Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Gốc Việt Quanh Ta/Nhân Vật và Sự Kiện

*Điển hình tốt của thế hệ gốc Việt thứ 3: Học giỏi ở trường, nói được tiếng Việt ở nhà

Trong khi lớp người tỵ nạn thế hệ thứ nhất đi vào độ tuổi lục tuần thất tuần trở lên, thế hệ thứ hai trở thành những lao động chính đứng ra xây dựng gia đình và gánh vác công việc xã hội, thì thế hệ thứ ba lần lượt được ra chào đời trên quê hương thứ hai của người gốc Việt nầy.

  Thế hệ thứ ba nầy ngày càng đông hơn, các cháu được dinh dưỡng đầy đủ, giáo dục đầy đủ theo người bản xứ – tóm lại, chúng không thiếu gì, không cần gì – chỉ thiếu và chỉ cần nhắc nhỡ, lưu giữ cho được phần nào cái gốc Việt – tức nơi xuất phát tổ tiên bao đời của mình mà thôi!

  Để đạt được mục đích “nhắc nhỡ và lưu giữ cho được phần nào cái gốc Việt” trong thế hệ thứ ba nầy, chúng tôi nghĩ vai trò của cha mẹông bà là vô cùng quan trọng.

  Ảnh trên là một trong những cháu bé thuộc thế hệ thứ ba của người gốc Việt lưu vong trên quê hương nầy: Cháu Randy Võ, 6 tuổi, học sinh lớp 1 của trường tiểu học Walnut Avenue. Randy có khuôn mặt bầu bĩnh dễ thương và còn ngoan và giỏi. Thời gian gần đây, Randy đã nhận được phần thưởng của nhà trường về nhiều mặt: đi học chuyên cần không vắng mặt ngày nào, đọc được nhiều trang sách hơn các bạn, đánh vần không sai chữ nào, vv… và được trao danh hiệu “Superhero” của tháng 11 vừa qua.

Tuy còn bé tí nhưng Randy Võ rất mê sách. Từ sách tập đọc, tập viết, đến sách tô màu… (Ảnh TD/TĐL)

  Randy Võ là con trai của mẹ Hà Bùi và cha là Phúc Võ. Được biết cháu rất yếu khi mới sanh ra nhưng nhờ sự nuôi dưỡng và chăm sóc tận tâm của ông bà và cha mẹ nên nay cháu đã thành một đứa trẻ có sức khỏe tốt cả về tinh thần lẫn thể chất. Và cũng nhờ tiếp xúc thường xuyên với gia đình trong môi trường nói chủ yếu tiếng Việt nên bé Randy Võ có thể nghe, hiểu, và trả lời bằng tiếng Việt một cách khá rõ. Mỗi lần đến nhà sách, cháu liền chạy ngay đến ngăn kệ để sách thiếu nhi, kiếm cho được một vài cuốn sách chuyện cổ tích, tập viết, tập vẽ… để đòi mẹ đem về cho bé. Khi được hỏi những bằng tiếng Việt những câu thông dụng như: “Cháu tên gì?, Cháu mấy tuổi? Học lớp mấy? Ở nhà với ai? Lớn lên muốn làm gì?,vv… Randy Võ đều có thể trả lời được, đôi khi phải cần sự nhắc tuồng của mẹ hoặc của bà ngoại; nhưng căn bản là cháu phát âm được rõ từng chữ, chứng tỏ sự quen thuộc của cháu với thứ ngôn ngữ ngũ âm có nhiều dấu giọng nầy; khác với các trẻ gốc Việt sinh ở Mỹ nhưng đợi đến tuổi lớn mới bắt đầu học nói tiếng Việt. Một lý do cũng quan trọng không kém để chú ý tập trẻ từ bé là khi đến tuổi biết hơn một chút; nếu nói không rành, giọng lơ lớ, trẻ sẽ ngại không dám nói vì sợ người khác chế giễu.

  Xin lưu ý cùng bạn đọc: Để đóng góp một hạt cát vào công trình to tát nói trên trang Web Trống Đồng Life sẽ mở thêm tiết mục “Bé giỏi Bé ngoan, không quên gốc Việt” và chúng tôi sẽ hân hoan đón nhận tất cả mọi hình ảnh và mọi thông tin, tài liệu chi tiết của các cháu bé ngoan, giỏi tại trường – đồng thời được chú ý nhắc nhở bằng tiếng Việt tại nhà của quí vị; để khích lệ và quảng bá cách giáo dục “bảo tồn nguồn cội” của chúng ta cho cả cộng đồng được biết và cùng chung tay phát triển đường hướng nói trên. Xin quí vị gửi hình ảnh và chi tiết về địa chỉ e-mail: trongdongnews@hotmail.com hoặc gửi về địa chỉ Trống Đồng Life, P.O. Box 972, Upland, CA 91786.

Rất cám ơn sự hợp tác và dự phần của tất cả các bậc phụ huynh trong tiết mục nầy.

Trùng Dương/trongdonglife.com

Banner