Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Thế Giới Quanh Ta

Châm ngôn tuyệt vời của 1 Thủ Khoa Autism: Hãy là Ngọn Đuốc & Sống là để Phục Vụ!

Bài viết: Phó Thường Dân/Trống Đồng News

Photo: Elizabeth Bonker (Photo: Rollins College)

Mấy ngày đã trôi qua, nhưng chúng tôi vẫn còn thấy dư âm của sự xúc động khi đọc bài diễn văn của một Cô Cử Tân Khoa tốt nghiệp hàng đầu của một trường đại học ở Florida.

Nếu chỉ là một bài diễn văn ra trường thông thường như bao trường hợp khác thì không nói làm gì. Nhưng không. Cô Tân Khoa nầy đặc biệt chưa từng có. Đó là một sinh viên không nói được vì chứng bệnh tự kỷ (non-speaking autism) và mọi sự giao tiếp chỉ bằng cách gõ trên keyboard: text-to-speak software, nội dung mình muốn diễn tả- và khán giả sẽ đọc và hiểu mà thôi. Đó là câu chuyện của cô Elizabeth Bonker sinh viên 24 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành Social Innovation (tạm dịch: Cải Cách Xã Hội) từ đại học Rollins College ở Florida.

Cả 4 Khôi nguyên Tân khoa các phân khoa khác của nhà trường đều đồng lòng nhường cho Bonker đọc bài diễn văn ra trường năm nay trước hàng ngàn người, gồm khách mời và thân nhân của hơn 500 sinh viên nhà trường tốt nghiệp năm 2022 hôm Thứ Hai ngày 9 tháng 5 vừa qua.

Theo trang web của Bonker thì thời gian cô mới sinh ra, cô có thể bập bẹ diễn tả ý bằng miệng cho đến khi cô được 15 tháng tuổi, thì cô không phát âm được nữa. Khả năng đó vụt biến mất từ cô mà không biết lý do tại sao. Cha mẹ cô đem cô đến trường ĐH Y khoa nổi tiếng “Yale Medical School” để định bệnh thì nơi đây cho biết cô đã bị chứng autism (tự kỷ). Bonker cho biết thêm rằng, dù vậy, cha mẹ cô vẫn không hề bỏ cuộc với ý định cho cô đi học như một người bình thường. Cô viết: “Bởi vì họ nhận biết rằng tôi là một người đầy suy nghĩ, nhưng đã bị nhốt tù trong bốn bức tường câm lặng.”

Trong bài diễn văn nói trên, cô đã nhắc lại nhiều điều đáng buồn mà cô đã phải chịu đựng trong lúc bị autism, trong đó có nhắc đến một ý kiến đưa ra bởi bà hiệu trưởng trường trung học mà cô đã học trước khi vào đại học Rollins College. Bà hiệu trưởng nầy đã nói: “The retard can’t be valedictorian,” tạm dịch “Người chậm phát triển không thể nào trở thành thủ khoa được, nhưng hôm nay – Cô nói: “Tôi đang đứng trên bục nầy đây!. Mỗi ngày tôi chọn ăn mừng những chiến thắng nhỏ; và hôm nay, tôi đang ăn mừng một chiến thắng to lớn cùng với tất cả các bạn và quý vị ở đây.”

Đúng vậy, bởi vì Bonker không chỉ đã biết suy nghĩ một cách xuyên suốt mà cô còn biết biến tư tưởng thành hành động.

Suốt trong những năm ở chương trình cử nhân tại trường Rollins nầy, Bonker đã bắt tay thực hiện một tổ chức vô-vụ-lợi có tên gọi là “Communication 4 All” nhằm tìm mọi cách làm cho con người và xã hội biết đến nhu cầu cấp thiết của sư giao tiếp đối với những người còn tri thức nhưng phải câm lặng, để giúp những người không nói được vì autism có thể tiếp cận được sự giáo dục và có thể giao tiếp được, theo như trang web của cô cho biết.

