Bài: Phó Thường Dân/Trống Đồng News – Minh họa: ST & trongdonglife.com
Người trong cộng đồng mình rõ là nhiều khuynh hướng. Một số bênh vực Dân Chủ, một số ủng hộ Cộng Hòa, cũng có một số ít muốn Độc Lập (Independent), và cuối cùng cũng có thể là khá đông những người chỉ muốn thủ thân, kiếm tiền, thụ hưởng… không muốn đá động đến… chuyện chính trị! Trong số đó, nhiều người thường phát biểu một cách hết sức “thản nhiên” mỗi khi nghe ai nói đến chuyện Dân Chủ hay Cộng Hòa… như sau: “Đừng nói chính trị, làm ăn không lo, cứ lo nói chính trị. Tui là chúa ghét chuyện chính trị. Nói dông nói dài mất thì giờ mà chẳng đi về đâu. Hễ đám nào nói chính trị là hổng có tui!” Bài kỳ nầy xin lạm bàn một chút về vấn đề nói trên.
Chỗ làm việc của Phó Thường Dân (PTT) nầy cũng là một tụ điểm của nhiều vị thức giả trong những lúc ngoài giờ làm việc hoặc những bà nội trợ sau giờ chợ búa bếp núc. Mỗi vấn đề thời sự đặt ra đều có thể thu nhặt được nhiều ý kiến đóng góp rất đa dạng. Chẳng hạn, vấn đề “nói chính trị” đã được bà A chia xẻ rất nhiệt tình và hào hứng. Ông Bà A trước đây cũng là những công chức có trình độ ở trong nước và thường theo dõi rất kỹ tình hình thời sự chính trị ở Mỹ, VN, và cả thế giới.
Hai người có 5 người con đều đã trưởng thành, thường nghe thấy cha mẹ xem TV, đọc báo, lên internet, nói chuyện, phân tích và phê bình tình hình thời sự mỗi ngày; nhưng bọn trẻ lớn lên ở xứ nầy, mỗi người một ý, lựa chọn cho mình một lập trường khác nhau. Trong gia đình nầy cũng vậy, trong 5 người thế hệ thứ 2 nầy có 2 Dân chủ, 2 Cộng hòa, và 1 không “lý” đến chính trị. Bữa cơm chiều nào, hoặc bữa tiệc cuối tuần nào, cả nhà tụ họp đem chuyện chính trị ra bàn thảo thì cũng có 2 phe tranh cãi nhau sôi nổi. Có khi gay gắt quá, cả hai ông bà dù đồng đảng, vẫn phải chia hai phe để giúp làm dịu lại tình hình và ổn định trật tự. Còn 1 người chủ trương không “lý” đến chính trị thì ngồi bịt tai hoặc lãng tránh ra chỗ khác, không thèm nói với ai một câu nào cả, ý chê rằng cả đám đó là không thực tế chút nào! Cũng có nhiều gia đình lâm vào tình trạng tương tự như vậy hoặc ngay cả tệ hơn thế nữa; chẳng hạn trường hợp anh em nhà ông B, từ ngày ông Trump lên làm tổng thống Mỹ mỗi lần ông anh chỉ trích ông Trump thì ông em lại đỏ mặt tía tai ra sức bênh vực triệt để, dẫn đến chỗ mấy tháng gần đây hai anh em ông B không còn muốn nhìn mặt nhau hay thăm viếng nhau nữa.
Trong một số gia đình khác thì chuyện “nói chính trị” lại gây tai họa cho quan hệ giữa ông già vợ và chàng rễ, hoặc hai ông sui gia với nhau – những người trước đây mỗi lần gặp nhau là “tay bắt mặt mừng” thì giờ đây cũng bởi vì chuyện “nói chính trị” mà mỗi người quay mặt đi một hướng, không còn muốn gặp gỡ hay thăm viếng nhau nữa!
Vậy thì “chính trị” là gì mà có người cho nó là “độc ác”, là “tàn nhẫn”, chửi rủa nó là “khốn nạn”, vv… và nó làm cho mọi người xa lánh, bất đồng với nhau như vậy?!
Thử đi tìm gốc tích của hai chữ nầy thì ta thấy trong Wikipedia tiếng Việt cho rằng hiện nay trên thế giới đã hình thành 4 cách hiểu khác nhau về hai chữ “chính trị”, như sau:
-Đó là nghệ thuật của phương pháp cai trị
-Đó là những công việc của cộng đồng, quốc gia
-Đó là những vấn đề về sự thỏa hiệp và đồng thuận
-Đó là quyền lực và cách phân phối tài nguyên hay lợi ích
Ở phương Tây từ nhiều trăm năm trước, theo triết gia và cũng là nhà nghiên cứu lịch sử Aristotle, thì chính trị là sản phẩm của sự phát triển tự nhiên – là hình thức giao tiếp cao nhất của con người; con người là động cơ, là chủ thể của chính trị; quyền lực chính trị có thể được phân chia thành lập pháp, hành pháp, và tư pháp.
