Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Kinh Nghiệm Sống Khắp Nơi

Nhìn Ra Thế Giới – Nam Hàn Ngày Nay & “Trông Người lại Ngẫm Đến Ta”!

                                          Bài & Ảnh:  Phó Thường Dân/Trống Đồng News

   Đọc tựa bài chắc quý vị sẽ đoán ngay là chúng tôi đang muốn đưa ra một sự so sánh gì đây! Đúng vậy. Bởi vì chúng tôi vừa trải qua một chuyến đi đầy ngạc nhiên một cách bất ngờ, đầy thú vị. Nơi đến của chuyến du lịch là quốc gia dân chủ tự do nằm trên bán đảo Korea về phía Nam, đó là xứ Nam Hàn (South Korea: SK).

Ảnh trên và dưới: Incheon International Airport của Nam Hàn là phi trường quốc tế không những lớn nhất Seoul mà cũng là một trong những phi trường quốc tế lớn nhất thế giới (Photo: T.K. Nguyễn/T.Đ. News)

   Bởi từ nào giờ hầu như ai cũng cứ nghĩ đây cũng là một quốc gia nhỏ bé lại phải trải qua những giai đoạn hợp rồi tan từ thời cổ sử cho đến hiện đại.

Lúc trở thành một vương quốc rộng lớn thì lại bị quân phiệt Nhật dòm ngó muốn xâm chiếm, cuối cùng đã bị sát nhập luôn vào đế quốc Nhật năm 1910. Thế là cuộc đấu tranh chống Nhật giành lại đất nước cứ tiếp tục âm ỉ cho đến sau Thế Chiến II.

Khi Nhật đầu hàng năm 1945, Korea lại bị hai bên Quốc-Cộng thương nghị để chia đôi. Phía Bắc theo Cộng Sản với Nga Tàu hỗ trợ; phía Nam theo Tự Do với Mỹ đứng sau lưng.

Chẳng được bao lâu sau, tức 1950, Bắc Hàn bắt đầu những cuộc tấn công phá rào nhằm xâm chiếm Nam Hàn.

Sau 3 năm bom đạn, đến 1953 một thương nghị đình chiến giữa 2 phe Mỹ – Nga có Liên Hiệp Quốc tham gia bảo kê đã vạch một khu phi quân sự (DMZ) để vãn hồi hòa bình, tạo điều kiện để Bắc Hàn Nam Hàn đường ai nấy đi.

Ảnh trên & dưới: Những buildings cao ngất đủ màu sắc hình dạng, được thiết kế không xa các lăng tẩm, đền đài từ thời cổ điển. (Photos: A.P. Nguyễn/T.Đ. News)

Từ đó, kinh tế Nam Hàn với chế độ Tự Do Dân Chủ tiến lên liên tục, và đã trở thành một trong 4 con rồng vùng châu Á cùng với Đài Loan, Singapore, và Hồng Kông trong những thập niên từ 1960s đến 1990s. Và xứ nầy liên tục phát triển từ bấy đến nay để ngày nay, mặt nào, lãnh vực nào từ kinh tế cho đến giáo dục văn hóa của họ đều được xếp hạng cỡ Top 5 Top 10… trên toàn thế giới hết. Chúng tôi sẽ nêu những con số cụ thể ở đoạn sau.

   Chúng ta thấy những yếu tố cấu tạo nên bề dầy lịch sử của nước nầy, từ chiến tranh đến chính trị của 2 xứ Á châu da vàng, vóc nhỏ, cần cù: Nam Hàn và VN – cũng đều tương tự nhau như kể trên, chỉ có đoạn kết đáng buồn của miền Nam VN hồi 1975 là khác mà thôi. Tuy nhiên, đó cũng là lý do để chúng ta có ngay một sự so sánh những khác biệt rất dễ nhận thấy một cách khách quan giữa hai nước.

   Quả đúng là “Trăm nghe không bằng một thấy”! Bước xuống phi trường quốc tế Incheon International Airport là đã thấy bàng hoàng với tầm vóc tân kỳ khác lạ của nó. Giở tài liệu online ra mới thấy đây là phi trường quốc tế không những lớn nhất Seoul mà cũng là một trong những phi trường quốc tế lớn nhất thế giới luôn!