 Cũng theo trang web của hội hỗ trợ người bị autism lớn nhất nước có tên autismspeaks.org thì ước tính khoảng 40% số người bị autism là không thể nói được – tức khoảng 31 triệu trên khắp thế giới. Nhưng chỉ có một phần rất nhỏ trong số đó được chỉ dạy cho cách làm thế nào để giao tiếp mà thôi.

Photo: Elizabeth Bonker (Photo: Rollins College)

   Bonker không chỉ là một thủ khoa đặc biệt của nhà trường, mà cô còn đã chọn lựa cho mình một “nhân sinh quan” (quan niệm sống) rất lý tưởng, tốt đẹp.

  Cái nhân sinh quan tốt đẹp chúng tôi vừa nói đó gói gọn trong 4 chữ “Life is for service” (tam dịch ngắn gọn: Sống là để phục vụ). Từ đâu cô có được tư tưởng tốt đẹp nầy, và cô đã bắt đầu thực hiện như thế nào cũng như cô vừa nhắn nhủ, kêu gọi mọi người những gì? Tất cả, gói gọn trong bài diễn văn ra trường ngắn gọn, lặng lẽ -qua phương cách “text to speak” của cô thủ khoa không thể nói được (non-speaking valedictorian) nầy.

  Nội dung bài diễn văn hay quá, ý nghĩa quá! Bỡi vậy, PTD nầy muốn mời quý vị lướt qua từng chi tiết những ý nêu lên trong bài diễn văn của cô Thủ khoa autism hiếm có vừa nói để thấy rằng: người không được trời phú cho tiếng nói mà còn có khả năng đánh động được lương tri toàn thế giới như vậy – huống chi những người bình thường như chúng ta?!

  Bài diễn văn của Bonker sau phần mở đầu bằng những lời chào mừng và cảm ơn thật trân trọng, cô đã tự giới thiệu những khó khăn của cá nhân mình ngay sau đó.

“…. Hôm nay chúng ta ăn mừng những thành quả chung của chúng ta. Bỡi vì tôi bị autism không nói được và ảnh hưởng đến thần kinh phản xạ nên không cột dây giày và cài nút áo được nếu không có người giúp. Tôi đang phải đánh máy bài diễn văn nầy bằng một ngón tay với một người giúp cầm bảng keyboard. Tôi là một trong số rất ít người bệnh loại nầy được dạy cho cách đánh máy chữ. Đó là một sự giúp đỡ tối cần thiết để mở khóa não bộ của tôi từ bốn bức tường câm lặng của căn bệnh; cho phép tôi có thể giao dịch và được giáo dục giống như một người hùng của tôi là bà Helen Keller (người vừa điếc vừa mù đầu tiên có bằng Cử nhân Nghệ thuật từ ĐH Harvard, từng đi khắp thế giới vận động giúp đỡ người mù*)…

 Suốt năm đầu tiên đại học, tôi còn nhớ đã được nghe một câu chuyện về người cựu sinh viên thật nổi tiếng của chúng tôi, đó là Mục sư Rogers (nhà hoạt động giáo dục, nghệ thuật nổi tiếng của Mỹ*). Khi ông mất, một mảnh giấy viết tay được tìm thấy trong ví tay của ông, viết mấy chữ “Life is for service.” “: Sống là để phục vụ. Chỉ mấy chữ đơn giản là thế, nhưng cũng hết sức đáng tự hào và hãnh diện biết bao!

