Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Gốc Việt Quanh Ta/Nhân Vật và Sự Kiện

Chị Thuần & Phần Thưởng Đặc Biệt cho 1 phụ nữ hơn 20 năm chống trả bệnh hư thận

Ảnh trên: Chị Thuần tại VP Trống Đồng Bookstore & News. (Ảnh TĐ)

Hơn 20 năm sống tại thành phố Montclair, chị Thuần – một phụ nữ VN đúng nghĩa: hiền lành, thương chồng con, giỏi việc nội trợ, bếp núc ít ai sánh bằng – nhưng luôn sống nhu hòa, khép kín. Cộng đồng gốc Việt có biết đến chị, cũng là nhờ chị làm các loại bánh rất ngon, từng giao cho các nhà hàng bánh nổi tiếng ở quận Cam; hoặc sẵn sàng nhận nấu hầu hết các món ăn Việt thông dụng nếu ai cần đến.

Người đời thường nói: Ai cũng có phước, có phần, ông Trời bắt sao chịu vậy.

Chị Thuần có cái tên khai sanh được ba mẹ đặt rất hay là Ngô thị Túc Thuần. Ngoài cá tính hiền lành, chị còn là người rất cỡi mở và luôn muốn giúp người khác hết cả những gì mình biết được. Chúng tôi biết chị từ những ngày đầu tiên làm báo ở địa phương nầy, vào khoảng năm 1992, 93 gì đó. Trong suốt mấy chục năm chị cũng vẫn là một trong những người độc giả và khách hàng thường xuyên của Trống Đồng. Mỗi lần gặp chị, nhiều người thường hỏi về cách làm bánh, cách nấu các món ăn – chị vui vẻ chỉ dẫn từng chi tiết về cách thức, liều lượng, kỹ xảo… làm sao cho ra những thành phẩm ngon nhất, đẹp nhất – nói chung, chị không phải là người “giấu nghề”!

  Nhưng, cũng chữ “nhưng” đáng ghét!!! Số phần đã đưa đến cho chị một căn bệnh gần như nan y trong suốt mấy chục năm dài nếu không có một phép mầu để thoát ra. Nói là phép mầu nhưng ắt hẵn là không phải dễ ai cũng có được. Có lẽ đây là phần thưởng đặc biệt tạo hóa dành cho người phụ nữ hiền lành, tốt bụng nầy.

   Mới đây, gặp gỡ chúng tôi một ngày đẹp trời sau khi cơ thể đã hồi phục sau cuộc giải phẫu nhận “phép mầu” – đó là trái thận trẻ, khỏe, mới, được ghép vào cho chị – chị Thuần muốn kể lại để chia xẻ những kinh nghiệm từ ngày bị bệnh, sống cùng bệnh thận suốt gần 30 năm dài – hầu có thể ích lợi ít nhiều cho những ai đang ưu tư vì bệnh thận hoặc không bị bệnh thận nhưng muốn tìm hiểu về bệnh nầy. Chị Thuần là vậy đó, nhất là sau khi đã được hưởng nhiều ân sủng y tế của xã hội nầy, phải làm chút gì đem ích lợi trở lại cho xã hội – là vấn đề được đặt ưu tiên hàng đầu đối với chị!

Chị Thuần thời trẻ. (Ảnh Album GĐ)

