*Quang cảnh Lễ Tốt Nghiệp tại UM Pharmacy 22 tháng 4, 2023 (Ảnh: T.Đ. News)
Mỗi năm đến mùa Hè, cũng là mùa ra trường, thì các cộng đồng di dân gốc Việt nói chung đều nghĩ như đây là mùa thu hoạch thành quả của mỗi gia đình trong cộng đồng nầy; bởi vì từ nhiều thập niên qua, thực tế đã chứng minh điều đó luôn luôn đúng.
Có lẽ nói chung thì những thành phần di dân thuộc mọi chủng tộc khác đến Mỹ đều cũng ý thức được sự làm công dân xứ Mỹ nầy là một điều không dễ tí nào bởi vì đây là xứ sở tiêu biểu cho tự do về mọi mặt từ chính trị đến tôn giáo, ngôn luận, và nhất là thiên đường của chính sách giáo dục và con đường học vấn – có lẽ cái ưu điểm chót cùng nầy đã khiến cho những người cha mẹ trẻ không ngại liều chết băng rừng vượt biển cho dù phải đổi mạng để có được một thiên đường giáo dục cho con cháu mình. Do đó, thành phần di dân nói chung, hầu hết là những gia đình cần cù chịu khó, làm việc cực nhọc không kể sướng khổ để cho con mình thụ hưởng được một hệ thống giáo dục tốt đẹp nhất thế giới nầy.
Nhưng, trong số đủ mọi nguồn gốc cộng đồng di dân khác nhau ấy, có lẽ chỉ có mỗi cộng đồng di dân gốc Việt là đi đến đâu cũng cứ duy trì một phương châm truyền thống từ thời cổ đại đã in sâu vào tiềm thức mỗi người làm cha mẹ trong gia đình: đó là lấy sự học làm cứu cánh căn bản của cuộc sống. Học cho đến cùng, học là trên hết không có gì khác hơn. Họ dường như đã nhiễm đậm cách sắp xếp thứ bậc, giai cấp trong xã hội theo thứ tự: Sĩ, Nông, Công, Thương… của tổ tiên ông bà từ ngàn xưa.
Dần dần về sau, theo trào lưu đổi mới hơn nên đã có thêm những gia đình cũng cho rằng chọn một nghề cho đúng và luyện nghề cho giỏi là căn bản cho cuộc sống; giỏi nghề thì ai cũng quý: nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, vv… Ngay cả nghề kinh doanh, thương mại, bán buôn… nếu giỏi hơn người, cũng sẽ làm giàu nhanh chóng khiến ai cũng phải nễ sợ chứ không còn bị coi thường, bị xếp vào hạng chót trong thứ tự sĩ, nông, công, thương như đã nói ở trên.
Tuy vậy, nhưng trên thực tế thì cho đến nay, dù lưu lạc qua xứ Mỹ nầy, ở một nơi mà cha mẹ bản xứ chỉ chủ trương để cho con trẻ tự do phát triển năng khiếu và chọn lựa nghề nghiệp theo tư chất và sở thích của chúng; cũng vẫn không làm thay đổi mấy đối với cái quan niệm truyền thống nói trên của những bậc phụ huynh gốc Việt. Đó là lúc nào cũng trông chừng con cháu học, mướn thầy kèm, đưa con vào các lớp luyện thi, vv… đủ thứ để con cháu vượt trội trong lớp.
Cũng vì lý do đó, trong hàng chục năm vừa qua, tuy vùng quận Cam là nơi tập trung nhiều cư dân gốc Việt nhất, nhưng nếu so về tỉ lệ phần trăm thì cũng chưa tới 10%, tức khoảng đại đa số còn lại là những di dân sắc tộc khác và người bản xứ. Vậy mà mùa Hè nào, số trường có học sinh tốt nghiệp Trung Học là con cháu cư dân gốc Việt được xếp hạng Thủ khoa, Á khoa cũng chiếm hơn phân nửa tổng số các trường Trung Học của quận nầy.
Năm nay có lẽ cũng vậy. Râm ran bắt đầu mùa Hè hay từ những tháng 4, 5, 6 nhiều gia đình có con cháu học ở các lớp cấp trung học, đại học đã chuẩn bị khăn áo để đến trường dự lễ ra trường; hoặc lái xe ngàn dặm, mua vé máy bay qua các vùng Đông, Tây, Nam, Bắc Hoa Kỳ để xem chỗ, chọn trường tốt, đẹp, an toàn hơn cho con cháu mình nếu chúng ở tuổi vào đại học.
Nơi chúng tôi định cư là một cộng đồng gốc Việt nhỏ hơn nhiều so với quận Cam và ở kế cận quận Cam. Đó là Vùng Inland Valley và Pomona Valley – cũng đã có rất nhiều gia đình và thành viên trong gia đình có thể đơn cử như sản phẩm và thành quả của “thiên đường giáo dục” ở xứ Mỹ nầy.
