Bài: Phó Thường Dân/Trống Đồng News
Chúng ta đang sống trong một thời điểm mà cục diện trong nước và thế giới diễn biến mỗi ngày đầy căng thẳng, gay cấn còn hơn những phim chuyện kiếm hiệp hấp dẫn nhất!
Nhất là những ngày gần bầu cử trên nước Mỹ nầy nếu bạn thường theo dõi thời sự qua báo chí và tivi thì lại càng thấy tình hình chính trị xã hội còn sôi động, náo nhiệt hơn nữa! Ngoài chuyện lạm phát làm giá cả mọi thứ gia tăng vô tội vạ, chính phủ cố chận lạm phát bằng cách tăng lãi suất thì lại đẻ ra các khổ nạn khác như giá nhà tăng, tiền thuê nhà tăng, cổ phần cổ phiếu xuống te tua cả 50%, 70% khiến người đầu tư dễ mất gần hết cả lời lẫn vốn… Bên cạnh đó, một sự kiện kinh tế cũng khó hiểu là càng lạm phát, giá cả tăng vọt nhưng thứ gì cũng bán ào ào, nhà hàng cũng đón thực khách đông nghẹt; có lẽ nhờ ai cũng có việc làm (tỉ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục với chỉ 3.5%) nên mới rủng rẻng tiền chi tiêu theo thời giá như thế!
Chuyện đáng kể nhất ở trong nước ngay lúc nầy, đó là cuộc chạy đua giành phiếu để làm chủ quốc hội giữa hai đảng lớn của Mỹ, CH và DC. Mọi nhược điểm, khuyết điểm, sai phạm nào của các đối thủ chính trị đều được đưa ra mổ xẻ công khai cho cử tri quyết định lá phiếu của mình.
Có ông ứng cử viên hô hào chống phá thai lại bị một bà ra tố một cách thật độc đáo. Bà nầy tự nhận có thai với ông và chính ông buộc và trả tiền phí phá thai cho bà. Bà còn tố thêm là mình đã từng là mẹ của một trong số những đứa con của ông ứng cử viên đó! Con trai của ông cũng lên mạng xã hội tố cha là người nói láo. Thế nhưng hầu như chuyện động trời vậy mà chẳng ảnh hưởng gì đến những cử tri ủng hộ ông. Còn đảng của ông thì vẫn cứ phải đứng về phía ông vì bỏ ông ra thì sợ có cơ “xổng” mất chiếc ghế sống chết ở Quốc Hội. Thế là hiện trong mọi sự thăm dò, số phiếu của ông vẫn ngang ngữa, và giờ phút chót có phần hơn với phiếu của đối thủ. Đó là trường hợp của ông Herschel Walker, ứng viên đảng CH Georgia. Rõ là mục tiêu chính trị đã làm đảo điên hết mọi tiêu chuẩn đạo đức luân thường trong xã hội!.
Còn chuyện đáng kể nhất trên lãnh vực thế giới hiện nay, đó là sự căng thẳng về chính trị trực diện giữa hai khối độc tài và dân chủ, phát sinh từ cuộc chiến do Putin khởi động tấn công Ukraine – một quốc gia láng giềng nhỏ bé đang được Mỹ và đồng minh phương Tây ủng hộ.
Chính cuộc tấn công nhằm sát nhập, thu hồi lại những phần lãnh thổ và con người mà nước Nga và Putin cho rằng “những gì của Nga phải trả lại cho Nga” nầy – đã gợi ý và nhắc lại vết thương hơn nửa thế kỷ chưa lành của Trung Quốc với sự xé lẻ và tuyên bố độc lập của đảo quốc Đài Loan. Cả hai đất nước nhỏ bé nạn nhân của hai đại cường độc tài nầy – sau lưng họ đều đang có sự ủng hộ công khai của Hoa Kỳ và lực lượng các quốc gia dân chủ trên thế giới.
Trước hết, nói về cuộc chiến tranh khởi sự bởi Nga trong vụ tấn công Ukraine thì hầu như chưa có dấu hiệu gì kết thúc, mà trong chiến tranh thì không chuyện gì có thể tránh khỏi và cũng ít thứ gì có thể tiên đoán được.
