Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Đời Nay Chẳng Khác Đời Xưa – Chữ “Tài” liền với chữ “Tai” một vần ?!

                                            Bài: Phó Thường Dân/Trống Đồng News

  Bạn đọc quen thuộc với mục nầy chắc chẳng lạ gì với chuyện PTD thường hay “mượn” những câu thơ ca hay dân gian tục ngữ để dẫn vào câu chuyện mà chúng tôi sẽ lạm bàn kỳ nầy. Thường những câu dân gian tục ngữ truyền đời qua nhiều thế hệ không cần ghi vào sách sổ gì cả mà chẳng bao giờ bị quên lãng hay biến mất bởi vì chúng luôn luôn đúng hoặc đúng đến 99% – cho nên thế hệ đi trước coi chúng như “kho tàng”, “của báu” để dùng làm kim chỉ nam cho cuộc sống cũng như để giáo dục thế hệ con cháu đi sau.

   Ngay như trên thị trường sách hiện nay vẫn còn nhiều bộ Ca dao Tục Ngữ sưu tập từ ngàn năm trước, dày cả ngàn trang với đủ loại chú thích dẫn giải đầy tính chất hữu dụng trong đời sống thực tế dù cho khoa học kỹ thuật có can dự vào xã hội loài người tối đa như hiện nay.

  Tuy nhiên, khi đọc lên câu trên, chắc hẵn nhiều vị cao niên trong cộng đồng chúng ta sẽ biết ngay nguồn gốc của câu nầy từ đâu. Chẳng những biết nguồn gốc, mà các cụ còn có thể đọc thuộc lòng lên ngay cả đoạn hoặc ít nhất hai câu của cặp lục bát ấy, là:

“Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần…”

Vâng, Chữ tài liền với chữ tai một vần không phải gốc từ ca dao tục ngữ gì mà đó chính là một trong hai câu thơ từ đại tác phẩm Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du – một tác phẩm gắn liền với lịch sử phát triển thi ca, văn hóa nghệ thuật của dân tộc Việt, đến độ nhiều câu trong tác phẩm nầy đã trở thành những triết lý, những tiêu chuẩn đạo đức nằm lòng của dân ta.  

Photos minh họa, từ trái: Quora, Wiki., Youtube

  Chẳng hạn, mỗi khi gặp những trường hợp bất trắc tương ứng, dân ta sẽ buộc miệng thốt ngay: “Bởi, ở đời nầy Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau mà!” hoặc muốn phê bình, chỉ trích ai có tài mà vô tâm gây tai họa, dân ta sẽ thốt ngay: “Bởi, ông bà dạy Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài, là vậy đó!”   Những câu trên tuy bàng dân thiên hạ có dẫn từ Ông Bà hay tục ngữ dân gian nhưng thật ra hầu hết cũng là từ Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du mà ra cả!

  Chữ tài liền với chữ tai một vần, riêng đối với người viết bài nầy đã luôn muốn hiểu một cách phong phú hơn nữa. Đó là “tài” ngoài nghĩa là tài năng, còn có nghĩa là “tiền bạc” như trong “tài khoản” hay “trọng nghĩa khinh tài”. Và nếu hiểu thêm theo kiểu đó, câu thơ nói trên lại càng đúng với cuộc sống loài người hơn nữa. Bỡi, từ xưa đến nay, ngẫm ra ai mà chạy theo đồng tiền, giành giựt đồng tiền chừng nào lại càng dễ gặp tai họa chừng nấy. Ai giàu sớm chừng nào, bạc tỉ nhiều chừng nào lại càng dễ bị dính liền với tai họa chừng nấy!!! Cho nên, chữ “tài” nầy nếu hiểu theo nghĩa không chỉ là tài năng mà còn là tài lực (sức mạnh kim tiền) thì lại càng đúng với sự đời hơn nữa! Vả lại thường thì người có tài năng đa phần cũng có luôn tiền bạc; ngược lại người có nhiều tiền bạc thì cũng do có cái tài hoa nào đó nên mới làm nên tiền bạc giàu có hơn thiên hạ được. Tức: tài là tài năng và tài là tiền bạc thường luôn đi đôi với nhau như hình với bóng (trừ trường hợp người có tài nhưng chướng tính lập dị thì không kể làm gì).

