Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Nghề nào “Đi làm… (mà) không phải (là) đi làm”?

Phó Thường Dân/Trống Đồng Life

Nhiều bạn đọc thường hỏi người giử mục nầy lấy đâu ra đề tài mà viết hoài không hết chuyện vậy?! Phải thực lòng mà nói rằng đề tài của Phó Thường Dân (PTD) có lẽ viết “mệt nghỉ” vẫn không sợ thiếu; đó là nhờ cứ bám theo dòng thời sự; hễ trong thiên hạ nổi cộm lên vấn đề gì thì ai cũng muốn nói lên cái thiển ý riêng của mình như thế nào để được chia xẻ với thiên hạ. Tuy nhiên, nguồn đề tài phong phú nhất của PTD phải nói là nhờ lượng khách hàng thật đa dạng của nhà sách mà chúng tôi được may mắn tiếp xúc mỗi ngày. Họ đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi trình độ, đủ mọi tín ngưỡng, homeless hay nghèo nhất trong xã hội cũng có, mà chủ nhân ông hãng nầy xưởng nọ cũng không thiếu; nam phụ lão ấu đủ cả. Họ đến với chúng tôi vì một nhu cầu nào đó, chẳng hạn vì lòng yêu sách, yêu báo, yêu những sản phẩm văn học nghệ thuật mà chúng tôi bày bán hoặc ngay cả họ yêu dùng những loại thảo dược giúp sức khỏe như khuynh hướng chung đang lên của cư dân toàn cầu nói chung và của cả nước Mỹ nói riêng hiện nay.

Do những yếu tố trên, nên phải nói rằng đa số khách hàng của chúng tôi tiếp xúc là những người trẻ tuổi, trung niên, hay lão niên – có nhiều tình cảm và có những tầm cỡ kiến thức nhất định nào đó. Suốt trong hơn hai mươi năm qua, với chủ trương “nghiêng tai lắng nghe” từ cậu bé đến cụ già, PTD đã may mắn học hỏi được vô số lời hay ý đẹp từ tập thể khách hàng quý báu nầy. Một cậu bé, cô bé nói với cha, với mẹ, với ông bà trong gia đình cảm thấy không ai hiểu mình, gặp người PTD đây (do “sinh cư bất phùng thời” nên chẳng làm nên việc gì lớn lao được; may sao Trời cho còn mở được cái “quán sách đầu làng” nầy mới có cơ hội học hỏi thêm ở trường đời) thường hay dư thì giờ nhàn rổi và chịu khó nghe, bèn cởi mở hết bao nhiêu ẩn uất khi phải sống trong những gia đình vẫn đầy xung khắc giữa hai thế hệ và hai luồng văn hóa đông-tây! Rồi những ông trung niên gặp những bà vợ “chằn tinh” hay những bà “qua tới Mỹ liền lên mặt, đổi giọng”; hoặc những bà trung niên gặp mấy ông “ưa ăn không ngồi rồi nhưng vẫn đòi làm gia trưởng, chồng chúa vợ tôi” hay mấy ông sồn sồn “hở ra là cứ đòi về VN thăm cô dì chú bác nghèo đói bệnh tật” nhưng bà vợ họ biết tỏng về thói trăng hoa không chừa của quý ông nầy! Rồi những cụ ông cụ bà cao niên sống tha hương buồn xo, ai ở nhà nấy; sống chung với con trai thì còn con dâu, con gái thì rầu chàng rễ!!! Những bầu tâm sự chằng chịt, rối như tơ vò đó biết tỏ cùng ai! Thế là, xin mời! Thiên hạ chẳng cần vàng bạc châu báu gì. Họ chỉ cần một sự thông cảm và chia xẻ chân tình mà thôi! Và, người PTD nầy chẳng cần phải trí thức giỏi giang gì mới làm được điều đó; mà chỉ cần một trái tim không nói dối là đủ!

   Thường đối với những bầu tâm sự đó, trong một số trường hợp, chúng tôi vẫn có một lời khuyên giống nhau trên nguyên tắc “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, bởi chẳng ai hoàn toàn vô tội và chẳng ai thấy được cái bướu trên lưng mình!!! Có tội cứ xưng tội, có lỗi chân thành sửa lỗi; nếu may mắn gặp toàn những người biết điều trong gia đình thì sau đó ắt “gia đạo an vui”!