Nhưng cuộc chiến Nga-Ukraine thì đã có một chiều hướng mà các nhà quan sát có thể nhìn thấy, đó là cái tiềm năng có thể mở rộng một cách nguy hiểm của nó! Người ta đang nhìn thấy được thực chất của nó đã trở thành một cuộc chiến “gián tiếp” giữa Hoa Thịnh Đốn (Washington) và Mạc Tư Khoa (Moscow) và có nhiều nguy cơ sẽ trở thành cuộc chiến “trực tiếp” chẳng bao lâu nữa!.
Đúng vậy, cả hai cường quốc nầy đã bị cột chặt vào quy trình xoắn ốc không có lối ra, ngày càng leo thang, cho đến một lúc họ sẽ bị lôi cuốn trực tiếp vào cuộc xung đột, và rồi đến một lúc sẽ dùng vũ khí nguyên tử tầm gần tầm xa, có thể giết hại hàng triệu người và hủy diệt nhiều phần của thế giới.
Đã từ lâu, hầu như khá nhiều thập niên qua – sự đe dọa của thảm họa dùng vũ khí nguyên tử hủy diệt hàng loạt để quyết định thắng bại giữa hai thế lực chính, tà – hoặc dân chủ, độc tài (ví như Ngày Phán Quyết/The Day of Judgment – trong Kinh Thánh. Nhiều tôn giáo còn cho đó là ngày tận thế của nhân loại) – đã khiến cho Russia và phương Tây cũng phải a ngại, dè chừng và hạn chế sự đương đầu trực diện đến tối đa.
Viễn tượng hủy diệt bởi một cuộc chiến tranh nguyên tử toàn cầu đã từng vạch một lằn ranh mà cả hai phía không bên nào muốn vượt qua.
Nhưng hiện nay, không phải những người tay mơ, mà chính những chuyên viên phân tích, nguyên cứu chiến lược nguyên tử của Nga (Russia) cho biết họ đang lo lắng ngày càng nhiều rằng cái lằn ranh giới cấm cản nguyên tử chết người rùng rợn đó đang trở thành mong manh mờ nhạt! Khi cuộc chiến theo kiểu truyền thống (conventional war) của Nga dùng để uy hiếp Ukraine đang thất bại từng ngày (nhờ vào khối lượng vũ khí đủ loại và sự huấn luyện từ các nước phương Tây đổ vào hổ trợ quốc gia nạn nhân Ukraine nhỏ bé nầy), khiến cho nhiều nhà phân tích đã nhìn thấy khả năng sẽ có sự thay đổi những thỏa hiệp hiện hành về hạn chế nguyên tử – hầu để giải quyết cuộc xung đột có chiều hướng dẫn đến sự bế tắt của phía Nga; một số chính trị gia khác cũng tiên đoán Nga sẽ dùng vũ khí nguyên tử để giúp họ khỏi thất bại trong cuộc chiến nầy.
Với tình hình không bên nào cho thấy những dấu hiệu nhân nhượng, cơ hội sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh nguyên tử đã trở thành hiện thực ngay lúc nầy, nhiều hơn là so với những cơ hội đã thấy trong nhiều thập niên trước!
Đến nỗi một khoa học gia tại viện nghiên cứu giải trừ vũ khí thuộc Liên Hiệp Quốc (the U.N. Institute for Disarmament Research) là Nghiên Cứu Gia Pavel Podvig – người chuyên theo dõi những lực lượng nguyên tử của Nga – đã phải nhận xét một cách thận trọng rằng, ông vốn từng nghĩ rằng khả năng, cơ hội Nga sẽ dùng đến vũ khí nguyên tử là: “cực kỳ thấp” (extremely low”. Nhưng nay, ông đã buộc phải nói thêm rằng: “Tôi thật sự lo âu!” (I do worry!) về khả năng vô cùng đáng ngại và nguy hiểm đó.
