Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Sau bức màn nhung?!

Mỗi Kỳ Một Chuyện

       

Từ sân khấu đến cuộc đời, từ sinh hoạt gia đình đến sinh hoạt chính trị… đều có những cái gọi là “Behind the scenes”, tức mặt trái của những gì ta nhìn thấy. Đúng vậy, dầu cho có những sự kiện mà mình cho rằng, đã đích thân “mắt thấy tai nghe”, nhưng nó vẫn chưa hẵn như vậy, bởi vì đó chỉ là một mặt nổi của vấn đề, còn mặt chìm ở phía bên kia vẫn còn nhiều điều bí ẩn bị che giấu vì lợi ích của bên nầy, bên kia! Mà nếu ta không tinh mắt, thính tai, cảnh giác… thì sẽ không bao giờ tìm biết được sự thật của vấn đề!

Như ai cũng biết và cũng tự hào rằng mình được may mắn sống trong nước Mỹ nầy – một nước được coi là văn minh tiến bộ nhất thế giới về mọi mặt, từ khoa học kỹ thuật, kinh tế… cho đến khoa học chính trị, xã hội như tự do dân chủ, xóa bỏ kỳ thị chủng tộc, màu da; nam nữ bình quyền bình đẳng, vv… Tuy nhiên, phía sau những cụm từ tốt đẹp theo đúng hiến pháp qui định đó, vẫn còn có những tư tưởng bảo thủ, những thành kiến bất di bất dịch khó thể xóa bỏ được, và định kiến nầy khi thịnh vượng, khi co cụm; khi phát triển rầm rộ, khi âm thầm nằm lặng lẽ chờ thời  – tùy theo từng giai đoạn biến chuyển của thời cuộc có thuận lợi cho nó hay không!

Lồng trong khung cảnh đó, là sự kiện chính trị với hai đảng chính thay nhau cầm quyền ở Mỹ. Đảng Dân Chủ (DC) với khuynh hướng cấp tiến cởi mở, với cái nhìn “open” trong mọi vấn đề từ nam nữ bình quyền, màu da, cho tới chuyển giới, phá thai, đồng tính, vv…

 Trong khi đó, đảng thứ hai là Cộng Hòa (CH) với khuynh hướng bảo thủ hơn, có người chưa hẵn đã thực sự có cái nhìn bình đẳng về nam nữ, màu da chứ chưa nói tới sự chấp nhận chuyển giới, phá thai, đồng tính!!! Đành rằng Dân Chủ hay Cộng Hòa; cấp tiến hay bảo thủ – mỗi người vẫn có nhiều mức độ khác nhau; nhưng nhìn chung hai quan điểm nầy vốn khác biệt từ căn bản của hầu hết mọi vấn đề.

Do vậy, ngoài bề mặt thì cả hai đảng đều buộc phải chấp hành nghiêm chỉnh hiến pháp tiến bộ của nước nầy, nhưng mỗi khi có cơ hội, cả hai đảng đều lộ rõ những đặc tính rất riêng của mình để ủng hộ hay chống đối thẳng thừng theo tất cả khả năng mình có.

Nhìn cả chiều dài lịch sử thì quá xa xôi phức tạp, chi bằng xem thử nước Mỹ từ 10 năm trở lại đây có lẽ dễ nhận thấy nhất! Ngày đảng Dân Chủ thắng thế và ông Barrack Obama được bầu lên làm tổng thống, cả thế giới trố mắt ngạc nhiên và không giấu được sự ngưỡng mộ nước Mỹ, vì cứ tưởng chuyện kỳ thị không thể xóa được ở đây, chẳng ngờ lại có chuyện một người da đen được tín nhiệm lên ngôi vị số 1 ở đất nước nầy. Chưa hết, người tổng thống da đen đó đã dùng đạo đức cá nhân và sự khiêm nhu của mình để làm cho dân cả thế giới tự do thương mến và cảm phục; ngay cả trường hợp khi ông bị Trung Cộng cố ý coi thường trong nghi thức đón tiếp nguyên thủ quốc gia, ông cũng không cần trả đũa. Nhiều người cho đó là một vụ “nhục quốc thể” và đòi trả đũa, nhưng ông bỏ quá, vì đối với ông còn nhiều việc quan trọng hơn. Suốt 2 nhiệm kỳ 8 năm ông làm tổng thống, mọi chính sách đều tập trung hỗ trợ những người lợi tức thấp và trung lưu; đặc biệt nhất là những người da đen được một thời tự hào hiếm có trong suốt nhiều kiếp Tạo Hóa cho làm người với màu da đen bóng như bóng đêm của cuộc đời họ. Thời gian nầy, những người da đen thực sự có năng lực được cất nhắc lên những chức vụ quan trọng hơn. Những dữ liệu thống kê cho thấy tỉ lệ thất nghiệp da đen xuống, lợi tức trung bình lên, tỉ lệ nghèo đói của họ thấp nhất trong năm 2015 so với từ 1999. Nhờ Obamacare thanh và trung niên da đen không bảo hiểm y tế giảm hơn phân nửa, teens da đen có bầu thấp nhất trong lịch sử với tỉ lệ từ 60,4/1000 trong năm 2008 xuống còn 34,9 năm 2014. Sinh vọng cao nhất lịch sử với 72,5 cho nam da đen, và 78,4 cho nữ năm 2014; số da đen tốt nghiệp high school cao nhất lịch sử: niên khóa 2013-2014 có 72,5% da đen tốt nghiệp công lập trong vòng 4 năm. Cùng năm, số da đen nam nữ ở tù xuống thấp nhất kể từ thập niên 80 và 90s. Trong mọi lãnh vực kể cả tư pháp ông tổng thống đã bổ nhiệm 62 quan tòa Mỹ da đen phục vụ suốt đời, trong số đó có nhiều quan tòa phụ nữ (26) hơn bất cứ đời tổng thống nào trước đó. Quả thật là một giai đoạn đổi đời đối với những người đa đen và thiểu số trên nước Mỹ.