    Từ hạ tầng thủ tục xét hỏi đến dịch vụ tiếp đón, cơ sở phục vụ du khách tất cả đều nhanh gọn sạch đẹp, đến thượng tầng kiến trúc tân kỳ với những tòa buildings chọc trời cao ngất san sát nhau từng khóm; mỗi cái một vẻ, một màu, một chất liệu và mẫu mã khác nhau! Khiến ai mới thấy lần đầu chắc cũng phải tự hỏi, lấy đâu? Làm sao mà một dân tộc nhỏ bé trong một đất nước trường kỳ đối diện chiến tranh, chia cắt như vậy có thể chinh phục khoa học và không gian được thần kỳ như vậy?

Đường sá, thắng cảnh công cộng từ vùng ngoại ô cho đến trung tâm phố thị đều thật sạch sẽ, an toàn, tạo cảm giác yên tâm cho khách phương xa khi viếng thăm vùng thủ đô nhộn nhịp du khách nầy. (Photos: Chibao L. Nguyễn/T.Đ. News)

   Đó là cái nhìn đầu tiên. Càng đi sâu vào sinh hoạt kinh tế xã hội, văn hóa, đời sống, chắc có lẽ ai cũng thấy cảm phục xứ nầy. Đường sá nhiều lanes, giao thông trật tự, cầu cống sạch sẽ, tân kỳ. Phố xá tấp nập du khách, buôn bán ào ào đông vui. Văn hóa thì khỏi chê, vì tân thời cũng được tôn vinh khai thác mà cổ cựu cũng được đề cao và bảo vệ tối đa để làm nền tảng tinh thần trên mọi lãnh vực của đất nước. Cụ thể là ngay trên những con đường tấp nập du khách ở trung tâm thủ đô Seoul, trong khi ngước đầu nhìn không hết top của một cụm buildings cao ngất thì ngay bên cạnh ở gần đó hay bên kia đường chỉ cần bách bộ là du khách sẽ thấy ngay những đền đài cổ kính được bảo tồn từ 500 hay 1000 năm qua với những di tích nguyên thủy từ huyền thoại Khổng giáo, Phật giáo còn lại để làm biểu tượng và cũng là nền tảng cho nền văn hóa của dân tộc nầy.

   Thật vậy, khi tìm hiểu thêm qua những tài liệu về nền tảng tinh thần, tín ngưỡng của Nam Hàn thì mới thấy đúng vậy. Đạo Khổng ở Hàn quốc (Korean Confucianism) chính là đạo Khổng đã xuất phát từ Trung Hoa và đã trở thành một trong những luồng tư tưởng gây ảnh hưởng căn bản và bao trùm nhất trong lịch sử phát triển văn hóa Hàn quốc.

Trống Đồng News’ Family trong trang phục truyền thống Nam Hàn có được từ một cửa hàng chuyên cho du khách thuê quần áo để mặc vào thăm cung điện Gyeongbokgung Palace ở ngay trung tâm thủ đô Seoul, S.Korea. (Photo:T.K. L. Nguyễn/T.Đ. News)

   Ngày nay huyền thoại về học thuyết Khổng Tử vẫn còn là một phần nền tảng của xã hội Hàn quốc, là khuôn mẫu cho hệ thống đạo đức, cách sống, quan hệ xã hội giữa người già và trẻ, văn hóa cao; và còn là nền tảng cho phần lớn hệ thống luật pháp hiện hành. Đạo Khổng ở Hàn quốc đôi khi được xem như một phương cách thực tiễn nhắm giữ cho một quốc gia đoàn kết chặt chẽ để khỏi có những cuộc nội chiến và nội loạn – đó là một chủ thuyết đã kế thừa từ thời triều đại Goryeo, một vương triều từng hùng mạnh lâu dài nhất của xứ nầy.

   Ở đất nước nơi mà những tư tưởng cổ đại nhất vẫn được bảo trì để tồn tại bên cạnh những tiến bộ khoa học kỹ thuật hàng top thế giới và có một nền giáo dục được xếp hạng tốt thứ 19 trên toàn cầu bởi Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Thế Giới (The Organization for Economic Cooperationand Development: OECD) năm 2022 qua dữ kiện 70% dân số từ 24 – 35 tuổi ở đây đã hoàn tất cấp bậc 4 năm đại học với một ngành nghề nào đó – đương nhiên chúng ta sẽ không ngạc nhiên tiếp tục với những kết quả thượng thừa như: Lương tối thiểu trung bình toàn quốc của SK năm 2022 là $1.610,7/năm và được xếp hạng cao thứ 14th trong danh sách 101 nước trên thế giới.

