Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Ký Sự Du Lịch - Ẩm Thực Muôn Màu

Cảnh Hay Vật Lạ Quanh Ta – Phố nhỏ tìm vàng Julian ở San Diego

Vị trí Phố Julian trong quận San Diego và Tiểu bang California

Mục nầy kỳ trước đã giới thiệu với bạn đọc một đảo nhỏ độc đáo Mallorca tận vùng Địa Trung Hải. Nhưng lần nầy, chúng ta đi thật gần vẫn có một ngôi làng độc đáo không kém về tính cách lịch sử và văn hóa khộng những tại địa phương của nó mà cả đối với lịch sử quốc gia và thế giới.

Thật vậy, chỉ cần hơn 2 giờ đồng hồ lái xe từ vùng San Barnardino hoặc quận Cam (hoặc hơn 3 giờ từ Los Angeles) là quí vị có thể thăm viếng góc phố nhỏ Julian Town, thuộc quận San Diego với những đặc điểm hay lạ không giống nơi nào.

Dr. Chi-Bảo L. Nguyễn, du khách từ Los Angeles, ghé thăm làng Julian và ngụ lại tại Julian Gold Rush Hotel vào tháng 11, 2021 vừa qua. (Photo: BN/Trống Đồng News)

Tọa lạc trong vùng núi non ở khoảng 60 dặm về phía đông của trung tâm thành phố San Diego là một thành phố có tính cách lịch sử vì là nơi đầu tiên được khám phá có vàng, mở đầu cho kỷ nguyên khai thác mỏ vàng ở California, đó là thành phố nhỏ có tên Julian. Nơi đây tuy là thôn quê hẻo lánhkhakhanhưng vì nổi tiếng có vàng ngọc, đá quí ẩn náu nên đã vẫn tiếp tục giữ được sự duyên dáng và cảm giác hấp dẫn, lôi cuốn từ những thời điểm đó.

Cho đến nay, nhờ chủ trương vẫn duy trì và bảo tồn các di tích lịch sử và hoạt động nông nghiệp cùng sự sản xuất sản phẩm kinh tế truyền thống, nên chẳng những vẫn trường tồn mà còn nổi tiếng khắp nơi dựa phần lớn do thu nhập từ ngành du lịch với lượng du khách đáng kể mỗi năm.

Những cửa hàng ở đó đủ loại từ những tiệm bán kỷ vật địa phương cho du khách đến tiệm sách, nhà hàng, cửa hàng đồ cổ, nữ trang, tranh ảnh mỹ thuật nghệ thuật, tiệm bán và cho thử bia hơi, rượu dấm táo (Apple Cider) đủ mùi vị, vv… Đặc biệt tất cả chỉ tập trung loanh quanh trên con đường chính của thành phố là Main treet.

 Julian là nơi nổi tiếng cho những ai muốn có những chuyến đi chơi ngắn gọn chỉ trong một vài ngày ở chung quanh khu vực nầy. Mặc dù mùa táo là lúc hấp dẫn du khách nhất trong năm, nhưng gặp những lúc khác vẫn có rất nhiều việc để thưởng lãm ở đây.

Một trong những chứng cứ cho chủ trương duy trì và bảo tồn nếp sinh hoạt cổ điển đó là Khách sạn có tên Julian Gold Rush Hotel – một nơi mà hầu hết du khách dừng chân tại Julian qua đêm nếu đã nghe hoặc đọc lời giới thiệu qua online đều muốn ghé ngụ lại một lần cho biết. Nơi mà mỗi phòng trọ chỉ cho tối đa 2 người với không gian thật nhỏ bé, chật hẹp; bồn cầu cũng dùng loại cách đây nửa thế kỷ để nhắc nhở thêm cho họ về thời điểm nào, khung cảnh nào của cái thành phố mà họ đang tìm đến.

Hotel’s Room bé tí, vừa cho 2 người
Phòng tiếp khách của Julian Gold Rush Hotel (BN/TĐ)
Bàn cờ cổ điển cho 2 người chơi
Tranh thêu hàng trăm năm trước

  Julian được chính thức xếp vào hàng Thắng Cảnh Lịch Sử của California (số 412). Khu vực thành phố Julian và vùng phụ cận được qui định rõ bởi sắc lệnh chia vùng số 5749 của quận San Diego, và theo sự qui định đó thì vùng nầy được gọi bằng danh hiệu: “Khu Vực Lịch Sử Julian”.

