Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

What? … What?/– Trẻ hư hay Già lỗi?

Mỗi Kỳ Một Chuyện

ảnh minh họa

                  Phó Thường Dân

Nhân mùa Vu Lan báo hiếu, các thế hệ người Mỹ gốc Việt vẫn còn thấy tấp nập kéo về các ngôi chùa để cầu an cho cha mẹ hiện tiền hay đã khuất – thật là một điều đáng mừng! Tại các cuộc lễ nầy, ban tổ chức và người tham dự nói về, nghe về, những tấm gương hiếu thảo đời xưa và ngay cả đời nay, tiếng Việt và cả tiếng Anh. Rồi ban văn nghệ trình diễn những màn vũ, những ca khúc nói lên lòng hiếu hạnh của người con đối với cha, nhất là đối với mẹ, thật là cảm động. Một sinh hoạt có nội dung và ảnh hưởng tốt đẹp vô cùng đối với khía cạnh đạo đức, tâm linh của một con người.

Nhưng, đáng tiếc rằng hầu hết những người tham dự đều là những người.. ông bà, cha mẹ, quan tâm đến giềng mối đạo đức gia đình, những người con cháu biết vâng lời, biết thương yêu, kính trọng phụ mẫu, biết sợ làm cha mẹ buồn phiền, biết sợ trở thành người con bất hiếu thì sẽ bị Thánh Thần quở phạt và sẽ mạt vận suốt đời, vv… Tóm lại, đa phần khách đến chùa dự Vu Lan đều là những  cha mẹ, còn cố gắng gìn giữ cho được cái kỷ cương trong gia đạo, nêu bật cái đạo hiếu làm đầu; và hầu hết gia đình trẻ đến chùa dịp nầy đều là những người con hiếu thảo hoặc quan tâm đến chữ hiếu trong đời sống mỗi ngày.

Ngược lại đối với những gia đình khi đến Mỹ nầy

 chỉ lo tìm cách hội nhập cho kịp với xã hội mới, không những văn hóa giáo dục mà cả phong tục tập quán của mình cũng cho là lạc hậu, đáng bỏ đi – để học đòi cách sống gọi là văn minh của họ mới là “tiến bộ”, thì có lẽ chữ “hiếu” không cần có tính bắt buộc như là một cái “đạo”, và cũng chẳng cần phải “báo” hiếu mỗi năm như thế đó!

Thực tế, cũng cần phải nhìn cho thấu đáo mới thông cảm được trong cộng đồng gốc Việt ở Mỹ đây, những gia đình đến sớm cách đây ba bốn thập niên đã phải chịu đựng nhiều căng thẳng gấp bội so với những gia đình được cha mẹ anh em bảo lảnh mới qua sau nầy. Lúc đó, người Việt chưa đông, nhìn đâu cũng gặp người bản xứ. Phải “học ăn, học nói, học gói, học mở” căng thẳng hơn hiện nay nhiều. Nhiều gia đình cha mẹ bận rộn lo làm ăn để đến tháng trả tiền nhà tiền bills cho kịp thời hạn, lo đối phó với đủ mọi điều căng thẳng hàng ngày, không còn thì giờ chuyện trò dạy dỗ con ngoài việc lo cho chúng ăn mặc và đưa đón chúng đến trường mỗi ngày mấy lượt. Chỉ mong cho chúng không theo băng đảng, học hành cho bắt kịp chúng bạn và ra trường cho đúng tuổi là đã mừng lắm rồi.