 Các bạn, chúng ta đã từng cùng nhau chia xẻ tinh thần phục vụ việc chung trong lãnh vực cộng đồng của chúng ta. Các bạn của chúng ta trong các hội nam, nữ sinh viên của nhà trường từng quyên góp tiền bạc cho rất nhiều mục đích xứng đáng. Chẳng hạn, các bạn của chúng ta tại Pinehurst (hội đánh golf lâu đời nhất của Mỹ*) đã tình nguyện dệt chăn mền cho người homeless. Những ví dụ nầy quá nhiều không thể kể hết. Trường Rollins đã khơi nguồn cho tất cả chúng ta thấy rằng sự phục vụ người khác không những tạo ý nghĩa cho cuộc sống riêng của chúng ta mà còn cho những ai được chúng ta phục vụ nữa.

  Viktor Frankl (Bác sĩ Thần Kinh và Tâm Lý Học người Áo*) đã viết về mãnh lực, sức mạnh của sự “chia xẻ” trong cuốn sách có tựa đề “Man’s Search for Meaning” của ông.

  Là một nạn nhân của Phát xít còn sống sót, ông đã viết sách kể lại những nỗi thống khổ trong các trại tập trung ở Auschwitz (phần đất phía nam của Ba Lan bị Đức sát nhập*), mặc cho những hoàn cảnh kinh hoàng khủng khiếp, vẫn có những tù nhân chia xẻ những mảnh vụn bánh mì cuối cùng của họ cho bạn tù. Ông viết, “Mọi thứ có thể bị lấy đi mất từ một con người, chỉ trừ 1 thứ tự do sau cùng của con người – đó là chọn cho mình một thái độ xử sự của riêng mình trong bất cứ mọi loại hoàn cảnh, tình huống nào (là không ai tước bỏ sự quyết định đó của mình được*)”

  Tất cả chúng ta từng được cho quá nhiều, kể cả sự tự do chọn lựa con đường sống và cách đối xử riêng của mình. Cá nhân tôi, tôi đã chịu đựng khó khăn suốt cả đời mình vì không nói lên được – để được nghe và chấp nhận. Chính bà hiệu trưởng trường trung học của tôi đã từng nói với một nhân viên nhà trường rằng, “Người chậm phát triển không thể là Thủ khoa được”. Tuy nhiên, hôm nay tôi đang đứng đây.  Mỗi ngày, tôi chọn ăn mừng những chiến thắng nhỏ và hôm nay, tôi đang ăn mừng một chiến thắng lớn cùng tất cả các bạn và quý vị ở đây.

  Sự tự do chọn lựa cách sống riêng cho mình là một quyền căn bản của con người, và nó đáng để được bảo vệ, không chỉ đối với chúng ta, mà còn đối với tất cả mọi con người.

  Tôi muốn nói thật to lên sự cám ơn đối với trường Rollins College vì đã cho tôi một cơ hội để tự chứng minh mình, cũng như đã chăm sóc mọi nhu cầu của mọi sinh viên khác, đã là một nơi nuôi dưỡng và duy trì lòng tốt, sự tử tế được tồn tại và phát triển trong xã hội loài người.

Photo: Elizabeth Bonker (Photo: Rollins College)

  Các bạn cùng khóa thân mến, hôm nay chúng ta cùng nhau bắt đầu giai đoạn mới của cuộc đời. Nhưng cũng từ đây, chúng ta sẽ chọn lựa những con đường riêng của mình.

  Đối với tôi, tôi có một ước mơ. Yes, cũng giống như Martin Luther King, Jr., Tôi có một ước mơ: Communication For All (Khả năng giao tiếp cho tất cả mọi người*). Thế giới đang có đến 31 triệu người không thể nói được vì chứng bệnh autism và họ đang bị nhốt trong những bức tường câm lặng. Cuộc đời của tôi sẽ dành trọn để cống hiến cho sự nghiệp giải tỏa họ khỏi sự đau khổ trong im lặng và có được tiếng nói của riêng mình để chọn con đường riêng của họ.

  Còn bạn, cái gì là ước mơ của bạn? Bạn sẽ dùng sự giáo dục nhận được từ đại học Rollins để hoàn tất sứ mạng của mình như thế nào đây? Bằng cách nào  bạn sẽ vượt lên phía trước để đương đầu với những thử thách chưa từng có của thời đại chúng ta?

