Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Nghĩa tử nghĩa tận?

       Phó Thường Dân/Trống Đồng

Đời xưa đạo lý phương Đông dạy rằng một con người dù khi sống có làm những tội lỗi tày trời, hoặc có thù hận đến đâu, nhưng khi chết thì nên tha thứ, bỏ qua mọi chuyện, và nên lấy chữ “nghĩa” để đối đãi với họ – không những không trả thù báo hận trên cái xác chết của họ mà nếu có điều kiện thì cũng nên thăm viếng, tiễn đưa, hay chôn cất, khói nhang cho họ nữa – đó là điều mà ta vẫn nghe người đời, xưa nay hay nói: Nghĩa tử nghĩa tận.

Nhưng ngày nay trong giai đoạn mà đạo giáo hay nói là “thời mạt pháp” thì con người trong nhiều trường hợp, đối xử bất kể đối với kẻ sống hay người chết, thân hay sơ, miễn sao thỏa mãn được cái bản chất sân si của mỗi cá nhân là đủ. Chẳng hạn, không những ở những nước XHCN như VN hay TQ đã có chuyện con đem bỏ mẹ vào trong rừng, hay con chém cha, chém mẹ… mà ngay ở những nước Âu Mỹ với chủ trương “cá nhân chủ nghĩa” thì chẳng những: ngoài xã  hội người và người sẵn sàng trục lợi lẫn nhau, chẳng kể đến cả tính mạng con mồi; người và người sẵn sàng chực sơ hở để thưa kiện nhau, hãm hại nhau chẳng kể mạng sống; và cả trong gia đình cha mẹ, con cái, anh em cũng vẫn chẳng nhân nhượng chút nào dù đối tượng đã ra người thiên cổ.

Bên Âu Mỹ thì Nghĩa tử nghĩa tận lại còn được sử dụng theo một cách khác. Con người ở đây chủ trương đề cao sự trung thực và có lẽ không quen, không có truyền thống tha thứ cho tội ác, ngay cả khi kẻ làm điều tà ác là cha mẹ, anh chị

Như tại nước Mỹ vừa mới cuối tháng 5 vừa qua, có một bà tên Kathleen Dehmlow sanh năm 1938 vừa mất ngày 31 tháng 5 năm 2018 – vì ngay lúc còn sống bà nầy đã làm nhiều điều tội lỗi, lấy em chồng, bỏ bê con cái, nhưng đáng lẽ gia đình nên làm theo lời khuyên của người xưa: “nghĩa tử nghĩa tận”, nên tha thứ tất cả khi bà quá vãng; thì ngược lại, gia đình đã đăng trên mục cáo phó của một tờ báo có tên Redwood Falls Gazette (chuyên đăng tải những tin loại “bố cáo hộ tịch”của thành phố nhỏ chưa đầy 700 cư dân), những dòng kể tội bà nầy lúc còn sống và kết thúc với những chữ như sau: “She will now face judgement. She will not be missed by Gina and Jay, and they understand that this world is a better place without her.” Tạm dịch như sau: “Bà ấy giờ đây sẽ bị xử tội. Bà sẽ không được thương tiếc bởi Gina và Jay (hai người con của bà*), và họ biết rằng thế giới nầy sẽ tốt đẹp hơn nếu không có sự hiện diện của bà ấy.”

Phần đầu của bản “cáo phó mà thành cáo trạng” nầy có kể rằng bà Dehmlow lấy chồng năm 1957 và có hai người con như kể trên. Nhưng đến năm 1962 bà ta lại có bầu với người em trai của ông chồng, rồi bỏ quê nhà và hai con ở lại Minnesota để về sống cuộc đời mới ở California. Hai con côi cút phải nhờ sự bảo bọc của ông bà ngoại là ông bà Joseph Schunk. Sự oán hận người vợ lang chạ và người mẹ nhẫn tâm đã chất chứa hơn nửa thế kỷ trong gia đình nầy khiến họ không thể nào thực hiện được lời khuyên “Nghĩa tử nghĩa tận” nói trên để nói những lời thương tiếc và chúc tụng cho người thân đã quá vãng sớm được lên Thiên đàng như thông thường các thân nhân còn lại trong gia đình vẫn thường làm, hay ít ra người đời vẫn thường làm.

