Bài hay! Đầy tâm huyết đối với nghề nghiệp và cộng đồng xã hội.
LTS: Bài nầy đã được tác giả viết và phổ biến qua HuffPost vào ngày đầu tháng 8, 2021 vừa qua. Đánh giá cao những chi tiết và nhận xét lấy từ thực tế của một chuyên viên y khoa chan chứa tình yêu người, yêu đời; chúng tôi mạn phép lược dịch để phổ biến rộng rãi hơn trong Cộng Đồng Độc Giả Gốc Việt. Nghĩ rằng đây cũng là ý muốn của người viết và ngành truyền thông nhằm cung cấp càng nhiều càng tốt những thông tin sâu rộng, nhất là từ những bệnh nhân, nạn nhân, hoặc chuyên viên trong cuộc và hậu trường sân khấu – giúp công chúng có thêm nhiều sự kiện để suy xét và tự chọn lấy một quyết định đúng đắn nhất trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, Covid-19, nầy.
Và dưới đây là nội dung bài viết nói trên, bày tỏ sự bức xúc tột cùng của Bác Sĩ Thanh Neville, M.D., M.S.H.S. Bà là một bác sĩ chuyên khoa cấp cứu (ICU physician) và cũng là một nhà nghiên cứu tại cơ sở y khoa lớn nhất Nam Cali. với 4 bệnh viện và hàng ngàn bác sĩ phục vụ toàn thời gian, – đó là Viện Y Học UCLA Health. Bà cũng là giám đốc y tế của chương trình tìm hiểu và thực hiện 3 điều ước của những bệnh nhân sắp lìa đời và gia đình họ, có tên UCLA 3 Wishes Program – của cơ sở nầy. Bạn đọc có thể theo dõi bà trên Twitter @thanh_neville. BBT/TĐ News
===
“Những kinh nghiệm thực tế của tôi trong lãnh vực cấp cứu suốt mấy tuần vừa qua đã làm cho tôi rất ngạc nhiên, đau lòng, nhưng đáng kể nhất phải nói là… tức giận.
“Chúng ta không thể để COVID thắng trong cuộc chiến nầy.” Đây là lời kinh nhật tụng của đồng nghiệp chúng tôi từ khi trận đại dịch nầy bắt đầu từ năm ngoái. Và trong gần 18 tháng kể từ lúc đó, các nhân viên trong ngành y đã tập trung đóng trụ chiến đấu chống giặc Covid ở các tuyến đầu, ngay cả nhiều lúc chúng tôi không có một thứ vũ khí gì để chống đỡ.
Chúng tôi đã gánh nhiệm vụ chăm sóc cho các người bị nhiễm dịch và bệnh ngặt nghèo trong khi không nơi nào khác có thể làm. Chúng tôi đã phải dùng lại các khẩu trang loại N95, đặt chúng cẩn thận trong những bao giấy màu nâu giữa hai ca trực. Chúng tôi tận mắt chứng kiến những cái chết một mình cô độc và đã phải cầm giùm những chiếc iPads cho những thành viên trong gia đình bệnh nhân nói với nhau những lời giã biệt đau lòng đứt ruột. Chúng tôi đã lập ra những thời biểu để hỗ trợ lẫn nhau, đặt kế hoạch dự phòng trong lúc tình hình đột biến, và không còn thì giờ để nghĩ đến cuộc sống riêng của mình nữa. Chúng tôi phải bước lên phía trước mỗi đợt dịch bệnh dâng cao và khi đồng nghiệp của chúng tôi ngã xuống. Tình đồng nghiệp trong lãnh vực ICU (Intensive Care Unit) mạnh hơn bao giờ hết bởi vì chúng tôi đã nhận thức rằng đây là một nỗ lực chung của ngành y và của tất cả loài người đã và đang cùng chiến đấu chống một kẻ thù chung.
