Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Văn Thơ Bạn Đọc

Thơ & Bạn Đọc & Những trích đoạn 30/4

LTS: Lại Ba Mươi Tháng Tư!!! 30 Tháng Tư mà không dẫn thơ Trạch Gầm thì không đủ…xót! Vì thế, một số khổ thơ trích đoạn từ “Dấu Giày Chinh Chiến” của Nhà thơ Trạch Gầm sẽ được nhắc lại để tưởng niệm “vết thương lòng”khó phai nhạt của bà con chúng ta. Kế đến, như thường lệ là những làn điệu, thi tứ đi từ chính kiến chống vũ khí sát nhân qua bài “Thí Nghiệm Bom Nguyên Tử” được viết từ giữa thế kỷ trước của Cụ An Đình Trần Kinh, đến những dòng “tức cảnh sinh tình”, cảm thương cho thân phận má hồng phải chìm nổi như nàng Kiều vì nghịch cảnh, trong bài “Kiều Nữ Á Đông” của cựu CTV Trống Đồng Hoàng Trùng Dương, khi ông đi ngang qua khu Đèn Đỏ ở thủ đô Amsterdam của Hà Lan. Đó là những bài thơ bắt quí vị phải xót thương, thương xót. Nên, chúng ta sẽ có ở đây một bài thơ thật dài và dí dỏm dể thương, do Cô Minh Nguyệt gửi đến chúng tôi với dòng chữ “bài nầy copy được trên FB của nhóm Đồng Hương vùng Ông Tạ”😍😂😁 Cám ơn quí vị đồng hương vùng Ông Tạ đã cho độc giả của chúng tôi những nụ cười thật lành mạnh. Và cuối cùng, mở đầu cũng như kết thúc; một bạn thơ thường góp mặt trên mục nầy là chị Thanh Tâm cũng đã gửi đến tòa soạn một bài thơ thuộc loại “cảm tác” nhân dịp 30 tháng 4, có tựa là “Tình Nhớ” có thể vừa là tâm sự của chính tác giả vừa để chia xẻ cùng những thiếu nữ thời chiến, vì người tình phải ra chiến trận mà tình duyên dang dỡ. Mời bạn đọc yêu thơ cùng thưởng thức. BBT/tTĐ

*Thơ Trạch Gầm

Với những trích đoạn “Sau 30 tháng Tư”

“Thuở ấy bọn anh còn trẻ lắm

Thậm chí có thằng chưa vợ chưa con

Thuở ấy bọn anh cầm cây súng

Thiếu hận thù… nên mất cả nước non…”

“Thuở ấy bọn anh còn trẻ lắm

Đi vào tù quen biết sự dối gian

Biết hối tiếc… thì lòng đã chết ngắt

Nhân từ sao thắng được lũ dã man.

Tháng Tư qua rồi tháng Tư lại đến

Trong lòng anh mỗi ngày một tháng Tư…

*****

“Ba mươi tháng tư … ta ôm mặt khóc

Trên cầu Sài Gòn cạnh phố Hùng Vương

Mười năm binh đao… mười ngày kết thúc

Ta còn nguyên mà… mất cả quê hương!”

“Tao sống đến ngày cuối cùng cuộc chiến

Được cái hơn mầy nhìn thấy đau thương

Mầy đã hơn tao vì mầy đã chết

Hưởng chút lễ nghi, hưởng chút ân cần

Có được người thân cho lời nuối tiếc

Còn tao bây giờ sống cũng như không

Đành đến thăm mầy những thằng đã chết.”

“Bạn bè của ta có thằng tự sát

Bạn bè của ta có đứa ra khơi

Ta quẩy thân tù từ Nam ra Bắc

Long Giao,Văn Bản, Vĩnh Phú, Lào Cai

Ta gặp quê hương lưng tròng nước mắt

Thương xót cho ta, thương xót mọi người.”

   (Trạch Gầm/Dấu Giày Chinh Chiến)

====

Thơ An Đình Trần Kinh

Thí Nghiệm Bom Nguyên Tử

Chỉ khéo đua nhau chuyện giết người,

Làm cho chuyển đất, với rung trời.

Tàu bay, súng máy, còn chưa đủ,

Tên lửa, bom hơi, mới gọi tài.

Khẩu Phật tâm xà, nghe cũng chán,

Sát nhân hại vật, ngó như chơi!

