Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Tình Mẹ xưa, nay còn đâu! Lỗi tại ai?

Mỗi Kỳ Một Chuyện

    

PTD có một người quen là một cánh tay nối dài của Sở Xã Hội Mỹ – chị ấy làm nghề chuyên “take care” những người già yếu neo đơn không ai chăm sóc, kể cả con cháu. Có thể nói chị là nhân chứng của cả 1001 câu chuyện và tình cảnh thương tâm về chủ đề Tình Mẹ và con cái đời nay trong xã hội nầy! Nhà báo nhà văn nhà tiểu thuyết nhà đạo diễn nào gặp chị thì sẽ không thiếu đề tài éo le hấp dẫn, thương tâm rơi lệ để dựng thành phim, thành truyện!

Nhân một lúc rổi rảnh hồi tuần trước, đọc tờ Người Việt có bài viết tựa đề “Mẹ Tôi của Nhị Hà – Kinh vinh danh Tình Mẫu Tử” của nhà thơ Du Tử Lê (DTL) – không hiểu tại sao PTD tôi lại nhớ ngay đến những câu chuyện của chị.

Trước hết hãy nói đến bài viết nầy. Tôi biết bài “Mẹ Tôi”, hát, và thuộc lòng bài nầy từ những năm học tiểu học cũng như hầu hết những người cùng thời lúc đó đã biết đến bài hát, nhưng chưa bao giờ lắng lòng nhìn lại cái giá trị mênh mông của tác phẩm nầy, vừa trên mặt tình mẹ con tự nhiên và thiêng liêng tự phát, lẫn phương diện ảnh hưởng rộng lớn cho cả nhiều thế hệ như một bài thuộc lòng về giáo dục “đạo đức làm người” trong cái thế giới hổn mang nầy. Tôi hoàn toàn đồng ý đối với sự đánh giá bản nhạc một cách hết sức nhẹ nhàng nhưng đầy sự tôn kính trong cái tựa đề mà ông nhà thơ đã trân trọng trao cho bài hát: đó là “Bài kinh vinh danh tình mẫu tử”.

 …Nhạc sĩ Nhị Hà không chỉ đã làm một bài hát mà còn là một bài văn xuôi mô tả cho ta một bà mẹ có những đặc tính chung nhất từ hình ảnh bên ngoài cho đến công việc vất vả hàng ngày và tâm trạng bên trong, vv…

tất, tất đều giống không chỉ bà mẹ của nhạc sĩ Nhị Hà, bà mẹ của nhà thơ DTL, bà mẹ của người viết bài nầy, mà còn là bà mẹ của đại đa số dân VN hồi thế kỷ trước. Để quí vị thấy rõ từng câu, từng lời trong bài đó nó tả chân, tả thực đến thế nào, xin quí vị đừng tiếc thời gian chịu khó “go over” từng câu của bài Mẹ Tôi với PTD xem chúng ta ca ngợi bài nầy có “ngoa” tí nào không nhé. (Bài hát được ghi lại xuống đây hoàn toàn từ trí nhớ nhưng bảo đảm không thiếu chữ nào): “Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày. Mẹ tôi đau buồn nặng trĩu đôi vai. Bao năm nuôi đàn trẻ thơ nhỏ dại. Lòng mong con mình có một ngày mai.

 Mẹ tôi nắng mưa chẳng ngại nhọc nhằn. Mẹ tôi mĩm cười nhìn bóng con ngoan. Không than không phiền dù lâm hoạn nạn. Lòng mong con mình, xứng thành người dân.

 Chiều chiều, bên liếp lều tranh, Mẹ tôi đứng đợi đàn con. Trước gió, tóc trắng loa xòa. Đôi mắt dịu hiền như bể tình thương. Lòng người, mơ ước ngày sau: Đàn con xứng thành người dân.    Nhưng nay, con đã nên người, thì nay… còn đâu bà mẹ hiền xưa.    

 Chiều nay, đốt hương tưởng niệm trước mồ. Nhìn khói, đau lòng tưởng nhớ năm xưa. Công ơn sinh thành ngày nao đền trả?!. Mẹ ơi, con nguyền nhớ lời mẹ khuyên! (Mẹ Tôi/Nhị Hà)

 Một câu chuyện tình mẫu tử rất có hậu. Mẹ lo cho con; con mãi mãi tha thiết yêu thương và ngưỡng vọng mẹ!

 Nhưng buồn thay, cùng lúc với cảm xúc thiêng liêng khi đọc những chữ trong “Bài Kinh Vinh Danh Tình Mẹ” của nhà thơ DTL – người ta nghĩ ngay rằng cái “tình Mẹ trong bài kinh ấy nó đã đi vào… dĩ vảng (!)

PTD nghĩ có lẽ quí vị cũng như chúng tôi, sẽ không vui vẻ gì khi nghĩ rằng chuyện tình mẫu tử có hậu, đẹp như bài thơ đó – chỉ có ở thế kỷ trước và rất hiếm ở thế kỷ nầy!

