Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Gốc Việt Quanh Ta/Nhân Vật và Sự Kiện

Ông 83, khỏe như trung niên: “Tui có cách tập tốt quá, muốn phổ biến cho đồng hương”!

Chắc chắn quí vị cũng như chúng tôi nếu gặp ông, đều bất ngờ khi được biết số tuổi 83, so với dáng dấp vừa tầm, cân đối, lưng thẳng, bụng nhỏ, nhất là đi đứng nhanh nhẹn – không khác gì quý ông ở tuổi trung niên. Sự ngạc nhiên chợt thoáng qua rất nhanh, bởi mới nhìn chỉ tưởng ông chừng bảy mươi mấy thôi, khiến chúng tôi không ngăn được câu hỏi tò mò: “Ông ở gần đây không, và ông làm thế nào mà trông trẻ và khỏe như vậy so với số tuổi mà ngày xưa các cụ đều phải lom khom chống gậy?”

Nào ngờ vị đồng hương cao niên nầy đã không tỏ vẻ khó chịu chút nào trước câu hỏi hơi tò mò đó, mà còn như “buồn ngủ gặp chiếu manh”, ông vừa cười vừa khoe: “Tui mới đi bác sĩ lấy giấy kết quả thử máu đây, bác sĩ dược sĩ gì cũng ngạc nhiên quá. Ủa sao lớn tuổi vậy mà không có bệnh gì hết vậy?!!. Máu mỡ đường gì cũng tốt. Có gì đâu! Dễ lắm. Ngày nào tui cũng đi bộ quanh ô blocks đường gần nhà. Mỗi bề dài của block chừng 1 dặm thì tui đi quanh đủ bốn bề của blocks đó rồi mới về nhà, thế là đủ cho bài tập thể dục buổi sáng, thường mất chừng 50 đến 55 phút.”

“Wow, ông lớn tuổi sao không đi trong nhà, chạy trên máy, hay đi trong vườn cho an toàn hơn. Đi ngoài đường phố rủi có chuyện gì…”

Ông cười to hơn, và nói: “Kinh nghiệm chung của nhiều người nhe: Nếu đi trong nhà thì thường mệt mỏi là nghỉ, không có tính cách bắt buộc như ra đường. Vì trong nhà mệt có thể nghỉ ngang. Nhưng đi ra ngoài như thế nầy mà đã đi rồi thì dù có mệt đến mấy cũng không thể nào nằm lăn ra đường, bỏ ngang được, mà cũng phải ráng ra sức mà bước về cho đến nhà. Có vậy mới tan hết mỡ, tiêu bớt calories và mới khỏe được!”

Hỏi: “Còn việc ăn uống thì như thế nào?”

Đáp: “Buổi sáng chỉ bánh mì, sơ sơ, uống sữa gì đó thôi. Sữa thì lãnh của Cộng đồng, Food bank phát thôi chứ có gì đâu. Còn cơm thì trưa 1 chén. Tối 1 chén. Còn lại thì ăn rau, ăn canh rau… nhiều. Đi bộ thì bất kỳ lúc nào buổi sáng. Tôi lấy các cách thức tập từ trong sách Yoga ra và chỉ chọn tập cái nào đơn giản. Yoga rất nhiều kiểu, nhưng chỉ tập thức nào hợp với tuổi mình và ảnh hưởng đến dáng dấp thân thể. Không tập những thức khó như nằm ngữa, bật lưng, vv… chỉ tập những động tác đơn giản dễ làm thôi. Ví dụ như tập cái bụng… Tập lưng, ngực, sườn, cổ, vai, mắt, cằm… Bởi vì tui làm rồi và thấy được cái lợi ích, hiệu quả của nó thật là to lớn, nên không muốn chỉ giữ riêng cho mình mà rất muốn làm sao phổ biến cho người khác biết để tập. Tui đã chỉ cho nhiều người bạn làm vì thấy mình thành công quá. Lớn tuổi vầy mà ngủ một đêm đến sáng không hề thấy mệt. Đôi khi dù có mất ngủ cũng tỉnh bơ, không thấy chỗ nào mỏi, mệt gì hết, độc đáo vậy chứ. Nào, bây giờ để tui làm tại chỗ cho thấy rồi về bắt chước làm y như vậy là khỏe nhe.”