   Quan trọng hơn cả là sinh vọng người dân ở đó trong những điều kiện tốt về môi trường và kinh tế xã hội – cũng đã sống rất lâu và được xếp hạng khá cao so với toàn thế giới, với số tuổi thọ trung bình của mỗi người dân lên đến 83,43 tuổi – xếp hạng 3 thế giới chỉ sau Nhật (84,62 tuổi) và Singapore (83,74 tuổi); trong khi dân   Mỹ có tuổi thọ trung bình ở số tuổi 77,28 và xếp hạng thứ 54! (theo bảng xếp hạng từ dữ kiện của World Bank Group năm 2020).

    Xem qua những con số đó chắc ai cũng có thể thấy ngay vị trí của nước Á châu bé nhỏ nầy chỉ bằng 1/3 diện tích VN và dân số chỉ có hơn 51 triệu tức khoảng phân nửa số dân VN nhưng sức mạnh về khoa học kỹ thuật, văn hóa giáo dục, môi trường sức khỏe gì cũng đáng nễ trên thế giới với những con số tìm thấy như trên.

(VN sinh vọng TB năm 2020: 73,7; Lương tối thiểu TB $1.000*)

    Còn một điều vô cùng quan trọng mà có lẽ đa phần ai nghe nói đến đều gật đầu đồng ý – đó là ‘chính sách thật nghiêm khắc về sử dụng súng” của quốc gia nầy! Chính nhờ đó mà tỉ lệ chết vì bạo động ở đây thấp đến tối đa. Xã hội và người dân có cảm giác an toàn hơn các nước khác rất nhiều.

   Chẳng hạn, nếu một người dân nào đó muốn thử cảm giác hoặc luyện kỹ thuật bắn súng với mục đích thể thao hay đi săn cho vui thì sao? OK, đã có một số xạ trường tập bắn tư nhân, cả trong nhà lẫn ngoài trời, ở đó khách hàng có thể tập sử dụng cả súng trường lẫn súng ngắn với đạn thật. Những cơ sở nầy hoạt động bám theo luật pháp một cách chặt chẽ và có thể tiếp cận ở ngay giữa những khu vực mua sắm đông đúc nhất như khu Myeong-dong ở Seoul.

   Người dân cũng có thể mua súng để dùng trong mùa săn hoặc các hoạt động thể thao – nhưng phải được cấp giấy phép bởi chính quyền và giấy phép phải thường xuyên renew (gia hạn sử dụng) với đầy đủ chứng nhận về sức khỏe thể lực và tâm thần. Chủ súng không được giữ súng tại nhà mà súng phải được đăng bạ và cất giữ tại những trạm cảnh sát gần nhà nhất.

   Tuy nhiên, những ai muốn mua súng trong trường hợp đi săn hay hoạt động thể thao như trên, đều phải qua một thủ tục vô cùng phức tạp và mất thì giờ.

   Có tất cả đến 10 bước để vượt qua, bao gồm nhiều bài thi và lớp huấn luyện (tests and trainings). Ngay cả khi anh đã vượt qua được hết những thủ tục đó và có thể mua được súng, anh vẫn không có quyền giữ súng tại nhà mà phải gửi tại trạm cảnh sát như vừa nói ở trên. Súng cũng chỉ được dùng khi có báo trước với cảnh sát trong một thời gian giới hạn nào đó, thường là trong mùa săn mà thôi.

    Nhờ vậy theo Cơ quan Cảnh sát Quốc Gia Nam Hàn (Korean National Police Agency: KNPA) thì năm 2016 cả nước chỉ có 5 vụ giết người bằng súng, tỉ lệ đó là 0.00 trên mỗi 100.000 dân, so với tỉ lệ 3,7 trong nước Mỹ. Trong năm 2007, con số súng ngắn đăng bạ ở Nam Hàn khoảng 265.000 nhưng đến năm 2016 con số nầy giảm xuống còn 138.751. Tuy nhiên, sự giảm sút lớn nhất được ghi nhận trong số lượng súng trường, đi từ con số 153.517 của năm 2009, xuống còn 84.414 trong năm 2016. Điều nầy có nghĩa là chỉ có khoảng 27 chiếc súng trong mỗi 10.000 người dân, trong khi đó so với ở nước Mỹ thì Hoa Kỳ có đến 8.900 súng trong mỗi 10.000 dân!