Không chỉ có bà Dehmlow bị gia đình kết án khi đã chết, một thí dụ khác, bà Marianne Theresa Johnson-Reddick sanh 1935, có 8 đứa con, chết cô độc một mình ngày 39 tháng 8 năm 2013 sau 78 năm sống trên đời, lúc ra đi thân nhân thay vì thương tiếc đã công bố sự vui mừng tột độ! Bởi vì bà nầy suốt cuộc đời đã hành hạ những đứa con của bà lúc chúng còn nhỏ. Ai muốn ra tay chăm sóc, hay bày tỏ tình cảm bảo trợ những đứa bé bà cũng không cho. Đến khi chúng trở thành người lớn, bà theo rình rập, cấm chúng có tình yêu và hành hạ những đứa nào dám yêu. Bất cứ ai gặp bà, từ người lớn đến trẻ em đều cảm thấy bất an bởi sự tàn ác và tính cách bạo động lộ hẳn ra ngoài mặt của bà, một con người ghét sự dịu dàng và sự tử tế mà người ta thường gọi là “nhân tính”!

Sau cái chết của bà Marianne, bản cáo phó cũng đã thành bản cáo trạng, công bố thẳng thừng những nhận xét, cảm tưởng, và sự phán xét của người còn sống, đó là những đứa con ruột và cũng là nạn nhân trực tiếp của người quá cố. Những người con đã viết trong cáo phó như sau: “Nhân danh những đứa con của bà, những người đã bị bà ấy đối xử một cách hết sức tàn nhẫn và độc ác, chúng tôi tuyên bố ăn mừng sự biến mất của bà ta khỏi Trái Đất nầy, và mong rằng kiếp sau bà ta sẽ gánh chịu mọi cực hình mà bà đã đối xử với các con của bà. Những đứa con còn lại của bà giờ đây sẽ sống phần còn lại của cuộc đời họ thật an bình vì biết rằng cơn ác mộng của cuộc đời họ cuối cùng phần nào đó đã chấm dứt. Hầu hết chúng tôi đều tìm sự thanh thản trong tâm hồn trong sự giúp đỡ các đứa con bị hành hạ khác, và mong rằng lời nhắn gửi qua mẫu cáo phó nầy sẽ nhấn mạnh một điều là sự hành hạ trẻ con là chuyện không thể được tha thứ, đáng xấu hổ, và không nên bị xem nhẹ trong ‘xã hội loài người’”. Những người con nầy trong bản cáo trạng với bà mẹ, đã đi xa hơn nữa, khi viết rằng: “Ước mong to lớn nhất của chúng tôi bây giờ là kêu gọi phát động một phong trào nhắm mục đích chống sự hành hạ con trẻ trên toàn nước Mỹ”.

Qua đó, chúng ta thấy rõ được sự khác biệt giữa hai xã hội và con người phương Đông và Tây. Nghĩa tử nghĩa tận ở trời Tây không còn có nghĩa người đã mất, thôi thì vạn điều sai quấy hãy cứ bỏ qua hết! Ngược lại, hai chữa Nghĩa Tận ở phương Tây lại là Tận Nghĩa rồi, xong rồi, “done” rồi, không còn chút tình nghĩa gì nữa, cạn tàu ráo máng luôn, không mẹ con, cha con gì nữa, công bố thẳng thừng tội trạng với Trời Đất luôn!

