Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Gốc Việt Quanh Ta/Nhân Vật và Sự Kiện

Gốc Việt Quanh Ta: Cái gì đáng quý nhất trong cuộc 100 năm nầy? Đây là câu trả lời của Cụ Ông 90, Lưu Tấn Lâm

Có đi đến tận chân trời

Mới hay thương nhất vẫn lời Mẹ ru!

Đó là hai câu thơ đã làm xúc động bao nhiêu người Mỹ gốc Việt khi mới thoạt nghe qua, bởi sự đồng cảm của tâm trạng một người xa quê cả nửa vòng trái đất mới chợt nhận ra được cái sự vô giá của tình Mẹ trong tận đáy lòng của một đứa con.

 Nói xong cụ Lưu lặp lại ý nầy bằng tiếng Anh luôn: “Giving is better than receiving”, đồng thời Cụ viết xuống tờ giấy nguyên câu đó trước sự ngạc nhiên của người đối diện. Ảnh: Cụ Lưu đang viết tên mình và hai câu thơ trên để tặng cho chúng tôi. Cụ viết được cả chữ Hán, chữ Việt, chữ Anh vừa đẹp vừa hay, không sai chữ nào! (Ảnh TĐ News)

—-

Tác giả hai câu thơ trên chính là Cụ ông Lưu Tấn Lâm sanh năm 1930, hiện đang cư ngụ vùng Los Angeles. Cụ Lưu thường hay về thăm một người con là cư dân vùng Pomona, nhờ vậy thỉnh thoảng Cụ cũng có dịp ghé qua nhà sách Trống Đồng. Lần gặp mới nhất cách đây khoảng vài ba tuần, chúng tôi đã có dịp hầu chuyện lâu với Cụ.

Người ta thì miếng trầu, điếu thuốc, tách trà, vv… là đầu câu chuyện, còn đối với Cụ Lưu thì “tình Mẹ” là đầu câu chuyện. Sau khi đọc mấy vần thơ trên, Cụ nói: – Đến Mỹ là đăng báo liền, ai cũng thích!

Hỏi: Thưa, Cụ đăng trên báo nào vậy?

Đáp: Vâng. Báo của Hội người Việt Cao Niên ở đây.

Hỏi: Cụ đến Mỹ năm nào?

Đáp: Đến nay là 24 năm rồi, đến Mỹ năm 1994 hay 95 gì đó…

Hỏi: Cụ đi với ai?

Đáp: Đi cùng với con. Con cháu vượt biên bảo lãnh. Bây giờ chúng học thành danh thành tài hết rồi. Có đứa tốt nghiệp tiến sĩ từ trường USC danh tiếng cơ đấy (nói rồi cụ đánh vần nguyên chữ University of Southern California luôn, không hề sai, lại còn viết nguyên chữ ra nữa).

 Cụ Lưu cười vui vẻ nói:

Tôi nói 90 ai cũng giật mình hết!

Rồi Cụ kể lại chuyện ngày xửa ngày xưa cách nay mấy chục năm khi mới bay sang Mỹ. Cụ hồi tưởng:

Ngồi trên máy bay từ BangKok qua Los Angeles. Bà nhìn lên bản đồ đi. Đây là L. A., đây là B. K. Cả ngày đêm ngủ trên máy bay, chiếc máy bay to đùng cả 100 m đầu nầy qua đầu kia, mỗi hàng 9 người mà nhìn từ trên xuống cuối máy bay không biết bao nhiêu hàng. Khi bỏ khách xuống LA thì người từ trong bụng máy bay túa ra đông như cái chợ…

Hồi xưa Cụ làm nghề gì?

Trước tôi làm chương trình của chính phủ gọi là chương trình Diệt Trừ Sốt Rét (DTSR) của Thiếu tướng Trần Tử Oai. Đội quân DTSR nầy mặc quần áo như quân đội nhưng màu nâu, đi vào nhà dân để xịt thuốc trừ sốt rét. Về sau hết chương trình DTSR thì tôi làm nghề sửa đồng hồ. Tôi có tiệm sửa đồng hồ cũng khá lớn ở chợ Ông Tạ, có đến 4 người làm cho tôi.

 Ngừng lại một chút, Cụ Lưu cười và nói tiếp:

Nói vô phép, hồi đó người Tàu hay mượn (mướn) người Nam làm. Nhưng tôi thì lại mướn toàn mấy ông Tàu, họ là Tàu trốn lính, có ông làm từ đầu cho đến khi chết là cả 30 năm.

 Rồi Cụ Lưu tự thuật mình là dân di cư 1954, quê gốc ở Nam Định: “Quê tôi gần chùa Cổ Lễ, ngôi chùa nổi tiếng nhất Nam Định đó mà, thời đó ai nghe chùa Cổ Lễ cũng đều biết.” Cung cách ăn nói của Cụ Lưu phải nói là vô cùng lịch sự, cái cung cách của những người thuộc giai cấp con nhà có ăn có học từ giữa thế kỷ trước còn sót lại. Nhất là khi cụ nhìn thẳng vào người đối diện, một người mới khoảng… 70, tức chỉ ở tuổi con cháu mình, và nói khen vui theo kiểu xem tướng mạo:

Bà đó, xin phép, bà hiền lành ở cái tóc, lanh lẹ ở cặp mắt…

Đáp:

Dạ không dám thưa Cụ, mình vốn số “vất vả” nên phải ráng…

Chưa đợi dứt câu, Cụ đã cắt ngang với những lời những ý thật hay lạ, ít khi người ta “được” nghe:

Ồ, những người vất vả đó là bậc thầy mình hết. Ông bà ta thường nói thất bại là mẹ thành công. Những người thất bại mà biết nghiệm lại cái thất bại để đi lên đều là những người đáng cho mình học hỏi hết!