Ấy vậy mà đối với những người có khuynh hướng bảo thủ cực đoan thì 8 năm trôi qua không sóng gió đó được họ xem như ác mộng chỉ bởi vì nước nầy được cầm đầu bởi một người da đen; ngay cả một số người Mỹ gốc Việt ủng hộ CH cũng không tiếc lời gọi ông tổng thống nầy là “thằng đen nầy, thằng đen nọ” một cách khinh miệt, bất kể những thành tựu về chính trị, kinh tế, y tế, cũng như an sinh xã hội mà ông đã đem lại cho đại bộ phận dân nghèo và trung lưu Mỹ.

Sau 8 năm da đen lên ngôi, người ta cứ tưởng nước Mỹ sẽ làm thêm một sự kiện lịch sử mới với việc bầu một phụ nữ lên cầm quyền, bởi lẽ đà thắng thế của một nữ ứng viên tổng thống lúc đó là bà Hillary Clinton lộ rõ đến 76% như nhiều hãng thống kê cho thấy, so với một nam ứng viên không một ngày kinh nghiệm chính trị ở phía bên kia. Nhưng, kết quả lại là sự kiện hoàn toàn bất ngờ, “ngựa về ngược” trong một cuộc đua với quá nhiều chuyển biến phức tạp từ đầu đến cuối, mà cho đến giờ nầy vẫn còn là những bí ẩn “behind the scenes” chưa giải tỏa được! Đó là: có bàn tay lông lá của ngoại nhân nhúng vào, hay: phụ nữ còn bị kỳ thị không thể ở vị trí đứng đầu, hay: tâm lý dân Mỹ đã quá nhàm chán với những gì được cho là “giá trị truyền thống” để có sự thay đổi mới lạ hơn, mạnh mẽ và táo tợn hơn???!!! – điều gì đã khiến cho một luật gia, chính khách với 8 năm là đệ nhất phu nhân (1993-2001), 8 năm là Thượng Nghị Sĩ (2001-2009), và còn là vị Ngoại Trưởng thứ 67 của nước Mỹ trong 4 năm (2009-2013) phải ngậm đắng nuốt cay chào thua trước một đối thủ không một ngày kinh nghiệm trong lãnh vực chính trị, quân sự mà vốn chỉ là một thương gia trong nghề xây dựng chung cư, khách sạn, sòng bài; tổ chức thi hoa hậu Miss Universe, chủ show truyền hình…? Những chính trị gia hoặc nhà bình luận chính trị nổi tiếng cũng không ai nghĩ rằng ông Trump sẽ thắng cuộc và ngay chính đương sự cũng tưởng như ngủ mơ mà thành sự thật bởi chính ông cũng không là đảng viên CH thuần thành gì, mà từ đầu đến cuối ông cũng thay đổi lập trường mấy lượt từ CH năm 1987, đổi qua Độc Lập (Independent) năm 1999, rồi đổi qua Dân Chủ năm 2001, rồi đổi lại CH năm 2009. Hồi năm 1999, ông còn cố tìm cách để được đề cử làm ứng viên tổng thống năm 2000 của đảng Reform Party (Đảng Canh Tân). Trước 2009, Trump từng cúng tiền gây quỹ cho cả hai đảng, DC lẫn CH! Nói chung, nếu cần có một chính trị gia với 4 chữ “kiên định lập trường” thì không phải là ông! Và chuyện ông ra tranh cử dưới chiếc dù của đảng CH, rồi thắng cử, và rồi những tay chức sắc của đảng CH không còn sự lựa chọn nào khác ngoài cách ráng giữ chiếc ghế tổng thống cho ông trong suốt thời gian qua cũng chỉ là chuyện cáo mượn oai hùm và “Gốc đa cậy thần” và “Thần cậy gốc đa” – vậy thôi! Có lúc ông Trump tỏ rõ là một con bài tốt nhưng nhiều lúc cũng lâm vào cảnh “gậy ông đập lưng ông” nhưng rồi các lãnh tụ CH cũng tìm cách gỡ gạc được hết để vẫn còn được là đảng cầm quyền. Tuy nhiên, kể từ ngày đó, có biết bao chuyện “behind the scenes”, bằng mặt mà chẳng bằng lòng, bất bình, biến động, từ ngay trong phòng Bầu Dục (Oval Office) ra đến bên ngoài . Hàng tá vụ “thay ngựa giữa dòng” khiến tình trạng White House  biến động mỗi ngày. Cũng từ bấy đến nay, nội các mới do ông tân tổng thống cầm đầu cứ có chuyện bất ổn, bất bình theo những lời tuyên bố, phát biểu (qua dạng tweets) vô cùng xốc nổi của ông. Chưa bao giờ trong lịch sử có một nội các nào chiếm kỷ lục về sa thải, từ chức, và tuyển người mới hàng tá lần trong vòng năm đầu nhậm chức như vậy!