  Bất cứ sự chọn lựa nào trong cuộc sống của chúng ta, mỗi người và tất cả mọi người trong chúng ta đều có thể sống “một đời phục vụ” – phục vụ gia đình chúng ta, phục vụ cộng đồng chúng ta, và phục vụ cho thế giới nầy. Và, thế giới nầy đang náo nức chờ để nhìn thấy tia sáng rọi lại từ phía chúng ta.

  Vì thế, lời kêu gọi phải hành động của tôi hôm nay thật đơn giản. Hãy xé một mảnh giấy nhỏ từ tờ chương trình ra trường hôm nay của các bạn và viết 4 chữ nầy “Life is for service” lên đó. Vâng. Chúng tôi đưa viết cho bạn để thực sự làm ngay điều đó. Hãy bắt đầu một truyền thống mới. Rồi chụp hình nó và đưa nó lên mạng xã hội của bạn. Xong đặt nó vào trong bóp hay túi xách tay, hay bất cứ chỗ nào an toàn nhất – như Mr. Rogers đã làm. Và khi chúng ta gặp lại nhau ở các dịp tái hội tụ cùng nhau, chúng ta sẽ nói về những gì mà những cái “notes” ngày ra trường nầy đã nhắc nhỡ được chúng ta trong việc giúp đỡ người khác…

  Thượng đế đã cho ta một tiếng nói. Hãy sử dụng nó. Và… không, cái điều buồn cười, nghịch lý của một người autism không thể nói được, lại cổ vũ bạn dùng tiếng nói của bạn, sẽ không bao giờ mất trong tôi. Bỡi vì nếu bạn có thể nhìn thấy cái giá trị nầy ở tôi thì bạn có thể nhìn thấy cái giá trị đó ở trong mọi người mà bạn gặp.

  Hởi các bạn đồng khóa của tôi. Tôi sẽ kết thúc bài nầy với một lời dẫn chứng từ Alan Turing – một thiên tài khoa học, toán học người Anh đã từng giải mã những mật mã (codes) bí hiểm nhất của Phát xít để giúp phía Đồng Minh chiến thắng cuộc Thế Chiến II.  “Đôi khi, đó là người không ai tưởng tượng được họ có thể làm được bất cứ điều gì, và rồi những việc họ làm không ai có thể tưởng tượng nỗi.” Hãy là những người đó. Hãy là ánh sáng. Hãy là ngọn đuốc soi đường! Fiat lux (Ngạn ngữ Latin: Hãy là ánh sáng). Thank you.

  Một bài diễn văn quá tuyệt của một người không nói được – Non-speaking Speaker – xin mời quý vị và chúng tôi, chúng ta hãy cùng suy ngẫm và thưởng thức ý nghĩa tuyệt vời của nó.

                                                                Phó Thường Dân/Trống Đồng News

 (*) Chú thích của tác giả bài viết

Báo Trống Đồng (Monthly News) ấn hành trên Giấy hàng tháng, chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com
trongdonglife garden’s images
Trống Đồng Books Online @trongdonglife.com – nơi có hàng ngàn tựa sách đủ loại, với nhiều cuốn giá trị, đã không còn trên thị trường sách trong và ngoài nước. Click vào www.trongdonglife.com để tiếp cận hàng ngàn tựa sách đủ loại và hàng trăm loại dược thảo nổi tiếng và thông dụng nhất trên thị trường hiện nay.
Trống Đồng Books Online @trongdonglife.com – nơi có hàng ngàn tựa sách đủ loại, với nhiều cuốn giá trị, đã không còn trên thị trường sách trong và ngoài nước. Click vào www.trongdonglife.com để tiếp cận hàng ngàn tựa sách đủ loại và hàng trăm loại dược thảo nổi tiếng và thông dụng nhất trên thị trường hiện nay
Banner