Và, điều đó đối với chúng ta nói riêng và nhân loại toàn thế giới nói chung – có nghĩa rằng: Còn chờ đợi gì mà không lo âu, không chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp nếu có chiến tranh nguyên tử xảy ra, phải làm gì?!
Nhất là mới hồi cuối tháng 9 vừa qua, sau khi Nga đã sát nhập 4 địa phận phía Ukraine xong, Putin còn tuyên bố một cách thẳng thừng rằng có thể dùng đến vũ khí nguyên tử trong cuộc chiến nầy, qua câu nói trong một bài diễn văn lúc đó như sau: “Trong trường hợp có tính cách đe dọa đến sự thống nhất lãnh thổ của đất nước chúng ta và để bảo vệ nước Nga và dân Nga, chúng ta sẽ chắc chắn phải dùng đến mọi hệ thống vũ khí sẵn có của mình,” và nhấn mạnh thêm: “Đây không phải là một lời hù dọa chút nào.” (“In the event of a threat to the territorial integrity of our country and to defend Russia and our people, we will certainly make use of all weapon systems available to us,” he said. “This is not a bluff.”)
Chưa hết, theo nhà khoa học đứng đầu dự án thông tin nguyên tử tại Liên Hiệp Khoa Học Gia Hoa Kỳ ở Washington là ông Hans Kristensen thì ngày nay, Nga được cho là quốc gia có số lượng vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới, bao gồm từ 1.000 đến 2.000 món vũ khí nguyên tử trận địa chiến (tactical nuclear weapons). Cũng theo ông, trong khi công chúng thường tưởng tượng vũ khí nguyên tử trận địa chiến là thuộc loại tầm cở nhỏ, nhưng của Nga thì khác, chúng có khối lượng chất nổ mạnh đủ sát hại trên bình diện rất rộng lớn – lên đến vài trăm kilotons – mạnh hơn rất nhiều so với quả bom dùng ở Hiroshima!
Quan hệ Nga – Ukraine căng thẳng, kéo quan hệ Trung Quốc (TQ) – Đài Loan căng thẳng theo. Nhất là dịp bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ đòi đi thăm Đảo quốc vừa nói, thì cả trên mạng xã hội cho đến dân chúng TQ đều tưởng chừng như chiến tranh sắp nổ ra hồi tháng 8 năm nay, khi hàng triệu dân TQ thức trắng đêm, canh chừng chuyến bay đưa bà Pelosi vào Đài Bắc xem có dám đáp xuống hay không. Thậm chí, một ông cựu bỉnh bút của tờ Thời Báo Toàn Cầu của Đảng CS TQ là Hu Xijin còn dám đề nghị quân đội TQ phải bắn rớt máy bay của bà Pelosi mới khỏi mất thể diện trong vụ nầy!!!
Tình hình thế giới hiện chẳng khác gì lò lửa, không biết nổ tung lúc nào. Chắc đó cũng là lý do để mới đây, TT Joe Biden tuyên bố một câu xanh dờn không kém gì dấu hiệu của một sự thách thức chính trị hoặc một sự báo trước sẽ sẵn sàng đương đầu bất cứ lúc nào cần thiết.
Ông nói thế giới hiện nay đang ở vào thời điểm có nguy cơ cao nhất của một cuộc chiến đấu một mất một còn – như ngày phán quyết của hai thế lực đối lập trên thế giới – hơn bất cứ lúc nào hết kể từ khi xảy ra Cuộc Khủng Hoảng Hỏa Tiển ở Cuba (Cuban Missile Crisis). (Chú thích của người viết: Cuban Missile Crisis: Đó là một sự kiện xảy ra năm 1962, kéo dài trong 35 ngày, khi Liên Xô đem hỏa tiễn đạn đạo tầm xa đặt ở Cu Ba và Mỹ đem vũ khí tương tự đặt tại Ý và Thổ Nhĩ Kỳ. Hai bên kình chống nhau suốt 35 ngày, cuối cùng cuộc khủng hoảng nầy đã chấm dứt nhờ những cuộc thương thuyết bí mật giữa những người trong cuộc để đưa đến các cam kết, thỏa hiệp với nhau trước khi hai phía cùng gỡ bỏ các loại hỏa tiễn nầy bằng cách công khai hoặc không công khai).