  Khi PTD đang viết bài nầy thì không khí vận động lá phiếu đang sôi nổi trước ngày Midterm (bầu giữa kỳ) vào ngày 6 tháng 11 tới đây. Những hãng thống kê nhiệt tình thăm dò. Khi thì kết quả cho thấy Đảng DC có cơ hội kiểm soát QH rất vững, khi thì rất mong manh. Thêm nữa, ai cũng nghĩ là TT mà tuyên bố bất nhất và nội bộ bất ổn (sa thải nội các, chức vụ hàng đầu cãi nhau ỏm tỏi) dĩ công vi tư, nhập nhằng chức vụ và quyền lợi công tư với vô số bằng chứng – thì tỉ lệ chấp nhận ông tổng thống nầy sẽ ngày càng xuống thấp. Nhưng thực tế không phải vậy, thống kê trước ngày bầu giữa kỳ lại cho thấy số cử tri chấp thuận Trump “go up”, trong khi số cử tri muốn đảng Dân Chủ kiểm soát Quốc Hội thì họ lại tìm thấy cũng lên khá cao. Trước một kết quả cho thấy tình huống đầy mâu thuẫn như thế thì cũng chưa ai hiểu được đằng sau dấu hiệu đó là cái gì và chuyện gì sẽ xảy ra?! Bài viết nầy sẽ đến tay bạn đọc trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ, nên chưa biết xem kết quả đó sẽ như thế nào, có đúng như kết quả thăm dò hay không? Hay lại là thêm một lần dân Mỹ phải chịu đựng bị che mắt trước những gì thực sự diễn ra “behind the scenes” để 76% phải thua 24%?!

  Dù sao, chúng ta đang ở một nước tự do dân chủ thực sự (xin đừng mất niềm tin khi thấy những người “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” đang nắm quyền ở xứ nầy), cho nên hãy cứ vững tin rằng: đạo đức truyền thống sẽ được tái lập, gia đình truyền thống sẽ chỉ 1 vợ 1 chồng, dối trá và lừa đảo sẽ không có chỗ đứng trong xã hội nầy. Điều đó có nghĩa là gì? Đó là: bất cứ sự kiện “behind the scenes” nào cũng không thể bị ém nhẹm lâu dài cả đời người, mà nó sẽ bị lật mặt phơi bày cho công chúng được biết trong một thời gian sớm nhất. Quyền được biết sự thật là quyền chính đáng của mọi người dân. Một chính quyền mị dân sẽ không sống thọ ở xứ nầy.

   Lần lượt, rồi chúng ta sẽ được nghe, được biết từ những cơ quan có trách nhiệm, những cá nhân có khả năng, trình độ,  đạo đức; từ ông “Bao Công thời nay” Robert Mueller, vv… tường trình đầy đủ từng chi tiết, từng công, từng tội, từng uẩn khúc trong số những uẩn khúc được đặt tên là “behind the scenes” – dịch nguyên ngữ là “phía sau hiện trường”, hay nói một cách đầy kịch tính là “sau bức màn nhung”… – nầy!                                                                                                                     

            Phó Thường Dân/TĐ

Banner