Chẳng hạn gia đình của chị Hồ Trần Phương Anh và anh Phúc Nguyễn với 4 con: 2 gái, 2 trai đều xuất sắc với số điểm cao vào hàng Thủ Khoa, Á Khoa bậc trung học ở độ tuổi sớm hơn học sinh bình thường đến 3 hoặc 4 năm. Cháu gái lớn nhất Anna Nguyễn được nhận vào trường Y khoa ở tuổi chưa đầy 19 hồi mùa Hè năm trước, lại còn được trao học bổng đến hơn 62.000 mỗi năm trong suốt 4 năm – sau khi ra trường lại còn được nhiều phúc lợi khác từ ngân sách giáo dục Đại Học và các tổ hợp bảo hiểm y tế địa phương nữa. Mùa Hè năm nay (2023), đến cậu con trai kế của nhà nầy là Brian Nguyễn cũng đã được Đại học nổi tiếng thế giới Johns Hopkins nhận vào học chương trình Master of Nursing bắt đầu trong mùa Thu sắp tới và đài thọ toàn bộ tiền học phí (khoảng hơn $60.000/năm). Kế đến là cô con gái Cindy Nguyễn mới 17 nhưng đã học năm thứ 3 đại học; và cậu con trai út Richard Nguyễn vừa tốt nghiệp Trung Học với hạng Thủ Khoa (Valedictorian – hạng nhất/675 học sinh) hồi mùa Hè năm ngoái. Bạn đọc có thể xem thêm chi tiết về gia đình xuất sắc nầy trong website Trống Đồng tại www. trongdonglife.com (Hồ Trần Phương Anh – Bà mẹ trẻ gốc Việt trên đất Mỹ & Những đứa con xuất sắc)
Trường hợp thứ hai là gia đình của chị Hà Trần và anh Hòa Lý với 2 con gái song sinh Hannah và Hilary đều xuất sắc từ học lực đến tài năng viết văn, âm nhạc, hội họa…. Cái hay của nền giáo dục Mỹ là khai thác, tạo điều kiện tối đa để phát huy hết mọi năng khiếu, sở thích bẩm sinh của trẻ rồi từ đó rèn luyện, đào tạo thêm cho chúng có thể thành những nhân tài phục vụ xã hội. Hai chị em Hannah và Hilary là hai trường hợp điển hình cho thấy nền giáo dục Mỹ đã khám phá, đào tạo và phát huy hết những khả năng tiềm ẩn của cặp song sinh nầy.
Năm nay cả 2 chị em đều tròn 18; vừa học xuất sắc, vừa vẽ đẹp, vừa viết văn hay, võ thuật giỏi, lại còn sử dụng được đủ loại nhạc khí… và được nhiều đại học rất tốt nhận vào học, nên tháng 5 vừa rồi ba mẹ con phải đi khắp nơi để coi trường nào thích hợp nhất. Như Hilary thì có một trường bên Massachusetts rất muốn nhận vào lại còn đài thọ tiền vé máy bay để qua đó xem trường và còn cấp học bổng 82.000/năm nhưng vì không muốn xa mẹ nên cô chọn UCLA để học gần nhà. Còn Hannah thì quyết định vào UC Davis – cũng là một trường rất tốt trong hệ thống Đại Học của tiểu bang California.
Trường hợp thứ ba là của một Tân Y Tá vừa mới tốt nghiệp Registered Nurse (R.N.) – Vivian Phạm. Từ chỗ là một nữ sinh vừa xong Trung Học ở VN, Vivian được một người anh trong đại gia đình mẹ của cô bảo lãnh qua Mỹ để tìm cơ hội tiếp tục việc học. Đúng như sự mong đợi của mọi người chung quanh, Vivian Phạm – một thiếu nữ xinh đẹp dễ thương vừa chịu khó làm việc vừa tìm hiểu, khai thác mọi phúc lợi mà các cơ quan giáo dục địa phương dành cho những sinh viên hiếu học. Nhờ vậy suốt trong mấy năm vừa qua, cô đều được grants hay học bổng nên không phải mắc nợ student loans đồng nào trong khi đáng lẽ phải trả một khối học phí không nhỏ. Cô còn nộp đơn vào làm việc được tại một bệnh viện lớn nổi tiếng ở quận Cam, bệnh viện Hoag Hospital ở Newport Beach – hiện là bệnh viện được xếp hạng cao nhất ở quận Cam trong 5 năm liên tiếp. Đồng thời cô sinh viên mới nhập cư nầy cũng được Bề Trên thương, xui khiến cô gặp được một chàng thanh niên con nhà đàng hoàng hiền lành chăm học, thành đạt. Hai bên thành gia thất. Nhìn lại thời gian qua với chưa đầy 4 năm sống trên đất Mỹ, Vivian đã làm việc không ngơi nghỉ. Vừa học vừa dành thì giờ đi làm và học nghề. Kết quả ban đầu là tháng 5, 2023 vừa qua Vivian đã tốt nghiệp Registered Nurse (R.N.) – một nghề phổ thông nhưng cao quý và đang có nhu cầu rất cao trên nước Mỹ – tại trường Cerritos College ở TP Norwalk, quận Los Angeles. Hơn nữa, chưa chịu dừng lại ở đó. Tuy đã tốt nghiệp và có thể nhận việc làm ở nhiều nơi, nhưng Vivian Phạm vẫn cho biết sẽ tiếp tục học lên Master của ngành nầy trong thời gian tới và học cho đến khi nào còn có thể học. Đến nay Vivian đã là công dân Mỹ gốc Việt như bao người khác. Có lần khi được khen vì vừa siêng làm, lại vừa chăm học, Vivian cười vui và nói: “Qua được xứ Mỹ nầy mà không tìm cách để học, thì qua làm gì?!”
