Trống Đồng News & Books & Herbals & Everything That Relates to VietNamese PP
Banner
Trà Dư Tửu Hậu

Nước Mắt Chảy Xuôi!

Mỗi Kỳ Một Chuyện

Phó Thường Dân/TĐ

 Một câu chuyện thường ngày người tỵ nạn gốc Việt thế hệ thứ nhất vẫn thường nói với nhau đó là quan hệ con cháu với cha mẹ và ông bà ở xứ nầy. Ai cũng biết văn hóa Đông, Tây khác biệt ngay từ những vấn đề cơ bản nhất, tuy nhiên, cuối cùng tư tưởng lớn vẫn gặp nhau ở một điểm nào đó. Nhưng, có những khác biệt như hai đường song song không bao giờ gặp nhau mà còn đối chọi nhau! Đó là quan niệm về chữ “hiếu” của con cái đối với cha mẹ.

Văn hóa Đông phương cho chữ Hiếu là một cái Đạo có tính cách bắt buộc, đã làm người là phải có hiếu, không hiếu kính đối với cha mẹ là không phải con người! Bởi vậy, trong chương trình giáo dục ngay từ lớp nhà trẻ, mẫu giáo; trẻ con đã phải được cho học về bổn phận làm con, phải hiếu kính và biết ơn cha mẹ, “Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra…” hoặc “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung, Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu…”. Và, đi học thì thôi chứ về nhà là phải giúp đỡ cha mẹ, nhỏ việc nhỏ, lớn việc lớn, vv… đó là bổn phận làm con.

Rồi thế hệ nầy tiếp nối thế hệ khác, gia đình tiếp nối gia đình, … cứ thế mà dạy, tất cả lập thành một xã hội có khuôn mẫu trật tự trên dưới hẵn hoi. Hiếm khi lắm mới có một vài trường hợp con cái ngỗ nghịch làm buồn lòng cha mẹ. Vô hình chung, mọi thành viên trong xã hội bấy giờ sống theo một quy luật “bất thành văn”, con cái mà bất hiếu thì coi như vi phạm quy luật nầy và bị cả xã hội, hàng xóm láng giềng xa lánh, chê trách! Thời nay, văn hóa phương Đông chắc cũng đã bị ảnh hưởng của tiến bộ của khoa học kỹ thuật mà thay đổi ít nhiều nhưng có lẽ riêng về quan hệ gia đình hầu hết người Á đông vẫn giữ được trật tự đó. Riêng xã hội VN nói riêng từ sau 75 đến nay, theo dòng thời sự từ truyền thông báo chí truyền hình từ trong nước, đạo đức xã hội ngày càng tuột duốc, những trường hợp con bất hiếu, giết cha cãi mẹ không hiếm, nhưng quan niệm về chữ hiếu tuy vậy vẫn còn được xem là nguyên tắc chủ đạo trong lãnh vực giáo dục con cái từ gia đình cho đến học đường và xã hội.

Ngược lại, văn minh Âu Mỹ chẳng những không giống như vậy mà còn đối nghịch lại nữa! Cha mẹ đã đẻ con ra là phải nuôi con cho khôn lớn, đầy đủ cho đến lúc đứa con trưởng thành và đủ sức để tự sống! Đứa bé không có bổn phận gì ngược lại cả, bỡi nó không hề đòi hỏi, yêu cầu, hoặc nhờ vả cha mẹ đẻ dùm nó ra; mà đó hoàn toàn là ý muốn và sự quyết định của người lớn – những người cho nó ra đời phải gánh mọi trách nhiệm chăm lo, nuôi dạy nó – nếu không làm tròn trách nhiệm nầy, để cho nó đói khổ, bị hành hạ, hoặc dốt nát, thất học, … những người làm cha mẹ phải chịu hình phạt trước pháp luật! Tóm lại, đứa con có quyền đòi hỏi được nuôi nấng đàng hoàng, và có pháp luật bảo vệ nó! Văn minh nầy tôn trọng quyền làm người của đứa con, trong đó có quyền chọn lựa cách sống, cách suy nghĩ của nó, không để nó bị áp đặt những tư tưởng giáo điều kiểu “Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu!”