  Và nếu như theo câu trên, tức Chữ tài liền với chữ tai một vần – thì ai có cả hai cái (nhiều Tài và nhiều Tiền) thì càng một vần liền với chữ Tai họa hơn nữa!

  Đó là chuyện mà người đời thường thấy phổ biến từ Đông sang Tây, từ Âu sang Á…

Bìa sách Truyện Kiều của NXB Trẻ

  Nhiều chuyện nổi cộm từ trong ra đến ngoài nước, như xưa nay những gia đình, những cặp vợ chồng nổi tiếng tiền rừng bạc biển nhưng hưởng chẳng bao lâu đã thấy anh em, cha mẹ, vợ chồng, con cái… chém giết lẫn nhau, đưa nhau ra tòa kiện thưa giành của với nhau, vv… không thiếu gì, và nhắc lại chỉ thêm tội cho những ai liên quan đến các gia đình nầy!

  Chuyện thương tổn kiểu đó ngay tại nước Mỹ nầy thì lại càng không kể xiết giữa cái cảnh súng đạn thì mua bán dễ dàng, không bắn giết nhau thì cũng sẵn sàng đem đi kiện mút chỉ; luật sư có lương tâm thì hiếm mà đa phần chỉ moi vết thương bất mãn kiện tụng lẫn nhau cho nặng nề hơn để đứng cửa giữa hưởng lợi.

  Sáng nay, giữa buổi cà phê sáng hôm 15 tháng 12 vừa qua, người viết bài nầy bổng thấy chiếc cell phone lóe lên một mẩu tin mới toanh, tạm dịch “ngày nầy 5 năm trước, một cặp vợ chồng tỉ phú được tìm thấy bị xiết cổ chết. Nay gia đình vừa treo thưởng thêm đủ $35 triệu cho ai giúp tìm thủ phạm.

  Một cái tựa quá sức hấp dẫn. Đã là tỉ phú mà còn bị chết thảm, chưa đủ, chết một lúc cả vợ lẫn chồng, thật là quá lạ! Thêm nữa, vụ án mạng nào với đủ loại máy móc kỹ thuật điều tra tân kỳ cộng với trí thông minh & kinh nghiệm ngàn năm của loài người, ngày nay thường gọi là AI, tức Artificial Intelligence – thì quá lắm cũng chỉ 3 tháng, 6 tháng hoặc một vài năm rồi cũng tìm ra thủ phạm; đó là đối với nhà thường dân – chứ có đâu một cặp vợ chồng tỉ phú bị chết tức tưởi như vậy mà con cháu phải uất ức vì kẻ giết cha mẹ mình vẫn cứ nhỡn nhơ ngoài vòng pháp luật đến cả 5 năm sau như vậy?!

 Đó là câu chuyện có thật trong cuộc đời nầy mà diễn ra còn quá nhiều tình tiết phong phú hấp dẫn hơn cả những nhà sáng tác chuyện phim ly kỳ rùng rợn nhất. Đó là chuyện về cuộc đời của cặp vợ chồng tỷ phú Canada có tên là Barry Sherman và Honey Sherman.

  Từ thời trẻ, còn đi học – ông Barry Sherman đã là một thiếu niên thông minh, chịu khó, xông xáo và đầy tham vọng. Mới 16 tuổi đã vào đại học University of Toronto. Sau khi tốt nghiệp với hạng danh dự (Honor), Barry tiếp tục qua Mỹ theo học đại học nổi tiếng MIT và tốt nghiệp tiến sĩ về engineering và đã bắt đầu sự nghiệp sản xuất thuốc Tây (pharmaceutical) từ thập niên 60s của thế kỷ trước, sau khi được người cậu là Louis Lloyd Winter giao cho chức vụ điều hành công ty bào chế thuốc của ông là Empire Laboratories (EL). Qua chức vụ nầy ông đã nổi tiếng nhờ cạnh tranh và đấu đá quyết liệt với cả các đối thủ làm ăn và giới chức chính quyền kể cả những vụ kiện tụng về luật pháp.

 Tưởng cũng nên nói sơ qua về người cậu khá đặc biệt nầy và cũng là một trong những trường hợp “Chữ Tài liền với chữ Tai một vần mà chúng ta đang nói ở đây.