Ở phương Đông từ thời cổ đại, có một số nhà triết học nổi tiếng, nhất là ở Trung quốc, như Khổng tử, Hàn Phi tử, Lão tử, vv… đều có những định nghĩa khác nhau về chính trị. Khổng tử nói gì về chính trị: “Chính trị là công việc của người quân tử, là làm cho chính đạo, chính danh”. Ông xây học thuyết về Nho gia với các quan điểm chủ đạo như Tam Cương, Ngũ Thường – đã là nền tảng cơ sở cho các xã hội phong kiến lúc bấy giờ và cả sau nầy!
Tóm lại, nói trong văn chương, lịch sử, triết học Đông, Tây từ xưa … thì chính trị có vẻ như là một vấn đề gì đó cao xa, to tát, khó hiểu, và là đặc ân của một giai cấp nào đó – nhưng nói theo xã hội dân chủ Âu Mỹ ngày nay thì thiết nghĩ đó là một cái gì rất gần gủi và tối cần thiết trong đời sống mỗi người không thể nào làm ngơ được.
Chính trị không phải là cái gì cao xa, bay lơ lững ở tận trên trời; mà nó rất gần gủi, mật thiết với cuộc sống hàng ngày của chúng ta như là … hơi thở, như là không khí, nó gắn liền và thiết yếu với mỗi người trong chúng ta, và có lẽ … vô cùng tai hại nếu ai đó muốn tách rời nó ra! Nhất là trong những xã hội văn minh, như ở Mỹ chẳng hạn. Bởi vậy, một trong những quyền lợi quan trọng nhất khi được làm công dân xứ nầy, vào quốc tịch nước Mỹ, đó là được quyền “vote”! Chỉ cần “vote” cho một ứng cử viên nào đó rồi sẽ thấy nó ảnh hưởng đến cuộc sống ta như thế nào. Có những ảnh hưởng trực tiếp, thấy ngay trước mắt, như: những quy định về lương tối thiểu, về healthcare, về quỹ hưu bổng, về học phí đại học, về điều kiện di trú, vv… mà cá nhân hoặc gia đình nào trong chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Những ảnh hưởng gián tiếp cũng to tát không kém, ví như tùy vào cá tính cương hay nhu, tùy vào chính sách thiên về hữu khuynh, tả huynh, cực hữu, cực tả, vv… của ứng viên được bầu lên sẽ tác động đến mọi mặt từ kinh tế, tài chánh, xã hội, chính trị của đất nước; nói cách khác: muốn có nhiều việc làm hay thất nghiệp tràn lan, muốn lãi suất cao hay thấp, muốn ổn định hay bất ổn, muốn chiến tranh hay hòa bình, vv….
Tất cả những cái đó, là vấn đề “chính trị”, có từ kết quả của lá phiếu, kết quả của việc “vote”; đó là cách anh sử dụng quyền “vote” của mình! Thế thì tại sao mình lại chối bỏ cái đặc quyền đó? Câu trả lời phải là: “No”!, bao nhiêu người đã đổ máu để xây được cái thể chế dân chủ nầy hầu mọi người dân có được cái quyền “vote” = chọn lựa người đại diện cho mình trong chính quyền. Cho nên, không “vote” là chẳng khác nào phản bội lại lý tưởng và công sức của tiền nhân, vậy!!! Và, “OK”, muốn sử dụng quyền “vote” thì đương nhiên anh phải theo dõi thời sự nóng lạnh thế nào. Muốn theo dõi tin tức thời sự thì anh phải đọc sách báo trên giấy hay online; phải xem tin tức qua TV, qua báo chí; dù không muốn tham gia các cuộc tranh luận truy vấn các ứng cử viên thì ít nhất cũng phải để ý lắng nghe xem họ chủ trương ra sao, lập trường thế nào; và để chuẩn bị “vote” cho ai thì cũng nên lắng nghe qua các dịp bàn thảo chuyện chính trị, qua các ông các bà hay “nói chính trị” ngay trong gia đình, trong quan hệ bà con thân thuộc, hoặc ngay tại sở làm hàng ngày, hay ngay tại cộng đồng địa phương…. để xem ai đúng ai sai, mình có thể đứng về phía nào, vv… Mọi thái độ “tích cực” trong vấn đề nầy vô cùng cần thiết cho người muốn “vote”; không thể nào cứ làm “người- bên- lề”, rồi đến ngày bầu cử cứ “vote” đại cho ai đó một cách lấy lệ, không cần biết hậu quả!!!
Nói tóm lại, theo ý nghĩ thô thiển của người viết bài nầy thì “nói chính trị” là một sinh hoạt rất lành mạnh, cần thiết, và bổ ích cho tất cả mọi người, dù nam hay nữ, già hay trẻ, ông giáo sư đại học hay chị giúp việc, giữ trẻ, bác tài xế hay cô làm nails; ông nhà giàu tỉ phú hay người lãnh trợ cấp xã hội, vv… tóm lại tất cả những người không bị tước mất quyền công dân… đều cần phải quan tâm đến, và thực hiện sự quan tâm nầy bằng lá phiếu biểu hiện sự làm chủ đất nước của mình! Tại sao lại phải chê trách những người thích nói chính trị, tại sao phải lẫn tránh vấn đề nầy, tại sao cho đó là chuyện trên mây không thực tế, tại sao lại để dành riêng chuyện chính trị cho một giai cấp có đặc quyền nào đó mà gạt bỏ cá nhân mình ra ngoài lề??!!