   Dĩ nhiên, những người mẹ thì muôn đời (trước) vẫn được ông Trời ban cho trái tim bằng vàng, không bao giờ tính toán hơn thiệt với con, dù là mẹ của kỷ trước hay kỷ nay, hễ đã banh da xẻ thịt đẻ con ra là sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự sống và hạnh phúc của đứa con. Thế nhưng, có ai tin được rằng Trái Tim Vàng mà ông Trời ban cho bà mẹ đó đến đời nay đã không còn nguyên chất vàng ròng nữa rồi, khi mà con người ngày càng sống theo cá nhân chủ nghĩa, không quen hy sinh cho ai: Tình mẹ đã thấy cần có “limit” với con; Con thấy mẹ đã đẻ ra mình thì phải có bổn phận nuôi mình đầy đủ, như một thứ tình “một chiều và bắt buộc”! Nhiều phụ nữ vẫn còn muốn có con nhưng không muốn đau đẻ – đã chọn sanh mỗ (thống kê thấy từ 10 năm nay, số người chọn sanh mỗ tăng gấp nhiều lần). Lạ hơn nữa, nhiều phụ nữ hoàn toàn có khả năng sinh đẻ nhưng đã “từ khước” khả năng nầy, họ không thèm lập gia đình và cũng không care đến chuyện đẻ con nối dõi tông đường gì ráo!!!Bởi vì quan niệm đẻ con là cực hình mà nuôi con là quá khổ, và dạy con là quá rắc rối, mà rốt cuộc không được gì, ngoài những điều buồn lòng, phiền toái, sầu não thêm! Nhưng, thật đáng buồn khi phải công nhận rằng những người quan niệm như vậy trong thực tế bây giờ, đại đa số lại là … có lý, đúng, thức thời!!!!

   Để chứng minh cho những điều đó, chúng ta cần những câu chuyện nghe chẳng có gì vui của “chị ấy”! Thí dụ câu chuyện sau: Người mà chị ấy take care là một bà 78 tuổi đã qua mỗ tim và đeo máy trợ tim trong ngực. Bà có nhiều đứa con nhưng chẳng thấy ai thăm viếng, chỉ thấy ngày qua ngày phải nấu cơm rửa chén dọn phòng cho con trai út cùng với cô bạn gái của nó. Chị nói vui: “OK, mình lo take care cho bà khỏe để bà lo cho mấy đứa đó. Thôi thì cũng được đi, nhưng nhiều khi thấy “ông con” nói với mẹ nhiều cái xót xa không chịu được.” Một lần chị đến làm, thấy hai mẹ con không vui. Không khí trong nhà ngột ngạt. Chẳng là, bà mẹ nói tiền chợ tháng nầy chưa đưa, ông con thì nói đã đưa mấy trăm rồi. Có vậy thôi, không biết ai nhớ ai quên. Nhưng bà mẹ thì còn rất tỉnh táo và nói tiền già có mấy trăm làm sao không nhớ! Chị kể có lần hai mẹ con hục hặc thì bà có phân trần rằng thằng anh lớn cũng muốn bà về ở với nó, nhưng bà muốn ở chung cư nầy cho ông con nhỏ có nơi trú ngụ, thì bị “ông” con trả đũa ngay rằng “chứ không phải ai cũng không chịu nỗi bà nên bà mới ở đây hay sao?” Chị ấy nói, nghe con nói với mẹ, mà mình buồn não ruột. “Chỉ là lời ăn tiếng nói không phải với nhau thôi, mà cảnh nhà đã như địa ngục rồi; huống gì ấu đả, đâm chém nhau thì còn khổ đến đâu!”, chị bày tỏ sự thông cảm sâu sắc của mình đối với người mẹ 78 tuổi đang mang máy trợ tim nói trên. Chị thật là người có tâm lành. Mong cho chị sẽ không bao giờ gặp cảnh đó.