  Ông Louis Loyd Winter là người con út trong một gia đình có 6 anh chị em. Ông thật thông minh tài giỏi. Là một trong những sinh viên tốt nghiệp ĐH với hạng Danh Dự (Honor) và tốt nghiệp Master ngành sinh hóa từ trường University of Toronto. Năm 24 tuổi đã mở một cơ sở kinh doanh đầu tiên từ trong garage của nhà mình để nhận làm những công đoạn thử máu thử thai cho các viện bào chế, phòng khám bệnh… tại địa phương. Từ đó, công việc phát triển liên tục. Ông Winter bắt đầu dọn ra ngoài. Khi công ty ông trở thành công ty bào chế thuốc đầu tiên của Canada được phép sản xuất những loại thuốc danh tiếng đã hết hạn độc quyền và trở thành được bán phổ biến dưới dạng generic drugs, ông phải mua những tòa nhà 4 tầng rồi 5 tầng mới phù hợp với tầm vóc hoạt động của công ty thì cũng là lúc định mệnh buộc ông phải ra đi với một cái chết bất đắc kỳ tử đến nay cũng không rõ lý do, ở tuổi 41 (năm 1965).

  Tai họa không dừng lại ở đó, khi vợ ông là bà Beverly – người trước đó đã từng vào cùng bệnh viện với ông và bị chẩn đoán ung thư máu – chỉ 17 ngày sau khi ông chết cũng từ giả cõi đời nầy. Cả hai để lại 4 đứa con thơ 7 tuổi, 5, 4, 3 tuổi! Rõ là tài hoa và mệnh bạc hay đi dính chùm với nhau!.

  Năm 1967, sau khi hoàn tất chương trình Tiến Sĩ về khoa Vật Lý Thiên Văn (Ph.D. in Astrophysics) tại trường đại học danh tiếng M.I.T. – Sherman đã cùng với người bạn thời trung học mua lại công ty E.L. của ông chú năm 1969 với điều kiện phải để cho 4 người con nhỏ vào làm việc trong công ty khi đủ 21 tuổi và có quyền hưởng 5% cổ phần mỗi người sau 2 năm, cùng một số điều kiện khác đối với những sản phẩm độc quyền của công ty.

  Tuy nhiên, hợp đồng chuyển nhượng nầy cũng ghi rằng những điều kiện trên sẽ không còn hiệu lực nếu Sherman bán công ty nầy.

  Năm 1972 Sherman và người bạn của ông đã tìm cách bán công ty EL và thành lập công ty riêng của ông là Apotex với một số cựu nhân viên của EL vào năm 1974. Sau đó, với sự xông xáo của Barry Sherman trên thương trường và cả mặt vận động chính trường, Apotex đã trở thành công ty bào chế thuốc hàng đầu ở Canada với hàng trăm loại thuốc cao mỡ, tiểu đường, HIV, vv.. thông dụng nhất được bán ra trên 100 nước trên thế giới với doanh thu mỗi năm hàng tỉ đô-la.

Ông và Bà Barry and Honey Sherman (United Jewish Appeal/Canadian Press)

  Cùng với quá trình tả xung hữu đột trên thương trường và sự nghiệp, vợ chồng ông Barry đã nổi tiếng khắp nơi về hàng ngàn những vụ kiện tụng trên mọi mặt từ trong ra ngoài với những sự tranh chấp từ đối thủ cạnh tranh đến nhân viên và chính quyền

  Đến độ vào thời điểm ông chết, công ty ông đã nộp ước tính khoảng 1.200 vụ kiện các giới chức, ban ngành thuộc chính quyền các cấp ra Tòa Liên Bang; một phát ngôn viên của Bộ Y Tế Canada (Health Canada) bị nêu ra như bị cáo trong hàng tá vụ kiện của ông Barry đã than phiền rằng những vị tranh tụng của công ty nầy đã gây tổn phí tiền thuế của dân chúng hàng nhiều triệu tiền án phí.

  Ông nầy đã lo tranh tụng một cách không mệt mỏi. Như vụ kiện của Apotex để được quyền sản xuất đại trà thuốc chống trầm cảm Trazodone – Barry đã mất đến 30 năm dai dẵng theo đuổi cho đến khi Tòa Kháng Án Liên Bang phán quyết rằng chính quyền đã hành xử không đúng trong vụ nầy.