Tất cả những sự kiện vừa kể, đó là thế-giới-sự. Dùng cách suy ngẫm quá khứ để suy diễn cho hiện tại thì từ các chính trị gia, chuyên viên quân sự, tình báo gì cũng cho là tình hình hiện nay rất… rất là đáng ngại.
Nhưng chính bản thân họ cũng phải “bó tay” trước những tay độc tài thao túng không chỉ hàng trăm triệu người, hàng tỉ người trong nước họ để đạt tham vọng cầm quyền suốt đời; mà nay còn muốn xâm lấn, mở rộng phạm vi thống trị ra phạm vi thế giới – như ông Putin & ông Tập – thì nghĩ cho cùng, chúng ta là thường dân, Phó Thường Dân nữa là đằng khác – cũng chẳng thể làm gì hơn là thúc thủ chờ thời, cầu nguyện Ơn Trên ban phép mầu khiến xoay chuyển thời cuộc thế nào cho đỡ thảm họa, chết chóc nhất cho nhân loại mà thôi.
Đúng là đối với thành phần thường dân như chúng ta, dù là dân một xứ đại cường thì những việc quá lớn như đấu đá nguyên tử với nhau cũng… rõ là “out of control” của mình. Tuy nhiên, nói như vậy rồi mỗi người không có ý thức gì về chính trị xã hội hết thì cũng có vẻ “tiêu cực” quá đối với bổn phận làm công dân của một xứ văn minh như thế nầy?!.
Thực ra, cũng còn một cách làm để bày tỏ sự đóng góp “tích cực” hơn, nhất là trong lúc nầy ở nước Mỹ, khi mà chỉ còn có dăm bảy ngày nữa là đến ngày bầu cử giữa kỳ – Midterm Elections 2022. Thái độ tích cực đó là gì?
Đó là, mọi người, mọi nhà đều phải nhớ đi bầu cử. Việc lựa chọn người đại diện thông minh sáng suốt, có tài có đức – đích thực là góp phần giải quyết mọi xung độ từ nhỏ đến lớn, từ quốc gia đến quốc tế. Quyết định đưa đến chiến tranh hay hòa bình, đó cũng là do bởi từng lá phiếu bầu chọn của chúng ta; nhất là chúng ta lại đang ở nước Mỹ – một trong những quốc gia chủ chốt mà sự quyết định của những lãnh tụ ở đây sẽ trực tiếp đưa đến hạnh phúc hay thảm họa cho loài người trên cả thế giới.
Ngoài ra, cũng để trả lời câu hỏi trên tựa đề hôm nay: chiến tranh sắp xảy ra, chúng ta phải làm gì?
Đó là, ngoài chuyện bầu cử, chúng ta nên cố gắng theo dõi thời sự một cách sáng suốt, nghĩa là luôn cảnh giác mỗi khi nghe một nguồn tin chấn động, nóng sốt nào đó thì phải luôn đối chiếu với nhiều nguồn tin, nhiều chứng cứ khác từ nhiều nguồn khác nhau để khỏi bị mắc vào những bẩy lừa, những “fake news” giăng mắc đầy đường đầy chợ trong thời buổi ai cũng có thể làm đài phát tin, đưa tin như hiện nay.
Thứ nữa, cố gắng giữ bình tĩnh trong mọi tình huống, không nên hoảng loạn (panic), vì mọi sự “panic” sẽ dẫn đến hậu quả tai hại nhiều hơn nữa.
Cuối cùng hãy cho rằng, dù có thảm họa nguyên tử xảy ra đi nữa, thì cũng âu là “thiên hạ đều trời, ai sao mình vậy” và như tiền nhân đã nói: “Sinh ký, Tử quy” tức “Sống gửi, Thác về” – chẳng phải “được chết một cách nhanh chóng nhất, đó là hạnh phúc nhất rồi sao? Đâu còn chuyện gì để phải lo âu, bàn tán thêm nữa?!
Phó Thường Dân/Trống Đồng News