Mỗi Kỳ Một Chuyện
Người xưa và các câu chuyện dân gian thường hay kể lại rằng, nếu bản thân anh nhỏ bé, thấp lùn mà không biết tự lượng sức; muốn so bì với một đối tượng to lớn khổng lồ thì thế nào cũng chết, như truyện ngụ ngôn Con Ếch muốn thành Con Bò – con ếch cứ thế mà ễnh bụng trương phình đến nỗi vỡ toang bụng mà chết – để nhắc nhỡ những người không biết tự lượng sức mình. Tuy nhiên, có lẽ những bài học trong truyện ngụ ngôn chỉ đúng trong thời đại “dĩ nông vi bản” chứ qua đến thời “phi thương bất phú” rồi “kỹ thuật hóa, kỹ thuật số, digital..” như ngày nay thì có những trường hợp không còn áp dụng được nữa! Quả đúng vậy, chúng tôi đang muốn viết đến một đảo quốc bé tí ở miệt châu Á xa xôi như vậy mà lại có rất nhiều điều tiến bộ hơn cả những xứ bự như con bò khổng lồ: Nga, Tàu,… và ngay cả Mỹ quốc, – mới là ngộ!
Trong chuyến “đi cho biết đó biết đây” vừa qua, PTD không thấy uỗng phí thời gian chút nào khi có dịp thăm viếng và quan sát đảo quốc Singapore. Một quốc gia rất nhỏ, diện tích chỉ khoảng 720 km2, rộng hơn đảo Phú Quốc của
VN một chút (Phú Quốc gần 600km2), dân số cũng chỉ 5,6 triệu người, nhưng nay được xem như một trong những trung tâm vận chuyển, tài chánh, và thương mại lớn nhất thế giới. Bước ra khỏi phi trường quốc tế Changi Airport (điểm dừng trên trục lộ của một hệ thống trên 100 hãng máy bay nối Singapore với 300 thành phố lớn của khoảng 70 quốc gia và lãnh thổ trên toàn thế giới), đón taxi về khách sạn, du khách sẽ có dịp quan sát quang cảnh đường phố sạch sẽ, trật tự; hai bên đường là cây xanh và những tòa buildings cao ngất nối tiếp không ngừng. Đa phần tài xế taxi đều cao niên cở sáu bảy mươi nhưng đều có thể nói tiếng Anh với âm hưởng giọng của người Hoa nhưng cũng đủ để có thể giao dịch với du khách (có lẽ giới trẻ thích làm việc ở những môi trường kỹ thuật hóa nhiều hơn là nghề tài vế taxi truyền thống cũ kỷ nầy). Vào đến khu vực downtown thì ôi chao là những khu shopping centers sáng rực, cao ngất với các công ty hàng hiệu nổi danh khắp thế giới tranh đua hiện diện ở trong đó để giành thị phần với lượng du khách phong phú đến từ vùng châu Á và trên toàn thế giới. Theo số liệu của Wikipedia thì Singapore đã thu hút được một số luợng lớn sự đầu tư ngoại quốc nhờ địa thế, lực lượng lao động lành nghề, thuế thấp, hạ tầng cơ sở cao cấp, và … không cho phép nạn tham nhũng có cơ hội ngóc đầu lên! Cũng theo dữ liệu nầy, hiện có hơn 7.000 đại công ty đa quốc gia đến từ Hoa Kỳ, Nhật, và châu Âu tại Singapore. Ngoài ra, cũng có khoảng 1.500 công ty từ Trung Quốc, và một số lượng tương tự như vậy đến từ Ấn Độ – tất cả đang cùng nhau khai thác mọi khía cạnh của nền kinh tế nước nầy, và đồng thời cũng đang góp phần làm phong phú, thịnh vượng cho đảo quốc bé nhỏ nói trên, để hiện nay Singapore được xếp hạng thứ 14 về xuất cảng, và thứ 15 về nhập cảng nhiều nhất so với các nước khác trên toàn thế giới! Ngoài nhiều cái nhất thế giới, đảo nầy còn có khu vườn có tên Singapore Botanic Gardens (SBG) được chọn là di sản thiên nhiên quốc tế bởi tổ chức UNESCO. Hiện với hơn 4 triệu khách thăm viếng mỗi năm, SBG được liệt vào hạng vườn thực vật nhiều người xem nhất thế giới. Vào đó SBG phân chia nhiều khu vực rừng và cây cảnh để quan sát và thưởng thức. Đặc biệt nhất có “vườn lan quốc gia” gọi là National Orchid Garden với hơn 1.000 loại lan thuần chủng và 2.000 loại hoa lan lai giống, đủ màu đủ vẻ, tha hồ cho quí vị yêu lan thưởng lãm. Đặc biệt hơn nữa là giá vào cửa đối với người lớn là $5 nhưng với cao niên và trẻ em chỉ thu có $1 mà thôi, để các cụ có thể ngắm lan từ 8 giờ rưởi sáng đến 7 giờ tối luôn!