  Ở phương Đông mình, ngay như ở VN, nói là “hùm dữ chẳng ăn thịt con”, đúng! Nhưng thực tế cũng không thiếu  những người cha, mẹ hành hạ con không chùn tay, hoặc bỏ rơi con thơ bên vệ đường, trong thùng rác; thế mà khi khôn lớn, chúng cũng tìm cha mẹ để báo đáp!!! Nhất là chưa đứa con nào dám hài tội cha mẹ khi đã chết giống như những trường hợp nêu trên. Ngay trong cộng đồng Việt chúng ta, không những từ xưa mà ngay cả thời gian gần đây đối với các thế hệ trước, chuyện “chồng chúa vợ tôi” cũng rất là phổ biến. Những ông chồng loại nầy thường hành hạ vợ không thương tiếc. Nhưng từ xưa đến nay, quí vị cũng như chúng tôi, có bao giờ đọc thấy một mẫu Cáo Phó nào mà không bắt đầu với những chữ “Vô cùng thương tiếc”?!. Chẳng hạn, PTD có quen biết bà cô của một người bạn. Lúc trẻ được cho là may mắn về làm dâu một gia đình học hành khá giả, quan quyền. Ông chồng suốt ngày làm thơ, uống rượu, ngắm hoa, tán dốc! Trăm chi việc trong ngoài cũng bà vợ lo. Qua Mỹ những năm 80s, ông cũng cứ thế… Ít lâu sau, do bệnh nan y, ông nằm một chỗ đến cả 10 năm, bà vợ vẫn cam lòng hầu hạ theo đúng đạo thánh hiền. Sau ngày đám tang ông, bà du hành qua thăm bà con ở Nam Cali., tưởng bà sẽ than sầu than khổ, không ngờ lần đầu tiên PTD được nghe bà thú thật nỗi lòng: “Cháu ơi, dượng đi rồi cô như được giải thoát. Chịu hết nỗi sự gia trưởng, yêu sách ương ngạnh chướng khí của ông, thế mà cô vẫn phải nén lòng nhẫn nhịn suốt mấy chục năm dài của cuộc đời. Nhất là từ ngày nằm bệnh, ổng còn khó chịu hơn nữa! Chính cô cũng không ngờ mình vượt qua được cái cửa ải địa ngục nầy. Bây giờ cô thấy cả một bầu trời tự do ở phía trước. Cô muốn thì làm. Không ai bắt nạt. Cô thấy khỏe quá, chắc có thể còn sống lâu hơn nữa… “Lúc đó ông chồng 75, cô 70. Đúng như cô nói. Bà đã sống thêm với con cháu đến 23 năm thanh thản rồi mới qua đời!!! Có những cuộc đời như thế, những người chồng như thế – nhưng mọi người với truyền thống văn hóa phương Đông, với lời khuyên bảo “Nghĩa tử nghĩa tận” nên cáo phó vẫn khởi đầu với “Vô cùng thương tiếc” chứ chưa bao giờ thấy khác hơn!

Để kết luận cho đề tài chỉ bốn chữ “nghĩa tử nghĩa tận” mà tiềm ẩn bên trong cả một ý nghĩa phức tạp vô cùng của sự thành thật hay giả dối – rất có thể, chúng ta cần phải cám ơn sự trực tính, nói thẳng và trung thực, không lừa gạt người sống về hình ảnh người đã chết, của người phương Tây! Bởi chính sự trực tính ấy, sẵn sàng công bố và không tha thứ cho tội ác ngay cả khi kẻ thủ ác ấy đã chết – có thể đã, đang, và sẽ làm chùn tay, thức tỉnh phần nào những kẻ thủ ác đang nhỡn nhơ tung hoành trên Trái Đất nầy?!

Tất nhiên, hy vọng hầu hết chúng ta vốn đã lo đầu tư từ trước, hoặc vẫn còn đủ thời gian chuẩn bị để mình sẽ ra đi với những dòng chữ “Vô cùng thương tiếc” một cách thật lòng, và một bản cáo phó không là cáo trạng!                                                                                                                                                                                Phó Thường Dân (PTD)/TĐ News

(*) Chú thích của người viết

Banner