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng cần phải nói ở đây, đó là “thái độ”! – Thái độ của một cá nhân khi phát biểu, khi đóng góp ý kiến, khi tranh cãi để bảo vệ ý của mình hay chống lại ý của người khác,… Thái độ đó phải hết sức lịch sự, tôn trọng, và bình tĩnh, không bạo động… trong mọi trường hợp, dù cho những ý kiến của người khác có bất đồng sâu sắc đối với mình!!! Chuyện nầy nói thì dễ, biết thì dễ, nhưng thực hiện được – đó mới là điều khó. Thường con người hay đỗ bỡi vì mình không phải là Thánh nên không nhịn được, và kết quả, đoạn kết của những cuộc tranh luận về chính trị thường là bi kịch: từ thân ra sơ, từ bạn ra thù, không thích đối mặt nhau, không còn thăm viếng nhau, vv… như đã nói ở phần trên.
Sẵn đề cập đến chuyện chính trị, ở đây chắc cũng cần làm một so sánh vắn tắt để thấy sơ qua cái hạnh phúc được “tự do nói chính trị”, được tự do phê bình, phát biểu, viết báo, viết sách, lập webs, biểu tình, vv…. của những người được ở trong cơ chế xã hội tự do dân chủ nầy. Cái hạnh phúc mà mình được thừa hưởng, không cần phải đấu tranh để có được. So với ở trong nước, ngay cả những người trẻ tuổi, phụ nữ chân yếu tay mềm… trước bao nhiêu áp lực của sự bắt bớ, tù đày họ vẫn không hề run sợ vẫn quyết đấu tranh để đòi cho được quyền được tham luận chính trị và nói lên tiếng nói của mình.
Không cần dẫn chứng đâu xa. Ngay những người rất trẻ và ngay trong thời đại nầy. Chắc nhiều vị có biết đến cô Huỳnh Thục Vy. Trong một bài viết trên diễn đàn online Dân Luận, cô đã viết về vấn đề chính trị đối với một người dân trong chế độ cộng sản, như sau: “…, tôi muốn nhắn nhủ rằng nếu bạn chối bỏ chính trị rồi có ngày bạn sẽ hối hận vì điều đó. Nếu bạn không sợ hãi, không lo lắng cho an ninh của bản thân và gia đình thì mọi lúc mọi nơi bạn luôn có thể bàn về chính trị với một sự tự tin rằng bạn là chủ thể của quyền lực Nhà nước, bạn tham gia bàn bạc và thực hiện các quyền chính trị là để thúc đẩy tiến bộ và phúc lợi xã hội. Đừng sợ hãi trước những cáo buộc của người khác rằng chính trị không dành cho bạn và chính trị là khốn nạn. Thực hiện các quyền chính trị tức là bạn đã làm trách nhiệm công dân; phơi bày những xấu xa của chế độ cộng sản là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm; lên tiếng cổ vũ cho tự do dân chủ là một hành vi cụ thể của lòng yêu nước…” (Huỳnh Thục Vy/Tam Kỳ ngày 6 tháng 1 năm 2011/Nguồn: Dân Luận). Ở đây chúng ta đang may mắn hơn, chẳng những không phải đối diện trực tiếp với những áp lực đó; lại còn được kêu gọi phải lên tiếng đóng góp, nỡ lòng nào làm ngơ, để biện minh cho lý luận: “không lo làm ăn cứ lo nói chính trị,… hễ đám nào nói chính trị là không có tui…” – nghe mà buồn!!!
Kết luận của bài nầy như bạn đọc đã có thể đoán được 10 phần. Đó là: nói chính trị không những không là điều xấu hoặc không nên làm, mà đó còn là một sinh hoạt lành mạnh đáng khích lệ của những người dân ý thức được quyền làm chủ của mình và trách nhiệm của mình đối với sự thịnh suy của quốc gia và xã hội, nhất là với một công dân Mỹ, một quốc gia đang ở vai trò số một trong thế giới tự do dân chủ (nếu không muốn nói là vai trò lãnh đạo thế giới tự do). Chỉ có điều phải thận trọng để ý, đó là “thái độ” của chúng ta trong một cuộc tranh luận hay bàn thảo về chính trị phải “văn minh” như thế nào, mà thôi! Và, đối với những người chê cười, chỉ trích, xa lánh; hoặc ngược lại, có thái độ quá khích, đập đổ, muốn từ những người có ý kiến chính trị đối nghịch với mình… đều là những trường hợp không… “qualified” cho cái “bằng- công- dân” (thẻ quốc tịch) ở xứ nầy!
Phó Thường Dân/Trống Đồng News