   Khác với những gia đình trẻ mới qua đây, hoặc những vợ chồng mới về nước cưới rồi đưa qua, … họ cho dù có bở ngỡ với xã hội mới, vẫn ít bị stresses hơn nhiều so với trước đây. Bây giờ họ có cả đại gia đình ông bà, cha mẹ, anh chị em, cousins, bạn bè gần xa, mạng xã hội, vv… để trao đổi học hỏi. Họ lại có cả những cộng đồng gốc Việt, ít nhất 50% có thể nói tiếng Việt, lớn mạnh với nào là bác sĩ, luật sư, nghị viên, thị trưởng, dân biểu… tràn lan, để nếu cần thì gõ cửa cầu cứu. Có cả tiếng Việt trong trường học, có cả tên đường phố mang tên anh hùng VN, có cả nhiều báo chí, đài phát thanh, truyền hình tiếng Việt 24/24, chợ búa, văn phòng cố vấn pháp luật, chùa chiền, nhà thờ, mọc lên khắp nơi. Tóm lại nhờ những yếu tố đó, các thế hệ đi sau mất dần đi cái nhu cầu phải hội nhập để sống còn và cũng khó thể nào bỏ quên được phong tục truyền thống văn hóa ngôn ngữ nước nhà. Vì thế, gặp những thế hệ thứ 2, thứ 3 thứ 4 từ những gia đình mới qua gần đây, sẽ dễ nhận thấy họ vẫn còn giữ được từ 40 hay 50% đến 80% cách ăn mặc, nói năng, cư xử của một gia đình VN truyền thống. Ngược lại, gặp những trẻ gốc Việt lớn lên ở đây, ngay cả những cô, cậu đang học hay đã học xong đại học – nói đến lễ Vu Lan, đa phần chúng mở to đôi mắt hỏi, vừa tiếng Việt vừa tiếng Mỹ: “What? What? Đó là cái gì vậy ?” giống như người từ hành tinh khác tới với những từ ngữ chưa từng được nghe tới !!! Tuy nhiên, cũng đáng mừng là có một số các cháu khi nghe giải thích tường tận ý nghĩa của ngày lễ nầy cũng tỏ ý tiếc rẻ là mình đã không được biết sớm hơn và tỏ ý muốn được tham gia với mọi người để tìm hiểu thêm về đặc điểm văn hóa tốt đẹp rất nên phổ biến rộng rãi nầy.

  Điều cần nói ở đây là cây nào quả nấy. Một trẻ không biết Trung Thu là gì, Tết VN là gì, Hai Bà Trưng là ai, Vua Hùng là ai, hay không thể nói được một câu chào hỏi bằng tiếng Việt, vv…. hoàn toàn không phải lỗi tại nó. Tưởng cũng cần mở một dấu ngoặc ở đây để chứng tỏ mình không nên ‘vơ đũa cả nắm”!Trường hợp vừa nêu ở phần trên là đa số, chứ không phải là tất cả! Vẫn có những luật trừ rất đáng nói. Không thiếu những gia đình qua từ 75 mà con cháu vẫn nói được tiếng Việt và khi lấy chồng hay cưới vợ cũng thực hiện theo nghi lễ áo dài khăn đóng truyền thống. Không thiếu những gia đình khi con đến trường học và nói tiếng Mỹ nhưng khi về đến nhà là phải nói tiếng Việt với cha mẹ để khỏi quên tiếng mẹ đẻ. Nhờ đó, những đứa trẻ “bilingual” nầy vừa giữ được tiếng Việt khi lớn lên làm bất cứ nghề gì trong đất nước đa văn hóa đa ngôn ngữ nầy chúng đều được trọng dụng hơn người khác.

  Trách nhiệm người làm cha mẹ đơn thuần ở trong nước đã nặng lắm rồi; nhưng khi nuôi dạy con cháu trên một quê hương thứ hai như thế nầy lại còn nặng nề gấp bội.

  Trăm lời răn dạy không bằng một cách sống làm gương. Lễ lạc không đến chùa hay nhà thờ thì đương nhiên bảo con xem lễ trăm lần chúng cũng không nghe; hoặc cha mẹ hở ra là nói tiếng Mỹ với nhau thì có bảo con học nói tiếng Việt ngàn lần cũng vô ích! Trẻ con khôn hơn những gì người lớn đánh giá về chúng! Chúng chỉ muốn làm theo những gì cha mẹ làm chứ không theo những gì cha mẹ nói; Sống bất hiếu với cha mẹ mà dạy con phải có hiếu với mình thì … 100 phần hết 99 phần thất bại !!! Nói một đàng làm một nẻo là tai hại vô lường.