  Mỗi người mỗi cảnh khác nhau, họ gộp thành hình ảnh chung của xã hội như một bức tranh nhiều màu sắc. Trong khi Bộ Xã Hội của một chính quyền cần phải bỏ cả khối tiền để trả nhân viên đi đến từng nhà ghi nhận và báo cáo mọi tình huống để rồi sau đó đưa qua cho các chuyên viên về Xã Hội Học để họ nghiên cứu và phân tích hiện trạng thực tế của từng gia đình cư dân, sau đó mới đề ra chính sách giải quyết và đáp ứng đúng nhu cầu thực tế của xã hội – thì PTD lại được cái may mắn là nhờ có cái quán sách đầu làng nầy mà những cư dân điển hình mỗi người mỗi cảnh đó thường đến gặp gỡ và chuyện trò, nên có cái may mắn là thấy được một số những khó khăn, những thuận lợi, những phức tạp chung nhất của họ – để làm gì? PTD không phải là người thu thập dữ liệu để có trách nhiệm đề ra chính sách như các nhà xã hội học – mà chỉ là để “đặt vấn đề”, nêu vấn đề ở đây hoàn toàn không có tính cách riêng tư của bất cứ một ai, mà là những vấn đề có tính cách chung nhất, khái quát nhất, cho đồng hương mình đọc và suy nghĩ, nói qua nói về cho vui; theo cái kiểu “xem người lại nghĩ đến ta” hay “trong người có ta, trong ta có người” vì nếu có người gặp phải khó khăn đó thì cũng có ngày mình sẽ gặp, vv… theo cái kiểu uống thuốc bổ cầu may, không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, thế thôi! Nhờ đó mà người viết thường không sợ thiếu đề tài và… thường những vấn đề nêu lên lại là những chuyện không hề xa rời thực tế chút nào!

  Ngoài chuyện “quán sách đầu làng” đã giúp gợi ý đề tài cho người viết, thì trong tinh thần nêu trên, nó còn là một trường đời để “người giữ quán” có chỗ, có dịp học hỏi đủ thứ vấn đề lớn nhỏ trong cuộc nhân sinh nầy suốt mấy chục năm qua. Người ta thường nói “nghề là nghiệp”. Dù trước khi khởi nghiệp làm sách báo nầy cách đây gần 3 thập niên ở hải ngoại, có người bạn quen đã cảnh cáo trước rằng: “Sao không đi bán cháo, bán chè gì còn có ăn, chứ nghề bán sách, làm báo ở xứ Mỹ nầy lấy gì ăn, làm sao sống được?!”

  Mới đây, gặp lại chị ở quận Cam sau hơn 25 năm. Dĩ nhiên chị rất ngạc nhiên thấy mình còn sống sót sau thời gian dài bằng ¼ thế kỷ với cái nghề mà chị cho rằng “lấy gì mà ăn”! Chị rất mừng thấy rằng dù chọn một cái nghề khó ăn nhất nhưng chúng tôi vẫn vượt qua mọi khó khăn thử thách để sống trọn “một phần tư của cuộc trăm năm” với những cuốn sách và con chữ; trong khi đó, PTD nầy còn khoe thêm với chị về một niềm hạnh phúc khó ai có được, đó là không có nghề nào có thể nói rằng “từng ngày đi làm cũng là từng ngày đi học”. Người ta thường nói: mỗi cuốn sách hay là một ông thầy, trong khi “người bán sách” có biết bao nhiêu cuốn sách hay đáng đọc. Đồng thời, “mỗi người mê đọc sách, biết chọn thú vui là đọc sách – đó là những người rất đáng khâm phục; trong khi “người bán sách” mỗi ngày được gặp không ít khách hàng đến tìm mua sách chính là những người đáng khâm phục đó. Kết cuộc, “người bán sách” được đời cho hưởng hết những phúc lợi nói trên: Muốn ông thầy hay- đã có sách hay! Muốn làm bạn với những người đáng nễ để được học hỏi, tham vấn – đã có những người khách hàng đáng khâm phục tự tìm đến với mình!

  Nghĩ cho cùng: không có nghề nào cho phép bạn nói không hề sai chút nào khi buổi sáng xách cặp ra khỏi nhà có người hỏi: “Đi làm phải không?” thay vì với vẻ mặt đau khổ gật đầu thì người làm nghề báo, bán sách, có thể tự dưng thấy lòng phơi phới trả lời: “Noooo…ooo. Đi học đúng hơn là đi làm!”

  Biển học mênh mông, càng học càng thấy mình còn thiển cận quá! Một nghề cho mình có dịp học hoài học mãi thì còn gì bằng!

  Nghề nào cũng có Nghiệp Tổ, Tổ Nghiệp! Xin cho người viết bài nầy được nói lên những lời cảm kích sâu xa đối với Ân sư Tổ nghiệp của nghề “làm báo, bán sách” – là một trong một số rất hiếm những nghề có thể nói “đi làm cũng là đi học, làm bao nhiêu học bấy nhiêu, có khi làm ít mà học nhiều hơn và học trên vô số lãnh vực” – thật không hề là “ngoa ngữ” chút nào!

                                      Phó Thường Dân/Trống Đồng Life

Banner