   Thời tuổi trẻ, Túc Thuần là một phụ nữ xinh đẹp, mảnh khảnh, làm công chức sáng đi chiều về, chuyên nghề đánh máy văn thư, trình xếp, đóng mộc, siêng năng nhanh nhẹn ít ai bì. Nay kể lại, chị Thuần vẫn cứ tiếc nuối rằng mình đã không cảnh giác. Lúc nào cũng lo công việc, nhiều ngày rời nhà đi làm từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều chẳng uống tí nước nào. Sáng trước khi đi làm còn muốn giữ eo, chẳng ăn tí nào. Ngày qua tháng lại, cơ thể thiếu nước, mà thận là cơ quan bị ảnh hưởng đầu tiên. Chị còn nhớ từ năm 89, 90 gì đó, cơ thể đã bắt đầu bị phù mà vẫn chẳng hề hay biết. Mỗi sáng mặc đồ đi làm thấy sao mình không ăn gì mà quần áo bị chật. Cho đến một ngày chị còn nhớ là đúng Mùng Một Tết, chị thấy trong người nóng lên, mặt đỏ bừng, cảm thấy mệt, biết là có chuyện gì không ổn, chị bèn chạy đến phòng mạch ông bác sĩ gần nhà. Sau khi khám qua, ông nói bị phù, có thể là do thận, thế là ông chích một mũi lợi tiểu và khuyên bằng cách gì sau mùng một cũng phải vô bệnh viện Bình Dân để thử nghiệm coi đủ thứ cho chắc ăn. Kết quả, bệnh viện cho biết là mình đã bị phù vì suy thận, và đã chữa trị ở đó 3 năm trước khi qua Mỹ. Lúc phỏng vấn để đi định cư cũng có lo rằng bị bệnh phù sẽ bị giữ lại không cho đi nhập cư, nhưng may không gặp rắc rối gì.

Túc Thuần thời trẻ có lúc làm người mẫu quảng cáo cho một hãng thuốc. (Ảnh Album GĐ)

  Khi qua đây, lúc đầu đi khám một ông bác sĩ người Nhật ở thành phố Upland. Cũng ok nhưng mỗi lần khám phải cần người thông dịch. Sau gặp được một người quen, người nầy giới thiệu đi ông bác sĩ Đỗ Cảnh Minh ở quận Cam. BS Đỗ Cảnh Minh lúc ấy mới ra trường và mới cưới vợ (nay thì con đã vào đại học). Vậy mà Thuần lại hợp với ông bác sĩ nầy, theo ông suốt mấy chục năm nay, thấy ông rất giỏi và lại có tâm đạo. BS Minh tin Phật và đi đâu cũng thích mua ảnh Phật về trưng bày khắp nơi trong văn phòng của ông. Năm 93 Thuần qua Mỹ, đến năm 94 bắt đầu đi khám tại phòng mạch BS Minh cho đến năm 2007. Suốt thời gian hơn chục năm đó cũng cứ bị phù thủng: phù lên xẹp xuống hoài, mặc dù BS vẫn cho thuốc prednisone uống cầm chừng, ăn kiêng cữ và cứ 3 tháng lại cho đi thử máu một lần. Cho đến một ngày, ông thấy kết quả thử máu về không ok. Ông bèn cho đi thử lại lần nữa cho chắc ăn, sau khi thấy kết quả vẫn giống y lần trước, ông lập tức gọi điện thoại về nhà biểu “phải trở lại liền”! Sau khi gặp, ông khuyên ngày mai phải vào bệnh viện Fountain Valley ngay để kiểm tra toàn bộ. Sau khi bị giữ lại nằm trong đó từ 1 đến 2 tuần để làm mọi thứ xét nghiệm thì họ nói thận bị hư không làm việc được nữa. Buổi sáng sau đó một bác sĩ đã mỗ khẩn cấp chỗ phía trên ngực phải của mình để đặt ống lọc thận ngay vào buổi chiều hôm đó; trước khi mỗ đặt ống lọc lâu dài trên cánh tay. Thế là từ đó, mình phải sống triền miên với tình trạng lọc thận mỗi tuần 3 lần, có khi phải thêm 1 lần vào ngày chủ nhật nếu tình trạng xấu hơn, nước còn giữ nhiều trong người.

  Lúc đầu thì bác sĩ nói rằng Thuần bị “thận nhiễm mỡ”, nhưng hầu như năm nầy qua năm khác đã không có cách chữa gì hiệu quả, để kéo dài đến tình trạng suy thận rồi hư thận. Ngay cả sạn thận, cao máu, tiểu đường kéo dài cũng làm hư thận.

