Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Năm 2 Lần Tết: Cạn Túi Nhưng Mà Vui ?!

Mỗi Kỳ Một Chuyện

     

Nhớ ngày xưa ở VN, mỗi năm chỉ một lần Tết thế mà ban AVT trong một nhạc phẩm của Nhạc sĩ Lữ Liên có tựa là “Chúc Xuân”, còn đã thán oán: “Tết nhất làm chi, Ai bày tết nhất làm chi, Lo quần, lo áo, lo đi chạy tiền…… Riêng tôi, nghĩ (đến) tết… hứ…hứ… mà điên cái đầu…!”

Huống gì ở đây, người Mỹ gốc Việt như cộng đồng mình: không những nhiệt tình “open” với văn hóa mới; mà còn không chịu bỏ quên văn hóa truyền thống nước nhà, thê nên kết cục là Tết người cũng tham gia hai chân hai tay mà Tết mình cũng muốn giữ cho giống như phong tục ngày trước! Thế là mỗi năm người Mỹ gốc Việt phải “chịu chi” hai lần thật là đáng kể ra phết! Đó là dịp Noel và Tết Tây, rồi tiếp ngay sau đó là những thủ tục truyền thống suốt 3 ngày Tết ta theo dân mình. Vui hay khổ ?!

Tháng 12 dương lịch là dân Mỹ bắt đầu bận rộn lo toan cho mùa lễ. Hàng quán, công ty lớn nhỏ bắt đầu rao bán, quảng bá những món sale đặc biệt những cái deals vô cùng hấp dẫn, càng mua nhiều càng lợi nhiều cho khách hàng. Từ đàn ông đàn bà, con nít người lớn; từ giàu nứt niềng đến nghèo rớt mồng tơi cũng đều là đối tượng để họ khai thác tối đa trong mùa nầy. Bởi vì theo văn hóa hàng trăm năm qua của dân Âu Mỹ thì đây chính là thời điểm để người ta bày tỏ lòng yêu thương, quý mến người thân, người bạn, người quen của mình sau cả năm trời lo bận rộn sinh kế không có thì giờ để nghĩ đến nhau! Cho nên mỗi gia

đình dù có 2,3 người hay 5,7 người … đều từng người phải lắng lòng lại, tĩnh tâm lại để tìm tòi, suy nghĩ xem người thân của mình, cha mẹ hay anh chị em mình, đang cần thứ gì, rất thích món gì, có nhu cầu gì, vv… để mà tìm mua làm quà cho có ý nghĩa nhất! Ai cũng thấy mình trong tình huống “được cho” và “được nhận”; nếu cho đúng ý và nhận đúng món đang cần thì còn gì hạnh phúc bằng!!! Bởi vậy, nhiều cửa hàng bán lẻ ở đây đã dựng tấm bảng lớn với mấy chữ: “GIVE JOY, GET JOY” như một phương châm hãy cùng nhau “cho niềm vui, để nhận được niềm vui”! Thật hay. Quả đó là một nhân sinh quan đúng ở mọi không gian và thời gian, chứ không phải chỉ đúng ở Mỹ và vào mùa Giáng Sinh mà thôi, phải không quí vị?!

Tuy nhiên, cái gì cũng vậy, nó hay nếu người ta hiểu đúng mức và vận dụng đúng mức. Đừng lạm dụng, đừng lãng phí, và cũng đừng liều lĩnh! Bởi từ bao nhiêu năm nay. Đây là dịp để các công ty hàng quán tận dụng tối đa để tiêu thu hàng hóa và làm giàu nên người tiêu thụ phải hết sức sáng suốt để chọn đúng, đủ, và vừa; tức đúng món quà, không mua dư thừa, và hợp với túi tiền của mình. Không thiếu gì những người dân ở đây “nghèo vẫn chơi sang” – dịp nầy đã dùng credit cards để “liều” mua xả láng, cứ… quẹt, quẹt, quẹt… xong rồi ra Giêng bắt đầu “cày” trả góp, nhiều khi đến giữa năm vẫn chưa hết nợ quà Giáng Sinh!

Cứ đến mùa lễ Noel, mỗi người mỗi nhà “chơi”một kiểu khác nhau. Gia đình PTD là một gia đình nhỏ trong một đại gia đình tổng cộng đến gần 30 người của 3 thế hệ. Nhớ thời gian cách đây khoảng năm, mười năm; mỗi người vẫn còn đi chọn mua quà cho từng người đến mệt nghỉ luôn! Nhưng gần đây, vì tầm vóc đại gia đình thì mỗi năm một phát triễn nhân số mà nếu cứ kiểu nầy thì có nguy cơ “nghèo” hoặc “mắc nợ” luôn – nên chuyện quà cáp mùa nầy đã được áp dụng nhiều ý kiến cải thiện để mọi người đỡ mất thì giờ và tiền bạc hơn; chẳng hạn, chia hai phe: người lớn lo quà cho người lớn; thiếu niên nhi đồng chơi với nhau. Phe nào có “Secret Santas” của phe đó, tức là ai cũng bốc thăm, nhằm tên người nào thì chỉ lo tìm mua quà cho đúng với người ấy thôi – và quà thì có giới hạn, không được quá ít cũng không quá nhiều, ví dụ ra giá từ $20 đến $30 hoặc $40 đến $50 tùy người, tùy lúc. Từ lúc có nguyên tắc nầy được đưa ra, mọi người đều thở phào nhẹ nhõm vì mỗi người chỉ lo tìm một món quà thôi, nhưng rốt cuộc thì vẫn không kém vui vì ai cũng được một món quà đáng kể!