   Viết đến đây, chúng tôi chợt nhớ đến một nguồn tin thời sự nóng hổi vừa đọc thấy trên Internet về một người cha nổi tiếng: Ông Eric Bolling – một chủ nhiều talk shows, mới đây nhất là một show  có tên “Specialists” của đài truyền hình Fox News. Nguyên ông nầy là một trong những ủng hộ viên rất có “quyền lực” (vì là chủ một chương trình TV có nhiều người xem, một chuyên viên vận động hành lang (lobbyist) nhiều kinh nghiệm), giàu tiền, thân cận với giới quyền thế, viết nhiều sách bênh giới bảo thủ và từng ca ngợi rằng khả năng của TT Trump có thể làm sạch vũng bùn tham quan Tòa Bạch Ốc. Ông nầy 55 tuổi, có một cậu con trai duy nhất 19 tuổi đang học năm thứ hai đại học Colorado tên Eric Chase Bolling Jr. có gương mặt hiền lành và sáng đẹp như trăng rằm. Ông Bolling rất yêu mến và tự hào về cậu con trai ngoan hiền, còn con trai thì hãnh diện với bạn bè về người cha nổi tiếng và luôn coi cha là thần tượng của mình. Mới đây có một bài báo của phóng viên Yasha Ali thuộc hãng tin Huffington Post tố với 14 nhân chứng cho rằng từ nhiều năm nay đã bị quấy nhiễu tình dục bởi ông Bolling. Trong số đó có nhiều nữ đồng nghiệp ở Fox News cho rằng ông đã text messages những hình ảnh khiêu dâm, gợi dục, trong đó có cả hình ảnh dương vật của ông ta cho mấy “nạn nhân” nữ đồng nghiệp đó!!! Bài báo nầy tung ra cùng lúc với những sự than phiền, khiếu nại của các nữ đồng nghiệp ở hãng Fox khiến hãng nầy quyết định đình chỉ công việc của Bolling để tiến hành điều tra thực hư của vụ nầy ra sao. Hởi ôi! Cậu con thì nhục nhã xấu hổ với bạn bè tuy nhiên vẫn gắng chờ và đặt hy vọng cuối cùng vào kết quả của cuộc điều tra. Ông cha thì mất mặt, tìm cách chống chế. Mướn luật sư kiện Yashar Ali – tác giả bài viết nói trên – cho rằng ông nầy đã bịa đặt, thổi phồng mọi chuyện để bôi nhọ mình, và đòi $50 triệu tiền bồi thường danh dự. Cho đến hôm Thứ Sáu ngày 8 tháng 9 vừa qua, hãng tin Fox News chính thức thông báo cuộc điều tra đã hoàn tất và họ quyết định hủy bỏ show “Specialists”, và chia tay đường ai nấy đi đối với ông Bolling. Họ cũng không quên lịch sự cám ơn ông Bolling đã bỏ công phục vụ 10 năm đối với những khán giả trung thành của họ và chúc ông mọi sự tốt đẹp trong tương lai. Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi thông báo nầy được các hãng tin loan ra, người ta phát giác cậu con trai của ông đã chết trong phòng ngủ ở trường đại học của mình. Lúc đầu, ông Bolling đã tránh né nhìn nhận khả năng tự tử của con, cho rằng nhà chức trách còn đang điều tra nguyên nhân của cái chết. Nhưng sau đó một, hai ngày, nhiều nguồn tin đã xác nhận Eric Chase Bolling Jr. đã tự tử. Bạn bè thân cận với cậu còn cho biết những ngày cuối của Eric Chase thật vô cùng bi thảm: cậu thao thức – ngủ cũng không được, mà thức cũng không yên nổi, vật vả cho đến giờ phút chót khi quyết định chấm dứt cuộc đời mình! – ngay trong lúc mới bắt đầu làm sinh viên năm học thứ hai và cũng là một trong những cầu thủ bóng chày đầy năng lực của trường đại học. Nếu yêu thương con thật sự, chắc hẵn không bản án nào nặng nề và khắc nghiệt cho bằng bản án nói trên đối với ông Bolling!