  Sắc luật trên đòi hỏi mọi sự phát triển trong khu vực nầy phải tuân hành chặt chẽ với những hướng dẫn nhất định được giám sát bởi “Hội đồng Xét duyệt Kiến trúc” của Khu Vực Lịch sử Julian (Julian Historic District) – một Hội Đồng mà các thành viên được bổ nhiệm bởi Hội Đồng Giám Sát quận San Diego.  

  Thành phố nói trên được biết đến nhiều nhất nhờ loại bánh táo (apple pie) và một Lễ Hội rất đặc biệt về sản phẩm Táo nầy được gọi là Hội Táo Julian (Julian Apple Days Festival) được tổ chức mỗi năm, bắt đầu liên tục từ năm 1949 đến nay.

   Những người Âu châu di dân định cư đầu tiên đã đến vùng nầy là “Cockney Bill” Williams từ England và John Wesley Horrell, họ đến đây trong năm 1850 hoặc 1851.

   Dân Mỹ từ các vùng lân cận thì những người đầu tiên chọn nơi nầy để định cư là Drury, Frank, và J.O. Bailey, tất cả họ đều là anh em với nhau; và những người anh em họ (cousins) của những người nầy là Mike và Webb Julian.

  Nhóm người trong gia đình nói trên đã đi ngang qua khu vực nầy khi từ San Bernardino trên đường đến Arizona trong năm 1869, trong cơn lốc của cuộc Nội Chiến Mỹ (American Civil War). Tuy nhiên, vì bị thu hút bởi cảnh đẹp của vùng Julian, nên Drury Bailey đã bỏ ngang kế hoạch du hành tìm đất sống của nhóm bà con anh em mình, và thay vào đó đã chọn lựa nơi nầy để định cư. Sau đó, ông cũng đã chọn cái tên cho chỗ định cư nầy là “Julian” theo tên của Mike Julian bởi vì “Mike nhìn đẹp trai” hơn bất cứ thành viên nào khác của gia đình Bailey. Julian cũng là một cựu binh thuộc quân đội miền Nam (Confederate) – người mà sau nầy đã được bầu làm Assessor – một chức vụ tài chánh vô cùng quan trọng của chính quyền quận San Diego.

  Một thời gian ngắn sau đó, vàng đã được phát giác trong khu vực Julian nầy.

  Một chiếc lều tạm lúc đầu đã được thành phố dựng để đáp ứng nhu cầu cho người khắp nơi tìm đến khu phố nhỏ nầy. Sau đó, sinh hoạt ngày càng nhộn nhịp hơn và nhiều cơ sở kiến trúc được xây dựng thường xuyên hơn khi Julian trở thành nơi đào tìm vàng liên tục một thời gian dài.

 Trong khi những người đào vàng và khai thác quặng mõ vật lộn tìm vàng từ sâu trong lòng đất, thì một cư dân mới là James Madison đã mang đến một toa xe lửa chất đầy những cây táo con, mới ươm – chở về vùng núi non nầy. Loại cây ăn trái nầy đã thích hợp và phát triển sinh sôi nở rộ trong bầu không khí trong lành và tươi mát của vùng nầy. Cho đến nay “Apples” vẫn là một sản phẩm chính của Julian, hầu hết táo đủ loại được trồng ở đây đã được chế biến để làm thành danh hiệu  “bánh táo Julian” (Julian apple pies) nổi tiếng trên cả thế giới.

Tại tiệm bánh táo nổi tiếng Mỹ và thế giới: Julian Pie Company (BN/TĐ)

 Theo Văn phòng Thống Kê Mỹ (US Census Bureau) thì Julian có diện tích tổng cộng là 7,8 dặm vuông hay 20 cây số vuông toàn là đất liền. Julian có nhiệt độ nóng lạnh không bình thường và nhiều mưa, tuyết hơn các vùng khác ở Nam California. Đôi khi có tuyết rơi trong mùa đông và kéo dài cho đến tháng 4 hoặc ngay cả tháng 5. Đặc điểm nầy lại hấp dẫn đối với người ở San Diego và các thành phố ven biển khác, vì những nơi ở đó của họ không có tuyết. Trong khi miền Nam Cali., mùa hè thường có những tháng khô hạn nhất, thì ở đây đôi khi có bão do gió mùa từ phía đông nam đem lại.