  Vào năm 2011, Khi các con đã trưởng thành của ông cậu Winter kiện ông để đòi 20% tiền lời trong vấn đề công ty Apotex phát xuất từ sự bán công ty EL gia sản của cha mẹ họ trước đây hoặc phải trả cho họ 1 tỉ thiệt hại – ông Barry đã bác bỏ ngay và đáp lại bằng cách thu hồi những triệu đồng phụ cấp tài chánh cho các người anh em họ (cousins) nầy (số tiền mà nguyên đơn cho rằng Barry dùng để ngăn chận họ khỏi tìm cách thưa kiện để đòi nhận đúng đủ những phúc lợi mà họ đáng được hưởng công bằng theo luật pháp).

   Mãi đến tháng 9, 2017 – tòa án mới đưa ra phán quyết thắng kiện về phần của hai vợ chồng tỉ phú nầy, và thua về phần những người cousins mồ côi. Chỉ vài ba tháng sau đó, đã xảy ra cái chết bí ẩn của vợ chồng Shermans vào tháng 12, 2017.

   Năm 1996, một vụ tranh tụng khác cũng không kém phần đáng chú ý. Vợ chồng ông Sherman muốn sửa garage của lâu đài hàng chục triệu của mình ở vùng North York, Canada với 1 sân tennis trên mái garage và 1 hồ bơi với hồ nước nóng ở tầng hầm bên dưới garage. Nên đã hợp đồng thuê hàng chục công ty xây dựng đến để thiết kế và xây lại khu nhà xe nầy.

  Tuy nhiên, sau suốt 5 năm xây dựng, hai vợ chồng đã thất vọng và cho rằng “đây là một thảm họa” với công trình được thực hiện một cách “sai bét” nầy. Cả hai vợ chồng đã nộp 12 hồ sơ kiện riêng biệt cho cả 12 công ty đã ký hợp đồng trong công trình xây cất nầy với họ.

 Cuối cùng, thật là một sự hiếm có! Hai vợ chồng tỷ phú nầy đã nhận được những phán quyết xử ưu đãi hết về phần họ. Theo đó, bên các công ty bị cáo phải nộp trả lại gần đủ hết phí tổn $2,3 triệu của chủ nhà đã trả theo hợp đồng với họ để xây công trình nầy.

  Sáng 15 tháng 12 năm 2017, một nhân viên địa ốc đưa người muốn mua căn lâu đài mà chủ nhân Shermans rao bán. Khi họ đi xem từ hai tầng trên xuống tới tầng hầm (basement) thì thấy hai vợ chồng Shermans chết từ lúc nào trong tư thế ngồi trên ghế, cổ có sợi dây xiết chặt. Điều tra sau đó cho thấy hai người đã chết từ 2 ngày trước đó, vì một lực xiết cổ của người từ bên ngoài chứ không phải tự vẫn, cũng không phải người nầy giết người kia rồi tự vẫn.

  Sau 5 năm cảnh sát vẫn không tìm ra thủ phạm!.

 Những người con còn lại của họ thương khóc, người anh cả trong số 4 người con, nói: “Cha mẹ sánh như một người là khóa, người kia là chìa. Một mình không ai làm được nếu thiếu người kia. Nhưng cả hai hợp lại thì khóa kỹ đến đâu cũng mở được hết.” Và họ đã đưa bao nhiêu triệu để làm giải thưởng truy tầm thủ phạm. Lúc đầu là 10 triệu. Mới hôm kỷ niệm 5 năm ngày bị giết đến nay (tức hôm 15 tháng 12, 2022 vừa qua), người con trai đã treo thêm 25 triệu, tức tổng cộng 35 triệu cho ai tìm được manh mối đưa đến bắt được thủ phạm!

 Không biết có phải do những cái nhân đầy ân oán giang hồ của họ đã đưa đến cái kết cục khiến cho một cặp vợ chồng năng động tài trí như vậy đến chỗ chết tức tưởi uất ức vì những kẻ thủ ác vẫn không bị trừng phạt cho đến giờ nầy? Chẳng lẽ từ công quyền đến từng cá nhân liên quan cũng đều không ai còn muốn quan tâm đứng về phía hai “nạn nhân” nầy hay sao?