Nhưng trong hoàn cảnh là những nhân viên y tế, chúng tôi cũng đã nhận biết một cách đau lòng về những sự thương tổn trong phạm vi riêng của nghề nghiệp chúng tôi. Chúng tôi có thể cạn kiệt nguồn cung cấp dưỡng khí, thiết bị cho bệnh nhân của mình. Chúng tôi có thể cạn kiệt dụng cụ bảo vệ an toàn cá nhân cho mình. Chúng tôi có thể lây bệnh trong khi làm việc. Và chúng tôi có thể chết – nhiều người trong chúng tôi đã bị như vậy, với hơn 3.600 nạn nhân do Covid-19 là thủ phạm trong năm đầu tiên.
Nhiều người trong số chúng tôi đã phải cách ly khỏi các thành viên trong gia đình mình để bảo vệ những người thân yêu của chúng tôi. Chúng tôi đã tính tới những yếu tố nguy hiểm cho con cái của mình, cho cha mẹ già yếu của mình, cho vợ chồng mình, và cuối cùng mỗi người tự quyết định cho mình là có nên về nhà vào cuối giờ làm hoặc phải vào ở tạm trong một phòng khách sạn nào đó. Một trong những vị giám đốc ICU của chúng tôi đã viết đi viết lại những sự hướng dẫn y tế về Covid-19 để bám sát với tình trạng dịch tể biến thái mỗi ngày và đồng thời tìm cách kiếm ra thì giờ để… viết tờ di chúc riêng cho mình!
Tôi đã làm việc mỗi ngày để làm cho chương trình “end-of-life” (cuối đời người) của cơ sở chúng tôi phù hợp với những nhu cầu thay đổi và những sự hạn chế của trận dịch tể, đồng thời ghi danh để được chích ngừa ngay khi thuốc chủng ngừa sẵn sàng được phép sử dụng. Tôi cũng đã cập nhật hóa sự hướng dẫn riêng về việc chữa trị cho mình nếu gặp trường hợp phải cận kề cái chết xảy ra – và in ra một bản cho ông chồng của tôi để dự phòng nếu cần dùng tới.
Và sau đó, khi các loại thuốc chủng ngừa hiệu quả đã trở thành có sẵn để sử dụng một cách rộng rãi trên khắp nước Mỹ – Tôi đã nhìn thấy một cách nhanh chóng những tia sáng ở cuối đường hầm.
Con số những bệnh nhân bị Covid-19 trong khu vực ICUs trên khắp nước Mỹ đã tụt ào xuống một cách rõ rệt. Dường như những sự hy sinh và nỗ lực của tầng lớp nhân viên y tế đã được đền bù một cách thỏa đáng. Chúng tôi tin rằng sự miễn nhiễm do nhiều người đã bị nhiễm dịch hoặc đã được chủng ngừa có thể trở thành hiện thực, để chúng ta có thể quay về với cuộc sống bình thường.
Nhưng sự tin tưởng và sự hy vọng đó đã không kéo dài được bao lâu, và chúng ta đang ở giữa một sự tấn công tràn ngập khác.
Một sự tấn công vừa được tăng lực hỗ trợ bởi hai nguồn: một con Covid biến thái có khả năng lây truyền nhanh hơn; và, một tập thể không nhỏ của những người không chịu chích ngừa.
Những kinh nghiệm nghe và thấy trong thực tế của tôi trong những tuần lễ vừa qua ở khu vực cấp cứu (ICU) đã để lại trong tôi một sự ngạc nhiên, sự đau lòng; nhưng trên tất cả, đó là một sự tức giận.
Tôi tức giận vì những cảnh bi thảm của lần tràn ngập trước đây đã được diễn lại lần nữa cũng bi thảm như vậy; nhưng nay, với những phòng cấp cứu chứa đầy những bệnh nhân vốn là những người chọn sự từ – chối – chích – ngừa. Tôi tức giận vì mất cả giờ đồng hồ để giải thích cho một người chống chích ngừa hiểu tất cả sự sai lầm khi cho rằng sự đặt ống chuyền dưỡng khí vào miệng hay mũi (intubation) là “giết bệnh nhân” và rằng điều ước của họ chỉ cần làm hô hấp nhân tạo (chest compressions) khi nguy cấp chứ không cần “intubation” là điều vô lý.
Tôi cũng tức giận những người từ chối, không chịu mang khẩu trang trong chỉ nửa giờ hoặc hơn, mỗi tuần một lần trong khi đi chợ mua sắm tạp phẩm; trong khi chúng tôi phải mang cái gọi là “đồ bịt miệng/muzzed” nầy cả ngày nầy qua ngày khác trong suốt 18 tháng qua.