 Chị Thuần kể tiếp trường hợp mình. “Thường người bị lọc thận từ 7 đến 10 năm sẽ được lên danh sách thay hoặc ghép thận. Trường hợp của em là đến 11, 12 năm. Có lần, một ông bác sĩ chuyên về thận ở bệnh viên Fountain Valley cũng có đặt vấn đề với em rằng: em có 2 đứa con thì một đứa có thể hy sinh 1 trái thận cho mẹ. Ổng nói người ta vẫn có thể sống với 1 trái thận cũng được. Nhưng em từ chối, vì nghĩ đời mình đã sống gần hết; con thì còn nhỏ mình không nỡ lòng nào nhận của con. Dẫu biết 1 quả thận vẫn sống được, nhưng đó là nếu biết “take care” cẩn thận, nếu không thì cũng dễ suy hư, làm sao bằng quả thận nguyên được! Rồi ông cũng hỏi nếu mình có người em nào bên VN thì biểu em đó làm tests thử có trùng hợp những yếu tố cần thiết có thể mỗ cắt ghép thận cho mình được, thì bệnh viện sẽ làm hoàn toàn miễn phí cho. Nhưng sau đó cậu em có mắc bệnh gì đó, không qua được – nên về sau, chuyện ghép thận em bỏ lơ nhiều năm không bàn đến nữa. Bỡi vì mình cứ nghĩ muốn xin được ghép thận phải là còn tuổi trẻ trung, chứ mình ở tuổi 60 hơn rồi thì làm sao được. Cứ nghĩ vậy nên bỏ trôi nhiều năm không yêu cầu gì. Đến một hôm, một nhóm chuyên viên y tế xã hội lấy hẹn đến phỏng vấn em. Đầu tiên hỏi em có còn tư tưởng muốn ghép thận không?. Họ nói nhiều lắm, họ nghĩ em bị trầm cảm, họ hỏi: Trong thời gian lọc thận chị có bị trầm cảm không?. Em trả lời rất thẳng thắn rõ ràng: “Không” Rồi hỏi: “Có buồn chồng, con gì không? Quan hệ ngoài xã hội, cuộc đời có buồn phiền, bất mãn gì không?” Em trả lời rất dứt khoát: “Không. Tôi thấy cuộc đời nầy đáng yêu, đáng sống lắm. Bệnh hoạn là cái gì đã đến với mình, tôi chấp nhận nó và vẫn sống lạc quan yêu đời. Sống được ngày nào vui ngày đó!” Cậu worker hết lời khen ngợi, nói: “Tôi chưa thấy bệnh nhân nào trả lời vững vàng như chị” (họ nói tiếng Anh nhưng có qua người thông dịch). Sau đó nhóm chuyên viên phỏng vấn còn gặp mình thêm vài lần nữa, em cũng đều trả lời thông suốt hết! Mỗi lần thấy xách hồ sơ lại là biết sắp phỏng vấn. Họ hỏi tháng nầy có ăn ngủ được không. Họ coi hồ sơ mình đã có ăn những thứ gì nhiều quá không. Nhớ có tháng mình ăn nhiều cà chua quá, bị vật, cứ đứng lên là ngã xuống; kihi bớt ăn thứ đó là khỏi ngay. Vậy nên chuyện ăn uống kiêng khem trong khi lọc thận rất là quan trọng.

  Bỡi vì trên thực tế, những người sống trong tình trạng lọc thận, phẩm chất cuộc sống rất thảm hại. Thử tưởng tượng, mỗi tuần 3 hay 4 ngày đi lọc thận; cuộc sống bị xáo trộn; buồn bực, lo lắng, sức yếu, không tự lo được, làm phiền người thân đủ thứ, vv… Nhưng đối với Thuần thì khác. Vẫn tự lo liệu. Buổi sáng thức dậy làm đồ ăn cho cả nhà xong, ăn sáng, tắm rửa, vệ sinh đầy đủ xong chuẩn bị giỏ xách ngồi chờ xe đưa đón của trung tâm lọc thận tới, xách giỏ tự ra xe. Không phiền đến ông xã phải đưa đi đón về. Cứ thế hàng chục năm trôi qua! Vẫn nấu ăn, vẫn đọc sách báo, coi phim ảnh thời sự trên internet, youtube, vẫn xách giỏ đi, xách giỏ về, vui vẻ. Ngay cả những người Mỹ, Mễ làm ở trung tâm lọc thận vẫn ngạc nhiên với tinh thần lạc quan của chị so với các bệnh nhân khác. Mỗi tuần 3,4 lần, gặp Thuần họ đều chào đón vui vẻ và Thuần vẫn cười tươi và say “Hello. How are you” trở lại, không hề tỏ vẻ buồn rầu, bi quan, mệt mỏi – chị kể.