Nói xong, ông bước lùi lại một bước, đứng thẳng lưng, bắt đầu động tác thứ nhất, và cũng là căn bản nhất gây chấn động cho mọi cơ tạng trong than thể con người, theo ông. Ông nói: “Trước nhất động tác nầy ảnh hưởng từ gót chân lên đỉnh đầu, và đàn ông, đàn bà gì làm cũng được, làm bất cứ lúc nào, ở đâu, vì nó rất đơn giản. Chỉ cần, đứng thẳng người, nhón gót thật cao, xong thả rơi tự nhiên cả thân thể xuống thật mạnh. Xong, chỉ có thế!. Cố gắng làm cứ một, vài giây lại nhón gót và thả rơi tư do thân thể một lần; tức từ 30 đến 60 lần trong mỗi phút như vậy, đó là sự chuẩn bị cho toàn thân để bắt đầu cho các thức tập tiếp theo sau…”

Tôi lắng nghe và quan sát cẩn thận và làm theo ông sự hướng dẫn của ông. Quả nhiên, chỉ dăm ba lần đã thấy châu thân rúng động từng tế bào chứ không cần đến hàng chục lần (không tin, bạn thử làm ngay xem sao!). Sau đó, ông cẩn thận biểu diễn tiếp từng động tác khác: như luyện cho cổ để cổ đủ mạnh giữ được sức nặng của đầu khi tuổi hạc càng cao; tập quay đầu đưa hàm tối đa qua hết trái đến phải để đề phòng khỏi bị méo miệng nếu rủi bị tai biến, tập đầu gối và chân để chống đỡ cơ thể và khỏi té khi bị vấp ngã hay khi tự mình thay quần áo trong phòng tắm, vv… Toàn là những động tác khả thi và có thể làm mọi lúc mọi nơi không cần dụng cụ nào trợ giúp.

  Khi phô diễn các thức tập, ông làm một cách thành thạo, cho thấy mọi cơ phận đầu cổ, lưng, sườn của ông cụ 83 đều cử động vô cùng smooth, dẻo dai, trơn tru như một thanh niên, ngay cả một động tác khó, dễ mất thăng bằng như cần đá chân lên cao ngang mặt, vv… cũng rất vững vàng, hiếm ai cùng tuổi mà theo kịp được. “Mới tập, lúc đầu còn thấy mỏi mệt, nhưng sau quen dần thành dễ…”, vị cao niên nầy khuyến khích với ngụ ý: “dễ lắm, tui mà làm được thì ai cũng làm được!” Rồi ông nhấn mạnh thêm: “Lớn tuổi cần phải tập cái cẳng chân, bắp chân cho mạnh, cho vững, để rủi có vấp cũng khó té; hoặc lớn tuổi hay té trong phòng tắm bởi mặc quần áo phải đứng một chân còn chân kia chống không nổi, nên phải luyện chân là vậy!

  Thường mỗi ngày, ông đi bộ chừng 50 phút đến 55 phút rồi về ăn uống, coi phim giải trí hay làm công việc nhà gì đó rồi mới từ từ tập mấy thức trên.

Đó là câu chuyện rất đáng chú ý, đáng suy ngẫm, và đầy ích lợi của một vị cao niên dòng Tôn Thất ở vùng nầy, với tên đầy đủ là Tôn Thất Ca. Ông trước, sống ở thành phố Ontario; nhưng mấy năm gần đây đã dọn về vùng Pomona ở cùng với con cháu. Trước khi chấm dứt câu chuyện, vị cao niên đã 83 tuổi đời và đang sống đề huề vui vẻ với các con cháu, đứa nào cũng thành công, ngoan và giỏi – đã nhấn mạnh một nguyên tắc ngắn gọn muôn đời mà hầu hết ai cũng biết nhưng thực hành đúng được không phải chuyện dễ, đó là: “Bất kỳ làm việc gì nếu cố gắng và kiên trì đều đặn, sẽ thành công!. Ở đây, có lẽ ông không nhằm ý nghĩa tổng quát mênh mông của câu trên mà chỉ nhắm vào chuyện luyện tập cơ thể và hiệu quả tất yếu là sẽ làm chậm sự lão hóa đến hàng chục năm như trường hợp của chính bản thân ông mà thôi!

                                      Bài và Ảnh: Trùng Dương/Trống Đồng Life.com

Banner