    Bài học qua câu chuyện nầy là gì? Bạn có thể tha hồ sống lừa đảo, gian dối với tất cả mọi người trên thế gian nầy, cái giá cuối cùng phải trả chỉ là tiền của, vật chất, tù đày, hay nặng nhất là mạng sống của chính bạn là cùng. Nhưng – nếu lừa đảo, gian dối cả với những đứa con của mình – thì cái giá phải trả nặng hơn gấp bội lần: vì đó chính là mạng sống của những đứa con mà bạn hết lòng thương yêu – thật không còn bản án nào nặng hơn thế nữa!

   Chưa hết, chuyện cha con ông Bolling khiến người viết bài nầy liên tưởng đến một trường hợp tương tự từng xảy ra ở trong nước khoảng những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi cộng sản mới vào cưỡng chiếm miền Nam. Một quan chức công an chuyên bài trừ tệ nạn xã hội, lại là khách hàng thường xuyên và đáng nễ của các tú bà chủ động mãi dâm có tầm cỡ. Mỗi lần ông tới chơi là toàn thể các cô gái trong động phải thoát y và sắp hàng để cho ông nắn nót lựa chọn. Nội vụ lúc đó chẳng may bị phơi bày trong một loạt điều tra của tờ báo Công An hay Tuổi Trẻ gì đó, và kết quả là cô con gái của ông quan nầy đã tự tìm đến cái chết để chạy trốn nỗi nhục nhã và xấu hổ trước bạn bè và dư luận! Bản án của ông quan công an nầy cũng nặng không thua gì của ông Bolling là vậy!

  Cha mẹ cũng như gia đình và nhà trường là hai tác tố ảnh hưởng trực tiếp lên tâm lý giáo dục con trẻ. Nhà trường dĩ nhiên dạy trẻ sống ngay thẳng lương thiện. Cha mẹ cũng dạy dỗ (nói) và sống (làm) lương thiện như vậy thì trẻ sẽ lớn lên OK. Nhưng nếu cha mẹ “nói một đàng làm một nẽo” thì đứa bé sẽ lâm vào tình trạng khủng hoảng, không biết tin vào đâu. Tệ hơn nữa, nếu việc làm nào đó của cha mẹ lại là bất lương, mất đạo đức thì trẻ dễ lâm vào tình trạng bế tắc, thất chí, không còn muốn sống nữa!

  Tóm lại, trẻ từ bé đã có thói quen hay bắt chước ông bà, cha mẹ. Chẳng hạn, thỉnh thỏang ta hay thấy con bé cháu tí hon, cắp cây dù bước thấp bước cao, hay nheo nheo cặp mắt khi đọc sách, giống như ông nội, bà ngọai vẫn làm! Người lớn hay cười ngất mỗi khi thấy hình ảnh đó chứ không ai nghĩ xa xôi rằng: mỗi ngày mỗi lời nói, mỗi hành động của cha mẹ, ông bà đều in sâu trong trí óc ngây thơ trong sáng đó không hề phai nhạt. Thế nên, suy cho cùng, từ chuyện Vu Lan đạo hiếu đến chuyện mất phương hướng, tự tử, vv… đều không thể quy hết cho trẻ, mà phần lớn là lỗi ở già. Bởi dù ở xã hội văn minh đến đâu đi nữa, bối cảnh chung quanh có lành mạnh hay hư đốn đến đâu đi nữa, luật pháp có cho đứa bé quyền tự do phát triển và hạn chế quyền cha mẹ đến đâu đi nữa – thì, trách nhiệm cuối cùng về tính cách, hành động, và cả mạng sống của đứa bé vẫn có phần căn bản là do cha mẹ. Một đứa trẻ mất gốc, hư hỏng, phản kháng, hay tự hủy hoại thân thể… hầu hết trong các trường hợp, người cha hay người mẹ không thể nào thoái thác phần trách nhiệm của mình – dù rõ ràng hay tiềm ẩn – ở trong đó.

                 Phó Thường Dân/Trống Đồng

Banner