Trường hợp thứ tư cho thấy “Mùa Hè là mùa Thu Hoạch” cũng có thể khá đúng đối với Tân Pharm D. Thiên Kim (TK) Lê Nguyễn. TK sinh ra trong một gia đình di dân gốc Việt vốn được một người cậu ruột bảo lãnh qua Mỹ cách đây hơn 30 năm. Gia đình từ bấy đến nay vẫn cư ngụ tại một thành phố yên bình thuộc quận San Bernardino vùng Inland Empire nầy. Nhà cô có tất cả 5 anh chị em. Tất cả đều theo học tại cùng một trường Trung học công lập gần nhà, đó là Upland High School, rồi đến khi lên đại học, cả 5 người đều theo một trong những trường đại học công lập tại tiểu bang California (UCs). Đến khi tốt nghiệp đại học, tất cả anh chị em trong nhà cùng theo ngành y, dược và đều đạt đến nấc thang cuối (doctor degrees). TK là thành viên chót làm xong phận sự đi học trong gia đình mình với buổi lễ tốt nghiệp tại một trong những trường đại học kỳ cựu nhất nước Mỹ vào giữa tháng 4, 2023 vừa qua. Cũng trong lễ tốt nghiệp nầy, TK và 2 bạn cùng lớp – trong tổng số 76 tân Doctors of Pharmacy ra trường 2023 từ University of Michigan/College of Pharmacy in Ann Arbor – còn được trao tặng giải thưởng xuất sắc về nghiên cứu: “The 2023 Kristen L. McGlone Research Award”, với đề tài “những tác dụng phụ của một số loại thuốc sử dụng trong quá trình hóa trị ung thư”.
Ba mẹ TK đã cho rằng những thành quả mà họ có thể có được thì mọi gia đình di dân nào cũng có thể có được ở đất Mỹ nầy. Và đó là nhờ: ngoài sự cố gắng kiên trì của bản thân mấy anh chị em trong nhà sau khi có cơ hội được sống ở đây, sự may mắn phò trợ của Ơn Trên, phước Nhà, – còn có hai điều quan trọng căn bản nhất: đó là sự ưu việt của một thiên đường giáo dục mở rộng & công bằng đối với mọi sắc dân, cùng với một ngân sách tài trợ giáo dục khổng lồ có một không hai của nước Mỹ – so với cả thế giới.
****
Những câu chuyện người thật, việc thật vừa kể trên đã là những dẫn chứng cho thấy đây quả đúng là một thiên đàng về giáo dục đối với loài người mà trong đó những gia đình di dân thực sự là những người may mắn nhất. Và, mừng là vì những trường hợp thành công kể trên không phải là hiếm có trong cộng đồng gốc Việt chúng ta. Ngược lại phải nói là rất đông, rất phổ biến trong những cộng đồng gốc Việt khác ở khắp nơi trên nước Mỹ nầy. Cám ơn Thượng Đế đã đưa đẩy con dân tha phương lạc xứ của dòng dõi Lạc Hồng đến đúng nơi đây – một đất nước chẳng phải chỉ thiên đàng của sự giáo dục mà còn là một “vùng đất hứa” trên mọi lãnh vực khác nữa.
Cầu mong cho cuộc đấu tranh chia rẻ, xung đột gay gắt hiện nay đang diễn ra trong nội bộ nước Mỹ sớm chấm dứt để có thể tái hiện đích thực một Hiệp Chủng Quốc sáng danh trên thế giới về chính sách mở rộng, công bằng bình đẳng đối với mọi chủng tộc đúng nghĩa như khi các nhà lập quốc khai sanh xứ nầy cách đây mấy trăm năm đã chủ trương.
Và cũng cầu mong cho mọi nhà, mọi gia đình di dân con cháu lớn nhỏ đều nỗ lực tìm tòi, khai thác để được thừa hưởng tối đa phúc lợi của nền giáo dục nầy – không phải chỉ là ở cấp bậc đại học và trên đại học thôi, mà đối với cả những cấp bậc từ tuổi mẫu giáo, nhà trẻ đến cấp tiểu học; – không chỉ đối với những học sinh bình thường thôi, mà cả đối với những trẻ dị dạng, khuyết tật… vẫn có đầy những chính sách và ngân sách ưu đãi một cách hay lạ, bất ngờ ở tại đất nước nầy – Vì vậy, nếu những ai có nhu cầu, hãy chịu khó tìm tòi, tham khảo để khỏi bị bỏ sót bất cứ nguồn phúc lợi lớn nhỏ nào cho gia đình và bạn bè thân hữu của mình. (Bài và Ảnh: Trùng Dương/T.Đ. News’ Photographers & Photos Provided)