Gia đình người bạn của PTD thì lại chơi quà Giáng sinh cách khác nhưng cũng rất vui nhộn và không tốn kém bao nhiêu. Đó là gần đến lễ, mọi người giao hẹn trước: mỗi người mua món món quà từ $15-$20 chẳng hạn, chú ý đến tính “funny” của món quà nhiều hơn! Ngày lễ đến, mọi người đem gói quà đến để chung quanh gốc cây thông, rồi một người dán số từ 1 đến 20 nếu hiện diện trong gia đình lúc ấy là 20 người. Sau đó, bốc thăm, ai trúng số nào được nhận quà số ấy. Khi mở quà ra chính là lúc những tiếng cười reo ầm ỉ vang dội cả nhà. Sau đó, có nhiều người không thích món quà mình trúng được, có thể đi rao đổi với nhau, lại thêm một màn hào hứng thứ hai trong bầu không khí ấm cúng hạnh phúc khó quên của đại gia đình trong mùa lễ.

Nói gì thì nói, đó là chuyện đại gia đình; còn lại, ai cũng có một tiểu gia đình riêng của mình. PTD từ lúc qua đây thì còn trẻ, nay đã thành cao niên, do đó, rất cảm thông với quí vị cao niên có nhiều con nhiều cháu. Luống tuổi là đã không còn ham “shopping” mà cũng không còn đủ sức khỏe, thế mà đứa con đứa cháu nào mình cũng thương, cũng muốn chúng vui trong mùa lễ, nên cũng cố gắng tìm cho mỗi đứa một món quà, dù lớn hay nhỏ thì có cũng còn hay hơn là không! Thế nên, dù cho có ủng hộ hay bài bác, có cho chuyện tặng quà búa xua trong mùa nầy là hủ tục hay mỹ tục, thì chắc chắn rằng một số đông quí vị cũng đều đã có dự phần vào việc “shopping” tìm quà và gói quà trong những ngày bận rộn cuối năm nầy, dù rằng quí vị chỉ quen ăn bún bò hoặc gà rô-ti,… chứ không chịu ăn gà Tây dịp nầy đi nữa, và dù rằng gia đình mình có là lương giáo hay Phật giáo đi nữa, thì trong phòng khách quí vị đa số. vẫn có một cây noel gắn đèn sáng trưng và dưới cây noel vẫn có những gói quà gắn nơ thật mỹ thuật – vì hoạt động Mùa Giáng Sinh đã vượt cao hơn giới hạn tôn giáo để trở thành là văn hóa truyền thống hàng năm không những ở Mỹ mà còn đối với dân trên toàn thế giới từ Âu sang Á. Tóm lại, không ai tránh khỏi tốn hao công sức và tiền bạc trong mùa nầy, không nhiều thì ít!

Đó là Tết Tây, còn chuyện Tết ta thì đương nhiên là dân mình phải làm đủ thủ tục rồi. Ít nhất cũng cây mai, cành đào, sơn nhà, sửa cửa, bánh tét, bánh chưng, trà mứt, biếu xén lẫn nhau, vv… và rồi sau cùng là cái khoản mừng tuổi người già và lì xì trẻ nhỏ mới là những khoản chi “unlimited” tùy theo tình trạng nghèo giàu, thu nhập lớn nhỏ mà mỗi người, mỗi gia đình phải chi ra, không nhiều thì ít, không tránh khỏi được! Có nhiều gia đình không ngại tốn kém, cốt sao cho con cháu cũng được vui vẻ và mong đến ngày Tết ta để được lì xì, quà cáp; chẳng hạn gia đình ông L.B. là người địa phương ở Montclair, mỗi năm đến ngày Tết Việt, ông lại tổ chức “cây mùa Xuân” và sửa soạn sẵn những gói quà treo quanh cây mai, rồi đánh số và cho con cháu hiện diện bốc thăm, ai trúng số nào lấy món quà có số ấy – nhờ đó, không khí Tết Việt trong gia đình ông cũng hân hoan không kém dịp Noel và Tết Dương Lịch.

Nói cho cùng, trong cái xã hội bận rộn nầy mà một năm phải ăn hai lần tết cũng là chuyện “bị” chứ không phải “được”! Vấn đề trước mắt và về lâu về dài là trách nhiệm của những vị cao niên phải làm sao để duy trì cho được tầm quan trọng của cả hai như nhau và làm sao để chuyển tình cảnh “bị ăn hai lần tết” thành “được hưởng hai cái Tết”, nhất là đối với giới trẻ. Muốn được như vậy, trước hết đó là trách nhiệm của chúng ta phải làm mọi cách để tổ chức cho được những lần tết trong gia đình thật vui, đầm ấm, ý nghĩa, để lại những kỷ niệm khó quên, và nhất là để sao cho con cháu mong cho mau đến tết – và quan trọng hơn cả là về ý nghĩa truyền thống của ngày têt hơn là sự khoa trương về vật chất gây gánh nặng về tài chánh cho gia đình con cháu. Chính tính cách thanh đạm, ít tốn kém cho gia đình nầy, khiến cho các thế hệ nối tiếp sẽ không ngại tổ chức tết truyền thống và những nét đẹp của ngày tết VN sẽ được tiếp tục duy trì và tồn tại cho đến ngàn năm sau.

Phó Thường Dân (Trống Đồng

Banner