Điều gây ấn tượng cho chúng ta nhất là một đảo quốc tiến bộ kinh tế đáng kinh ngạc và được mệnh danh là một trong bốn con rồng châu Á cùng với Nam Hàn, Đài Loan, và Nhật – nhưng bầu không khí chính trị của nó lại như có vẻ lạc hậu, “thiếu” tính cách dân chủ, và có vẻ như là gia đình trị và độc đảng với 3 đời thủ tướng, trong đó thủ tướng đầu tiên là ông Lý Quang Diệu (cha), và thủ tướng hiện nay là ông Lý Hiển Long (con); khoảng giữa là ông Tống – một người vốn là một trong những bộ trưởng trong nội các của ông Diệu, cả ba đều thuộc có một đảng duy nhất là đảng People’s Action Party (PAP)! Trong khi ai cũng biết rằng đảo quốc nầy có một cơ chế chính trị dựa trên một hiến pháp đầy tính dân chủ với tam quyền phân lập và không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản. Nhưng thực tế, mỗi lần bầu cử, các thành viên đảng PAP nầy luôn đắc cử chiếm đa số tuyệt đối ghế trong quốc hội, cho nên gần như nội các cầm quyền không gặp sư chống đối nào từ quốc hội. Vì thế, đã có nhiều sự chỉ trích cho rằng Singapore là nước rất tiến bộ về kinh tế nhưng lại thiếu tính cách dân chủ về chính trị. Tuy nhiên, không ai có thể chối bỏ tài lãnh đạo vượt bậc của ông Lý Quang Diệu trong vai trò đưa một đảo quốc nhỏ bé như thế lên con đường “dân giàu nước mạnh” như hiện nay. Ông Lý thời thanh niên từng học qua đại học Cambridge và vợ ông (bà Kwa Geok Choo) cũng là luật sư tốt nghiệp cùng trường nầy với ông – và theo một số bài báo trích lời ông Lý Hiển Long thì mẹ ông là một người góp ý giải quyết và can dự vào hầu hết các vấn đề trong hoạt động lãnh đạo của cha ông, có đôi khi la rầy cha ông nữa (!) – đúng với câu “hào quang chung quanh một người đàn ông thành công thường bắt nguồn từ một bóng hồng ở phía sau”. Được biết hiện nay lợi tức đầu người của công dân Singapore cao thuộc hàng “top ten” trên thế giới, và lương của chức vụ thủ tướng nước nầy cao hạng nhất thế giới so với lương người đứng đầu chính phủ các nước khác với con số hơn $2,8 triệu đô-la một năm (trong khi lương đương nhiệm của tổng thống Mỹ Barack Obama có khoảng $400.000) và theo Blog của BS Nguyễn Xuân Quang trong bài viết về 10 điều tuyệt diệu của Singapore thì cứ 5-6 người dân Singapore lại có một người là triệu phú đô-la!.
Nếu những con số đó đa phần chính xác, với sự ổn định chính trị cao, vệ sinh môi trường hạng đầu thế giới, kinh tế phát triển, thu nhập đầu người cao, tỉ lệ tội phạm thấp, tệ nạn ma túy là zero, thì cuộc sống một cư dân ở Mỹ và một ở Singapore – chưa chắc ở đâu hơn ở đâu?!
Singapore đúng là một đảo quốc “Nhỏ mà không Nhỏ” tí nào!
Phó Thường Dân/TĐ