Chị Thuần cho thấy vết mỗ đã thành sẹo trong thời gian dài lọc thận. (Ảnh TĐ)

  Kết quả, khoảng tháng 9 năm 2018, họ báo cho mình biết tin mừng là đã được chọn để nhận ca mỗ ghép thận, và chuyển hồ sơ về bệnh viện Loma Linda để các bác sĩ thận ở đó xem xét toàn bộ hồ sơ trước khi tiến hành ca mỗ. Sau đó, bệnh viện nầy báo về cho biết hồ sơ tốt, họ chịu nhận mỗ ghép cho mình. Chừng một tháng sau, bệnh viện nầy kêu về thông báo cho con gái mình chuẩn bị để đưa mẹ nhập viện bất cứ lúc nào họ gọi.

  Thế là sau đó không lâu, một ngày đầu năm 2019, khoảng 3 giờ sáng, cô con gái nhận được điện thoại của bệnh viện yêu cầu chở mẹ đến ngay. Phòng mỗ cả toán y tá, chuyên viên, bác sĩ đã sẵn sàng mọi thứ để phục vụ mình chị. Ca mỗ ghép thận tiến hành suốt 5 giờ đồng hồ. Chị kể: “Em như trải qua một giấc ngủ dài, hoàn toàn không hay biết gì hết. Đến 8 giờ tối họ mới đẩy mình ra phòng hồi sức. Bác sĩ gặp em đưa ngón tay nói “Very Good!” Em cười tươi đáp trả”.

  Đầu tiên, bệnh viện nói có khả năng nằm 1 tuần đến 10 ngày. “Em nhập viện đúng 2 tây là Mùng Một Tết đến hết mùng Ba Tết là họ nói vết thương rất tốt, đẹp, và đã cho về”!

  Khi ghép thận xong, 24 giờ sau là đã đi tiểu được ngay, không cần lọc thận nữa! Thần kỳ! Khoa học chẳng khác nào chiếc đũa thần!

  Ngay khi ra khỏi phòng mỗ thì phải đi tiểu vào một cái ống để họ còn thẩm định xem nước tiểu ra sao, bao nhiêu, đã bình thường đến đâu? Bác sĩ vô coi ngày hai lần sáng chiều, y tá tắm gội ngày 2 lần, bắt uống thuốc, ăn uống đầy đủ. Tháng đầu tiên sau khi ghép, mỗi tuần tái khám hai lần, mỗi ngày uống cả 40 viên thuốc; tiếp tục cả nhiều tháng như vậy để theo dõi.

  Điều đáng chú ý trên hết là, chị Thuần cứ nhấn mạnh:

  “Mình vô bệnh viện bao nhiêu năm, cuối cùng ca mỗ kéo dài 5 tiếng đồng hồ với cả mấy chục nhân viên lẫn chuyên viên phục vụ, mỗi ngày uống bao nhiêu thuốc, theo dõi bao nhiêu ngày: Không tốn 1 cent! Xứ nầy giống như Thiên Đàng!”

  Đã hơn nửa năm trôi qua. Nếu có người quen nào đó lâu ngày không gặp chị Thuần nay bỗng gặp lại, sẽ thấy sắc diện chị khác hẵn. Da không còn khô và sạm đen như trước. Giờ đây, không những gương mặt tươi mát, sáng ra, tóc mượt hơn – mà tinh thần chị còn vững vàng, tự tin hơn, bỡi vì nghĩ, mình cứ “ở hiền ắt gặp lành” đó là một chân lý đã đúng với mình, và có lẽ bao giờ cũng đúng đối với bất cứ ai

                             Bài và Ảnh: Trùng Dương/Trống Đồng Life

                                                                                               

Banner