Cụ ơi, Cụ nói hay lắm! Nhưng có một điều là giờ đây và ở Mỹ đây, ít ai còn ca tụng “tình Mẹ” là gì đâu! Họ chỉ coi đó là bổn phận. Quan hệ mẹ con thấy mà đau lòng, ai không làm đúng bổn phận còn bị bắt bỏ tù, chứ đừng nói gì đến ơn nghĩa để mà ca tụng!

Ấy, đó là mình chỉ mới nói trên cái lý! Ngoài cái lý còn có cái tình. Cái tình mẹ đối với con là không thể nói hết được.

Ông cụ trầm giọng, nhấn mạnh:

Mẹ là Trời là Phật đó bà. Người nào được gần mẹ, người đó là đại phước! Mẹ chỉ có biết “cho” mà thôi… Cái người mẹ là chỉ có “cho” thôi! (Cụ nhấn từng chữ). Không cần đòi hỏi, cũng không cần “nhận” gì ngược lại ở đứa con nữa!

 Nói xong cụ Lưu lặp lại ý nầy bằng tiếng Anh luôn: “Giving is better than receiving”, đồng thời Cụ viết xuống tờ giấy nguyên câu đó trước sự ngạc nhiên của người đối diện.

 Người con gái đi cùng với Cụ cho biết khi mới qua Mỹ Cụ cũng có đi học tiếng Anh mấy năm.

 Lạ một điều là ông cụ 90 còn viết chữ rất đẹp, tay không run rẩy và trí nhớ tốt, không sai tí lỗi chính tả nào.

  Cụ hỏi xin chúng tôi một tờ giấy trắng, rồi nói:

Bà nói chuyện với người ta, không cần nhiều, chỉ một hai câu là người ta đã đánh giá bà được rồi. Và khi người ta nói chuyện, trao đổi thật lòng với nhau, đã là “cho” nhau đó chứ! Không chỉ tình mẹ mới biết “cho” mà thôi. Người tốt cũng thường thích “cho” hơn thích “nhận”. Nếu ai nghĩ ngược lại: thích “nhận” hơn thích “cho” – thì tầm thường quá, không độ lượng!

 Vừa nói ông vừa viết gì đó lên tờ giấy trắng chúng tôi vừa trao. Chưa đầy một phút sau, Cụ đưa lại tờ giấy cho chúng tôi và nói:

Đây, xin biếu bà…

  Liếc nhanh qua trang giấy thì ra toàn những lời về Mẹ mà chính tay Cụ Lưu vừa mới viết bằng tiếng Anh trên ấy:

My Mother

I looked at her face and she looked into mine… that I do remember and I take with me all of my life.

I’m her child and She is my Mother

24 Feb., 2019

  Trong khi nhìn tôi đọc những dòng chữ ấy thì Cụ nói:

Khi bà bế con, con nhìn bà, bà nhìn con, tình cảm đó làm sao nói hết, đó là thứ tình mà khi chết cũng không dứt được. Nếu chẳng may mà mẹ mất sớm, bà mẹ linh thiêng vẫn đi theo mình. Người ta vội nói chết là hết, chứ chết không hết đâu. Người xưa thường nói phúc đức tại mẫu, thành ra khi đi hỏi vợ cưới chồng, người ta thường để ý người mẹ chứ không phải ông bố. Chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, sinh lực hao mòn, nặng nhọc gánh chịu… Mẹ là bầu trời. Mẹ vô cùng vĩ đại…

 (Ở đây cần phải mở dấu ngoặc để nói thêm một điều đáng ngạc nhiên về Cụ Lưu trong những lời ông chia sẻ với chúng tôi sau đây:

“-Bà có thể tưởng tượng được, một người con trai mồ côi mẹ lúc 9 tháng tuổi người đó là tôi không?! – Lúc ấy Cụ mới mấy tháng tuổi sao nhớ hết được! – Ấy, người mẹ linh thiêng là đi theo con đến cuối cuộc đời! Tôi tin lúc nào mẹ cũng đi bên tôi!”)

Thật là cảm động! Cụ là một người từng sống cả trăm năm cuộc đời mà cuối đời đã đúc kết về tình Mẹ như thế thì không còn gì bằng, không còn bài thơ diễn tả tình mẹ nào của nhà thơ nào có thể hay hơn nữa, chúng tôi ở đây thật là có duyên may mới được gặp và nghe Cụ nói chuyện hôm nay.

Thưa bà, sống trong cuộc đời nầy phải có cái duyên mới được gặp nhau, không duyên không gặp. Đó là chữ “duyên” (ngừng một chút, Cụ Lưu nói tiếp) Và còn một vài điều nữa tôi cũng đã nghiệm thấy trong cuộc trăm năm nầy và muốn chia sẻ với bà, đó là: Người “khôn” là phải biết nghiêng tai, lắng nghe – Và, thêm nữa là: biển học là mênh mông, học hoài học mãi không hết. Học cho đến chết chưa thôi!

  Nói xong, Cụ mĩm cười hiền lành quày chân bước ra cửa (theo người con gái đang kiên nhẫn đứng chờ) – chắc phần nào Cụ đã thỏa lòng sau khi để lại những lời nhắn gửi vô cùng quý báu mà cụ từng cảm nghiệm được trong ngót trăm năm cuộc đời này cho những lớp hậu sinh.

                                                      Bài & Ảnh: Trùng Dương/Trống Đồng News

Banner