 Thống kê dân số năm 2010 ghi nhận rằng Julian có số dân là 1.502 với mật độ là 191,6 mỗi dặm vuông hay 74 người mỗi cây số vuông – với gần 90% là dân da trắng, còn lại là các giống dân khác, trong đó dân Á châu chưa đến 1%.

 Về kinh tế thì có hai lãnh vực đem lại thu nhập chính cho thành phố nầy là du lịch và nông nghiệp với nghề chủ yếu là trồng táo.

Main Street – con đường lớn duy nhất của thành phố Julian. (Photo: BN/TĐ News)

Khu phố Julian bao gồm một con đường chính có tên Main Street và nhiều đường phụ hai bên, chỉ dài khoảng 3 blocks và rộng khoảng 4 blocks, khiến thành phố nầy đủ nhỏ để có thể đi bộ trong tròn một ngày là có thể dạo hết mọi chỗ của khu phố nầy một cách dễ dàng.

Chỗ đậu xe thì rất nhiều và hầu như ngày nào cũng vậy, trừ khi gặp lúc có lễ hội hay mùa thu hoạch táo thì đông đúc hơn, tuy nhiên chỉ cần đi bộ vài blocks là có chỗ đậu ngay chứ không khó khăn như những khu du lịch khác.

 Như trên đã nói, Julian là nơi có loại bánh táo nổi tiếng không những ở Mỹ mà cả thế giới, với đủ giống táo được đem về từ khắp nơi được canh tác nơi đây và chế biến pha trộn theo rất nhiều kiểu khác nhau. Có hai cửa hàng chính và lâu đời nhất ở đây, một ở ngay Julian và một ở thành phố Santa Ysabel cách Julian 7 phút lái xe. Mọi du khách khi đến nơi nầy đều muốn nếm thử món bánh táo ngon lạ, đẹp mắt và nổi tiếng thế giới nầy.

Tại Julian Pie Store
Thưởng thức món bánh táo làm nổi tiếng cho Julian
Vài chữ kỷ niệm trong nhật ký của Hotel trước khi tạm biệt thành phố nhỏ đáng yêu nầy. (Photo: BN/TĐ)

  Một đặc điểm khác được mọi người yêu thích khi ghé Julian, ngoài những di tích lịch sử hình thành địa phương nầy, những thổ sản địa phương không nơi nào có, vv… còn có cái cung cách duy trì và bảo vệ những cơ sở vật chất và sinh hoạt truyền thống của nơi nầy từ hàng trăm năm trước. Một trong những chứng cứ đó là Khách sạn có tên Julian Gold Rush Hotel – một nơi mà hầu hết du khách dừng chân tại Julian qua đêm nếu đã nghe hoặc đọc lời giới thiệu qua online đều muốn ghé ngụ lại một lần cho biết. Nơi mà mỗi phòng trọ chỉ cho tối đa 2 người với không gian thật nhỏ bé, chật hẹp; bồn cầu cũng dùng loại cách đây nửa thế kỷ để nhắc nhở thêm cho họ về thời điểm nào, khung cảnh nào của cái thành phố mà họ đang tìm đến.

Điểm tâm – món quà Free nhưng thật ngon trong khung cảnh tiếp đãi thật lịch sự. (BN/TĐ)

  Đúng vậy, từ phong cách tiếp đón đến sự trang hoàng bày biện trong phòng ngủ, cách bày dọn bữa điểm tâm đặc biệt cho khách buổi sáng hôm sau, vv… đều là cả một tinh thần bảo thủ, bảo tồn kiểu cách sinh hoạt cổ điển có lẽ từ thời đào vàng cho đến ngày nay. Mà đối với du khách, đó là một sự khám phá đầy lý thú, hấp dẫn giữa thời đại hiện đại hóa, với kỹ thuật digital ảnh hưởng đến mọi người, mọi vật trong xã hội ngày nay.

  Chúc quí vị có những giờ phút thật nhẹ nhàng thoải mái để hồi tưởng lại một số hình ảnh xã hội Mỹ thời “tiền-kỹ-nghệ-hóa” khi thăm viếng làng Julian nầy.

                    Trùng Dương/Trống Đồng News/trongonglife.com

Báo Trống Đồng (Monthly News) ấn hành trên Giấy hàng tháng, chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com
trongdonglife garden’s images
trongdonglife garden’s images
Banner