***

  Tất cả những chi tiết chỉ trong một vài vụ vừa kể trên cho chúng ta thấy dưới bầu trời nầy, trong xã hội loài người nầy, bất kể không gian và thời gian, không kể bên Âu hay Á, thời xưa hay thời nay; thường những người càng có tài, càng vùng vẫy; càng thông minh, càng chống trả cả sức người lẫn sức mạnh thiên nhiên – lại càng dễ gặp tai nàn đến từ mọi phía kể cả từ đối thủ lẫn thiên tai địch họa.

  Do đó, người xưa cũng như các triết lý tôn giáo thường khuyên con người nói chung và những ai tài giỏi, giới lãnh đạo nói riêng phải luôn lấy chữ nhân, chữ đức, chữ tâm làm đầu, hầu cứu vãn bớt cái quy luật gần giống như lời nguyền không hay ho tốt đẹp gì đó cả.

Bỡi vậy nên Cụ Nguyễn Du từ nhiều trăm năm trước đã không những chỉ nhấn nhá đôi câu:

“Có tài mà cậy chi tài

Chữ tài liền với chữ tai một vần…”

Mà còn nhắc thêm rằng:

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài.”

  Nhưng, đau lòng nhất, đó là qua cả không chỉ trăm năm của một đời người mà qua cả nhiều trăm năm, ngàn năm của cả lịch sử loài người: Những người có tài không có đức chả nói làm gì, chỉ thương cho những người có tài, có tâm, vô tội – vẫn thường lâm vào cảnh: mệnh bạc, – đó mới là điều đáng nói như cách kết luận trong thuyết “tài mệnh tương đố” của cụ Nguyễn Du.

  Tất cả luận cứ, quan điểm, qua hàng ngàn chi tiết với 3.254 câu dài lê thê, thế mà người đọc chỉ cần đọc bốn câu mở đầu là đã thấy Cụ gói gọn tất cả sự qui kết về nguyên lý cuộc đời của loài người trong đó. Thật là tuyệt vời!

“Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau.

Trải qua một cuộc bể dâu,

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…”

 Chưa hết! Cả một Triết lý sâu xa, cả một Giá trị vô lường là vậy, mà “đức khiêm cung” của Cụ cũng thật khó ai bằng, thể hiện trong hai câu kết dưới đây:

Lời quê chắp nhặt dông dài,

Mua vui cũng được một vài trống canh.”

Nhớ lại cái thuở còn ở Trung Học, trong những giờ Việt Văn; mỗi lần học đến Truyện Kiều thì đa số học sinh chăm học, ai cũng có thể đọc thuộc lòng vanh vách từng đoạn; rồi lại còn làm luận đề, phân tích, bình giảng cho cả lớp nghe …. Nhưng, giờ mới thấy, sự hiểu biết một cách đúng mức giá trị của đại tác phẩm nói trên trong trí óc non nớt chưa từng có một chút kinh nghiệm sống đời, ở cái thế giới loài người đầy phức tạp nầy của những học sinh cỡ tuổi “teens” lúc bấy giờ – thực sự chỉ là rất nông cạn mà thôi!

   Có lẽ, chỉ những ai đã từng qua độ tuổi “thấp thập cổ lai hy” hoặc hơn nữa, phải nói là càng gần đến tuổi “bách niên giai lão” bao nhiêu thì mới càng thấy được hết cái giá trị vô lường về quy luật và triết lý cuộc đời hàm chứa trong nội dung và bố cục của tác phẩm “Truyện Kiều”.

   Thật khó ai sánh cùng Cụ Tiên Điền Tố Như của chúng ta được!

                                           Phó Thường Dân/Trống Đồng News

Báo Trống Đồng (Monthly News) ấn hành trên Giấy hàng tháng, chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com
Thư Họa Truyện Kiều của Họa Sĩ Vũ Hối
trongdonglife garden’s images – Mai Vàng Trước Ngõ – Chào Mừng Năm Mới – Photo: trongdonglife.com
trongdonglife garden’s images – Mai Đào Vườn Sau Chào Mừng Năm Mới – Photo: trongdonglife.com

Banner