Nói như vậy không có nghĩa là giữa cha mẹ và con cái trong xã hội Âu Mỹ không có tình cảm gì cả. Thực sự những cha mẹ nầy cũng rất thương yêu con mình, cũng có tình mẫu tử phụ tử thiêng liêng không khác gì Đông phương. Đứa bé được nuôi dạy thật đầy đủ chu toàn cho đến tuổi trưởng thành. Sau đó, cha mẹ mới hết trách nhiệm trong mọi sự hành xử của đứa con, và từ đây đứa trẻ sẽ tự chịu trách nhiệm trên mọi hành vi của nó. Còn cha mẹ thì tự thu xếp toan tính để lên kế hoạch riêng cho mình ở giai đoạn không làm việc được nữa, và sẽ nộp mình như thế nào cho những chương trình nuôi người già của chính phủ hay tư nhân, chứ họ hầu hết không ngồi chờ con cháu phụng dưỡng như trong văn hóa Đông phương! Được cái chẳng ai buồn phiền gì về chuyện nầy cả, vì họ đã sẵn cho đó là lẽ tự nhiên của tạo hóa. Điều nầy có lẽ ích lợi về mặt tâm lý cho họ hơn những bậc cha mẹ trong xã hội phương Đông – những người dù đã biết sự đời là “nước mắt chảy xuôi” nhưng vẫn ngồi chờ nước mắt chảy ngược lại, thì đến bao giờ mới được thỏa mãn!

Khổ cho những gia đình gốc Việt vẫn nặng với kiểu quan hệ gia đình theo truyền thống, ngay cả chấp nhận mối quan hệ cha mẹ con cái theo kiểu Âu Mỹ đã khó rồi, huống chi phải chung sống hòa bình với những con, những cháu được đào tạo ngay trong học đường và xã hội nầy! Từ đó sinh ra bao nhiêu nỗi buồn đau, mất mát, bất mãn lúc tuổi già sức yếu. Có nhiều người đã mang theo những đau buồn đó cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời mà không ai giải tỏa được!

Đó là chuyện khác biệt sâu sắc trong ý niệm quan hệ gia đình giữa hai nền văn hóa đông tây. Tuy nhiên, dù cha mẹ thương con theo kiểu nào, dù pháp luật bảo vệ bao nhiêu… thì Đông, Tây gì cũng thấy có những đứa con bất hiếu, hãm hại cha mẹ một cách khôn lường. Như tuần trước, báo Trống Đồng có đang tin một cô tên là Brittany đã bắn thẳng vào ngực cha cô là ông Robert Simpson, 66 tuổi, vì dám xin lệnh tòa để trục xuất cô ra khỏi nhà. Rồi cách đây một vài tháng, cũng xảy ra chuyện một đứa con trai mới 16 tuổi, xách súng bắn cha cũng vì ông cha không đồng ý cho cậu con mượn chiếc xe của ông để lái đi chơi với bạn. Sau đó, khi được hỏi tại sao lại giết cha thì câu trả lời của cậu nầy là: “Tại vì ông ta coi chiếc xe đó quí hơn tôi!” Dĩ nhiên, làm cha mẹ ai cũng biết rằng chuyện đời không hề đơn giản! Cậu bé nầy chỉ biết một mà không biết hai. Giao xe cho một cậu bé 16 là phải mua bảo hiểm với giá trên trời, gia đình có thu nhập trung bình cũng khó mà trả nổi; chưa kể tỉ lệ tai nạn do lứa tuổi choai choai nầy gây ra rất là cao, bởi đó chẳng hãng bảo hiểm nào muốn bán, dù bán giá cao đi nữa! Chỉ tội cho người cha nầy phải chết oan ức dưới tay của chính cậu quý tử của mình!