Nếu không ngự chế bom nguyên tử

Hai chữ “Hòa Bình”, nước chảy xuôi!

                    (AĐ Trần Kinh)

==============

Thơ Hoàng Trùng Dương

Kiều Nữ Á Đông

Hà Lan vào một chiều thu,

Em ngồi lặng lẽ bên khu phố hồng (*)

Em là kiều nữ Á Đông

Tóc huyền buông xỏa mắt trông xa vời

Lặng nhìn từng chiếc lá rơi

Mơ  màng về phía chân trời quê hương

Bên kia mờ mịt trùng dương

Biết bao nhiêu kẻ thân thương đợi chờ

Phận mình lạc lỏng bơ vơ

Quê người đất khách hửng hờ tình nhân

Vì đâu thành kẻ lưu dân?

Thiên đường đánh mất bán thân cho đời!

Ngày đêm thân xác rả rời

Mua vui cho khách làng chơi trẻ, già!

Cũng đành tàn một kiếp hoa

Cũng đành nhận cảnh xế tà hoàng hôn

Em như pho tượng cô đơn

Mắt nhung rưng giọt lệ hờn vong quê!

                   (HTD)

(*) Khu phố mãi dâm đèn đỏ tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan

===

*Thơ vui Đồng Hương vùng Ông Tạ

TIẾNG VIỆT DỄ THƯƠNG

Bắc bảo Kỳ, Nam kêu Cọ (gọi là Kỳ Cọ)

Bắc gọi lọ, Nam kêu chai

Bắc mang thai, Nam có chửa

Nam xẻ nửa, Bắc bổ đôi

Ôi! Bắc quở Gầy, Nam than Ốm

Bắc cáo Ốm, Nam khai Bịnh

Bắc định đến muộn, Nam liền la trễ

Nam mần Sơ Sơ, Bắc làm Lấy Lệ

Bắc lệ tuôn trào, Nam chảy nước mắt

Nam bắt Vạc tre, Bắc kê Lều chõng

Bắc nói trổng Thế Thôi, Nam bâng quơ Vậy Đó

Bắc đan cái Rọ, Nam làm giỏ Tre

Nam không nghe Nói Dai, Bắc chẳng mê Lải Nhải

Nam Cãi bai bãi, Bắc Lý Sự ào ào

Bắc vào Ô tô, Nam vô Xế hộp

Hồi hộp Bắc hãm phanh, trợn tròng Nam đạp thắng

Khi nắng Nam mở Dù, Bắc lại xoè Ô

Điên rồ Nam Đi trốn, nguy khốn Bắc Lánh mặt

Chưa chắc Nam nhắc Từ từ, Bắc khuyên Gượm lại

Bắc là Quá dại, Nam thì Ngu ghê

Nam Sợ Ghê, Bắc Hãi Quá

Nam thưa Tía Má, Bắc bẩm Thầy U

Nam nhủ Ưng Ghê, Bắc mê Hài Lòng

Nam chối Lòng Vòng, Bắc bảo Dối Quanh

Nhanh nhanh Nam bẻ Bắp, hấp tấp Bắc vặt Ngô

Bắc thích cứ vồ, Nam ưng là chụp

Nam rờ Bông Bụp, Bắc vuốt Tường Vi

Nam nói: mày đi! Bắc hô: cút xéo!

Bắc bảo: cứ véo! Nam: ngắt nó đi.

Bắc gửi phong bì, bao thơ Nam gói

Nam kêu: muốn ói, Bắc bảo: buồn nôn!

Bắc gọi tiền đồn, Nam kêu chòi gác

Bắc hay khoác lác, Nam bảo xạo ke

Mưa đến Nam che, gió ngang Bắc chắn

Bắc khen giỏi mắng, Nam nói chửi hay

Bắc nấu thịt cầy, Nam thui thịt chó

Bắc vén búi tó, Nam bới tóc lên

Anh Cả Bắc quên, anh Hai Nam lú

Nam: ăn đi chú, Bắc: mời anh xơi!

Bắc mới tập bơi, Nam thời đi lội

Bắc đi phó hội, Nam tới chia vui

Thui thủi Bắc kéo xe lôi, một mình xích lô Nam đạp

Nam thời mập mạp, Bắc cho là béo

Khi Nam khen béo, Bắc bảo là ngậy

Bắc quậy Sướng Phê, Năm rên Đã Quá!

