác sĩ nói hay đề nghị”

**Để sống khỏe, nên luôn “chịu khó leo cầu thang bộ và tự xách hành lý” của mình. Theo bác sĩ Hinohara, để cho hai chân và tim mạch được vận động, ông đã bước 2 nấc một lần. Một ngày lên xuống cầu thang ít nhất vài lần như thế cũng là một biện pháp để tập thể dục đều đặn nhất. Tập thể dục thường xuyên là cách duy nhất để giúp thân thể thon gọn.

 **Cách tốt nhất để “vượt qua sự đau đớn là quên nó bằng cách tìm nguồn vui”. Thí dụ một đứa bé bị đau răng, và nếu bạn bắt đầu chơi một trò chơi với cháu, nó sẽ quên đi cái đau một cách nhanh chóng. Tại bệnh viện St. Luke Hospital’s của bác sĩ Hinohara, họ có cung cấp sự chữa trị bằng âm nhạc, thú vật, hoặc những lớp nghệ thuật (art classes). Ông tin rằng các bệnh viện cũng sẽ mang đến các nhu cầu về lý trí và tinh thần cho bệnh nhân nữa. Quên đau bằng niềm vui ở đây chắc ông nói về cái đau ở mức trung bình, chứ nếu đau nhiều thì khó mà quên bằng cách chơi game nổi.

 **Đừng nên làm “mọi” (nô lệ) cho của cải vật chất. Không ai biết được khi nào mình sẽ ra đi, và: mình sẽ không thể mang theo của cải tài sản của mình qua bên kia thế giới!!!  Điều nầy chính là bi kịch muôn đời trong cuộc sống loài người; những giống loài khác không có như vậy. Có vô số của cải vật chất đầy ham muốn, và con người có thể bị ám ảnh bởi sự sở hữu chúng. Cái khổ sở chính là thay vì thụ hưởng sự sở hữu của cải vật chất, con người lại làm nô lệ cho của cải vật chất và để của cải vật chất sai khiến mình. 

**Khoa học đơn độc, không thể cứu chữa hay giúp đỡ con người được”. Khoa học đem mọi người lại với nhau, có thể dùng chung cho mọi người. Tuy nhiên, bệnh tật là rất riêng tư, không ai giống ai. Bác sĩ Hinohara tin rằng mỗi con người là một thực thể rất đặc biệt và mọi căn bệnh đều liên hệ mật thiết đến những trái tim của họ. Để có thể giúp con người và chữa lành được những căn bệnh của họ, chúng ta cần những nghệ thuật về nhân văn và nhận thức (liberal and visual arts) – chứ không chỉ có những sự chữa trị bằng y học, thuốc men. Nhiều căn bệnh liên quan đến tình trạng tâm thần của bệnh nhân. Có lẽ ông tin rằng những người có tư tưởng chán đời và luôn chất chứa những oán hận trong suy nghĩ của họ làm cho họ bệnh nhiều hơn là những người luôn có tư tưởng lạc quan yêu đời. Đó là do khi tình trạng tâm thần luôn bất ổn thì hệ thống miễn nhiễm của họ bị suy yếu, không làm việc một cách hiệu quả nữa, và người đó sẽ ít có khả năng chống lại những sự tấn công từ bệnh tật bên ngoài.

**Đời sống hầu hết khó lường trước được và thường chứa đầy những biến cố. Dr. Hinohara kể về một biến cố đã xảy ra khi ông 59 tuổi, lúc ông đang trên một chuyến bay từ Tokyo đến Fukuoka hôm 31 tháng 3, 1970 thì máy bay nầy bị cướp bởi một nhóm Cộng Sản ly khai của Nhật. Ông phải trải qua 4 ngày sau đó bị cùm vào ghế trong nhiệt độ 40 độ C. Nghịch cảnh nầy cho ông một kinh nghiệm không ngờ rằng cơ thể con người có thể tự điều chỉnh để sống còn trong một điều kiện khắc nghiệt như vậy; và rằng, mọi loại tai họa đều có thể đến với ta một cách bất ngờ nên phải luôn trong tư thế sẵn sàng đối phó.

**Cần có một mẫu mực để sống theo. Tấm gương đó của ông chính là người cha của ông – người đã đến Mỹ năm 1900 để theo học tại đại học nổi tiếng Duke University ở North Carolina. Ông khuyên ta phải khao khát làm được những thành tựu nhiều hơn cả “người mẫu” đó. Mỗi khi ông gặp bế tắc, ông tự hỏi làm cách nào cha ông có thể giải quyết được vấn nạn nầy. Rõ ràng, tìm một “tấm gương” để noi theo, để có phương hướng và tự tin, là một điều cần thiết, nhất là ở những thời điểm thử thách trong thời đại ngày nay.

**Thật là tuyệt vời khi được sống lâu. Dr. Hinohara trấn an chúng ta rằng “rất là tuyệt vời khi được sống lâu”! (nhiều người cho sống lâu là tai họa). Ông khuyên: Trong những năm cuối đời nhất, chúng ta cần phải nỗ lực phục vụ xã hội. Kể từ tuổi 65, ông bác sĩ đã từng làm việc như một thiện nguyện viên. Ông vẫn giữ làm việc trong 18 giờ một ngày và 7 ngày một tuần, và thụ hưởng từng giây phút của cuộc sống năng động, phước thiện, và ích lợi nầy. Để sống một cuộc đời có ý nghĩa, nhất là khi tuổi già và có nhiều kinh nghiệm sống, rất cần thiết để đóng góp thì giờ của mình vào phúc lợi của xã hội. Cái vui sướng của một người khi thấy rằng đã giúp được người khác bớt khổ là những gì mà tiền bạc không thể mua nổi. Nên chúng ta cần để ý, bỏ thì giờ giúp người.

  Tóm lại, có thể kết luận ba điểm chính trong những lời khuyên bằng vàng của Bác sĩ Hinohara là:

1. Phải luôn giữ tâm trạng an vui, cảm giác hào hứng, và khao khát vươn lên.

2. Phải luôn cẩn thận trong sự ăn uống và tập thể lực thường xuyên.

3. Phải luôn giữ cho mình một thời biểu bận rộn và đóng góp với xã hội.

  Làm được như thế, bạn cũng có thể là một trong rất hiếm những người sống trường thọ và hạnh phúc trên Trái Đất nầy.

                                                                                      Phó Thường Dân/Trống Đồng News (Photo: Wiki/YT)

Báo Trống Đồng (Monthly News) ấn hành trên Giấy hàng tháng, chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com
Trống Đồng Books OL@trongdonglife.com
trongdonglife garden’s images
Banner