Muốn biết thêm về suy tư của những người cao niên già yếu thì cứ đi tìm hỏi những người chuyên làm công việc chăm sóc người già cả, neo đơn, bệnh tật,… Một chị tên H. làm nghề nầy đã cho biết nhiều điều rất vui mà cũng rất tội. Một bà 75 tuổi, có 7 người con, mới góa chồng hai năm nay, lại bị bệnh tim hành hạ, đi đứng khó khăn nên cơ quan bảo hiểm sức khỏe cho bà đã mướn người lại giúp. Chị H đến dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, gom quần áo đi giặt, làm mọi việc vặt … dùm cho bà nầy. Dù có đông con, mấy đứa lớn đều có nhà cửa vững vàng, nhưng bà mẹ vẫn đi xin housing ở một mình cho khỏe. Nói là một mình nhưng không phải một mình, bởi vì bà còn có người con út vốn công danh lận đận, nhà cửa không có, lương lậu cũng ít, nên cứ tìm về ở với bà. Mỗi lần chị H. lại dọn dẹp, nấu cơm, giặt đồ cho bà thì bà lại lò mò đứng lên một cách khó khăn chậm chạp để … đi nấu cơm, giặt đống quần áo, đồ hộp, vật dụng linh tinh… do ông con nầy của bà đã vất bỏ vương vải khắp phòng!!! Đành rằng mẹ nào cũng thương con còn hơn thương thân mình, nhưng chị H. tâm sự: “Em thấy dường như có cái gì đó lấn cấn không được danh chánh ngôn thuận khi mình lại làm giúp cho bà, mà bà lại còn có khả năng đi làm giúp cho người khác, dù đó là con bà.” Một trường hợp khác, chị X. cũng là Caretaker (người chăm sóc, giúp đỡ) cho người già, kể trường hợp một ông 80 tuổi, có vợ mới mất được hơn năm nay, ở chung nhà với một người con trai. Nhà chỉ có hai cha con mà chẳng khi nào thấy ông con nói chuyện với ông cha. Ông cha mặc dầu lớn tuổi nhưng vẫn còn khỏe để tự lo. Mỗi lần chị X. lại giúp việc nhà, ông thường tự làm gần xong hết, đôi khi lại còn pha sẵn một ly cà phê cho chị. Chị X. đặt vấn đề đó là công việc của chị, ông mà làm hết thì chị mất việc luôn! Ông cha 80 nầy mới tâm sự rằng thật ra ông cần người để nói chuyện qua lại cho đỡ buồn chán hơn là người giúp việc nhà, bởi vì nhà có hai cha con mà chẳng bao giờ nói chuyện với nhau. Vả lại, mỗi lần nói chuyện, người con thường áp đặt ông phải làm điều nầy điều nọ, nên ông thà làm thinh suốt ngày còn hơn. Mỗi ngày ở trong nhà riết chán quá, ông lại ra ngoài sân sau, nằm đếm máy bay hoặc ngắm sao trời cho hết thì giờ buồn chán…!!!

Còn nhiều, nhiều nữa; kể đến bao giờ cho hết những câu chuyện con cái làm buồn lòng cha mẹ. Chứ phải thời xưa thì người làm cha làm mẹ sẽ nói: 

Kệ nó, khi nào có gia đình, có vợ, có chồng, có con cái rồi chúng sẽ biết!” Rất tiếc, cha mẹ ngày nay không còn có thể nuôi hy vọng có ngày con cái hồi tỉnh để biết được công ơn trời biển của cha mẹ như thế nào, qua kinh nghiệm bản thân của chúng nữa.

Bởi vì, theo khuynh hướng chung của tuổi trẻ trên toàn thế giới nói chung, đa số không muốn lập gia đình vì sợ những quan hệ ràng buộc, phiền phức. Hoặc nói riêng như ở nước Nhật – một nước văn minh tiến bộ hàng đầu của Á châu – trong một cuộc thăm dò gần 40.000 người độ tuổi từ 20s đến 30s hồi năm 2013, đã có đến 33.5% (tức 1/3) trả lời “không muốn lập gia đình”. Cho đến nay, khuynh hướng nầy mỗi ngày một gia tăng. Giới trẻ không thích ràng buộc, không thích hy sinh cho ai khác.

Nghĩ cho cùng, bọn trẻ đôi khi cũng có lý! Tại sao phải cột mình vào hôn nhân, trong khi những người khác ở độ tuổi ba mấy, bốn mấy, năm mấy… đang dẫn nhau ra tòa ly dị, chia của, chia con… vô cùng phiền phức; chưa kể đến những vụ tai tiếng rùm beng về chuyện ngoại tình nầy nọ, tại sao không ở độc thân để muốn làm gì thì làm?!

Tóm lại, đã biết cuộc đời là quá buồn! Có con đi nữa thì cũng: … ngày vui có 1 mà ngày buồn đến 2,3! Không con cũng buồn; mà “nước mắt chảy xuống” chờ hoài không thấy đi ngược lên cũng buồn, chưa kể con bất hiếu còn buồn hơn!. Vậy sao không đồng ý ngay với khuynh hướng “sống độc thân suốt đời” không cần gia đình, cưới xin làm chi cho phiền phức! Cuộc đời thật phức tạp phải không quí vị! Có ai trong chúng ta đồng ý với chủ nghĩa sống độc thân suốt đời của tuổi trẻ hiện đại không? lợi hại ra sao?, xin mời cho ý kiến để mọi người cùng được chia sẻ hoặc tham khảo những lời hay ý đẹp trong một vấn đề có vẻ như “tiến thoái lưỡng nan” nầy.

         Phó Thường Dân

Banner