  Chắc chẳng cần nói nhiều, ai ở đây lâu ngày chày tháng cũng đều biết. Xứ nầy có nhiều phúc lợi thì cũng có nhiều trường hợp con người, chẳng những người dưng mà kể cả mẹ con, chồng vợ…, luôn tìm mọi cách để lạm dụng nhau, gây bao nhiêu cảnh khổ! Dân gốc Á đông thường nhiễm đạo hiếu vào tim vào máu nhiều đời, thế mà còn quên chữ hiếu tuốt luốt, huống gì dân Âu Mỹ thì đâu kể sá gì. Nhiều gia đình dân bản xứ cha mẹ sòng phẳng với nhau từng chút. Con còn nhỏ thì cha mẹ phải nuôi đàng hoàng vì luật bắt buộc. Đến 18, con lạng quạng là bị xô ra đường để tự lo kiếm sống lấy. Phần cha mẹ nào mà hay la mắng, phê bình chỉ trích con cái, đến tuổi hưu nên biết thân phận mà lo trước, kiếm cái phòng cho share nào đó, cái mobile home nào đó, hoặc cái nursing home nào đó để làm chỗ dung thân những ngày cuối cuộc đời để khỏi dài cổ thất vọng vì con cái bỏ rơi! Nhiều người tự bảo nhau đó là định luật tạo hóa, đừng than trời trách đất gì cả. Nếu con cái thời nay có ăn nói bất nghĩa bất hiếu nghe không vừa tai thì cũng đừng nên phiền não mà sanh bệnh lại khổ thân thêm chứ chả được ích gì – cứ nghĩ rằng bởi do mình sanh chúng ra chứ chúng có yêu cầu được ra làm người trong cái “đời là bể khổ” nầy đâu; và nếu chúng có ăn ở không phải, đó cũng do cha mẹ không biết dạy con; hoặc nếu cha mẹ đã dạy hết sức rồi thì âu cũng là “cha mẹ sinh con trời sanh tánh” – cứ nghĩ vậy là huề cả làng, không còn trách ai ngoài tự trách mình đó thôi!

  Nghĩ cho cùng, quả đúng như người ta thường nói “tư tưởng lớn gặp nhau”! Đức Phật cũng như Đức Chúa đều lấy hạnh “sám hối” và “xưng tội” làm đầu! Phật tử đến chùa thì kinh sám hối là một trong những hồi kinh phải thuộc nằm lòng; còn giáo đồ đến nhà thờ mỗi Chúa Nhật ngoài chuyện nghe Cha giảng còn có thông lệ “xưng tội” với Cha để được hưởng ơn cứu rỗi khiến tâm sự nhẹ nhàng bớt để rồi hối lỗi và đừng tái phạm. Đạo nào cũng dạy người cùng một phương pháp “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Như một hôm người viết bài nầy được dự lễ Mừng Thánh Bổn Mạng của Cộng đồng Giáo dân tại địa phương, khi một linh mục đứng trên bục giảng lời Chúa, trong đó có một hình ảnh đáng nhớ nhất, đó là lúc Ngài xướng câu: “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng và toàn thể Ông Bà Anh Chị Em tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót. Lỗi tại tôi mọi đàng, Lỗi tại tôi mọi đàng…”, tức thì giáo dân cả hội trường, già trẻ lớn bé cùng lặp lại những lời sau cùng của Cha thật rõ ràng nghiêm chỉnh “Lỗi tại tôi mọi đàng, Lỗi tại tôi mọi đàng…” vừa nói mọi người vừa vổ nhẹ vào ngực mình! Hay! Được nghe gián tiếp kể lại đã hay rồi, nói chi tận mắt nhìn thấy cả ngàn người cùng thực hành biểu tượng “xưng tội sám hối” đó, khiến PTD – một người ít có cơ hội được đi nhà thờ – mới thấy thật ngưỡng mộ và thán phục! Cho nên ở đây PTD xin mạn phép tôn vinh Sự Nhận Lỗi là một Đạo Tính! Bỡi Chúa và Phật đều dạy chung là con người cần phải có một phong cách sống thông dụng thường ngày: đó là hạnh, đức :Nhận Lỗi, Xưng Tội Sám Hối!

  Đạo dạy như thế, nhưng đời thì ngược lại, mười người làm lỗi thì hết chín người rưỡi không chịu nhận lỗi! Nếu hiểu rằng dù là trực tiếp hay gián tiếp thì mình cũng là người chịu trách nhiệm về những cái nhân mà mình gieo ra. Vậy khi cha mẹ thất vọng với những “sản phẩm” do chính mình sanh ra, nuôi nấng, giáo dưỡng, … thì đó đúng là “lỗi tại tôi mọi đàng” rồi chứ còn ai vào đây nữa?!. Nếu không phải lỗi tại cha thì cũng là do lỗi mẹ, hoặc do cả hai cha mẹ không đủ khả năng thẩm định môi trường để giáo dục đúng hướng; không phối hợp nhịp nhàng hợp lý nguyên tắc “thống nhất trong giáo dục”; cha mẹ không sống ngay thật, làm một đàng dạy một nẽo, bất đồng nhau; ông nói gà bà nói vịt; làm lỗi rồi đỗ lỗi cho nhau, chỉ trích nhau, làm mất uy tín nhau trước mặt con – đưa đến hậu quả thất bại đáng tiếc: con cái không còn nghe ai nữa! Đến lúc đó thì bất hiếu với cha mẹ chỉ là cái họa nhỏ; tai hại hơn nữa, chúng lại thành tội phạm trong xã hội, lúc đó mới là cái họa lớn!

Nghĩ được thế thì xin hãy cứ trầm tỉnh vỗ ngực lặp lại lời Chúa: “Lỗi tại tôi mọi đàng, lỗi tại tôi mọi đàng”… trước khi đổ lỗi cho đám con cái đáng tội nghiệp thời nay!  

      Phó Thường Dân/Trống Đồng

Banner