  Do vậy, sau khi tận mắt dạo qua một vòng 10 ngày tại hai thành phố đáng kể nhất, đó là thủ đô Seoul và thành phố biển nổi tiếng phồn thịnh tại Nam Hàn, thì trong cái tựa đề “Trông người lại ngẫm đến Ta” chúng tôi thực sự muốn đặt vấn đề “quá nhiều cái nhất thế giới của quốc gia Á châu nhỏ bé chia cắt Nam Hàn” với trong tình trạng thống nhất đất nước và được trợ cấp không cần hoàn lại đến hàng vài chục tỉ đô la từ mọi hình thức chuyển tải ngoại tệ về nước của những người Việt xa xứ mỗi năm! Mà cùng lúc, nước Việt lại có “quá nhiều cái trung bình thấp nếu chưa muốn nói đến những cái hạng gần chót” so với các nước toàn thế giới!

   Không những vậy, “Trông người lại ngẫm đến Ta” còn muốn nói đến chính sách kiểm soát súng quá hay của chính quyền Nam Hàn so với tình trạng xả súng ào ào giết người hàng loạt ở nước Mỹ. Nói Nam Hàn hay, tức là vẫn cho người dân tiếp cận sự xử dụng súng, nhưng chính quyền là người cất giữ và hạn chế xử dụng đến mức tối đa. Đặt ra 100 thứ khó đối với việc mua súng và khi nào được xử dụng chúng, khiến số súng mỗi năm một giảm xuống nhanh, giúp con số án mạng do súng cũng giảm tối thiểu ở nước nầy so với các nước. Nói đến đây, có lẽ ai cũng lập tức liên tưởng đến những vụ nổ súng giết người hàng loạt đã và đang liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây tại nước Mỹ. Và ước chi chính quyền Mỹ học được một phần của bài học nầy. Tuy nhiên, ảnh hưởng của Hội Bảo Vệ Quyền Sở Hữu Súng của nước Mỹ là NRA (National Rifle Association of America) còn quá mạnh, chi phối cả guồng máy chính trị của nước Mỹ, nên thời tổng thống nào dù Dân Chủ hay Cộng Hòa cũng một là không muốn hai là không có khả năng vượt qua rào cản của NRA để ban hành những đạo luật hạn chế súng đến tối đa như Nam Hàn được.

Dừng lại ăn thử quà vặt trong chơ Namdaemun Market. Seoul, S.Korea. (Photo: Chibao L. Nguyễn)

   Còn một điều cuối cùng nhưng rất đáng chú ý và không kém phần quan trọng và đáng thán phục. Đó là, dân số Nam Hàn chỉ hơn 51 triệu nhưng đã có hơn phân nửa số nầy sống tập trung ở vùng đô thị chung quanh thủ đô Seoul rồi. Suốt từ khi đến phi trường cho đến những ngày dạo phố, thăm công viên đến đài lăng tẩm ở đó, một điều đáng nói là đâu đâu người dân cũng đều tuân hành chỉ thị mang khẩu trang. Có thể nói đến 99% dân chúng ở đây luôn có masks trong bất cứ tình huống công việc nào. Từ chị dọn phòng khách sạn cho đến người buôn bán nhỏ trên đường phố, cho đến hàng hàng lớp lớp những người đi mua sắm trong malls đi thăm thắng cảnh, vv… đều hiếm thấy một ai không có khẩu trang.

   Thảo nào khi dịch Covid-19 tràn ngập các nơi, kể cả Âu châu và Mỹ, thì Nam Hàn vẫn có những tỉ lệ dịch tể thấp nhất. Có lẽ đó cũng là một bài học chung cho cả nhiều nước chứ chẳng riêng nước Mỹ trong thời kỳ mà vẫn còn những loại viruses biến cách và cộng thêm dịch cúm tung hoành trong thời gian sắp tới, thế mà đa số người vẫn ignored cái sự hướng dẫn cần thiết đó.

   Rất cảm ơn Nam Hàn – một trong những Con Rồng của châu Á – đã làm hãnh diện cho cả cộng đồng Á châu, trong đó có chúng ta. Trong quí vị có thể  có nhiều người đã từng viếng thăm xứ nầy hy vọng cũng cùng những nhận xét như chúng tôi. Riêng những ai chưa đi, nếu có cơ hội nên làm thử một chuyến – có lẽ quý vị cũng như chúng tôi, sẽ không cảm thấy uỗng phí thì giờ và công sức của chúng ta đã bỏ ra chút nào.

                                    Phó Thường Dân/Trống Đồng News

Báo Trống Đồng (Monthly News) ấn hành trên Giấy hàng tháng, chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com
Mua sách @trongdonglife.com
trongdonglife garden’s images
trongdonglife garden’s images
Banner