Bắc khoái đi phà, Nam thường qua bắc

Bắc nhắc môi giới, Nam liền giới thiệu

Nam ít khi điệu, Bắc hay làm dáng

Tán mà không thật, Bắc bảo là điêu

Giỡn hớt hơi nhiều, Nam kêu là xạo

Bắc nạo bằng gươm, Nam thọt bằng kiếm

Nam mê phiếm, Bắc thích đùa

Bắc vua Bia Bọt, Nam chúa La-De

Bắc khoe Bùi Bùi lạc rang, Nam: Thơm Thơm đậu phọng

Bắc xơi na vướng họng, Nam ăn mãng cầu mắc cổ

Khi khổ Nam tròm trèm ăn vụng, Bắc len lén ăn vèn

Nam toe toét “hổng chịu đèn”, Bắc vặn mình “em chả”

Bắc giấm chua “cái ả”, Nam bặm trợn “con kia”

Nam mỉa “tên cà chua”, Bắc rủa “đồ phải gió”

Nam nhậu nhẹt thịt chó, Bắc đánh chén cầy tơ

Bắc vờ vịt lá mơ, Nam thẳng thừng lá thúi địt

Khi thấm, Nam xách thùng thì Bắc bê sô

Nam bỏ trong rương, Bắc tuôn vào hòm

Nam lết vô hòm, Bắc mặc áo quan

Bắc xuýt xoa “Cái Lan xinh cực!”,

Nam trầm trồ “Con Lan đẹp hết chê!”

Phủ phê Bắc trùm chăn, no đủ Nam đắp mền

Tình Nam duyên Bắc có thế mới bền mới lâu…

                      (ĐH vùng Ông Tạ)

===

Thơ Thanh Tâm

TÌNH NHỚ

Đông đã về rồi anh biết không ?
Em đi trong nắng lạnh se lòng
Người đi đi mãi từ khi ấy
Cho đến bây giờ đã mấy Đông?

Đất nước chiều dài in dấu chân
Ba lô làm bạn súng người thân
Trăng treo đầu núi soi đường bước
Vì nước nên anh chẳng ngại ngần

Tình em ở lại với thời gian
Nay đã bao Thu lá đủ vàng
Người hẹn nhưng nay chưa trở lại
Để em nhặt lá mấy mùa sang

Đã mấy mùa sang một chuyện tình
Mà sao ấp ủ mãi trong tim
Muốn quên nhưng lại không quên được
Chẳng biết Người ta có nhớ mình!?

Làm sao quên được chuyện ngày xưa
Tuổi mới đôi mươi đã chớm vừa
Xao xuyến phút đầu khi mới gặp
Ai kia nhìn mãi… ghét ghê chưa!

Nhớ lắm Người ơi! Một buổi chiều
Trong tay ai đã ngỏ lời yêu
Bao câu thề hẹn Người từng thốt
Ngôn ngữ tình yêu quá mỹ miều

Từ đấy thư đi tin lại về
Phong sương đời lính chốn sơn khê
Hậu phương vẫn giử lòng chung thủy
Khắc mãi trong tim những ước thề

Bao mùa lá rụng bao mong đợi
Là mấy Thu về bấy lệ rơi!
Vắng bặt tin ai tim se thắt
Nhiều đêm thao thức nhớ đầy vơi

Thôi thế từ đây hết thật rồi!
Bao nhiêu mộng đẹp gió mây trôi
Thư tình ai gửi đành xếp lại
Chỉ giử trong tim bóng một người

Theo với thời gian cũng đã qua
Tóc xanh giờ đã tuyết sương pha
Ngắm trăng chạnh nhớ người năm cũ
Thương quá cuộc tình ai với ta!

Mấy mùa tóc trắng mấy mùa thương
Kỷ niệm còn nguyên nhạt má hường
Bao giờ cho lá vàng thôi rụng
Thì chắc tơ lòng mới hết vương…
                        (TT)

Sách đang còn bán tại trongdonglife.com
Tiểu thuyết Dương Nghiễm Mậu đang còn bán tại trongdonglife.com
Báo Trống Đồng (Monthly News) ấn hành trên Giấy hàng tháng, chủ trương phổ biến và giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc. Website Trống Đồng Life.com cùng chủ trương nói trên, phục vụ đồng hương gốc Việt và hậu duệ hiện đang định cư khắp nơi.
ĐT LL: (909) 231-1506
www.trongdonglife.com/trongdongnews@hotmail.com





Banner