Tôi không thể hiểu nỗi sự quyết định không chịu chích ngừa cùng lúc với sự muốn gỡ bỏ hết những sự hạn chế, cấm vận vì dịch tể! Tôi không thể giúp gì ngoại trừ phản ứng giật mình bật ngữa như bị ai tát vào mặt khi nghe bệnh nhân ICU của tôi nói rằng họ không chích ngừa “chỉ vì không bận tâm hoặc thấy cần phải làm chuyện đó.” Mặc dù những người như vậy không cho rằng họ chủ trương chống chích ngừa, nhưng chính thái độ thờ ơ không hành động gì cả tự nó đã như là một quyết định của họ – một quyết định đưa đến chỗ không bảo vệ chính họ hoặc gia đình của họ, choán hết những chiếc giường quý báu trong khu ICU, thả tự do cho các loại virus biến thể nở rộ, và gây nguy hiểm cho những nhân viên chăm sóc sức khỏe cùng với những người có hệ miễn nhiễm yếu ở chung quanh họ.
Chính sự thờ ơ không hành động của họ là một quyết định mở toang cửa cho trận dịch tể tiếp tục hoành hành.
Và đồng thời, những người có hệ miễn nhiễm yếu dù có chủng ngừa cũng không bảo vệ họ được nhiều để chắc chắn khỏi lây bệnh – và họ đang chờ đợi một cách tuyệt vọng sẽ có một lúc cả xã hội không còn lây lan vì ai cũng đã bị nhiễm hoặc chủng ngừa rồi (herd immunity) ! Tôi không có cách nào để an ủi những bệnh nhân trong trường hợp nói trên lúc họ tức giận thực sự sau khi bị nhiễm Covid-19 – Đó là những người từng bị cấy ghép các cơ phận, từng giữ sự cách ly, cô lập ở chỗ an toàn suốt cả năm qua, và từng chích ngừa đầy đủ ngay khi thuốc ngừa sẵn có cho họ – Với những giọt nước mắt ứa ra từ sự tức giận, những bệnh nhân nầy nói với tôi rằng “thật không công bằng chút nào khi có những người đang chọn lựa sự làm nguy hiểm cho cả chính mình lẫn những người dễ thương tổn chung quanh mình. Họ cảm thấy như bị phản bội bởi chính những người công dân trong cùng một nước với họ và họ rất đắng cay và giận dữ.
Tôi thấy họ cảm nhận đúng, và không thể nào trách họ được!
Tôi cũng thấy mình phải chịu thua, không thể hiểu được tại sao có thể có bất cứ ai đó nhìn vào những tháng vừa qua của trận đại dịch – với hơn 600.000 người mất mạng ở Mỹ nói riêng, và hơn 4 triệu người thiệt mạng trên cả thế giới nói chung – mà vẫn không tin đó là sự thật để cần phải quan tâm đúng mức đến thảm họa nầy.
Nhưng thực tế phủ phàng là có nhiều người không tin như thế. Họ đã không tin như thế ngay từ đầu và bây giờ lại còn cố bám theo quan điểm đó hơn.
Tôi đã nghĩ khi trận đại dịch nầy mới bắt đầu rằng: chúng ta tất cả đã lâm vào cùng chung một cuộc chiến với nhau, cùng vướng vào trong một cuộc chiến tranh chống lại một kẻ thù chung.
Nay, tôi nhận thấy một cách thật đau lòng: Có lẽ chúng ta đã không bao giờ ở trên cùng một chiến tuyến với nhau được, và chúng ta cũng đã không bao giờ có cùng chung một kẻ thù được. Có lẽ cuộc chiến nầy đã từng nằm trong hàng ngũ chúng ta ngay từ lúc bắt đầu và sẽ bám mãi theo chúng ta.
Chúng ta đã thắng được nhiều cuộc chiến nhưng “một nước Mỹ không-chích-ngừa” đang chọn sự quyết định để cho COVID thắng trong cuộc chiến tranh nầy.
Trùng Dương/Trống Đồng News
====